Đồng tay Mỹ

THÚY NGA 18/04/2011 22:04 GMT+7

TTCT - Lần đầu tiên tôi nghe cái tên ấy. Đồng tay Mỹ. Thoạt nghe chẳng hiểu gì, tiếng Việt chứ không phải tiếng Anh. Chẳng hiểu gì. Người nói phải giải thích ngay.

Đồng tay Mỹ là cánh đồng mang tên cánh tay Mỹ. Cánh tay của người Mỹ. Rồi, đã hiểu. Nhưng còn một điều nữa lại gây thắc mắc. Cánh đồng ấy đâu phải ở Mỹ. Nó ở trong một làng quê Việt Nam cơ mà.

Phóng to
Minh họa: Hoàng Tường

Ông bạn giáo sư người Mỹ sang Việt Nam lần đầu. Một ngày cuối tuần, tôi đưa ông đi lang thang qua mấy cái làng không xa Hà Nội. Ông đã nhìn thấy phố phường đô thị, bây giờ ông được nhìn thấy làng quê. Ông thuộc thế hệ chiến tranh Việt Nam nhưng không đi lính. Xuống đường biểu tình chống chiến tranh. Để tóc dài hippie như một cách nổi loạn phản kháng. Bị cảnh sát quật dùi cui vào lưng, bắt nhốt hai ngày trong đồn. Rồi anh hippie chạy sang Canada trốn lính.

Đấy, ký ức chiến tranh Việt Nam với ông là như thế. Mãi bây giờ ông mới đến Việt Nam. Không dính dáng gì đến chiến trận ở xứ này. Nhưng trong lòng vẫn còn chút ngần ngại. Có chút thủ thế. Nhỡ đâu cứ nghe đến người Mỹ, dân Việt Nam lại chẳng phát khùng lên, chẳng cần phân biệt Mỹ cựu binh hay là Mỹ trơn.

Chúng tôi rẽ vào một cái làng bất kỳ, thấy hay hay thì rẽ vào chứ không định trước. Xem người ta đang tát ao bắt cá. Ngày trước gầu sòng gầu dai tát nước ra khỏi ao. Bây giờ thì chỉ cần cái máy bơm, sùng sục một lúc là ao cạn tận đáy. Tôi giải thích cho ông giáo sư. Ký ức tát ao bắt cá ngày trước là nhờ có thời tôi đi sơ tán về nông thôn, tránh bom Mỹ ném xuống thành phố. Xong cái ao, chúng tôi đi tiếp vào làng, qua một cái đầm sen. Gió thơm lồng lộng. Ngồi bên đầm hương sen mênh mông mà trò chuyện thì nhất. Không trò chuyện, chỉ ngồi im ai nghĩ chuyện người ấy cũng nhất.

Chủ ngôi nhà ở gần đầm sen đi qua hỏi han đôi câu. Tôi giới thiệu đây là một anh bạn Mỹ. Mỹ à, Mỹ thì vào chơi. Ông chủ trạc ngoài năm mươi, tức là chiến tranh kết thúc khi ông khoảng mười tám tuổi, cái tuổi vẫn còn lưu giữ ký ức về những trận oanh tạc từ trên không của máy bay Mỹ. Ông mời hai chúng tôi ăn trưa, mang cả rượu ra uống tưng bừng. Vui chuyện ông bảo làng ông cũng có một cánh đồng gọi là đồng tay Mỹ. Nghe lạ nhỉ.

Chỉ cần đi qua đầm sen khoảng tám trăm mét là đến đồng tay Mỹ. Bây giờ là ruộng lúa. Ngày chiến tranh cũng là ruộng lúa. Máy bay Mỹ bị bắn rơi, một viên phi công nhảy dù xuống đấy. Hắn rơi xuống trong tình trạng cánh tay trái đã bị đứt lìa, chỉ còn lủng lẳng tí da bám vào. Dân quân và người làng đổ ra bắt sống giặc lái. Người ta sơ cứu trong điều kiện thiếu thuốc men rồi xe bộ đội đến đưa hắn đi ngay lên bệnh viện tỉnh.

Xe đi rồi, lúc ấy mới phát hiện một thứ mà ai nấy đều hoảng hồn. Cánh tay của tên lính Mỹ. Trong lúc cuống cuồng thu dọn trên cánh đồng, đề phòng máy bay Mỹ quay lại giải cứu phi công và bắn phá, người ta đã đánh rơi cánh tay đứt lìa của hắn.

Phản ứng tức thời là đem chôn cánh tay. Giống như chôn một người vừa chết. Nhưng có người chợt nhớ ra, nghe nói bên quân y có thể nối được tay chân gãy rời. Ông chủ nhà này lúc ấy vừa đi học về ngang qua. Chú bé có xe đạp để đi học trên trường huyện. Hai anh dân quân chạy ra chặn chú lại. Này cu, cho chúng tớ tạm thời trưng thu cái xe đạp. Họ gói ghém cánh tay tên lính Mỹ, quấn quanh một tấm nilông rồi cứ thế đạp xe hộc tốc lên bệnh viện tỉnh, cách đó hơn mười cây số.

Bữa ăn thật rôm rả. Câu chuyện về cánh đồng tay Mỹ bây giờ không còn ghê sợ mà như một kỷ niệm vui. Ông chủ nhà không biết về sau quân y có nối được cánh tay cho viên phi công Mỹ hay không. Nhưng cánh đồng mà hắn rơi xuống thì dân làng gọi là đồng tay Mỹ.

Buổi chiều, ông chủ nhà dẫn chúng tôi đi ra cánh đồng. Lúa đã vàng, sắp gặt. Không còn dấu tích gì của nơi lúa bị giẫm nát khi viên phi công rơi xuống.

Ông chủ bây giờ hành nghề một ông lang thuốc nam thuốc bắc. Chữa bệnh cho cả làng cả huyện, danh tiếng lan ra cả mấy tỉnh đồng bằng. Ông còn dùng kiến thức y học để lý giải tính cách người Việt mà tôi sẽ kể ở phần sau.

***

Đồng tay Mỹ, chỉ cần bước qua cái tựa khó hiểu và trúc trắc này bạn đọc sẽ đọc được một câu chuyện giản dị và trầm lắng. Những câu chuyện như là có thật. Chuyện lính Mỹ hôm qua và cựu binh Mỹ hôm nay, chuyện người Việt thời chiến rồi hậu chiến, chuyện nọ lan man sang chuyện kia, dắt díu nhau mà dồn đọng lại thành nỗi day trở nơi người đọc.

Sinh năm 1960, chiến tranh với Hồ Anh Thái sâu đậm nhất có lẽ vẫn là những ngày đội mũ rơm đi học. Chiến trường với ông, nhiều nhất cũng chỉ là nghe kể lại. Và ông vừa kể lại như thế, tự nhìn mình và thử nhìn từ phía bên kia. Đó cũng là một thế mạnh của Hồ Anh Thái. Vốn là một nhà ngoại giao, sau nhiều nhiệm kỳ làm chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, ông nhà văn tiêu biểu của thời hậu chiến vừa bất ngờ trở lại với nghề, đang làm tham tán - phó đại sứ của Đại sứ quán VN ở Iran.

Đồng tay Mỹ là truyện ngắn mới nhất ông gửi về cho TTCT từ đất nước Hồi giáo xa xôi ấy.

Ông giáo sư Mỹ cứ lấy làm lạ. Cả chuyến đi của ông từ Bắc vào Nam, gặp gỡ trí thức cũng nhiều, dân quê dân phố cũng nhiều, ai nghe nói Mỹ cũng cười tươi chuyện trò rôm rả. Ông hơi thất vọng vì suy đoán trước chuyến đi của ông nó khác cơ. Ít ra thì trong lòng người Việt cũng phải còn chút hận, với người Mỹ ấy mà. Ông thấy lạ.

Chính tôi nhiều khi cũng tự lấy làm lạ. Đám bạn bè người Pháp của tôi đi đến đâu cũng được người Việt vui tươi tiếp đón. Những người bạn Mỹ đi trên phố hay về làng quê cũng được hỏi han chuyện trò thân thiện. Người Pháp đô hộ Việt Nam gần một trăm năm, từ 1858 đến 1954. Rồi họ thua trận ở thung lũng Điện Biên Phủ, giữa rừng núi Tây Bắc.

Chỗ này thì ông giáo sư và tôi làm một phép so sánh. Thực dân Anh đến khai thác thuộc địa ở Ấn Độ, lúc ra đi để lại một nền dân chủ có bề dày thời gian. Để lại một hệ thống đường sắt lan rộng và hiệu quả. Để lại ngôn ngữ tiếng Anh phổ cập, người Ấn cứ vậy mà dễ dàng hòa nhập vào đời sống quốc tế. Nhưng mấy ông Pháp thì chỉ có bóc lột nhân công và khai thác đến kiệt quệ tài nguyên than đá, kim loại, cao su... rồi cứ thế mà đi. Còn mấy ông Mỹ thì chỉ để lại một thứ kiến trúc bêtông đơn điệu và tẻ nhạt trong các đô thị, để lại bom mìn đến giờ vẫn còn chưa gỡ hết trong các làng xóm, nhất là ở miền Trung.

Rồi cứ thế mà đi. Vậy mà họ dính líu vào Việt Nam những hai mươi mốt năm trời, từ 1954 đến 1975.

Vậy mà người Việt bây giờ vẫn vui vẻ hân hoan mỗi khi gặp một ông Tây ông Mỹ trên đường. Nói cho cùng, dấu tích Pháp vẫn còn đây đó trong những biệt thự kiến trúc kiểu Pháp ở những khu phố Tây ngày xưa, trong cái thói quen bình dân uống cà phê buổi sáng của người Việt. Dấu tích Mỹ vẫn còn đó trong tác phong thẳng thắn và cởi mở của cư dân một vùng đất mới. Có phải nhờ thế mà người Việt dễ quên? Quên ai là kẻ thù ngày trước? Quên thù hận và đau thương mà đám ngoại bang đã gây ra trên xứ sở mình?

Trong bữa rượu với ông lang bên cạnh đầm sen, chúng tôi cũng bàn tán chuyện này. Người thì bảo hay là vì người Việt có một tinh thần bao dung Phật giáo. Lấy oán trả oán thì oán còn, lấy ân trả oán thì oán hết. Dù gì Phật giáo cũng đã bắt rễ vào xứ này hai nghìn năm rồi.

Ông lang bảo đấy là tính thích nghi của người Việt. Thích nghi thì dễ sống. Chọn lọc tự nhiên mà. Vô tình hay vô thức, người ta thấm nhuần kiến thức y học. Oán thù ôm mãi trong lòng thì sinh ra bệnh tật. Hải Thượng Lãn Ông dạy: vui quá hại tâm, sợ quá hại thận, giận quá hại can, lo quá hại phế, nghĩ quá hại tì vị. Sân hận quá có khi lại nuôi bệnh tật, có mà ốm đau quặt quẹo, có mà chết. Các ông cứ nhìn xem, những người cay nghiệt riết róng, gặp cái gì cũng giở lý giở lẽ, phê bình người nọ, chê bai cái kia... dứt khoát là có bệnh nội tạng hiểm nghèo. Nó âm ỉ cắn rứt bên trong mà không tự biết. Khôn ngoan ra thì đi khám bệnh chữa bệnh cho sớm.

Người xứ này phần nhiều hồn nhiên. Một tinh thần thực dụng dễ thích nghi. Xua thù hận đi thì sống khỏe sống vui. Xua thù hận đi để tìm kiếm đầu tư, thu hút đối tác, cải thiện đời sống. Khó người khó ta. Dễ người cũng dễ ta.

***

Ông nhà văn là một người bạn khác của tôi. Thời chiến, ông đi lính sang Việt Nam mười tám tháng, và khi trở về Mỹ ông viết sách chống chiến tranh. Thế rồi cách đây dăm năm, một cựu binh Mỹ tìm đến nhà văn kể câu chuyện của mình. Gần bốn mươi năm trước, người ấy đã bắn chết một chiến sĩ của quân đội nhân dân Việt Nam trong một cuộc chạm trán bất ngờ. Anh ta mang cuốn sổ tay của người lính Việt về Mỹ, cất giữ từ bấy đến nay, bây giờ nhờ nhà văn mang sang Việt Nam trả lại.

Cuộc tìm kiếm gia đình người lính Việt Nam, sau đó là việc đi tìm hài cốt người lính Việt ở nơi chiến trường xưa đã được nhà văn kể lại trong cuốn sách mới nhất của ông. Đám bạn bè Việt chúng tôi cho rằng ông không nên trực tiếp gặp gia đình liệt sĩ. Ông có thể nhờ hội cựu chiến binh chuyển giúp.

Không ai có thể nói trước gia đình liệt sĩ sẽ phản ứng thế nào trước một người đến từ đất nước đã gây ra chiến tranh và giết chết con em mình. Kẻ sát nhân có thể khuất mắt đâu đó. Đằng này hắn ta sẽ hiện diện ngay trong nhà người bị giết. Mặc dù nhà văn chỉ là người đem trả giúp cuốn sổ, nhưng điều đó có thể gây tổn thương trầm trọng cho gia đình.

Đời sống thực có thể làm nên những chuyện lạ lùng. Và kỳ diệu. Nhà văn mang cuốn sổ tìm về quê hương của người đã chết, trả lại cho gia đình. Ba năm sau, ông thu xếp cho người cựu binh Mỹ kia trực tiếp đến. Gia đình người đã hi sinh cho phép kẻ giết con em mình đến. Sau đó lại cho phép đi cùng gia đình lên Tây nguyên tìm mộ liệt sĩ và đưa hài cốt anh về quê.

Khi hai người Mỹ đến làng, dân làng đội khăn tang, đổ ra khóc như làm tang cho một người vừa mới chết hôm qua. Người vợ của liệt sĩ, bây giờ đã đi bước nữa, cũng trở về chịu tang. Anh cưới chị mới được có bốn ngày thì lên đường chiến đấu, rồi không bao giờ trở về nữa.

Gia đình liệt sĩ không hài lòng với người vợ của anh. Đến giờ họ vẫn còn lạnh lẽo với chị. Dạo anh mới nhập ngũ, có lần đơn vị anh đóng không xa. Gia đình gợi ý chị lên thăm chồng, hi vọng chuyến ấy chị sẽ có thai. Đã thúc giục hẳn hoi. Nếu hồi ấy chị đi thăm chồng thì biết đâu bây giờ giọt máu của anh vẫn còn lại với gia đình.

Nhà văn Mỹ có hỏi chuyện chị, bây giờ đã là một người đàn bà hơn sáu mươi tuổi. Lúc cưới nhau, cả hai anh chị mới mười tám. Mới hẹn hò nhau vài ba lần, mới chỉ dám hôn nhau mỗi một lần phía sau cái miếu thành hoàng làng mà đã có người nhìn thấy. Tin đồn lan khắp làng là đôi ấy thế nào cũng phải lấy nhau. Một đồn mười, mười đồn trăm thế nào mà ra chuyện hai anh chị đã ăn cơm trước kẻng, đã hủ hóa với nhau rồi. Thành ra cưới cho anh lên đường nhập ngũ mà như là cưới chạy.

Mấy tháng sau nghe tin đơn vị anh chuyển về đồng bằng. Một chị bạn cùng làng lên đấy thăm chồng về kể chuyện rộn ràng cả lên. Chị ấy một mình đạp xe tám chục cây số lên thăm chồng. Đơn vị có khu nhà tạm dành cho khách hẳn hoi. Khách nào đâu, toàn là vợ lính. Hầu hết toàn chị sồn sồn cưng cứng cả rồi. Mỗi cặp được phân cho một buồng. Buổi tối, chồng ra đấy gặp vợ mà tranh thủ. Tranh thủ. Ngôn ngữ lính thời chiến đấy. Có cả chú lính chưa tròn mười tám, lần đầu hoảng cả lên, nửa đêm phải chạy sang đập cửa nhờ đồng đội chỉ vẽ. Đồng đội ở phòng bên cạnh thì đã có hai con, gái cả, lần này hi vọng vợ lên sẽ có thằng cu.

Nghe chị bạn tả mà khiếp. Cả một dãy nhà khách suốt đêm giường chiếu cứ cót két cọt kẹt râm ran. Mình mà lên đấy, nữ thanh niên mười tám tuổi, nhìn mặt là người ta đã biết lên để xin con. Thì con chồng mình chứ con ai, nhưng thanh niên thời đại mới xã hội chủ nghĩa, nó vẫn cứ thế nào. Chị tự bảo thôi, để hôm nào đấy anh ấy về nghỉ sẽ tranh thủ. Tranh thủ. Lúc ấy thì tha hồ mà con.

Nhưng anh không có dịp nào tranh thủ. Anh đi luôn. Gia đình anh bốn chục năm qua vẫn như là hờn trách chị.

Nhà văn Mỹ sau đó có nói lại chuyện của chị với mấy anh chị em của người liệt sĩ. Bữa giỗ cải táng hài cốt liệt sĩ trở thành bữa cơm hòa giải. Nghĩ mà thương lắm chị dâu, một anh đọc câu thơ (*). Mấy anh em gọi, chị dâu ơi, đàn bà không uống rượu, nhưng chị lên đây nhấp với linh hồn anh, nhấp với chúng em một chút. Chén cay chén đắng chén ngọt chén bùi.

Chuyện thế là có hậu. Nhưng về sau ông nhà văn vẫn đôi lúc băn khoăn tự hỏi. Tại sao? Gia đình liệt sĩ đã có thể bỏ qua hận thù, tha thứ cho người lính Mỹ đã bắn chết con em họ. Vậy mà tại sao mấy thập kỷ họ không thể xua đi sự lạnh lẽo với người vợ của anh?

Nhiều khi giữa đồng bào với nhau lại không hề dễ dàng như dàn xếp với bên ngoài. Có hai ông người Việt định cư ở Mỹ đã lâu, nhất định không nhìn mặt nhau, ác cái họ đều là bạn tốt của nhà văn Mỹ, phải nhờ đến ông Mỹ làm trung gian. Cái sự không dễ với nhau ấy có phải là một trong những điều dai dẳng nhất mà đám ngoại bang đã để lại ở nơi chiến trường xưa.

__________

(*) Nghĩ mà thương lắm chị dâu/ Chiều mưa, gạo hết, mẹ đau cuối giường (thơ Vương Trọng, trong bài Chị dâu)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận