Làm phim cũng giống như... đấu World Cup

CÁT KHUÊ (THỰC HIỆN) 25/06/2014 02:06 GMT+7

TTCT - Với phim ảnh, Nguyễn Quang Huy còn là một cái tên khá xa lạ. Trò chuyện với Huy, biết thêm rằng Huy gần như không biết gì về giới làm phim Việt. Nhưng với làng nhạc, Huy nổi tiếng là một ông bầu khá mát tay.

Đạo diễn Nguyễn Quang Huy

Thần tượng ra rạp trùng lịch với Tèo Em nên gần như bị đè bẹp ở phòng vé. Tuy vậy, phim lại không lỗ bởi Thần tượng đã làm được điều đáng ngạc nhiên: đó là càng chiếu càng thêm suất và chiếu lai rai đến tận tháng 4 vừa qua. Trong lúc đó, Nguyễn Quang Huy đã chuẩn bị xong để ngay lập tức đưa phim thứ hai vào vị trí xuất phát, đích đến là mùa Noel năm nay.

TTCT trò chuyện với Huy chỉ một ngày trước khi Huy bị cuốn vào phim mới, từ bỏ luôn cả đam mê rất lớn của chính anh là bóng đá, khi World Cup vừa bắt đầu.

Thích sướng thì qua bên đó mà làm phim

* Mất rất nhiều năm để bắt đầu bộ phim đầu tiên, nhưng chỉ mất một năm để cho bộ phim thứ hai. Hai khoảng thời gian này nói lên điều gì? Rằng những dè dặt cẩn trọng đã ở phía sau lưng?

- Đúng vậy, sau khi trải nghiệm với Thần tượng thì tôi thu hoạch được rất nhiều. Những điều tôi tự tin mình và êkip có thể làm tốt thì kết quả tốt hơn chúng tôi mong đợi, những điều chúng tôi chưa biết trước khi làm thì bây giờ đã rút ra được nhiều bài học.

Trước đây, trước những câu hỏi như “kỳ vọng kết quả gì?” hay “có sợ thất bại không?” thì thú thật là tôi không thể trả lời được vì tôi chưa từng có một trải nghiệm thành công hay thất bại với điện ảnh để có thể mong hay sợ điều gì. Bây giờ tôi tự tin rằng mình đã có thể tạo nên một êkip. Mình đã có thể tổ chức một đoàn phim như tôi vẫn từng ấp ủ trước đây nhưng chưa thể làm vì tôi muốn học trên trải nghiệm thực tế trước.

Sự tự tin đó đã giúp tôi đặt mục tiêu cụ thể hơn cho Chàng trai năm ấy...

* Nhiều người tiếc cho Thần tượng lẽ ra có thể “thắng” lớn hơn nếu có một nhà phát hành lớn hơn...

- Trong một giải đấu bóng đá thì đội xuất sắc nhất chưa chắc đã đoạt cúp, điều đó là một trong nhiều yếu tố tạo nên cảm xúc làm cho bóng đá trở thành môn thể thao vua. Nếu đội bóng đó đã làm hết sức mình và cống hiến những trận cầu đẹp mắt, họ có quyền rời sân trong tư thế ngẩng cao đầu.

Với Thần tượng, tôi muốn dành sự biết ơn đến đối tác phát hành, những đối tác đầu tư, cùng toàn bộ diễn viên và êkip đoàn phim đã chấp nhận mạo hiểm cùng một kẻ tay ngang như tôi. Còn cá nhân tôi không có điều gì hối tiếc hay than phiền vì tôi đã được rất nhiều từ Thần tượng.

* Vậy kinh nghiệm của một nhà làm phim giờ đã là chuyên nghiệp cho Huy cái nhìn ra sao với thị trường phim ảnh ở VN hiện tại? Theo Huy, khâu nào còn nhiều... ác mộng nhất?

- Chị đừng hỏi tôi về ác mộng! Tôi luôn muốn bản thân mình có cách nhìn tích cực, và sự thật là điện ảnh Việt đang có nhiều tín hiệu rất lạc quan. Tuy còn những khó khăn ở hoàn cảnh khách quan như phần lớn nhân sự trong đoàn phim gần như không có những kỹ năng mềm có thể giúp họ quản trị tốt thời gian, hiệu quả công việc, quản trị rủi ro... mà đa số là dựa vào kinh nghiệm, cảm tính.

Điều này dĩ nhiên gây tổn hại rất nhiều thời gian, sức người, tài chính... nhưng cá nhân tôi cảm thấy môi trường đầu tư điện ảnh ở VN rất tiềm năng. Ngày càng nhiều rạp mới, ngày càng nhiều nhân lực trẻ được học hành bài bản từ nước ngoài về, khán giả dần quay lưng với phim hài nhảm thảm họa, cơ cấu dân số trẻ cao, nhu cầu xem phim dần được hình thành trở nên một thói quen và văn hóa giải trí.

Người ta thường hay than làm phim ở VN không sướng bằng ở Hollywood, ở Hàn Quốc này nọ. Tôi thì nghĩ nếu mình muốn làm phim sướng như bên đó thì mình cứ xách ba lôlên và... đi qua đó làm phim đi! Còn riêng tôi thì tôi cứ mong mình được làm phim ở VN thôi.

Tôi sẽ bảo vệ diễn viên của mình

* Sự khác nhau giữa việc là một ông bầu ca nhạc với một đạo diễn phim? Căn bản là gì?

- Làm bầu ca nhạc giống thi đấu vòng tròn, còn làm phim thì như đấu World Cup. Có nghĩa là cơ hội sửa sai của ca nhạc cao hơn nếu tôi mắc một sai lầm nào đó. Còn làm phim thì tôi có cảm giác nếu mắc một sai lầm tồi tệ nào đó thì cơ hội sửa sai thấp hơn nhiều và mỗi vòng đều có thể là trận chung kết.

* Những kinh nghiệm của “10 năm làm nhạc” có đem ra dùng được cho phim không?

- Ai thì tôi không biết, còn tôi thì chắc chắn là dùng được nhiều do trong thời gian làm bên âm nhạc tôi luôn chủ động cho các dự án của mình được thử nghiệm vận hành như một đoàn phim nhỏ.

* Trong cuộc họp báo ra mắt đoàn phim Chàng trai năm ấy, Huy đã lớn tiếng “cảnh cáo” các nhà báo rằng phải thương bộ phim, không được tấn công diễn viên của Huy về những chuyện ngoài lề. Vậy là Huy ông bầu và Huy đạo diễn không phải là hai con người như người ta từng tưởng?

- Đó là trường hợp một phóng viên hỏi một câu mang tính tấn công cá nhân Sơn Tùng M-TP, xen ngang câu hỏi của các nhà báo khác về chuyên môn của dự án. Tôi lớn tiếng như thế là khi tôi thay mặt Sơn Tùng từ chối trả lời những câu hỏi như vậy.

Tôi không giải thích được tôi là hai hay một con người, nhưng tôi tin dù làm bầu ca nhạc hay làm đạo diễn thì cũng đều có một cái đạo, đó là đạo làm thầy. Nghĩa là tôi muốn thương yêu và bảo vệ ca sĩ, diễn viên của mình. Nếu cảm thấy có rủi ro đe dọa họ, tôi nghĩ mình có trách nhiệm hứng chịu bởi vì họ luôn là những tâm hồn nhạy cảm nhất, dễ bị tổn thương nhất. Bảo vệ tâm hồn họ chính là bảo vệ tác phẩm của cả êkip.

* Huy chọn cách hợp tác ra sao với êkip làm phim? Bài học nào đã rút ra sau Thần tượng và kinh nghiệm nào đã có để yên tâm đi tiếp?

- Tôi chỉ có một cách thôi: dùng người phải tin, không tin thì không dùng. Tôi tin tưởng và tôn trọng cả êkip. Khi tôi cảm thấy thiếu niềm tin hay thiếu tôn trọng ai đó, tôi sẽ nhẹ nhàng ngừng hợp tác.

Bài học tôi rút ra được chính là bài học nhân sự, tôi thấy giới phim ảnh nước mình vẫn còn thói quen tuyển người theo quan hệ, gửi gắm, mà những người đi làm nhờ quan hệ, không có chuyên môn thì làm sao có niềm vui khi làm việc khi cứ làm sai rồi bị khiển trách hằng ngày mà không thăng tiến được, dùng họ là vừa làm khó mình vừa làm khó họ.

Nguyễn Quang Huy (phải) chỉ đạo diễn xuất trong phim Thần tượng - Ảnh: Wepro cung cấp

Tôi làm phim bằng bộ óc “dual core”

* Người ta bảo bộ phim thứ nhất là... hên xui. Bộ phim thứ hai sẽ quyết định bạn có phải là một nhà làm phim chuyên nghiệp không. Nếu có thì áp lực cho Huy với bộ phim thứ hai là gì?

- Tôi không để vào đầu những áp lực tiêu cực như phải làm phim để có giải thưởng như phim trước, hay áp lực về doanh thu... bởi vì đó là câu chuyện của cả êkip. Tôi chỉ có áp lực tích cực thôi, hiện nay tôi rất phấn khích với suy nghĩ cùng dàn diễn viên của mình chứng minh họ không được lựa chọn bởi quan hệ, bởi tên tuổi, xìcăngđan hay nhan sắc.

* Nghe nói có lần tình cờ chạm mặt trong tiệm cà phê, đạo diễn của bộ phim ăn khách đã “đè bẹp” Thần tượng ngoài phòng vé có vỗ vai Huy bảo: Lần sau làm phim thì ra rạp né phim anh nghe? Cảm giác của Huy lúc nghe câu (có thể) là đùa ấy?

- Ồ, đó không phải là đạo diễn nói mà một ai đó đi cùng. Tôi không để vào đầu mình việc này, nếu không nhắc đến thì tôi đã quên. Tôi nghĩ đơn giản rằng sự nghiệp làm phim của Wepro (công ty làm nhạc, làm phim của Nguyễn Quang Huy - CK) và tôi mới chỉ ở hồi một mà bộ phim nào cũng có đến ba hồi. Tôi vẫn còn nhiều thời gian và không vội vã lắm.

* Huy thân với ai trong làng phim Việt? Huy thích ai và nghĩ rằng mình học hỏi nhiều ở ai?

- Tôi chưa được thân với ai do thời gian trong giới làm phim của tôi vẫn còn có thể gọi là sơ sinh. Tôi học nhiều nhất là ở mẹ. Ở mẹ, tôi học được nhiều kiến thức rộng hơn là điện ảnh. Bạn bè thì tôi rất thích trò chuyện và tranh luận với đạo diễn Phanxine, tôi cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm khi làm việc với Hứa Vĩ Văn, Hoàng Thùy Linh, Jenni Trang Lê (phó đạo diễn của tôi trong phim Thần tượng).

* Huy có sợ kiểm duyệt phim ở VN không? Điện ảnh đang ở trong một công cuộc chấn hưng mà Nhà nước thậm chí dự định đầu tư rất nhiều tiền. Huy nghĩ rằng điều đó có là cần thiết?

- Tôi nghĩ phim tôi ít có yếu tố nhạy cảm, phản cảm mà luôn có thông điệp tích cực nên tôi khá tự tin. Ngoài ra, tôi cảm nhận là nhà quản lý đang có cách nhìn thoáng hơn trước đây rất nhiều, tôi nghĩ tương lai điện ảnh Việt rất lạc quan. Việc Nhà nước đầu tư nhiều tiền thì theo kinh nghiệm kinh doanh của tôi là rất xứng đáng nếu đầu tư chính xác vào con người, những con người thật sự có năng lực.

* Huy có tin rằng ngoài đam mê, điện ảnh sẽ nuôi sống được Huy? Vì có rất nhiều người làm phim đã phá sản đấy!

- Tôi tin chứ. Tôi tiếp cận với điện ảnh bằng bộ óc “dual core” (bộ xử lý lõi kép - CK): một bên thì tôi tích lũy kỹ năng làm phim, bên còn lại tôi phải nghĩ đến hiệu quả đầu tư do tôi phải chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh của Wepro. Có hai thứ tôi không bao giờ làm điều gì tổn hại, đó là gia đình tôi và Wepro.

Ngày 15-6, Chàng trai năm ấy - bộ phim thứ hai của Nguyễn Quang Huy - đạo diễn vừa lập kỷ lục khi phim đầu tay Thần tượng đoạt sáu giải Cánh diều, đã khai máy. Lấy cảm hứng từ cuốn tự truyện của chàng ca sĩ bạc mệnh Wanbi Tuấn Anh, Chàng trai năm ấy quy tụ hầu hết gương mặt đã quen thuộc ở Thần tượng, nhưng lại có thêm một gương mặt chính mới: Sơn Tùng M-TP - ca sĩ vừa bị truyền thông cáo buộc bởi những bài hát được cho là đã lấy beat của nhiều người khác.

Trong cuộc họp báo ra mắt đoàn phim sáng 12-6, Nguyễn Quang Huy đã làm khá nhiều người bất ngờ...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận