Chân - giả chuyện thăm viếng

TRẦN HOÀNG VY 23/02/2012 21:02 GMT+7

TTCT - Người xưa chẳng phải ngẫu nhiên mà có câu: “Bần cư tại thị vô nhân vấn/ Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”, thôi thì cứ nôm na mà hiểu rằng: phàm là người nghèo thì có ở ngay giữa chợ vẫn chẳng ai hỏi tới, nhưng người giàu sang thì dù ở tận chốn núi rừng vẫn có người tìm.

Có lẽ đó cũng là cái thói đời mà Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hạ bút than: “Còn tiền, còn bạc, còn đệ tử - Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi” (Thói đời 1). Sau, ông còn cho thành một tổng kết hình ảnh: “Thớt có tanh tao ruồi mới đậu - Ang không mật mỡ kiến bò chi” (Thói đời 2).

Phóng to
Minh họa: Lê Thiết Cương

Vậy nên mới có mối dằn vặt rất chung rằng trong đời sống hằng ngày, đặc biệt là các dịp hiếu hỉ, lễ, tết… người ta đến với nhau bằng gì? Bằng tình cảm chân thành, bằng lễ nghĩa hay chỉ đơn giản để dựa dẫm, cậy nhờ, thậm chí để… ban ơn?

Trước nói chuyện xưa. Vua vi hành xuống thăm dân, trước là để thân dân, sau xem dân tình thế thái sinh hoạt ra sao? Ghé vào nhà nào thì nhà ấy được ơn “mưa móc”, lấy làm tự hào và vinh dự. Nhưng cũng có người cho rằng vi hành như vậy vua mới là người được tiếng thương dân và gần dân. Còn dân đen thì trước đó và sau đó vẫn vậy, cái danh “được mưa móc” cũng chẳng mang thêm tí no ấm nào. Ngẫm xem, có đúng vậy không?

Hay chuyện Lưu Bị “tam cố thảo lư” cố mời cho được Khổng Minh Gia Cát Lượng ra giúp mình. Có người bàn rằng Khổng Minh như vậy là “làm cao”, lẽ ra phải “mang ơn” Lưu Bị. Nhưng cổ nhân cũng bàn luận là Lưu Bị được tiếng “cầu hiền”, trọng thị nhân tài, còn Khổng Minh vị tất phải “mang ơn” Lưu Bị.

Nói chuyện nay, việc các vị chức sắc đến thăm nơi nào thì nơi ấy cờ hoa, băngrôn, biển chào... rợp đỏ, bộ máy hành chính văn phòng cấp dưới bận rộn bở hơi tai để chuẩn bị chào đón trước đó vài ngày, lắm khi đi tong cả mấy ngày tết sum họp gia đình. Ghé thăm dân, dân lại phát biểu “biết ơn, vinh dự, tự hào”. Nếu có quà tặng đề tên vị quan chức ấy cũng khó chắc quà ấy là tiền túi quan bỏ ra hay một khoản công quỹ nào đó được “vận dụng”. Cả năm, thần dân, hiền sĩ… bỗng có một ngày được nhớ đến rình rang.

Nên cũng thấy trong chuyện nay, ngày thường, bạn nghèo tới nhờ cậy bạn giàu, học trò mong thầy quan tâm nâng đỡ thêm điểm, cấp dưới mong cấp trên chiếu cố đề bạt… cũng nhiều, thăm viếng khi ấy trở thành mục đích mưu cầu tài lộc, danh lợi. Không “có việc” thì không đến thăm nhau. Thành thử, bạn bè thăm nhau, học trò thăm thầy, cấp dưới “tình thương mến thương” với cấp trên, mấy ai thoát được cái lấn cấn: làm thế nào để tỏ lòng thành nếu thật sự là mình chẳng hề “có việc” và khiến người ta tin vào lòng thành ấy?

Chỉ là một sự thăm viếng chân tình, như thể các ông bà bạn già về hưu đến thăm nhau, việc đầu tiên là thăm hỏi sức khỏe lẫn nhau, uống với nhau chén trà, ly rượu, rồi khoe hay phàn nàn chuyện con cháu, gia cảnh, giải tỏa bớt nỗi cô đơn hay ẩn ức trong lòng với người có thể thấu hiểu và chia sẻ với họ. Thăm viếng lúc ấy cốt để bù đắp tình cảm.

Muốn hồn nhiên chân thành mà thăm viếng nhau kể cũng không dễ. Nhưng chẳng phải trước hết vẫn cứ cần hồn nhiên, chân thành đi đã, chân hay giả, tiễn nhau là thấy ngay thôi mà!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận