"Nhận diện quân cờ và người chơi"

PHAN XUÂN LOAN THỰC HIỆN 20/02/2014 04:02 GMT+7

TTCT - Nhân dịp về Việt Nam ăn Tết Giáp Ngọ 2014, giáo sư sử học Nga Vladimir Kolotov (Đại học Saint Petersburg) đã dành cho TTCT cuộc trò chuyện về nước Nga, Olympic Sochi và tình hình Ukraine.

Giáo sư Vladimir Kolotov - Ảnh nhân vật cung cấp

Hai ngày sau khi đưa tin “tôi mở cửa phòng khách sạn Sochi thì tay nắm cửa nằm trong tay tôi”, nhà báo Mỹ Barry Petchesky đã xin lỗi rằng ảnh này không chụp ở Sochi

Phân chia lại lĩnh vực ảnh hưởng

* Nước Nga đã trải qua một năm khá thuận lợi về kinh tế nhưng chưa hết sóng gió khủng bố, khi liên tục hai vụ đánh bom nổ ra cuối năm 2013 ở Volgograd. Cho đến nay đã có thông tin gì mới và mục tiêu thật sự của những vụ khủng bố này là đâu, thưa ông?

- Trên thực tế có tới ba vụ khủng bố ở Volgograd. Một vụ nổ xe buýt vào ngày 21-10 và hai vụ sau vào ngày 29-12 tại nhà ga Volgograd và ngày 30-12 trên ôtô điện. Một số tội phạm chết ngay trong vụ đánh bom, số khác đã bị lực lượng an ninh Nga tiêu diệt vài ngày sau đó ở Cộng hòa Daghestan. Những vụ khủng bố này không đe dọa được người Nga và không ảnh hưởng đáng kể đến ổn định chính trị ở nước Nga.

Ai tài trợ cho hoạt động khủng bố và mục đích họ là gì? Tất nhiên những kẻ “tử vì đạo” thực hiện các vụ tấn công chỉ là những kẻ lãnh đạn, như lãnh đạo Chechnya, ông Ramzan Kadyrov đã nói: “Nhà tuyển mộ chiêu dụ những người chậm phát triển trí tuệ, làm việc với họ trong một thời gian dài, phỉnh phờ họ bằng những hứa hẹn thiên đường sau trần thế, sau đó để họ như thây ma tự nổ tung, sát hại chính mình và người khác”.

Những người này không có vai trò quyết định và uy tín trong giới tội phạm và ly khai. Hiện tại tôi không phủ nhận rằng nguy cơ khủng bố ở Nga vẫn còn, mức độ tương đối cao, lý do chính là đã có động lực tư tưởng tôn giáo cực đoan. Để chiến thắng một cuộc chiến tranh tâm lý luôn phải nhớ: trong cuộc chiến tư tưởng, chỉ có tư tưởng mới có thể chiến thắng. Đây là điều giới chức trách Nga cần lưu ý.

Còn ai ra quyết định và tài trợ? Muốn trả lời câu hỏi này cần nhớ là đang diễn ra quá trình phân chia lại lĩnh vực ảnh hưởng và cân bằng lực lượng giữa các cường quốc, mà một trong những điểm nóng là Syria và Ukraine. Trên lục địa Âu - Á đang có hai khối: Cộng đồng châu Âu và Liên minh thuế quan. Cả hai khối này đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình.

Còn ở Syria, sự ủng hộ của Nga đã giúp chính quyền Syria có thể chống lại áp lực ngoại giao của phương Tây và cuộc xâm lược của các lực lượng khủng bố quốc tế. Lập trường dứt khoát và rõ ràng của Nga dĩ nhiên không khỏi làm các đối thủ khó chịu.

Ở Nga, có ý kiến cho rằng những vụ khủng bố vừa rồi là nhằm “cảnh báo” dư luận Urkaine, rằng Nga không phải là đối tác mà họ nên ủng hộ, rằng Nga không ổn định và thỉnh thoảng vẫn là nạn nhân khủng bố...

* Nếu mục tiêu các cuộc khủng bố là phá hoại uy tín Nga thì những than phiền của các vận động viên về công tác tổ chức tại Sochi trong Thế vận hội mùa đông cũng có “sức công phá” không kém! Thực hư câu chuyện này thế nào, thưa ông?

- Trong điều kiện có mâu thuẫn địa chính trị, các bên liên quan nhiều khi sử dụng mọi sự cố để thao túng, bắt nạt làm sụt giảm uy tín đối phương, “làm chứng” cho đen thành trắng và ngược lại. Đó là nguyên tắc cơ bản của tâm lý chiến và hoàn toàn không mới.

Thế vận hội 1980 ở Matxcơva cũng từng được sử dụng như một cơ hội để chống lại Liên Xô về mặt thông tin. Mỹ còn cấm vận không gửi vận động viên tham dự. Năm 2008, đúng vào ngày bắt đầu Olympic ở Trung Quốc, quân đội Gruzia bắt đầu cuộc chiến tại Nam Ossetia và các phương tiện truyền thông phương Tây khi đó đưa tin về “cuộc xâm lược Nga chống nền dân chủ trẻ tuổi Gruzia”, mặc dù biết rõ là không chính xác.

Chỉ nửa năm sau đó họ mới công nhận lực lượng vũ trang Gruzia mới là phía nổ súng đầu tiên, bắn vào lưng binh sĩ gìn giữ hòa bình Nga khiến quân Nga phải tự vệ. (Chắc các bạn chưa quên khi đó BBC từng quay trực tiếp cảnh tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili trong tình trạng suy nghĩ căng thẳng đến... nhai cả cà vạt!).

Hiện nay tình hình cũng phức tạp và việc chỉ trích Olympic Sochi là lẽ tất nhiên. Ông Vladimir Yakunin (chủ tịch Tập đoàn Đường sắt Nga, một trong những nhà đầu tư cho Sochi 2014 - TTCT) đã khẳng định các phóng sự của các nhà báo phương Tây về công tác chuẩn bị cho Olympic 2014 của Nga là “một cuộc chiến thông tin được tổ chức tốt”.

Khi Thế vận hội bắt đầu, tôi đã ở Việt Nam nên không chứng kiến được, nhưng tôi cho rằng khi thực hiện một dự án lớn, quy mô như thế thì không thể nào tránh được những sơ sót hoặc khuyết điểm.

Nhưng nếu “vấn đề” chỉ ở mức độ trục trặc trong việc chuyển yaourt Mỹ tới các vận động viên Mỹ (1), hay điều kiện ăn ở tại một số nơi chưa hoàn hảo, có phòng “chưa xong sàn nhưng đã có ảnh Putin”, và ngọn đuốc Olympic bị tắt 44 lần như một nhà báo cất công đếm (2)... thì tôi cho rằng Olympic Sochi đã là một thành công!

Tôi muốn cảnh báo là rất nhiều thông tin trên báo phương Tây sai, bịa đặt đến nỗi cư dân mạng Nga đã làm hẳn một trang web đối chứng http://gossipsochi.ru/ hoặc gossipsochi.com. Họ chỉ ra tin nói nước máy ở Sochi bẩn, xác chó chết chất đống, nhà vệ sinh chỉ có một nửa và đủ loại tin bôi nhọ hình ảnh Sochi... là từ đâu ra.

Thật ra đây là ảnh năm 2012, minh họa cho một bài báo về chất lượng nước yếu kém trên tờ Vidomosti của Ukraine

Bi hài kịch mới

* Ông vừa nói rằng trên lục địa Á - Âu đang diễn ra cuộc cạnh tranh căng thẳng giữa hai khối: EU của phương Tây và Liên minh thuế quan do Nga chủ xướng. Báo chí cũng đã đưa các cáo buộc lẫn nhau của Nga và phương Tây về việc gây sức ép lên Ukraine trong vấn đề gia nhập EU. Tương quan “sức ép” đang như thế nào?

- Lý do chính của sự bất ổn về chính trị trong các nước vừa và nhỏ là sự đối đầu giữa các chủ thể chính trị. Người Việt có câu “Đục nước béo cò”. Khi những “con cò” thực hiện chính sách của mình sẽ gây nổi loạn trong vùng dọc theo vòng cung bất ổn Âu - Á, nơi căng thẳng địa chính trị cao nhất.

Có thể thấy hoạt động của các bên đối đầu trên chính trường Ukraine như một bi hài kịch. Tôi còn nhớ clip nhà báo Đức đưa lên mạng (3), khi em trai của võ sĩ đối lập Vitaly Klitschko là Vladimir Klitschko đề nghị các binh sĩ đặc nhiệm Ukraine giả vờ tấn công (phe biểu tình) và bảo đảm là người biểu tình sẽ không ném bom xăng vào hàng ngũ của họ.

Hay khi Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin nghe được là các nhà ngoại giao phương Tây có cuộc gặp với các đại diện phe đối lập Ukraine, trong đó có võ sĩ quyền anh Vitaly Klitschko và ca sĩ Ruslana, ông Dmitry Rogozin đã mỉa mai “nên mời thêm nghệ sĩ Verka Serduchka” (là diễn viên hài Ukraine chuyên đóng giả phụ nữ).

* Nhà báo Ukraine Sergei Leshchenko viết trên Foreign Policy ngày 5-2 rằng các nhà tài phiệt Ukraine đang điều khiển chính trường Ukraine, và họ đang chuyển từ ủng hộ Tổng thống Yanukovich sang thái độ thực dụng hơn với phe đối lập. Ông nghĩ sao?

- Quan niệm như vậy rất ngây thơ. Thứ nhất, tôi cho rằng ở Ukraine không có tài phiệt, mà chỉ có giới mại bản với tài sản và tài khoản giấu ở phương Tây. Đây là sự giàu có bất hợp pháp có thể bị tịch thu bất cứ lúc nào nếu họ dám làm những điều phương Tây không thích. Đồng thời ở Ukraine không có giới chính trị độc lập.

Suốt thời kỳ “độc lập” vừa qua, họ đã mất hết di sản Liên Xô để lại (như nền công nghiệp) và thất bại trong việc xây dựng chế độ mới. Hiện Ukraine đang trong tình trạng trước khi vỡ nợ. Khi mà các chính khách không thể dựa vào nội lực, tài chính trong nước, họ sẽ bị lợi dụng và đóng vai trò bù nhìn.

Vụ xìcăngđan mới đây về phát biểu khiếm nhã của trợ lý ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland càng làm lộ rõ sự can thiệp của Mỹ vào Ukraine mà theo cố vấn tổng thống Nga Sergey Glaziev, Mỹ phải tiêu đến 20 triệu USD/tuần ủng hộ phe biểu tình Kiev. Trong bài chị nói, tác giả có viết Tổng thống Yanukovich và các nhà tài phiệt cũng bị tổn thương bởi sức ép bên ngoài.

“Các nguồn tin Mỹ cho rằng các ngân hàng, lo âu trước những diễn biến mới đây, đã khước từ gia hạn các khoản vay cho các nhà tài phiệt Ukraine. Có tin nói rằng những lo ngại tương tự đã khiến các ngân hàng Thụy Sĩ thuyết phục Akhmetov (người giàu nhất Ukraine với tài sản ước tính 15,4 tỉ USD, xếp thứ 47 trên thế giới và được cho là thân cận với Tổng thống Yanukovich - TTCT) ra lệnh cho một nhóm đại biểu quốc hội bỏ phiếu đòi chính phủ từ chức và chống lại dự thảo các biện pháp chống biểu tình mới đây”.

Trong hoàn cảnh này, thấy rõ ai là quân cờ và ai là người chơi. Trong khi đó tài phiệt phải thật sự là người chơi, chứ không phải quân cờ mắc nợ và phụ thuộc vào ngoại lực.

* Sự xếp đặt của lịch sử đã khiến hai dân tộc Slavơ Nga và Ukraine rất gần gũi, nhiều người Nga sinh sống ở Ukraine và ngược lại. Cá nhân ông, như một trong số những người Slavơ đó, và với tư cách một nhà sử học, nghĩ và dự báo gì về những diễn biến ở Ukraine?

- Tôi rất đau lòng nhìn thấy màn bi hài kịch mới trên chính trường Ukraine. Hi vọng nó sẽ không biến thành chiến trường. Diễn biến ở Ukraine đang rất nguy hiểm. Đây là kết quả của sự can thiệp bất hợp pháp vào nội bộ và sự bất lực toàn diện của các nhà chính trị Ukraine.

Tên Ukraine bằng tiếng Nga có nghĩa là “У края” - tức gần biên giới. Các nhà chiến lược phương Tây muốn dùng Ukraine chống lại Nga và trong điều kiện đó Nga không thể coi thường nguy cơ mất ổn định và nội chiến ở phía Nam, dọc biên giới nước mình.

Nga cần phải đóng vai trò tích cực hơn trong khủng hoảng Ukraine để ổn định tình hình vì quyền lợi chung của nhân dân Nga và Ukraine.

* Nhưng làm như thế, Nga có mâu thuẫn với chính mình khi đang lên án phương Tây gây sức ép? Có không “tiêu chuẩn kép” ở đây?

- Tôi cho rằng hiện nay Nga chưa sử dụng hết sức mạnh của mình để bình thường hóa tình hình Ukraine. Ở đó có rất nhiều người Nga bị kỳ thị về mặt dân tộc, chính quyền không bảo vệ quyền lợi của họ. Hiện đang có nguy cơ các phần tử có tư tưởng chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa phát xít lên cầm quyền. Trong điều kiện như thế, Nga phải bảo vệ quyền lợi của mình.

Tình hình lộn xộn hiện nay ở Ukraine là kết quả ngoại lực can thiệp trắng trợn và bất hợp pháp vào nội bộ của một quốc gia, chứ không phải là quá trình phát triển độc lập trong nước. Bây giờ Nga càng chậm thì hậu quả sẽ càng nghiêm trọng. Nga không thể coi thường các quá trình diễn ra ở nước láng giềng vì “chính quyền cách mạng cam” trước đây đã lôi kéo Ukraine vào cuộc chiến chống lại Nga cùng với lực lượng vũ trang của Gruzia năm 2008!

Xin cảm ơn giáo sư.

Ở một số nước, một số “nhà chính trị quốc gia” giữ vị trí rất cao nhưng hoạt động không phải vì quyền lợi đất nước mình. Tổ quốc họ ở đâu? Đó là nơi họ có tài khoản, con cái, bất động sản, còn nơi làm việc chỉ là chỗ họ kiếm tiền.

Vừa rồi báo chí Nga đưa tin một số quan chức Chính phủ Ukraine lẫn thủ lĩnh phe đối lập có giấy phép thường trú và hộ chiếu nước ngoài (không phải Nga). Nếu thế, họ sẽ nhảy theo điệu nhạc bên nào? Kinh nghiệm lịch sử cho thấy những chế độ như thế sẽ bị lợi dụng để các nước bên ngoài thực hiện những công việc bẩn thỉu trong trò chơi địa chính trị của họ.

VLADIMIR KOLOTOV

(1): nytimes.com (6-2)
(2): washingtonpost.com
(3): http://www.ntv.ru/novosti/774577

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận