Cần thành lập lực lượng giám sát tài nguyên biển Việt Nam

TTCT - Tài nguyên cần phải được bảo quản và giám sát. Thực thi nhiệm vụ này đối với tài nguyên trên rừng là lực lượng kiểm lâm, tương tự trên biển cần đội ngũ kiểm tra/giám sát tài nguyên biển.

Nước lớn bên cạnh chúng ta đã sử dụng hiệu quả công cụ dân sự này hòng chiếm ưu thế trên biển. Đặc biệt hơn, họ đã trang bị vũ khí cho những tàu dân sự này nhằm làm phương tiện trấn áp không phải đối với những đối tượng khai thác trái phép trên vùng biển của họ, mà là trấn áp những ngư dân và tàu thuyền nghiên cứu của nước khác!

Do vậy, dưới vỏ bọc dân sự là những con tàu vũ trang, điều này gây khó khăn cho những quốc gia trong khu vực biển Đông như Việt Nam và Philippines… vì lẽ, khi tàu hải giám Trung Quốc cư xử bạo lực với tàu ngư nghiệp của các nước này, các nước này thiếu hẳn những công cụ tương ứng để làm nhiệm vụ đối trọng trên vùng biển của chính mình.

Phóng to
Lập lực lượng giám sát tài nguyên biển sẽ giúp các hoạt động kinh tế biển của Việt Nam được an ninh, an toàn hơn - Ảnh: Lê Đức Dục

Theo những nguyên tắc chung bất thành văn, công việc dân sự sẽ do những cơ quan dân sự cùng đối thoại và hợp tác đảm trách, ngành nào làm việc với ngành đó, tuy nhiên cách thức của Trung Quốc hiện nay khiến các nước khu vực biển Đông gặp không ít lúng túng.

Việt Nam chưa có lực lượng pháp chế dân sự giám sát tài nguyên biển

Việc giám sát khai thác tài nguyên vùng ven biển 28 tỉnh và ngoài khơi của nước ta còn nhiều điều chưa hợp lý. Công việc quản lý, thanh tra, kiểm tra ngư nghiệp tuy đã có nhưng chưa hiệu quả, việc đánh bắt thiếu trật tự, không phép giữa tàu thuyền các tỉnh ven biển, tàu nước ngoài bằng các phương pháp hủy diệt như thuốc nổ, tàu cào dẫn đến nguồn lợi ven bờ suy giảm nghiêm trọng. Trật tự, pháp lý trên biển còn chưa được thực thi nghiêm chỉnh đối với nghề khai thác hải sản và khoáng sản biển, với các khu bảo tồn biển - đa dạng sinh học biển, với các bãi cá, các loài động vật biển quý hiếm và các khu có hệ sinh thái san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn.

Để thực hiện việc cấp phép khai thác hải sản cũng như thăm dò, khai thác dầu khí - khoáng sản biển gia tăng thu ngân sách cho Nhà nước, chúng ta cần có lực lượng tàu thuyền và máy bay dân sự giám sát tài nguyên biển đối với toàn vùng biển Việt Nam. Nếu không có lực lượng giám sát tài nguyên và lãnh thổ biển đối với vùng ven bờ và vùng đặc quyền kinh tế, chúng ta khó có thể đảm bảo thực thi luật pháp trên biển.

Chúng ta đang có nhiều cơ quan quản lý biển mà vai trò chủ yếu là của lực lượng hải quân (Bộ Quốc phòng) với phương tiện tàu thuyền, máy bay. Các bộ ngành kinh tế biển chính như Bộ TN-MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương chưa có những phương tiện này để thực thi nhiệm vụ giám sát, quản lý tài nguyên biển chuyên ngành của mình vùng ven bờ và ngoài khơi.

Trách nhiệm quản lý đã được giao cho từng bộ, ngành nhưng việc giám sát thực thi pháp luật của chúng ta còn hạn chế - chủ yếu là khai báo trên đất liền, còn trên biển (trừ vùng sát bờ) thì hầu như không có lực lượng tàu thuyền của cơ quan, bộ ngành nào. Để thực thi pháp chế trên biển, chúng ta cần sớm tăng cường lực lượng và phương tiện cho từng ngành kinh tế biển và giám sát tổng hợp. Lực lượng giám sát biển giám sát tổng hợp này ngoài việc thực thi pháp luật trên biển sẽ đồng thời hỗ trợ bảo vệ quyền lợi và an toàn cho các tàu thuyền, thiết bị và con người của nước ta.

Vì một nền hòa bình và trật tự hàng hải an toàn

Việc thành lập lực lượng giám sát biển Việt Nam làm công tác giám sát tài nguyên biển Việt Nam trong sự phối hợp với các nước khác trong khu vực là rất cần thiết. Chúng ta cần sớm bổ sung cho Chiến lược biển Việt Nam trong việc xây dựng lực lượng thực thi pháp chế dân sự (song song với lực lượng hải quân) hùng mạnh và hiện đại; lực lượng tổng hợp (giám sát biển) và đối với từng chuyên ngành kiểm ngư, tuần tra biển, hải quan, cảnh sát biển phục vụ thực thi và giám sát tài nguyên, lãnh thổ biển quốc gia.

Cũng cần thành lập đội (cục) giám sát tài nguyên biển (giám sát biển) thuộc Bộ Tài nguyên - môi trường hay bộ phát triển kinh tế biển. Lực lượng giám sát biển này cần được trang bị tàu thuyền, máy bay hiện đại, đủ sức bảo vệ và làm chủ vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Mặt khác, cần phân định rõ các danh mục cần giám sát và thẩm quyền giám sát ở từng đơn vị. Những công việc liên đới như dự báo khí tượng, bảo tồn sinh vật biển, ứng phó tràn dầu, phòng chống thiên tai, thực tập cứu nạn cứu hộ, khảo sát địa chấn, khai thác đất hiếm, khai thác dầu khí cần phải được luật hóa minh bạch. Những công tác khác như phòng chống cướp biển, phối hợp chống buôn lậu, bạo lực trên biển cũng cần được quan tâm và cam kết, ký kết giữa các nước ASEAN với nhau.

Công tác bảo vệ môi trường biển cũng chính là một đề mục cần làm nghiêm túc. Chính nhà phân tích chính trị Joseph Nye đã nói Việt Nam có thể phát triển “quyền lực mềm” của mình bằng cách năng động hơn trong bảo vệ môi trường và chống nhũng lạm trong hoạt động này.

Việt Nam và cộng đồng ASEAN cũng có thể tham khảo cách làm của Cơ quan kiểm ngư cộng đồng châu Âu (The community fisheries control agency) và những ứng xử tương tự trong giám sát và sử dụng tài nguyên biển. Tiến tới xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên và lãnh thổ biển bằng các phương tiện: vệ tinh VINASAT, máy bay do thám có và không người lái, lực lượng giám sát biển, các tàu thuyền hải quân, ngư chính, đánh cá, các trạm, phao nghiên cứu khoa học.

Chúng ta cũng nên sớm điều chuyển một số bộ phận tàu thuyền, máy bay cho lực lượng giám sát biển để kịp giám sát các lực lượng tàu thuyền nước ngoài và bảo vệ tàu ngư dân, tàu khảo sát dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Lực lượng giám sát tài nguyên biển sẽ giúp các hoạt động kinh tế trên biển của Việt Nam an ninh và an toàn hơn. Lực lượng này còn giám sát các hoạt động của các tàu giám sát biển của các quốc gia khác và có phương án phối hợp cùng hải quân giải quyết khi có xung đột vũ trang.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là phổ biến tuyên truyền về lực lượng giám sát biển cho nhân dân, những người đi biển, đảm bảo các hoạt động kinh tế trên biển Đông phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam và các quốc gia khác. Việt Nam cũng nên đề xuất ASEAN hay Liên Hiệp Quốc có biện pháp quốc tế giám sát hành vi của đội giám sát biển - lực lượng dân sự này trên các vùng biển, đảo tại biển Đông, để đảm bảo một nền hòa bình và trật tự hàng hải an toàn. Việc phối hợp chung của các đội giám sát biển của các nước ASEAN là cần thiết. Giám sát biển do vậy cần được nêu lên như một nội dung quan trọng trong các kỳ họp của các nước ASEAN định kỳ.

Nhằm duy trì ổn định ở biển Đông, hoạt động của các tàu giám sát biển cần được công khai minh bạch và đưa lên bàn đàm phán/giám sát quốc tế. Nếu ở tầm khu vực thì các nước khu vực biển Đông cần thành lập một tổ chức hay ủy ban khu vực nhằm kiểm soát hoạt động lực lượng giám sát biển của các nước trên biển Đông để tăng cường lòng tin, duy trì sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau.

Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của trung quốc

Trung Quốc là quốc gia có đủ cả sáu lực lượng thực thi pháp luật trên biển (hải quân, cảnh sát biển, tuần tra biển, giám sát biển, hải quan và ngư chính). Trong đó có hai lực lượng dân sự ngư chính (thuộc Bộ Nông nghiệp), giám sát biển (thuộc Bộ Tài nguyên) đang được áp dụng để phá rối trên biển Đông, cả đối với các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines.

Việc đội tàu “hải giám và ngư chính Trung Quốc” kết hợp tàu cá liên tục gây rối đối với các tàu thăm dò dầu khí và tàu cá của Việt Nam, Philippines, Malaysia trong những năm gần đây đã đặt ra một vấn đề mới trong việc thực thi pháp luật và giám sát tài nguyên trên vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của từng quốc gia. Mỗi quốc gia trong khu vực đều đã có cách ứng xử riêng của mình. Philippines, Malaysia đã huy động các tàu hải quân và máy bay quân sự để xua đuổi các tàu này.

Trung Quốc hiện có lực lượng hải giám rất lớn, chỉ riêng tổng đội tàu hải giám Nam Hải, theo Lý Lập Tân - cục trưởng Cục Hải dương Trung Quốc, tới nay đã có 13 con tàu, ba máy bay, 25 xe hơi chuyên dụng. Lý Lập Tân mới đây thừa nhận việc gia nhập của tàu hải giám 84 đã đánh dấu một bước phát triển mới về trình độ hải giám Trung Quốc. Chính tàu hải giám 84 đã phá hoại cáp địa chấn của tàu khảo sát dầu khí Bình Minh 02 của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên lực lượng này lại không bị cơ quan quốc tế nào kiểm soát khi hoạt động vi phạm chủ quyền của các quốc gia khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận