Sự học ở vùng sâu vùng xa

TTCT - Sau gần hai giờ hết xe chở người đến người đẩy xe, chúng tôi vào được Trường THCS Lồ Sử Thàng tại xã biên giới Dìn Chin, huyện Mường Khương (Lào Cai) - nơi nghèo nhất huyện.

Đường đến trường qua núi cao sông sâu, nơi học không có điện, thiếu nước, sống trong lều tạm, ăn cơm không... ngần ấy khó khăn không làm vơi niềm háo hức, say mê đi học của nhiều đứa trẻ. Chuyên đề này của TTCT trở lại thực trạng dạy và học gian nan ở những vùng xa và hi vọng một sự góp sức lớn hơn nữa cho sự phát triển giáo dục ở những nơi này.

Phóng to
Một góc khu lều trọ của học sinh ở Mường Lý (Thanh Hóa) - Ảnh: Hà Đồng

Trường tạm, lớp ghép

Điểm trường thôn Na Cổ của Trường Lồ Sử Thàng là hai ngôi nhà tạm vách nứa, chia làm ba ngăn, mỗi ngăn rộng chừng 5m2, trong cùng là nơi nghỉ của giáo viên, ngăn giữa và ngoài cùng là các lớp học ghép.

“Các em đi học vất vả nhưng vẫn đến trường rất đều - cô Nguyễn Thị Phương, hiệu trưởng điểm trường Na Cổ, cho biết - Ở trường chính THCS Lồ Sử Thàng và sáu điểm trường có hơn 500 học sinh từ mẫu giáo đến THCS, khó khăn và thiếu thốn nhưng các cháu đi học chăm chỉ cả sáng và chiều, học sinh lưu ban gần như không có”.

42 học sinh nội trú hệ THCS của Trường Lồ Sử Thàng ăn trưa trong căn bếp chật, đen thui bồ hóng. Mỗi em bưng một bát cơm trắng chan nước rau luộc - bữa ăn có được từ tiền hỗ trợ của Chính phủ dành cho học sinh nghèo (120.000 đồng/tháng/em). Sau bữa trưa chóng vánh, Vàng Seo Chanh, học sinh lớp 8A4, người thôn Xín Chải A, cùng mấy bạn mang kim chỉ ra thêu.

“Nhà em chỉ cách trường chừng 5 cây số nhưng phải vượt qua nhiều núi cao, khó đi lắm nên em phải học bán trú” - em nói. Từ ngày bắt đầu đi học, Chanh chưa hề bỏ một buổi học nào. “Thôn Xín Chải A có nhiều người đi học lắm, em không nhớ bao nhiêu bạn vì đông lắm”.

Trường Lồ Sử Thàng gói gọn chừng 200m2 trên một dải đất dốc. Ngoài bốn phòng học cấp 4 và dãy nhà hiệu bộ ba phòng, các dãy nhà còn lại đều là nhà tranh, nền đất vách đất. Thầy Nguyễn Văn Tài (giáo viên Trường THCS Pha Long) cho biết hồi còn là giáo viên của Lồ Sử Thàng, ông và các giáo viên của trường đã tự tay đào đất về đổ nền làm sân chào cờ, nhào đất trát vách nhà công vụ.

“Ở Lồ Sử Thàng, giáo viên vừa phải có kiến thức sư phạm vừa phải biết làm đủ việc, vừa là nông dân kiêm thợ mộc, thợ xây. Mong muốn lớn nhất của thầy trò chúng tôi là có khu nhà học, nhà bán trú kiên cố. Nếu được nữa thì giúp các cháu có thêm sách báo” - thầy Nguyễn Đình Trang, hiệu trưởng Trường Lồ Sử Thàng, nói.

“Hằng năm, huy động từ mọi nguồn, cả từ các chương trình của Chính phủ đến xin tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, mỗi xã vùng cao của Mường Khương cũng chỉ có khoảng 2 tỉ đồng đầu tư mọi cơ sở vật chất cho đủ thứ, từ giáo dục (xây trường, trang bị bàn ghế, nhà ở giáo viên...) đến y tế, giao thông. Mà Trường Lồ Sử Thàng vẫn phải đợi có đường mới xây dựng được” - ông Phùng Khánh Toàn, phó chủ tịch UBND huyện Mường Khương, cho biết.

Phóng to
Bữa ăn chỉ có cơm và nước rau luộc của học sinh Trường Lồ Sử Thàng - Ảnh: Hoàng Điệp

Cơm nắm, muối trắng đi học

Cũng vượt suối, băng rừng, hàng trăm học sinh huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) dựng lều tạm trọ học gần trường trong trăm bề thiếu thốn để đeo đuổi việc học, mong cái chữ sau này sẽ giúp thoát đói nghèo.

Chúng tôi đến xã Mường Lý khi địa phương này đang mùa giáp hạt. Xã hiện có gần 300 học sinh tiểu học, THCS phải trọ học tại trường - đông nhất huyện. Bữa ăn trưa của các em Vàng A Sự, Vàng A Tu, Vàng A Mỵ ở căn lều trống hoác cạnh Trường THCS Mường Lý chỉ có cơm với muối trắng, chan nước lạnh.

“Mỗi tháng em phải về nhà hai lần lấy gạo - Sự kể - Tụi em tự kiếm thức ăn, đứa nào nhà khá thì có thêm một, hai chục ngàn mỗi tháng để mua vài con cá khô, đậu phụ cải thiện. Ở nhà bố mẹ và các em vẫn phải ăn độn ngô, sắn, bạn em nhiều đứa không đủ gạo ăn. Nhưng chúng em chỉ có con đường học thôi”.

Thầy Nguyễn Văn Hà, Trường THCS Mường Lý, kể: “Cuối tuần, thầy trò chúng tôi lên rừng đào măng, hái rau dại, trứng kiến để các em cải thiện bữa ăn”. Sống ở lều tạm, thầy trò ở đây còn lo mùa mưa thì lũ quét, lũ ống hất lều xuống sông Mã, mùa khô thì nguy cơ cháy rình rập, bởi các túp lều làm bằng tre, nứa lợp lá, nằm sát nhau rất dễ bắt lửa.

“Thanh Hóa mới đáp ứng được 15% nhu cầu nơi ở cho học sinh tiểu học, THCS, THPT tại 11 huyện miền núi. Ngoài 18 điểm trường đã được đầu tư xây dựng khu bán trú dân nuôi kiên cố cho học sinh, 24 khu còn lại đều là khu lều tạm bợ, tranh tre nứa lá do nhân dân tự dựng lên để cho con em trọ học cạnh trường. Mà cả 42 điểm bán trú mới đáp ứng gần 3.000 chỗ ở cho học sinh, trong khi hơn 20.000 học sinh ở 11 huyện miền núi có nhu cầu bán trú. Yêu cầu xây dựng các khu bán trú dân nuôi là rất lớn, rất bức thiết. Nguồn vốn của tỉnh, nguồn vốn huy động từ công tác xã hội hóa đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều khu bán trú dân nuôi không có giường, đồ dùng thiết yếu”.

Thầy Mai Văn Dũng, hiệu phó Trường THCS Mường Lý, cho hay với gần 6 tỉ đồng của Nhà nước đầu tư, cuối học kỳ I năm học 2010-2011 trường đã đưa khu bán trú dân nuôi vào sử dụng với hai dãy nhà cấp 4 (20 phòng), đủ nơi ở cho 200 học sinh. Nhưng còn gần 100 em của trường vẫn phải ở lều tạm. Khu bán trú chưa có giường và bàn ghế học tập, nước sinh hoạt không đủ. “Chúng tôi rất mong Nhà nước, các nhà hảo tâm giúp xây dựng thêm nhà bán trú để các em không phải ở lều, yên tâm học tập”.

Theo Sở GD-ĐT Thanh Hóa, những năm qua dù đã đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng khu bán trú dân nuôi ở các huyện đặc biệt khó khăn như: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn... nhưng Nhà nước chỉ đầu tư nhà ở và một số công trình phụ, nên nhiều khu bán trú dân nuôi vẫn thiếu giường, bàn ghế, nước sạch... Và nay có được những bữa cơm no để yên tâm học tập vẫn là mơ ước lớn của nhiều học sinh Mường Lát.

Học trò nghèo ở thượng nguồn sông Ba

Bữa ăn chiều của hàng trăm học trò nghèo dân tộc Ba Na bán trú tại Trường THCS Đăk Roong (xã Đăk Roong, huyện Kbang, Gia Lai) chỉ có cơm và nồi canh rau rừng lõng bõng nước. Vậy mà chục năm qua, ở nơi thâm sơn cùng cốc này chưa có em nào bỏ học giữa chừng.

Trường THCS Đăk Roong nằm giữa rừng ở thượng nguồn sông Ba. Trong 672 học sinh Ba Na từ lớp 1 đến lớp 9 theo học, có đến 279 em ở bán trú gần trường trong những căn nhà tạm, dột nát. Đinh Thị Chá, Đinh Thị Lý, Đinh Thị Cờ, Đinh Văn Phú và Đinh Văn Triếu cùng học lớp 5B phân công người nấu cơm, người gùi nước, người đi hái rau rừng...

“Đi học vui lắm, biết chữ, biết ca hát, có bạn bè, thầy cô. Ở làng em, nhiều bạn không đi học, làm rẫy làm nương mãi rồi phải bắt chồng. Em thích đi học nhiều nữa, không thích bắt chồng” - Đinh Thị Lý nói hồn nhiên. Lý 14 tuổi nhưng mới học lớp 5. Già làng Kon Nanh Tel khen lũ trẻ bây giờ ham học nên nạn tảo hôn giảm nhiều: “Nghe các thầy cô nói học nhiều, biết chữ nhiều thì trồng cây bắp tốt, trỉa lúa nhiều hạt, nuôi con heo, con gà mau lớn nữa, vậy thì sướng rồi”.

Đinh Văn Phú cũng học lớp 5 nhưng đã 15 tuổi. Anh trai Phú là Đinh Văn Ty đã về học ở Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai. “Em cố học giỏi như anh Ty để được lên trường tỉnh học nội trú, thành thầy giáo để về làng dạy học, già làng dặn vậy” - Phú nói. Trò chuyện mới biết các em thèm đủ thứ, từ một miếng thịt, con cá nướng, một bộ quần áo lành lặn, một cái đồng hồ. “Nhưng không có cũng không sao, không thấy khổ đâu, mình đi học vui hơn ở làng”- Đinh Thị Phấp, lớp 7, làng Kon Lốc, nói.

Thầy Phạm Văn Tuyển, hiệu phó Trường THCS Đăk Roong, đã bám trụ tại đây hơn mười năm, cách nhà gần 100km, mùa mưa có khi vài tháng mới ra được khỏi rừng. “Tôi đã vài lần làm đơn xin chuyển công tác về gần nhà, nhưng chưa gửi bao giờ. Giáo viên ở đây còn thiếu, mình đi thì thấy tội các em” - thầy Tuyển nói. Có những cô cậu học trò lớp 4, lớp 5 từ tận làng Kon Lốc, Kon Trang, Kon Bông cách trường 20-30km băng qua rừng, qua sông Ba về trọ học.

“Mùa mưa, nhớ nhà, nhớ làng, nhiều cô cậu khóc, định bỏ về nhưng sáng ra lên lớp học lại vui, thầy cô động viên, không muốn về làng nữa. Mùa lễ hội cuối tháng 3 cũng vậy, cứ nghe tiếng cồng chiêng vọng về từ những buôn làng bên kia núi là học trò chộn rộn lắm, vừa dạy vừa dỗ mới giữ chân các em được” - thầy Tuyển nói.

Chưa thấy đột phá

Huyện Nam Trà My được tách từ huyện Trà My (cũ) gần 10 năm, là vùng đất hiểm yếu nhất của Quảng Nam, nằm dưới chân núi Ngọc Linh. Trường tiểu học cụm xã Trà Nam nằm sát một ngọn đồi, cạnh đó là dãy nhà tre, vách nứa, che bạt để các em trú ngụ. Có đến 130 học sinh tiểu học và gần 180 học sinh THCS tá túc trong các lều bạt này đã hai năm qua, trong lều là những chiếc giường tre tự làm ọp ẹp.

“Chủ yếu không dịch bệnh là được. Thầy cô cũng ở nhà tranh tre nứa lá, tạm bợ không thua gì các em, chúng tôi chờ trường mới đã lâu lắm rồi” - thầy giáo tiểu học Phan Quốc Hiền cho hay. “Trong chương trình hỗ trợ huyện nghèo 30a của Chính phủ, ngành giáo dục chỉ được hưởng phần xây trường học, bàn ghế - trưởng Phòng giáo dục huyện Nam Trà My, thầy Nguyễn Trường Sinh nói - Chúng tôi lại đang khủng hoảng giáo viên đủ khả năng quản lý trường, lớp”.

Nam Trà My còn 20 phòng học dân tự làm bằng tranh tre nứa lá, 180 phòng học nền đất. “Xây một trường học nơi này phải vận chuyển ximăng bằng cách gùi từng bao đi đường rừng, chi phí đội lên gấp 10 lần, lấy gì thanh toán?” - thầy Sinh nói. Vì thiếu phòng học nên việc gọi học sinh về học tập trung tại các cụm trường xã càng khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Hoành - trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My - cho biết ngoài việc tỉnh hỗ trợ 100.000 đồng/em/tháng, trung ương 140.000 đồng/em/tháng, mỗi học sinh còn nhận được 70.000 đồng/năm tiền văn phòng phẩm: “Nhưng gạo, muối hằng tháng phòng lao động đều phải hỗ trợ. Nếu không, bị đói các em bỏ học đi làm rẫy hết”. Tiền nhà nước cho các huyện nghèo đã tạo chuyển biến tích cực về giao thông, giúp các em đến lớp thuận lợi hơn. Nhưng một sự đột phá về chất lượng giáo dục vùng cao vẫn còn rất xa.

“8 năm rồi, vùng đất này có đến 13 thầy cô giáo đã vĩnh viễn nằm lại với núi rừng. Gieo con chữ trên vùng cao này chẳng khác gì một cuộc chiến, tiếc là đổi thay vẫn còn ì ạch lắm. Nhưng chúng tôi vẫn hi vọng dù sao cũng phải dạy. Cuộc sống còn thay đổi mà” - thầy Nguyễn Trường Sinh nói.

Phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Lê Ngọc Kích cho rằng Ban quản lý dự án 30a cấp tỉnh nên đánh giá, rút kinh nghiệm trong vấn đề phân bổ vốn, đặc biệt cho giáo dục: “Nói là đầu tư cho học sinh vùng cao trường bán trú, nhưng thực tế là thường trú 100% vì các em nhà đều rất xa lại nghèo, không có gạo để mang đến lớp. Vốn dành cho đầu tư công trình công cộng trường lớp thì có nhưng vốn cho sự nghiệp, chăm lo cho các em, thầy cô thì còn quá ít. 120.000 đồng/tháng cho các em ăn ở thì không thể được”.

Ông Kích cho hay tính từ năm 2009 đến nay đã có 74 tỉ đồng thuộc chương trình 30a dành cho huyện Nam Trà My, nhưng phần lớn cho các công trình khác, giáo dục hầu như chưa được thụ hưởng từ chương trình này là bao nhiêu. “Muốn phát triển con người thì phải đầu tư rất nhiều cho giáo dục. Có như vậy cán bộ nguồn tương lai mới được đáp ứng, xóa đói giảm nghèo như vậy mới bền vững.

Hiện chương trình này mới đáp ứng một phần rất nhỏ, chúng ta vẫn rất cần một sự đầu tư chiều sâu đến tận từng bản làng thì giáo dục ở đây mới phát triển được”.

__________

Xã đảo Thạnh An cách thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TP.HCM) một giờ chạy ghe. Bé Quỳnh Như vừa vào lớp 1 trường tiểu học xã đảo Thạnh An. Người lớn ở đảo như mẹ Quỳnh Như giờ ai cũng trăn trở đưa con đi học, nghĩ tương lai con mình phải hơn nghề đánh cá nhọc nhằn mà cha mẹ đã cả đời dãi dầu.

Phóng to
Học sinh xã đảo chơi đùa dưới thư viện “treo” - Ảnh: Lan Phương

Thầy hiệu trưởng Đặng Thái Bình chỉ những con số hàng trăm liên tiếp trên tấm bảng theo dõi sĩ số học sinh kể: “Hồi xưa bỏ học nhiều lắm. Nhưng mấy năm nay học trò cấp I ít bỏ học”. Trường tiểu học Thạnh An có 366 học sinh thì 290 em thuộc diện xóa đói giảm nghèo, từ cây bút đến tập sách giáo khoa các thầy cô đều đi vận động lo cho các em.

Giáo viên trẻ đến rồi đi

Cô Lê Ngọc Thịnh, giáo viên Trường tiểu học Thạnh An, dạy lớp 1 ở Thiềng Liềng - một đảo nhỏ, phải đi đò từ đảo Thạnh An ra hơn một giờ - đã gần chục năm trời. Cô Thịnh theo đuổi những đứa trẻ nghèo từ Cán Gáo, Thiềng Liềng rồi Thạnh An đã 16 năm. Ở giữa Thiềng Liềng tối mịt mù không bóng điện, cô Thịnh nhiều lần đón những giáo viên trẻ đến rồi... bỏ đi không nói một lời. “Trường tuyển về, phân công họ đến Thiềng Liềng dạy. Họ ở đó vài ngày, ngó nghiêng cuộc sống, chắc vì chẳng có gì, cơ cực quá nên bỏ đi hết” - cô Thịnh cười buồn kể.

Cứ thế, năm nào trường tiểu học ở xứ đảo bé xíu này cũng phải xin giáo viên về. Giáo viên đến trường từ đủ nơi, cứ dạy một vài năm lại rời đảo. Những đứa trẻ học hết năm lớp ở trường tiểu học cứ phải làm quen hết thầy cô này đến thầy cô khác, hết giọng miền Bắc, Nam rồi cả giọng Trung.

Vài năm trước Thạnh An còn chưa biết máy tính là gì, giờ ở trường thầy cô đã có máy tính nối mạng. Trong sân trường, nhiều vỏ chai nhựa được treo lên mấy cây bàng. Cô phụ trách thư viện Lê Thị Hoàng Oanh học theo sáng kiến làm “thư viện ống”, bỏ sách vào vỏ chai nhựa treo khắp nơi để khích lệ học trò đọc sách. Cái phòng thư viện nhỏ xíu cứ mưa xuống là cô giáo với bảo vệ cùng nhau... tát nước ngập giờ đã thành thư viện treo, tụi trẻ thích hơn hẳn.

Đưa cơm qua đò

Báo chí từng kể chuyện bà Lê Thị Hoàng Loan ngày nào cũng đợi chuyến đò 10 giờ để mang cơm cho hai con học cấp III ở thị trấn Cần Thạnh. Con kịp ăn bữa trưa, một nửa dành lại ăn bữa tối. Cứ thế, hai con bà Loan học hết cấp III, con trai bà đã đi học tiếp trung cấp quản lý ở thành phố. Nay các con đều đã tốt nghiệp, bà làm luôn nghề đưa cơm trưa cho học trò trên đảo, giúp các gia đình khác xoay xở cho đường đi học của con em họ. Bà Loan kể: “Mùa đi học đông nhất của tụi nhỏ tôi nhận đến 40 bịch cơm/ngày”.

Nhiều gia đình thấy bà Loan nuôi con đi học như vậy cũng làm theo. Bà Phạm Thị Thanh có con gái Sầm Thị Hồng Hà đi học ở huyện năm đầu tiên cấp III. “Hằng ngày tôi gửi hai cữ cơm cho con. Nhờ nấu cơm vầy mà tôi vẫn chạy được cho con đi học. Tôi cũng bảo con học được tới đâu tôi nuôi tới đó. Không có tiền thì chạy vạy nhờ bà con ủng hộ, rồi sau có mình trả” - bà Thanh kể.

Nhiều cử nhân, sinh viên của đảo Thạnh An đã ra đời từ những bữa cơm gửi đò gói nhiều nỗi niềm và sự trông đợi của cha mẹ như thế. Những bát cơm trắng mỗi ngày ấy đều được đổi từ từng đồng bán cá sau bữa lưới đêm của người cha, người mẹ đi biển.

Bằng cách này hay cách khác, những cha mẹ, thầy cô ở xã đảo Thạnh An nhỏ xíu và xa xôi đã cùng nhau trở thành những hậu phương đơn giản và vững chắc nhất để trẻ con có thể đến trường, có thể học hết cấp I, II và mơ đến những nơi lớn hơn như Trường cấp III Cần Thạnh và những ngôi trường đại học ở thành phố.

__________

Tuyên Quang được Chính phủ đồng ý hỗ trợ 100% khi triển khai đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012, tức 1.000 tỉ đồng cho 2.841 phòng học (thống kê năm 2007). Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Thinh - giám đốc Sở GD-ĐT Tuyên Quang, thực tế tỉnh này chỉ được đầu tư 468 tỉ đồng, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu. Giai đoạn 2008-2010 với kinh phí trung ương cho, Tuyên Quang chỉ có thể đặt kế hoạch xây dựng 838 phòng học (29,5% kế hoạch).

Ông Thinh nói: “Tiền về đến đâu chúng tôi làm hết đến đấy. Sợ thiếu vốn trong khi công trình dở dang, tỉnh chỉ đạo không được làm ào ạt mà chỉ triển khai ở những nơi đã được phê duyệt. Vốn cấp cho năm 2010 và 2011 sau khi bố trí đủ cho các công trình đã hoàn thành hoặc đang thi công, nếu còn vốn mới cho khởi công công trình mới”.

Nhiều địa phương khác cũng cho hay do khó khăn về nguồn vốn nên việc thực hiện đề án ở địa bàn mình sẽ không kịp hoàn thành trước mốc 2012. Hưng Yên, một tỉnh đồng bằng, khối lượng công việc cũng chỉ đạt dưới 40% kế hoạch. “Ngoài hỗ trợ của trung ương (hơn 70%), Hưng Yên khá tích cực trong việc tìm nguồn vốn đối ứng. Tuy nhiên, do trượt giá nên các chủ đầu tư không dám rải mành mành. Trước mắt có tiền đến đâu thực hiện đến đấy” - ông Nguyễn Văn Tám, giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên, chia sẻ.

Theo nhiều lãnh đạo sở GD-ĐT, cuộc đua kiên cố hóa trường lớp học “còn xa mới về tới đích” khi mà cùng với thời gian, số phòng học xuống cấp tiếp tục phát sinh. “Riêng năm 2010, lũ lụt gây tổn thất về cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn tỉnh tôi ước tính 200 triệu đồng. Ngoài ra, hàng loạt phòng học xuống cấp mà năm 2007 chúng tôi chưa đưa vào danh sách do lúc đó vẫn còn chưa xập xệ.

Có 900 phòng học mầm non học nhờ các nhà văn hóa khu dân cư mà năm 2007 chúng tôi có thống kê nhưng bị gạt ra khỏi danh sách phê duyệt” - ông Lê Văn Ngọ, giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cho biết.

__________

“Việc quy hoạch mạng lưới trường học, xây dựng cơ sở vật chất trường học trước hết thuộc trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành” - ông Trần Duy Tạo, cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em (Bộ GD-ĐT), nói với TTCT.

Phóng to
Học sinh vùng cao huyện Nam Trà My, Quảng Nam tá túc trong các căn nhà tre nứa ọp ẹp để tìm con chữ - Ảnh: Tấn Vũ

Ông Tạo cho biết: Bộ GD-ĐT chỉ được giao xây dựng đề án và giám sát việc thực hiện. Kinh phí được cấp trực tiếp về các địa phương.

* Đề án kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn hai (2008-2012) đã triển khai được gần bốn năm, ông có thể cho biết kết quả thực hiện của đề án đến thời điểm này?

- Đến hết năm 2010 đã có 54.791 phòng học được xây (mục tiêu 141.300 phòng) và 17.222 nhà công vụ. Dự kiến đến hết năm 2012 đề án sẽ thực hiện khoảng 60% so với kế hoạch đề ra.

Những nơi làm chưa tốt một phần do kinh phí hạn hẹp, phân bổ vốn đầu tư dàn trải dẫn đến thiếu vốn... Cũng có địa phương hiệu quả đầu tư xây dựng trường lớp chưa cao do tình trạng di cư tự do và sinh sống rải rác, do quản lý chưa tốt... Một số tỉnh thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng còn chậm, chưa chủ động ngay từ đầu năm. Một số tỉnh cũng chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện dành nguồn vốn của địa phương và huy động xã hội hóa tham gia thực hiện...

Bộ GD-ĐT đang đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư của đề án nhằm tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện hết danh mục đã được duyệt. Chúng tôi cũng dự kiến đề xuất với Chính phủ kéo dài đề án đến năm 2018 để giải quyết dứt điểm mục tiêu kiên cố hóa trường lớp học và xây dựng nhà công vụ trong cả nước. Trong đó sẽ ưu tiên nguồn vốn cho các tỉnh chịu thiên tai, các địa phương chưa thực hiện đúng kế hoạch của giai đoạn trước.

* Theo ông, đề án này có thể giải quyết dứt điểm tình trạng phòng học tạm hiện nay không? Việc ước lượng chỉ thực hiện đạt 60% kế hoạch liệu có phải do bất hợp lý trong phân bổ kinh phí hay còn những nguyên nhân khác?

- Chỉ trông đợi vào đề án này thì khó giải quyết dứt điểm tình trạng phòng học tạm. Số kinh phí rất lớn như vậy (hơn 25.000 tỉ đồng), nhưng khi triển khai ở nhiều địa bàn khó khăn vẫn chỉ như muối bỏ bể.

Trong giai đoạn 2008-2010, riêng tỉnh Thanh Hóa đã được cấp 1.000 tỉ đồng từ nguồn vốn Chính phủ nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm được. Khu vực Tây nguyên, miền Trung và miền núi phía Bắc đã có sự ưu tiên trong phân bổ nguồn vốn trên cơ sở số lượng phòng học và nhà công vụ mà các tỉnh này đề xuất (đã chi 80-90% nguồn vốn của Chính phủ cho các tỉnh này, địa phương chỉ phải lo 10-20%) nhưng triển khai vẫn chậm.

Việc ước lượng chỉ thực hiện được 60% kế hoạch của đề án là do khủng hoảng kinh tế, giá vật liệu và chi phí xây dựng tăng nhiều so với dự toán. Nguồn kinh phí cũng chưa được đảm bảo. Năm 2011, chúng tôi đề nghị dành 4.500 tỉ đồng nhưng chỉ được phê duyệt 2.500 tỉ đồng.

* Vậy giải pháp nào để giải quyết dứt điểm tình trạng này?

- Các tỉnh, thành cần nỗ lực kết hợp nhiều giải pháp: dành ngân sách địa phương, tổ chức xã hội hóa tốt hơn, huy động các nguồn vốn từ doanh nghiệp, người dân...

Các tỉnh, thành cần khảo sát kỹ để lên số lượng phòng học tạm chính xác, có kế hoạch hợp lý để quy tụ dân thành các vùng dân cư ổn định, sinh sống lâu dài làm cơ sở cho việc quy hoạch lại mạng lưới trường học, tránh tình trạng có nơi vừa xây trường xong thì dân di cư (khu vực miền Trung, miền núi phía Bắc) gây lãng phí. Ngược lại, có nơi dân di cư đến quá đông khiến chính quyền và ngành GD-ĐT không xoay xở nổi trường lớp (khu vực Tây nguyên).

Tôi cũng muốn lưu ý thêm ngoài đề án này, hằng năm còn có nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản vài ngàn tỉ đồng cấp về cho các tỉnh thành. Các địa phương phải ưu tiên sử dụng nguồn vốn này cho việc xây dựng, nâng cấp trường lớp và trang thiết bị phục vụ dạy học...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận