Có ai mang sách về làng?

NGUYỄN QUANG THẠCH (*) 16/05/2011 19:05 GMT+7

TTCT - Nông thôn vốn là nơi thiếu cơ hội tiếp nhận thông tin đa chiều, nhiều nguồn lực ngủ quên hoặc chịu thúc thủ vì không thể, vì khó khăn khi tiếp cận thông tin, tri thức mới. Những trí thức, trong đó nhiều người từ cái nôi đồng ruộng đi ra, có thể làm gì để thay đổi điều này?



Tìm sách đọc trong ngày khai trương tủ sách dòng họ Vũ, xã Tứ Minh, TP Hải Dương - Ảnh: NQT


Cái nôi nông thôn xưa đã sản sinh nhiều bậc đại trí như cụ Lê Quý Đôn, Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh... Nay, vẫn là nơi mà từ đó nhiều trí thức bước ra. 

Chuyện kể rằng khi đã thành danh ở Hà Nội về mặt học thuật lẫn kinh tế, giao lưu với quan lại cao cấp của thuộc địa và trí thức tân thời, cụ Nguyễn Văn Vĩnh đã hiến một phần tiền cùng sự đóng góp của dân làng để xây trường làng Phượng Dực quê ông nhằm giúp dân khai trí. 

Điếu văn của dân làng Phượng Dực viếng ông ngày 8-5-1936 đã viết: “Ông Chánh hội Nguyễn Văn Vĩnh ôi! Ông sinh ở Hà Nội, nhưng gốc là ở làng nên đối với làng lúc nào cũng tỏ ra lòng quyến luyến lắm... Đến năm 1927 dân lại được nhờ ông xin phép nhà nước mở một trường học tại làng, và ông lại hết lòng mời được quan Toàn quyền, quan Thống sứ, quan Công sứ, quan Tổng đốc, quan Học chính và các quan Tây, Nam đều về dự lễ khánh thành trường học, hiểu thị việc học. Từ bấy giờ trong dân làng được rộng thêm đường học vấn, mở mang trí khôn...”.

Cụ Vĩnh không những vì đại cuộc của nước ta mà dịch sách, đơn giản hóa chữ quốc ngữ để thực hiện chiến lược khai trí phục quốc cho dân ta, mà còn thực hiện công cuộc khai trí tại nhiều nơi. Việc làm của cụ Vĩnh đã tác động đến Hương Sơn (Hà Tĩnh) quê tôi hồi ấy, có người bán một phần ruộng đất của mình làm trường cho dân học, có người mời thầy về dạy cho họ hàng và xóm làng. Nhờ đó ngôi làng của tôi sau này có những nhà toán học ở Pháp, có nhà văn tử tế và những cử nhân, tiến sĩ không tồi. 

Những nhà văn mang sách về quê

Tôi đã gặp không ít những ông tiến sĩ, những ngài giáo sư xuất thân nông dân nhưng luôn than phiền về sự khốn cùng của nông thôn, chê quê mình nghèo, dốt và lạc hậu, chê tư duy tiểu nông của nông dân. Nhưng cuộc sống cũng có không ít những con người tử tế sẵn sàng kiến tạo những lỗ nhỏ bằng những nhát cuốc tiên phong để ánh sáng tri thức lọt vào. 

Vài năm trước, tôi được đọc những bức thư của một người con nông dân - nhà báo, nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Những bức thư đi đến tận cùng đời sống nông thôn, chứa những thông điệp nhức nhối về nông thôn nhưng đầy tính xây dựng gửi đến những ai có lương tri và trách nhiệm với 80% dân số nông thôn. Ông thấy nông thôn Việt Nam qua ngôi làng ông đã lớn lên. 

Ngôi làng đại diện cho tất cả các ngôi làng trên đất nước đang bị xâm thực bởi những thói hư tật xấu trong quá trình đô thị hóa, bị bào mòn bên trong khi những di sản văn hóa và giá trị đạo đức làng quê bị tàn phá bởi những kẻ vô văn hóa và tham vật chất đến tột độ. 

Nguyễn Quang Thiều không dừng lại ở những bức thư, ông đã hành động. Vào đầu những năm 2000, ông đưa về làng Chùa của ông hàng trăm đầu sách, nhờ cán bộ thôn quản lý. Ông lập một tủ sách cho dòng họ mình và mở cửa mời cả làng cùng đọc. Từ tủ sách họ Nguyễn Gia của ông, họ Nguyễn Duy khác lại cho một tủ sách khác ra đời. Nhờ đó ngôi làng ông đã có trên 1.000 đầu sách. Ông đang hành động mạnh mẽ để ngôi làng của ông tiệm cận văn minh bằng những cuộc thi thơ. 

Hằng năm, cứ vào ngày 20 tết, ông và bạn bè tứ xứ lại về trao thưởng khuyến học cho những em học sinh trong làng đạt kết quả tốt trong học tập. Nguyễn Quang Thiều không dừng lại ở làng Chùa, ông đã hỗ trợ hàng chục dòng họ khác ở nông thôn Việt Nam với trên 1.000 đầu sách qua chương trình xây dựng tủ sách dòng họ, bằng những đồng tiền viết báo vất vả mới có được của mình. 

Khác Nguyễn Quang Thiều, một nhà văn ba chìm bảy nổi nơi xứ người đã “nhập khẩu” tri thức về quê hương Quỳnh Phụ (Thái Bình) của ông bằng cách mời các đồng nghiệp danh tiếng của mình về quê nói về văn hóa đọc, về sáng tác văn học và sẻ chia các thông tin về đời sống xã hội... Đó là nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Bởi, như ông Thọ từng chia sẻ, ông hiểu bổn phận của mình đối với miền quê mà tổ tiên ông đã sinh tồn hàng trăm năm, nhất là bổn phận của một người cầm bút đối với mảnh đất của mình và tổ quốc mình gọi tên.


Các em nhỏ dòng họ Đỗ (xã Đồng Tiến, Quỳnh Phụ, Thái Bình) say sưa đọc sách trong ngày khai trương tủ sách dòng họ - Ảnh: Nguyễn Quang Thạch

Nơi đồng ruộng khao khát tri thức

Nông thôn vốn là nơi thiếu cơ hội tiếp nhận thông tin đa chiều. Sự bất đối xứng thông tin khiến nhiều nguồn lực ngủ quên hoặc đành thúc thủ, không thể phát triển. Sự bất đối xứng thông tin làm người dân nông thôn trở thành nhóm dễ bị tổn thương nhất trong đời sống xã hội. Hàng rào bảo vệ của người dân nông thôn đang trở nên dễ bị phá vỡ hơn bao giờ hết bởi cơn lốc giá trị vật chất. Điển hình là việc rất nhiều chàng trai, cô gái nông thôn bị lừa bán rất dễ dàng bởi những kẻ lừa đảo. 

Về mặt giáo dục, có người cho rằng học sinh nông thôn học giỏi hơn học sinh đô thị. Nhưng nếu nhìn vào kết quả của một số em đậu đại học thủ khoa xuất thân từ nông thôn để đánh giá sự học và cơ hội tiếp cận các cơ hội giáo dục thì không thể khái quát được bức tranh nông thôn bởi số em thất học, số em học hành dở dang và học kém vẫn không nhỏ. 

Trong khi ấy cư dân đô thị, nhất là giới học sinh, có kỹ năng ứng phó với tác động từ bên ngoài tốt hơn bởi lẽ được tiếp cận lượng thông tin đa chiều từ sách báo, các phương tiện truyền thông hiện đại, từ các mối quan hệ xã hội khác cao hơn rất nhiều so với học sinh nông thôn. Sự khác biệt có thể đến từ nhiều nguyên nhân, song không thể không nói đến cơ hội tiếp cận tri thức mới của các em là rất khác nhau. 

Mới đây, hàng ngàn người là nông dân, giáo viên, cán bộ cấp huyện xã từ 38 xã thuộc huyện Quỳnh Phụ, một số huyện của tỉnh Hải Dương và thậm chí những cán bộ từ thành phố Thái Bình đã đến Trung tâm Văn hóa huyện Quỳnh Phụ nghe thần đồng thơ Trần Đăng Khoa nói chuyện. Những câu chuyện của ông hôm đó làm nhiều người cười và nhiều người khóc. 

Họ cười vì cách nói dung dị, vui vẻ và dễ gần của ông, xúc động thấy “hạt gạo làng Khoa” và hạt gạo làng họ giống nhau, đám mây trên đầu mẹ Khoa và trên đầu họ giống nhau. Họ thấy mẹ của Khoa cũng như mẹ của họ và như chính họ đều tần tảo một nắng hai sương để nuôi con khôn lớn. Và thấy cả vẻ đẹp, ánh sáng của thơ ca đến với họ giản dị và dễ hiểu như công việc đồng áng hằng ngày vậy.

Cảm hứng mà trí thức tạo nên cho cộng đồng sẽ là bất tận nếu trí thức biết tìm về những cộng đồng làng xã ấy, sống với họ, chia sẻ với họ những gì mình có. Để rồi chính cộng đồng lại là nguồn lực vô cùng phong phú và đa dạng tiếp sức cho trí thức. 

Trí thức không phải là ai cao siêu mà là những người hiểu bổn phận của mình và hành động để sẻ chia tri thức với mọi tầng lớp nhân dân, giúp những tiềm lực chìm khuất lâu nay được hiển lộ. Để gia tăng sự tiệm cận văn minh, vun đắp cho nền văn minh của nông thôn Việt Nam nói riêng và dân tộc nói chung, cần nhiều lắm những Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa..., cần nhiều lắm những người bắt đầu những việc nhỏ như mang một tủ sách về làng.

Các chỉ số phản ánh đời sống văn hóa và văn minh cộng đồng sẽ được thể hiện khi cộng đồng coi tri thức và cơ hội tiếp cận tri thức là nhân tố chính trong đời sống của họ. Hi vọng rằng khuyến học và kiến tạo văn hóa đọc trên quy mô toàn xã hội sẽ được hỗ trợ phát triển tốt hơn bởi những cơ quan đang được Nhà nước giao phó trọng trách nâng cao dân trí, bằng vai trò tự thân của các dòng họ nói riêng và cộng đồng nói chung trên cơ sở thúc đẩy tinh thần công dân đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo Hội Khuyến học Việt Nam, đến năm 2009 đã có 60.000 dòng họ, chi họ được công nhận là dòng họ khuyến học, phản ánh ý thức tự thân của các dòng họ trong việc lập quỹ khuyến học hỗ trợ và khuyến khích con cháu học hành. Nhiều dòng họ đã chú trọng việc lập tủ sách, cho thấy việc khuyến học đã được chú ý ở phần gốc rễ, thay vì chỉ phát thưởng khi học hành đỗ đạt, giúp tất cả các đối tượng từ nghèo nhất đến khá giả đều có thể tiếp cận tri thức một cách bình đẳng.

Trong bốn năm qua, 83 dòng họ ở trên 20 tỉnh đã xây dựng tủ sách với tổng số trên 20.000 đầu sách. Nhiều dòng họ như họ Vũ ở làng Mộ Trạch, Tân Hồng, Bình Giang (Hải Dương) đã huy động con cháu đóng tủ, mua sách, từ 180 đầu sách ban đầu (năm 2009) nay đã có thêm 2.500 đầu sách báo, gấp đôi quy mô (theo quy định) của thư viện cấp xã. Sau hơn hai năm, tủ sách đã có trên 7.000 lượt sách được mượn. 

Anh Ngụy Văn Bình, một người trong dòng họ Ngụy ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang), cho biết tủ sách với 500 đầu sách của họ không đủ đáp ứng nhu cầu đọc của họ hàng và xóm giềng. Tháng 4-2011, họ Hoàng ở xã Diễn Cát, Diễn Châu (Nghệ An) đã huy động con cháu từ các nơi gửi về trên 2.000 đầu sách để lập tủ sách dòng họ. Họ Nguyễn Đình ở Thạch Châu, Thạch Hà (Hà Tĩnh) và họ Đào Văn ở Lưu Sơn, Đô Lương (Nghệ An) mới đây cũng đã khai trương các tủ sách với trên 500 đầu sách.


__________

(*) Người lập mô hình tủ sách dòng họ (xem TTCT 2-5-2010)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận