Bảo vệ khu dự trữ sinh quyển là bảo vệ tương lai

THEO ỦY BAN UNESCO VN 07/06/2009 04:06 GMT+7

TTCT - Kỳ họp lần thứ 21 của Ủy ban Điều phối Quốc tế chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) tại Jeju (Hàn Quốc) ngày 26-5 đã đưa Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) và Mũi Cà Mau của VN vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển thế giới (kdtsqTG).

Phóng to
Một góc vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau - thuộc vườn quốc gia U Minh Hạ, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau

Theo định nghĩa của UNESCO, KDTSQ là “những khu vực hệ sinh thái bờ biển và trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc sử dụng bền vững khu vực đó”.

Khu dự trữ sinh quyển: Phòng thí nghiệm sống

7 tiêu chí để trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới

1. Khu vực đó có đại diện đa dạng các hệ sinh thái của những khu vực địa lý sinh vật chính, bao gồm cả những giai đoạn phát triển có sự tác động của con người không.

2. Khu vực đề cử có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao.

3. Khu dự trữ sinh quyển đó có thể thực hiện phát triển theo hướng bền vững tại khu vực.

4. Khu dự trữ sinh quyển có diện tích thích hợp để đáp ứng được ba chức năng của khu dự trữ sinh quyển.

5. Khu vực đó có đủ những vùng thích hợp.

6. Có sự sắp xếp theo cấp độ của những thành phần liên quan, những người tham dự, những đối tượng quan tâm tại những khu vực phù hợp để cùng thực hiện những chức năng của khu dự trữ sinh quyển.

7. Cơ chế thực hiện việc quản lý và bảo tồn được UNESCO chấp nhận.

Một cách đơn giản hơn, KDTSQ là “những phòng thí nghiệm sống” giúp thử nghiệm việc quản lý đồng thời đất, nước và sự đa dạng sinh học. Các KDTSQ cùng nhau tạo thành một mạng lưới trên toàn thế giới: mạng lưới các KDTSQ. Hiện có hơn 500 KDTSQ được UNESCO công nhận ở 100 nước khác nhau.

Theo UNESCO.org, mỗi KDTSQ bắt buộc phải hoàn thành ba chức năng cơ bản. Một là chức năng bảo tồn tự nhiên, tức đóng góp cho việc bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học về nguồn gen và các loài. Hai là chức năng phát triển, tức giúp ích cho đời sống con người về kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo phát triển bền vững. Ba là chức năng hậu cần, tức cung cấp, hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu, kiểm tra, giáo dục và trao đổi thông tin liên quan tới các vấn đề địa phương, quốc gia và toàn cầu về bảo tồn, phát triển.

Trong một cuộc trao đổi với TTCT, tổng thư ký của Ủy ban quốc gia UNESCO VN Phạm Sanh Châu cho biết thêm: mô hình KDTSQ của VN được lựa chọn là mô hình bảo vệ thí điểm bởi VN đã lồng ghép bảo tồn với phát triển bền vững. KDTSQ không chỉ nhấn mạnh đến đa dạng sinh học mà còn chú trọng đến sự đa dạng văn hóa, cộng đồng xã hội.

Theo đó, KDTSQ được dùng như một địa điểm để học tập về cách phát triển bền vững, do lẽ phát triển bền vững cần đảm bảo cả ba yếu tố gồm phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và cộng đồng xã hội. Hơn thế, với tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức độ cao và ngày càng gia tăng như hiện nay, việc UNESCO công nhận hai KDTSQTG của VN sẽ mở ra những cơ hội hợp tác quốc tế trong việc sử dụng các KDTSQ để bảo tồn, phát triển bền vững.

VN đứng đầu Đông Nam Á về khu dự trữ sinh quyển thế giới

VN hiện nay vươn lên đứng đầu Đông Nam Á về số lượng các KDTSQTG với tám khu. Sau khi được UNESCO công nhận là KDTSQTG thì Cát Bà đã chủ động hợp tác trong “sáng kiến Jeju” với mục tiêu nhằm xác định các biện pháp bảo vệ nguồn nước sạch trên thế giới. KDTSQTG Kiên Giang đã ký được hợp đồng trị giá 2 triệu USD với một đơn vị của Đức trong việc bảo tồn và phát triển. Hiện nay, các KDTSQTG đã có những chương trình hành động cụ thể để duy trì như “Chương trình hành động của Madrid”, hệ thống KDTSQ Đông Á liên minh với nhau nhằm mục đích học tập kinh nghiệm, chia sẻ cách bảo tồn, nghiên cứu loài động vật khoa học...

Theo ông Phạm Sanh Châu, trong thời gian tới Ủy ban UNESCO VN dự định xây dựng mạng lưới liên kết các KDTSQTG của VN lại với nhau. Tuy nhiên để có những cơ hội hợp tác quốc tế, khu vực thì Mũi Cà Mau và Cù Lao Chàm cần sự chủ động của ban quản lý.

Trước tiên, Mũi Cà Mau cần nhanh chóng thiết lập ban quản lý riêng, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nhân lực, phân vùng bảo vệ.

Ông Châu nhấn mạnh: “Các KDTSQTG là sản phẩm mang thương hiệu quốc tế. Bây giờ khi nói đến Mũi Cà Mau, đó không chỉ là mũi cực Nam mà còn là KDTSQTG. Bên cạnh di sản văn hóa thế giới Hội An có Cù Lao Chàm với hệ sinh thái đa dạng”. Theo ông Châu, hiện nay VN đang nghiên cứu học tập các mô hình bảo tồn và phát triển của các quốc gia để áp dụng tại VN.

Bảo vệ các KDTSQ là nhiệm vụ của mỗi quốc gia. Hăng năm, kế hoạch bảo tồn và phát triển các KDTSQ cần được báo cáo lên UNESCO đánh giá thẩm định. Theo ông Phạm Sanh Châu, hiệu lực đối với việc UNESCO công nhận KDTSQ là vô thời hạn. Tuy nhiên, nếu chúng ta có các hành động không đúng kế hoạch, môi trường tại các KDTSQ bị ô nhiễm thì UNESCO sẽ có khuyến cáo, nhắc nhở và cuối cùng là có thể rút lại sự công nhận.

8 khu dự trữ sinh quyển của VN được UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới

1. Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, TP.HCM (2000)

2. Khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng và Đắc Lắc (2003)

3. Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà, TP Hải Phòng (2004)

4. Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng thuộc các huyện Thái Thụy, Tiền Hải (Thái Bình), Giao Thủy, Nghĩa Hưng (Nam Định), Kim Sơn (Ninh Bình) (2004)

5. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang, tỉnh Kiên Giang (2006)

6. Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An vườn quốc gia Pù Mát, hai khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt (2007)

7. Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau (2009)

8. Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (2009)

______________

Phóng to
ông Trần Phú Cường
Phải có trách nhiệm lớn

Vừa trở về từ Hàn Quốc, ông TRẦN PHÚ CƯỜNG - giám đốc Sở khoa học - công nghệ Cà Mau (người chủ trì hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Mũi Cà Mau là khu dự trữ sinh quyển thế giới) - cho biết:

Việc tổ chức UNESCO công nhận Mũi Cà Mau là khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG) là một sự kiện đáng tự hào cho VN nói chung và Cà Mau nói riêng.

Đó cũng là một cơ hội lớn để Mũi Cà Mau chúng ta được tham gia chương trình phát triển bền vững của thế giới, được thế giới quan tâm, phối hợp và hỗ trợ bảo tồn, phát triển sinh quyển, phát triển văn hóa, cộng đồng.

* Xin hỏi người dân trong KDTSQTG trên có hưởng được lợi ích gì không, thưa ông?

- Quan điểm của UNESCO về sinh quyển nay đã có những đổi mới. Theo đó, con người cũng là một phần của sinh quyển. Con người cũng sẽ được chăm lo phát triển để cùng tồn tại hòa hợp với thiên nhiên. Trong các chương trình mà tới đây thế giới sẽ kết hợp và hỗ trợ chúng ta phát triển bền vững có phần phát triển cộng đồng. Bên cạnh phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng, con người sẽ được đào tạo, nâng cao nhận thức về môi trường, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển sinh quyển... Trong những chương trình phát triển bền vững ấy, tất nhiên sẽ có lợi ích cả về mặt kinh tế cho người dân sống trong KDTSQTG.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau rộng 371.506ha với ba vùng: vùng lõi 17.329ha, vùng đệm 43.309ha và vùng chuyển tiếp 310.868ha. Tại vùng lõi được chia làm ba vùng nhỏ là các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc gia Mũi Cà Mau, vườn quốc gia U Minh Hạ và dãy phòng hộ ven biển Tây. Nơi đây có nhiều hệ sinh thái đặc trưng điển hình như: hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái đất ngập nước than bùn, hệ sinh thái biển... Mỗi hệ sinh thái đều lưu giữ các nguồn tài nguyên sinh vật, tài nguyên địa chất phong phú có giá trị bảo tồn cao.

* Thưa ông, danh hiệu KDTSQTG sẽ bị tước trong trường hợp nào?

- Trường hợp chúng ta không thực hiện đúng cam kết, hoặc chúng ta để mất đi những tiêu chí về khu dự trữ sinh quyển như quy định của UNESCO. Thông thường khoảng ba năm UNESCO sẽ kiểm tra đánh giá lại các tiêu chí, nếu ta đánh mất một trong các tiêu chí ấy thì sẽ bị rút lại danh hiệu.

* Chúng ta đã cam kết gì với UNESCO, thưa ông?

- Chúng ta đã cam kết thực hiện đầy đủ các mục tiêu hợp tác quốc tế trong mạng lưới bao gồm nghiên cứu khoa học, tổ chức giáo dục và giám sát ở cấp khu vực và toàn cầu. Sẽ công bố các kết quả nghiên cứu, các ấn phẩm tuyên truyền lợi ích của khu vực dự trữ sinh quyển (kể cả quyền sở hữu trí tuệ), tăng cường thông tin, đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

* Theo ông, việc giữ gìn các tiêu chí để bảo vệ danh hiệu KDTSQTG có khó không?

- Đó là trách nhiệm nặng nề của chúng tôi, của các cấp, ngành và người dân trong KDTSQTG Mũi Cà Mau. Phần chúng tôi, ngay bây giờ sẽ bắt tay vào việc hoạch định một kế hoạch dài hơi, với nhiều chương trình, dự án bảo tồn và phát triển đào tạo nguồn nhân lực. Kế đó sẽ có nhiều dự án được triển khai bằng nguồn vốn cả trong và ngoài nước. Nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng tôi tin là mọi người dân ở Mũi Cà Mau sẽ đồng lòng với chúng tôi, cùng quyết tâm gìn giữ và phát triển ngày càng trù phú Mũi Cà Mau.

Phóng to
Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự tặng giỏ đi chợ cho người dân Cù Lao Chàm trong cuộc vận động “Nói không với túi nilông” - Ảnh: Hoàng Duy
TTCT - Trò chuyện với TTCT, ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An - cho biết: Điểm đặc biệt ở Cù lao Chàm là trong quá trình lập hồ sơ đề nghị công nhận Cù lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới, nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá: “Cù lao Chàm là mẫu hình chưa có tiền lệ, nó gắn liền một khu sinh thái với khu di sản văn hóa thế giới”.

Công lao của cư dân Cù lao Chàm

* Nhiều người dân Cù Lao Chàm cho biết chính ông chứ không phải ai khác đã giúp họ thay đổi tập quán lên rừng đốn củi, dùng than tổ ong thay cho củi rừng và thuyết phục họ giữ rừng cho đảo thêm xanh?

- Những năm sau 1975, đời sống khó khăn, nhiều năm liền biển mất mùa cá nam, người dân Cù Lao Chàm đổ xô lên rừng đốn củi đưa vào đất liền bán. Không chỉ vậy, nhiều loại thuốc nam quý hiếm cũng bị dân trong đất liền ra săn lùng... Thật tình trong một thời gian dài, vì kế mưu sinh của gần 3.000 dân trên đảo nên công tác bảo vệ rừng ở Cù Lao Chàm chưa được coi trọng. Nhiều dải rừng biến mất, chỉ còn đồi trọc, nguồn nước sinh hoạt cho cư dân trên đảo ngày một cạn kiệt.

Tình hình ngày càng bức bách, chúng tôi quyết định phải nghiêm cấm việc chặt phá rừng. Nhưng làm sao để vận động nhân dân không đốn củi, chặt cây mới khó, bởi từ bao đời nay cuộc sống của cư dân xã đảo này gắn chặt với rừng. Đầu năm 1995, đoàn công tác của thị xã Hội An do tôi - lúc đó đang làm chủ tịch UBND thị xã - dẫn đầu ra đảo với nhiệm vụ vận động bà con không dùng củi để đun nấu mà thay bằng than đá.

* Thuyết phục bà con có khó lắm không?

Cù Lao Chàm cách Hội An khoảng 10 hải lý, gồm tám đảo, gần 3.000 dân với tổng diện tích hơn 15km2. Khu bảo tồn biển hơn 6.700ha, trong đó có 165ha rạn san hô. Kết quả khảo sát gần đây cho thấy Cù Lao Chàm có 947 loài sinh vật sống trên vùng nước quanh các đảo, san hô. Hệ thực vật trên đảo rất phong phú, đa dạng và quý hiếm với gần 500 loài thuộc 352 chi, trong đó có 228 loài cây làm thuốc...

Hệ động vật trên đảo có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát, trong đó có khỉ đuôi dài và chim yến là hai loài được xếp vào sách đỏ của VN. Cù Lao Chàm còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, tôn giáo như chùa Hải Tạng, khu thờ Phật Bà Quan âm Bồ tát, lăng Ông, miếu Bà, miếu tổ nghề yến... gắn với những truyền thuyết ở đảo. ở đây còn chứa đựng một lượng cổ vật lên tới hàng trăm nghìn chủng loại bao gồm các loại bát, đĩa, ấm, ché, lư hương, tượng thờ và tiền cổ xưa... trong một con tàu cổ bị chìm cách đây gần năm thế kỷ.

- Từ bỏ một tập quán đã hình thành từ lâu đời không dễ gì. Nhưng nói là làm. Cuộc họp có gần 500 người dân tham gia, nghe phổ biến việc cấm phá rừng, chặt củi, đám đông ồ lên phản đối. Lúc đó tôi chỉ nói ngắn gọn: “Giữ rừng, giữ biển chính là giữ được đời sống bà con. Bà con phá rừng, lúc đó không có nước ngọt, bà con sống làm sao?”. Nghe tôi nói, nhiều người im lặng.

UBND thị xã khi đó trích ngân sách mua than tổ ong, thuê thuyền chở ra đảo phát không cho các hộ. Đồng thời đưa thợ ra đảo, đến từng nhà xây bếp cho bà con, các đơn vị bộ đội đóng quân trên đảo cũng thay củi bằng than tổ ong. Thời gian đầu không quen nấu bếp than, cơm lúc sống lúc khê, bà con la dữ lắm, nhưng dần dần cũng quen. Rừng không bị phá, cây lên xanh thì nguồn nước sinh hoạt lại dồi dào.

Người dân bắt đầu ngộ ra. Tự họ chứ không ai khác là những người gìn giữ đảo cho họ và con cháu mai sau. Tôi có thể nói rằng để gìn giữ những cánh rừng với hơn 95% độ che phủ (rừng Cù Lao Chàm có độ che phủ cao nhất nước) như hiện nay thật sự không dễ chút nào. Từ việc làm này, tôi nghiệm ra bất cứ việc gì khó cũng có thể làm được nếu có sự hợp lực của người dân.

* Ông có nói việc UNESCO gọi Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới còn là sự ghi nhận công lao của cư dân sinh sống bao đời nay trên Cù Lao Chàm trong cách ứng xử với thiên nhiên?

- Tôi xin đơn cử việc giữ gìn sự đa dạng của hệ sinh vật biển ở Cù Lao Chàm. Cù Lao Chàm được chọn làm khu bảo tồn biển không chỉ vì nơi đây có hệ sinh vật biển quý hiếm, đa dạng mà còn do ý thức của cư dân trên đảo. Trước đây lúc đời sống bà con còn nghèo, cũng như bây giờ chưa bao giờ nghe một tiếng nổ mìn trên biển đánh bắt cá.

Hiện toàn đảo có hơn 200 tàu thuyền có công suất từ 5-33 mã lực và ngư dân của đảo chỉ đánh bắt các loài cá mực mặt biển, bắt cua đá, ốc khe núi chứ không có tàu nào dùng mắt lưới nhỏ để tàn sát thủy sinh đáy biển. Người dân tự ý thức được việc giữ gìn môi trường sống của các loài sinh vật biển, không khai thác san hô, săn bắt tôm hùm, cá mú và các loại hải sản có giá trị kinh tế cao vào mùa sinh sản.

Gần đây, tuy các dịch vụ du lịch phát triển trong dân nhưng bà con rất ý thức việc giữ gìn sản vật của biển. Khách được đưa đi ngắm san hô, xem cá ngũ sắc ở đáy biển bằng thuyền lắp kính chứ tuyệt đối không được lặn bắt. Tất cả những việc làm đó xuất phát từ ý thức giữ cho môi trường sinh thái Cù Lao Chàm bền vững, bởi người dân nhận thức được rằng nếu phá vỡ điều đó, chính họ sẽ nhận lãnh hậu quả trước tiên. Và những cố gắng của người dân đảo đã được đền đáp. Mỗi năm có gần 2 vạn du khách vượt biển đến Cù Lao Chàm để được hít thở không khí trong lành và thụ hưởng những gì mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất trong xanh, sạch đẹp này.

Để không là hư danh

Theo tôi, Cù Lao Chàm phát triển phải theo hướng “lưng phải dựa vào núi, mắt phải hướng ra biển”. Tức là phải giữ rừng bởi nó không chỉ mang giá trị thảm thực vật quý mà còn là “lá phổi” của đảo, vì rừng bị phá thì không có nước, dân không sống nổi, đó là chưa kể môi trường sinh thái bị hủy hoại. Thứ hai, phải tăng hiệu quả khai thác kinh tế biển, đưa ngành du lịch lên hàng đầu. Theo đó, phải bảo tồn và nuôi dưỡng những tài nguyên để phát triển. Phải đầu tư cho Cù Lao Chàm thu hút du khách đến, chuyển đổi ngành nghề sản xuất cho người dân, tránh bêtông hóa, tránh hủy hoại hệ sinh thái rừng và biển chính là những phương thức làm giàu cho Cù Lao Chàm.

* Với danh hiệu khu dự trữ sinh quyển thế giới, coi như Cù Lao Chàm đã có thương hiệu quốc tế rồi. Cù Lao Chàm cần phát triển theo hướng nào để bảo tồn giá trị này?

- Người dân đã bỏ công sức gìn giữ, bảo vệ Cù Lao Chàm để khai thác lợi thế thiên nhiên làm du lịch, nhưng đời sống của họ vẫn còn thấp. Do những hạn chế như giao thông cách trở, không có nguồn điện, phương tiện đánh bắt còn nhỏ, chưa vươn khơi, không có cơ sở sản xuất, dịch vụ lớn. Cù Lao Chàm tiềm năng như vậy ai cũng thấy nhưng lâu nay chỉ được áp dụng cơ chế để giảm nghèo, cơ chế “trợ cấp” chứ không phải là một cơ chế, chính sách có tính chiến lược để bảo tồn, nâng giá trị lên để đảo phát triển và người dân làm giàu.

* Phát triển kinh tế mà vẫn bảo tồn môi trường có là một thách thức lớn?

- Cù Lao Chàm đang được các hãng du lịch lớn ngắm nghía. Việc bùng nổ du lịch trong một tương lai gần đang mở ra nhiều cơ hội làm giàu cho cư dân địa phương. Nhưng bên cạnh đó, thách thức đặt ra cũng không nhỏ, đó là vấn đề phát triển và bảo tồn. Theo đó, việc làm đầu tiên là phải quy hoạch lại toàn bộ Cù Lao Chàm. Nếu không có định hướng và chiến lược phát triển hợp lý, Cù Lao Chàm có thể sẽ phải đối diện với hàng loạt vấn đề về ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái bị tàn phá nghiêm trọng như nhiều KDTSQ khác trên thế giới đang phạm phải.

* Có vẻ như khó khăn chỉ mới... bắt đầu?

- Đã có nhiều chủ doanh nghiệp đề nghị được đầu tư xây dựng các khu nhà nghỉ, resort cao cấp ở Cù Lao Chàm với vốn đầu tư hàng chục triệu USD. Song đó là điều cần phải được cân nhắc khi quyết định cấp phép đầu tư vào Cù Lao Chàm. TP Hội An khuyến khích các dự án đầu tư phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, việc xây dựng các khu du lịch ở Cù Lao Chàm sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào cảnh quan, nhà không cao hơn đồi. Bên cạnh đó sẽ thực hiện thí điểm việc “Nói không với túi nilông” ở Cù Lao Chàm, bước đầu thành phố cấp 1.300 chiếc giỏ đi chợ cho các hộ gia đình trên đảo và vận động bà con dùng các loại lá gói thực phẩm. Với du khách khi đến Cù Lao Chàm không được mang theo túi nilông mà sẽ được cấp phát các loại túi giấy.

Phát triển Cù Lao Chàm phải gắn chặt với bảo tồn để giữ gìn Cù Lao Chàm cho con cháu mai sau. Nếu không làm tốt việc này, việc được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới hay bất cứ một danh hiệu cao quý nào cũng chỉ là hư danh thôi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận