Carol Howland người khách không cô đơn

ĐOÀN LÂM 09/03/2011 22:03 GMT+7

TTCT - Lần đầu khi chị đến Việt Nam năm 1997, ấn tượng rõ nét nhất về chị đó là một phụ nữ Anh trung tuổi, lịch thiệp, dí dỏm, luôn nở nụ cười trên môi. Sáng nào cũng chỉ thấy chị điểm tâm với bánh mì quệt mứt hoa quả và vài lát xoài chín.

Tôi biết chị đang thực hiện cuốn sách du lịch Việt Nam bỏ túi do một nhà xuất bản ở Anh đặt.

Phóng to
Carol Howland tại Việt Nam - Ảnh do NXB Thế Giới cung cấp

Bẵng đi đến chục năm sau, bất ngờ lại thấy chị xuất hiện ở Hà Nội. Vẫn trẻ trung, lịch thiệp và hóm hỉnh. Lần này, chị sang cập nhật các thông tin về Việt Nam cho cuốn sách du lịch cũ sắp tái bản. Chị là Carol Howland, cây bút tự do chuyên viết về du lịch.

Sức hút và duyên nợ

Việt Nam quả thật có một sức mạnh huyền bí nào đó cuốn hút chị không thể cưỡng lại nổi - như sau này chị thú nhận. Bắt đầu từ những năm 1960, khi còn là sinh viên đại học tại Washington D.C, Carol Howland vô tình đọc được cuốn Truyện các vị thần - tiểu thuyết do một quý bà hoàng tộc Nhật sáng tác vào thế kỷ 11. Tự nhiên chị đâm ra như bị phương Đông bỏ bùa. Chị quyết định học thêm bằng đại học về ngôn ngữ vùng Viễn Đông.

Kết hôn với một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, gia nhập ngành ngoại giao Mỹ, chị thuyết phục được chồng chọn nhiệm kỳ công tác đầu tiên ở châu Á, chính xác là ở Campuchia. Khi đó, chiến sự đang bùng nổ lẻ tẻ ở Đông Dương.

Thời gian gần cuối nhiệm kỳ hai năm của chồng, có những lúc đôi vợ chồng trẻ phải sống rất căng thẳng, vali đồ đạc luôn được đóng gói kỹ càng để bên giường nằm. Có đêm họ lái xe đi như bay đến cảng Shihanukville để xem mất khoảng bao thời gian đề phòng khi cần phải chạy tháo thân từ Sứ quán Mỹ ra nước ngoài. Chị vẫn rất muốn được sang thăm Việt Nam nhưng tình hình chưa cho phép.

Rồi cuộc sống riêng tư không suôn sẻ. Carol quyết định bỏ nước Mỹ sang London, mua căn hộ nhỏ để thử hòa mình với một xã hội mới. Nhưng thẳm sâu trong đáy lòng chị luôn cảm thấy thôi thúc phải đến thăm đất nước Việt Nam.

Đi dạo dưới bầu trời mưa phùn ướt sũng, lạnh lùng đến tê tái của London, chị có đôi chút băn khoăn về quyết định đến Việt Nam của mình. Liệu một phụ nữ đã ngoài 50 tuổi có đủ can đảm để đi du lịch đơn độc ở xứ lạ, không bạn bè, không người thân? Nhất là Việt Nam cộng sản lúc đó còn “đóng kín cửa” trong con mắt của phương Tây.

Thực tế trước đó, để viết sách du lịch, Carol từng một mình sang Campuchia, Nhật Bản, Mexico và cuối cùng định cư tại London, trở thành công dân Anh.

Chị tìm đọc sách viết về Việt Nam và thấy phát hoảng vì thông tin trái chiều. Lúc đó, mặc dù rất “sợ một cách mơ hồ chính quyền cộng sản”, chị vẫn lấy can đảm viết thư cho Sứ quán Việt Nam tại Anh, trình bày lý do muốn sang Việt Nam viết cuốn sách để khám phá những bí ẩn trong nền văn hóa bản địa.

Bốn tháng ở Việt Nam là khoảng thời gian rất hạnh phúc với Carol. Chị hoàn thành xong cuốn sách được giao. Thời gian trôi đi, đến năm 2008 chị mới có dịp quay trở lại để viết một cuốn sách mới về Việt Nam theo đơn đặt hàng của Nhà xuất bản Thế Giới. Chị dùng tiền túi chu du từ Bắc vào Nam, viết cuốn sách sau này đến tay công chúng dưới cái tên Rồng bay trên mái - một năm ở Việt Nam (Dragons on the roof - A year in Vietnam).

Đây không phải là một cuốn sách hướng dẫn du lịch thông thường. Nói chính xác, đó là một nhật ký lữ hành hay một tập hợp các bài phóng sự, bút ký thấm đẫm chất tự sự. Quá khứ và hiện tại của Việt Nam được tác giả cảm nhận, trình bày và lý giải qua trải nghiệm thực tế của chính bản thân.

Những trang viết không khô khan mà đầy ắp âm thanh của phố phường nhộn nhịp xe cộ dù là ở Hà Nội hay TP.HCM, có mùi thơm đầy quyến rũ của bún chả - nem phố cổ Hà Nội, có giọng ca Huế man mác trên sông Hương, có ánh trăng thượng huyền đầy cảm xúc ở phố cổ Hội An, hay một “bữa tiệc” thị giác về rau trái tươi ngon của phương Nam trên chợ nổi Cần Thơ.

Với cuốn sổ nhỏ luôn trên tay, Carol sục sạo khắp nơi, làm quen, trò chuyện với tất cả mọi người từ anh xe ôm tới chị bán hàng ăn, nghệ sĩ tuồng, học giả, một “mệ” Huế quý phái hay người hầu già còn sống sót của bà hoàng thái hậu cuối cùng triều Nguyễn.

Dường như tất cả những gì là văn hóa lịch sử, xã hội Việt Nam đều trở thành nam châm thu hút chị, trở thành nguồn cảm xúc cho ngòi bút của chị, được tuôn trào ào ạt trên giấy như mạch nước ngầm để xoa dịu đi “cơn khát” phát hiện Việt Nam.

Có lần chị tâm sự: “Số tiền nhuận bút nhà xuất bản trả cho cuốn sách chỉ đủ để tôi thanh toán tiền khách sạn trong hơn hai tháng ở Việt Nam. Thật ra tôi đã chia tay với London, chuyển về sinh sống ở Niche - một thành phố biển nhỏ ở đông nam nước Pháp. Mùa hè, tôi cho người ta thuê căn hộ để nghỉ mát và dùng tiền đó sang Việt Nam. Việt Nam hình như là mối duyên nợ của tôi”.

Phóng to

Bìa sách Rồng bay trên mái của Carol Howland

Những con người làm nỗi đau vơi nhẹ

Vốn được một gia đình người Mỹ nhận nuôi từ bé, chị luôn cảm thấy hoài niệm xa xôi mơ hồ nào đó về gốc gác tổ tiên của mình, về bố mẹ thật của mình mà chị không hề biết. Rồi hôn nhân tan vỡ sớm.

Giờ chị sống một mình ở Niche. Quanh đi quẩn lại chỉ có 5-6 người bạn nước ngoài cùng thân phận kiều dân như chị. Phải chăng vì thế lần nào đến Hà Nội, chị cũng rủ tôi đi xem cải lương do đoàn Chuông Vàng diễn. Chị thích nhất là vở Kim Vân Kiều vì chị đã đọc tác phẩm này nên hiểu được nội dung.

Có lần tôi hỏi chị: “Sao chị lại thích xem cải lương?”. Chị trả lời: “Tôi thích nghe giai điệu bài ca và nhạc điệu của cải lương, nghe thật thư thái và man mác buồn”. Nhưng theo tôi cảm nhận, nghệ thuật cải lương dường như rung lên những nốt nhạc của tiếng tơ lòng mà chị đã đào sâu chôn chặt mấy chục năm qua.

Hôm cuối cùng chị ở Hà Nội, tôi và chị ngồi nhâm nhi tách cà phê ở phố hẻm Bảo Khánh yên tĩnh. Hà Nội vào thu trời hơi lạnh. Những lá bàng chuyển màu đỏ - vàng rơi xào xạc rắc đầy mái các quán cà phê góc phố, dưới ánh nắng vàng trong vắt của chớm thu.

- Sang năm chị lại sang Việt Nam nhé!

- Lâm ơi, để xem đã. Vào cái tuổi này rồi...

Một phút im lặng, trống vắng. Tôi buột miệng an ủi chị:

- Chị từ Mỹ sang sống ở Anh, rồi lại sang Pháp. Chị đã “được quốc tế hóa” rồi. Hay chị bán quách căn hộ ở Niche rồi sang đây sống cho đỡ buồn. Dù sao chị cũng có nhiều bạn ở Việt Nam rồi.

- Ý tưởng hay đấy! Nhưng ai sẽ quan tâm đến tôi khi hai tay run run không còn cầm nổi đồ vật nữa nhỉ?

Tôi liều mạng trả lời:

- Những người bạn Việt Nam của chị chứ ai!

Đối với tôi, câu trả lời bột phát thật là “liều mạng”, nhưng với chị, đó là khả năng hoàn toàn hiện thực. Đất nước này trở thành nơi ẩn trú ấm áp, an toàn cho cái “tôi” thoát xác mới mẻ của chị.

“Tính hài hước của người Việt Nam, khả năng làm nỗi khổ đau vơi nhẹ là nguyên nhân của tinh thần lạc quan khỏe khoắn, dai bền, không thể áp chế được. Người dân - thậm chí là những người còn thiếu thốn - vẫn rạng rỡ nụ cười trên khuôn mặt. Cái nồng ấm tinh thần của họ bắt nguồn từ chính bên trong.

Người lạ và người nước ngoài được chào đón với tình cảm bè bạn và hào hiệp đến mức khiến người ta lúc đầu phải băn khoăn liệu đó có phải là tình cảm đích thực hay không, nhưng đấy là thật sự; và ngược lại, người ta băn khoăn về sự chua chát, thiếu tình cảm vốn vẫn thường gặp ở phương Tây”...

“Một năm tôi sống với họ thật giàu có trải nghiệm sâu sắc biết bao. Tôi thích thú đào sâu vào văn hóa của họ và có lẽ sẽ sung sướng tiếp tục làm như vậy thêm một năm nữa hay có thể suốt cả đời. Tôi ngạc nhiên đến cảm động vì tình cảm nồng ấm, hiền hậu, tình bạn cởi mở và tính hài hước của họ; vì sự nhạy cảm, sự lịch thiệp cực kỳ tinh tế của họ; vì sự tinh vi trong nền nghệ thuật của họ; vì cảm quan về phong cách cũng như sự thông thái của họ”...

“Một năm tôi ở Việt Nam, mặc dù cách ly khỏi cái mà ở phương Tây gọi là đời sống xã hội bình thường, những người Việt Nam mở rộng lòng mình chào đón nên rất ít khi tôi cảm thấy cô đơn, nếu có cũng chỉ thoáng qua mà thôi”. (**)

Mảnh trăng non lờ đờ dần hiện ra trên nền trời xanh thẫm cùng với ánh sao Hôm bắt đầu lóe sáng. Dòng nước trong vắt của sông Hoài lấp loáng sáng bạc giữa những thân thuyền đen sậm. Tiếng lao xao thân thiết của đám dân chài tìm chỗ đậu thuyền qua đêm.

Đương khi nhấm nháp cái khoảnh khắc đó, tôi vội tìm chỗ cất giấu cảnh tượng nhìn thấy ở một nơi nào đó trong ký ức - như thể ta lưu giữ khuôn mặt của người bạn thân yêu. Trong giây phút thích thú như vậy, bỗng nhiên tôi cảm thấy cô đơn khi ngắm nhìn những gia đình thuyền chài ấm cúng.

Khi người ta bị tách ra khỏi khung cảnh xã hội quen thuộc của mình thì điều đó tạo ra một thứ trạng thái “quên lãng vị trí” - thời gian trở thành vô nghĩa, bản sắc bị biến mất. Tôi thấy cồn cào trong lòng ước vọng muốn giữ mãi cái trạng thái nhẹ bẫng và tách biệt này, đồng thời khát khao có một người bạn. (*)

__________

(*), (**): Các đoạn trích bằng tiếng Việt do Đoàn Lâm dịch từ Rồng bay trên mái.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận