Đi tìm bộ lọc cho chính mình

TTCT - Mark Zuckerberg, người đồng sáng lập Facebook, đã lên tiếng yêu cầu Tổng thống Barack Obama cho thông qua sắc luật về quyền bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng Internet.

Ôi, boomerang!
Thật đấy, không ảo đâu!
Khi mạng xã hội... phản chủ!

Minh họa: Bích Khoa

Không phải đơn giản mà ông trùm Facebook phải lên tiếng như thế! 98% người Mỹ giải thích lý do không còn tin tưởng vào thế giới mạng là do e ngại trở thành nạn nhân của lừa đảo, bị virút tấn công, mất thời gian đọc những tin vô bổ hoặc bài viết tự đánh bóng tên tuổi (theo Mashable, 2012).

Những lo ngại thông tin cá nhân bị sử dụng và trao đổi tùy tiện là một phần trong bức tranh về độ tin tưởng và an toàn cho người sử dụng Internet. Tại quốc gia đề cao tự do cá nhân như Mỹ, các tiết lộ về việc chính phủ nghe lén (như cựu nhân viên NSA Edward Snowden cáo giác), hoặc sử dụng spyware để thu thập thông tin của người dân, là một ngòi nổ!

Ngay sau đề xuất của Mark Zuckerberg, nhiều ý kiến đã xoay xung quanh khuyến nghị này. Trước hết, chính phủ có trách nhiệm bảo vệ người dân trước nạn khủng bố, vì nghi phạm có thể đưa ra những tuyên bố hoặc các trao đổi bí mật trên hệ thống mạng.

Nhưng mặt khác nếu nhà nước tiếp tục sử dụng các phần mềm do thám, tấn công vào tài khoản thông tin cá nhân của người dùng, chẳng khác nào nhà nước đồng thuận cho phép các công ty khác cũng sử dụng spyware nhằm tấn công và có thể sử dụng thông tin của người khác mà không được sự cho phép của họ. Vấn đề bảo mật thông tin, nhận biết rủi ro và các nguy cơ có thể gặp khi trao đổi trên thế giới mạng là điều cần thiết.

Chọn bạn mà chơi!

Nếu ví chiếc máy tính và không gian mạng là một ngôi nhà, những trang web hoặc diễn đàn bạn truy cập là những người khách, thì không ai mong muốn sau mỗi lần mời khách đến nhà phải rà soát xem khách có để lại món đồ “bí ẩn” nào đó dùng để do thám việc riêng tư của gia chủ, sau đó có thể truy xuất lấy các dữ liệu của mình. Và dĩ nhiên nếu không thể ngăn việc vài “ông bạn hay ho” để lại những món đồ trong nhà mình mà không thông báo, “chọn bạn mà chơi” là một giải pháp trong môi trường thế giới ảo này.

“Họ sử dụng thông tin của tôi để làm gì?” là một câu hỏi thú vị mà mọi bạn trẻ sử dụng Internet cần phải đặt ra. Đầu tiên, các trang mạng cần tăng tính cạnh tranh, vì thế hiểu về sự quan tâm của khách hàng khi dạo chơi trên thế giới mạng là điều tất yếu. Những thu thập này được lưu lại trên máy tính của mỗi người, giống như lưu lại dấu chân bạn đã đi qua.

Mặt khác, việc tổng hợp các thu thập này có giá trị trong việc hiểu biết về đối tượng nhóm khách hàng và có thể sử dụng để tiếp cận họ. Đây cũng là lý do vì sao các chuyên gia khuyên không nên trao đổi dữ liệu trong hệ thống mạng công cộng như tại sân bay, nhà ga. Chúng ta không biết ai đang trên cùng hệ thống mạng khi ở nơi công cộng, và họ có khả năng gì, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.

“Cơ hội kinh doanh trong thời điểm khủng hoảng. Bạn sẽ trở thành ông chủ của chính mình, thu nhập 10 triệu/tuần. Hãy gia nhập tổ chức của chúng tôi. Điều bạn cần làm là đóng trước một khoản tiền để mua sản phẩm, giới thiệu với những người khác cùng sử dụng.”

Không có gì tệ hại hơn là bạn đóng tiền để mua sản phẩm nhưng không có sản phẩm nào được gửi tới, hoặc công ty không tồn tại. Nạn nhân sẽ nhận được hết lý do này đến lý do khác để giải thích vì sao đã đóng phí mà chưa nhận được sản phẩm. Và đối với những người cung cấp toàn bộ thông tin tài khoản ngân hàng, họ có thể bị lấy sạch tiền.

Điều trớ trêu là thông tin cá nhân của những người từng bị lừa trên mạng sẽ tiếp tục bị bán cho các tổ chức khác tiếp cận, vì đây được coi là đối tượng dễ lợi dụng nhất (theo Tổ chức Action Fraud).

Để không là nạn nhân

Đôi khi trong cuộc đời vận may có thể đến, các cơ hội làm ăn trở nên khá dễ dàng, nhưng không phải luôn luôn như vậy. “Hãy suy nghĩ như những luật sư hoặc cảnh sát khi họ tiếp cận sự kiện” là một trong những lời khuyên được các nhà giáo dục sử dụng để hướng dẫn bạn trẻ chọn lọc thông tin khi tiếp cận thế giới Internet.

Tại sao mọi việc lại quá đơn giản như thế, người liên hệ có thực hay không, ai là người chịu trách nhiệm nếu thông tin họ đưa ra bị sai, bạn sẽ tổn thất điều gì, có cách nào khác để tránh tổn thất hay không?

Thế giới ảo luôn gắn liền với thế giới thực. Có quá nhiều xìcăngđan người đẹp lừa tiền, những câu nói được cho là “chém gió” của một nhân vật nào đó được phản ánh trên các trang mạng, kèm theo sau đó là đủ cung bậc hỉ nộ của cộng đồng trẻ về một hiện tượng. Tất cả gia vị và thời gian tiêu tốn đủ để “nấu một nồi cháo” chỉ trích, phê phán hoặc tung hô một vấn đề.

Nhờ những anh chàng “do thám”, các nhà truyền thông có thể nhanh chóng nắm bắt đối tượng trẻ thích đọc và tìm hiểu điều gì, đâu là hiện tượng cần được thổi bùng lên. Nhờ đó, chủ của các trang web sẽ thay đổi nội dung hoặc thông tin để phù hợp với thị hiếu của nhóm bạn đọc của họ.

Ở một khía cạnh khác, khi hiện tượng đó dần nguội đi, các bài viết đính chính và những kiện cáo về sự xuyên tạc dần xuất hiện, bạn có thể giật mình tự hỏi bao nhiêu phần trăm thông tin mình đã đọc và tham gia tranh luận là sự thật và tại sao tôi phải tin.

“Bức tường lửa” được xem là giải pháp giúp phụ huynh kiểm soát về việc truy cập các trang web không lành mạnh của con trẻ. Tuy nhiên, không có “bức tường lửa” nào hiệu quả bằng việc bạn trẻ phải có bộ lọc của chính mình: đó là hiểu biết về thế giới mạng, biết lựa chọn và phân loại đâu là website đáng tin cậy với nguồn thông tin chính xác.

Vấn đề không phải là bạn nghe gì và đọc gì, điều quan trọng là bạn đã sử dụng thông tin đó như thế nào để chứng tỏ sự trưởng thành và hiểu biết của mình.

Theo ước tính của Chính phủ Anh, những dạng tội phạm trên Internet hằng năm gây thiệt hại 73 triệu bảng Anh, con số thực tế có thể cao hơn tại nước này (Action Fraud, 2014). Tổ chức này đưa ra một hệ thống các loại lừa đảo từ Internet trên khắp lĩnh vực, không từ nạn nhân là cá nhân hoặc tổ chức.

Hằng năm, các ngân hàng tiêu tốn rất nhiều tiền để phục vụ việc bảo mật thông tin của khách hàng. Song song đó, những “trùm lừa” trên thế giới mạng cũng suy nghĩ trăm phương ngàn kế để tìm cách có thông tin xâm nhập vào tài khoản từ chính khách hàng. Đối tượng họ nhắm đến rất đa dạng, nhưng điểm chung là những người không cảnh giác và quá tập trung vào món hời có thể nhận được.

Thuê công ty Internet đọc mạng xã hội học sinh

Đó là chuyện diễn ra tại quận Glendale Unified, lớn thứ ba ở Los Angeles (Mỹ). Năm 2013, quận này đã chi cho Công ty Geo Listening hơn 40.000 USD để theo dõi mạng xã hội của học sinh trong quận nhằm tìm ra những kẻ vi phạm kỷ luật học đường, có hành vi bắt nạt hay những hoạt động gây hại khác.

Theo hợp đồng này, các hoạt động trực tuyến của 14.000 học sinh ở ba trường trung học nam California là Glendale, Hoover và Crescenta Valley sẽ được lựa chọn giám sát.

Geo Listening đang đặt mục tiêu trở thành nhà tiên phong trên thị trường trong lĩnh vực thu thập và phân tích các thông tin được công khai nhằm bảo đảm an ninh học đường.

Giám đốc Công ty Geo Listening cho biết họ đã thông báo cho học sinh rằng sẽ theo dõi mạng xã hội nên “không sợ vi phạm quyền riêng tư”, đồng thời khẳng định họ sẽ không đọc email, tin nhắn SMS, không nghe lén điện thoại, voicemail, không “hack” tài khoản cũng như không khóa bất cứ thông tin riêng tư nào của giới trẻ.

Geo Listening đã tạo lập chương trình để hệ thống máy tính của họ phát hiện và báo cáo cho những người có trách nhiệm bằng một phương pháp đặc biệt mà không ảnh hưởng đến chính sách và chương trình học của trường.

Hệ thống cho phép phát hiện việc bắt nạt thường, bắt nạt trên mạng, nỗi tuyệt vọng, sự căm ghét, bị tổn thương, tình trạng trốn học, phá hoại, kỳ thị, sử dụng ma túy, vũ khí, tội ác... bằng cách sử dụng các trang mạng xã hội như Twitter, Facebook, Instagram, Picasa, Vine, Flickr, Ask.fm, YouTube, Google+, tức bất cứ đâu mà người ta tự nguyện chia sẻ thông tin.

Đến cuối năm 2013, có khoảng 3.000 tài khoản của các học sinh “được lựa chọn” giám sát. Chris Frydrych, giám đốc điều hành Geo Listening, cho biết mỗi ngày ban giám hiệu những trường trên sẽ được báo cáo về các thông tin đưa lên mạng cần lưu ý, thời điểm học sinh đưa lên mạng, trong hay ngoài trường, tên chủ tài khoản và lý do vì sao cần lưu ý những nội dung này. Sau đó, ban giám hiệu sẽ toàn quyền quyết định cách thức xử lý.

Glendale Unified đã phải nhờ tới công ty có trụ sở ở Hermosa Beach này sau khi hai thiếu niên tại quận này tự tử. Kể từ khi công ty này thông báo hoạt động của mình và vì công ty chỉ theo dõi những thông tin bạn trẻ đưa lên mạng xã hội, nhiều sinh viên đã “né” giám sát bằng cách nhắn tin riêng.

Young Cho - 16 tuổi, học sinh Trường Hoover High - nói cô biết mạng xã hội không phải là nơi riêng tư và an toàn, nhưng nó cũng không phải là trường học vì tại đó cô có thể “chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ về bạn bè. Việc nhà trường giám sát mạng xã hội, tôi hiểu, nhưng không cho là đúng”.

Trong khi đó, nhiều bậc cha mẹ tỏ vẻ không hài lòng, cho rằng đây là một ví dụ nữa về việc can thiệp vào cuộc sống riêng tư của các công dân Mỹ.

MINH THƯ (Theo latimes, huffingtonpost)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận