Chuyện không nhỏ của bé Tạo

LÊ NGUYÊN MINH 05/01/2014 00:01 GMT+7

TTCT - Một nhóm người đứng túm tụm, lo âu trước sân khoa ngoại niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), mắt họ hướng về phòng mổ nơi em Đinh Văn Tạo (người Ba Na) mắc một căn bệnh hiểm nghèo đang được phẫu thuật.

Những sự cố và xìcăngđan lan truyền do mạng xã hội khiến không ít người cho rằng mạng xã hội xấu xí, còn công nghệ đang khiến người ta trở nên xa cách và cô độc hơn. Nhưng năm 2013 vừa trôi qua không thiếu những câu chuyện cho thấy diễn đàn xã hội này có thể đem cả thế giới đến gần với nhau, ấm áp hơn và nhân ái hơn. Thế giới ảo & thực kỳ này gửi đến bạn ba câu chuyện như thế của năm 2013...

Họ chẳng phải bà con, cũng không quen biết nhau, chỉ qua trao đổi trên Facebook biết được tình trạng đáng thương của em bé chưa đầy 3 tháng tuổi này. Họ đến để giúp chăm sóc em...

Phóng to
Hai mẹ con bé Tạo khỏe mạnh trở về trong vòng tay các bạn Pleiku Cafe

24 ngày lo lắng, giờ mọi người chúc mừng nhau trên trang nhà của mình: “Bé Tạo đã khỏe mạnh về làng”, “Ôi, chúc mừng con chúng ta được cứu sống”... Những lời chúc mừng chân thành của những người xa lạ từ khắp nơi dành cho bé Đinh Văn Tạo.

Lộ diện những ân nhân “ẩn”

Thật khó tưởng tượng chính mạng xã hội đã giúp cứu sống em bé người Ba Na Đinh Văn Tạo, được đưa đến bệnh viện từ một ngôi làng xa xôi, cách Pleiku (Gia Lai) gần 150km, cách Sài Gòn gần 900km.

Anh Nguyễn Quang Tuệ, trưởng nhóm bạn Pleiku Cafe, kể: “Trên đường đi làm từ thiện từ huyện Kbang về Pleiku, tình cờ chúng tôi gặp hai vợ chồng trẻ người Ba Na bế đứa con hơn 2 tháng tuổi bị lở loét bộ phận sinh dục. Bé đau đớn kêu khóc thảm thiết mà cha mẹ bé thì ngơ ngác vì không hiểu biết ở tuổi đời quá trẻ (cả hai chưa tới 20 tuổi) mà cũng chẳng có tiền để đưa bé đi chữa trị. Chúng tôi bèn giúp đưa cháu về Bệnh viện tỉnh Gia Lai”...

Và Tuệ cùng nhóm bạn bắt đầu hành trình của mình. Anh viết một lá thư kể về trường hợp của bé Tạo đưa lên Facebook cá nhân cùng trang web Pleikucafe.com của nhóm. Và ngay lập tức, cư dân mạng lao vào giúp đỡ. Người góp tiền, kẻ góp công. Chẩn đoán ban đầu ở bệnh viện địa phương chỉ là nhiễm trùng...

Một bạn không yên tâm “cầu viện” bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhờ xem và chẩn bệnh giúp. Hai ngày sau bác sĩ Phạm Ngọc Thạch phản hồi: bé bị mắc một căn bệnh hiếm gặp. Con vi trùng cực mạnh đã xâm nhập và phá hủy dần các mô và mạch máu, gây hoại thư. Bệnh này trên thế giới mới tổng kết được khoảng 1.000 ca, trong đó chỉ 60 ca là trẻ em, còn Bệnh viện Nhi Đồng 2 chỉ từng gặp một bệnh nhân như vậy, mà cách nay gần 20 năm...

Tin được gửi ngay cho nhóm bạn Pleiku với lời nhắn phải tìm cách đưa bé về thành phố mổ gấp. Nhưng Pleiku còn chần chừ vì bệnh nhân đang được điều trị và tiến triển tốt. Cháu bé còn quá nhỏ, cha mẹ lại không rành đường đi nước bước ở Sài Gòn, cũng chẳng có họ hàng thân quen... Thế là cũng qua Facebook, các bạn ở TP.HCM hứa sẽ dành thời gian giúp cháu bé.

Anh Tuệ bèn thuyết phục cha mẹ đưa cháu bé về Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tại đây, nhờ sự can thiệp tích cực của bác sĩ, bé Tạo đã phục hồi nhanh chóng, những cơn sốt bị đẩy lui, vết mổ mau lành miệng... Tại bệnh viện, những “ân nhân” dần lộ diện. Họ tề tựu bên giường bệnh, gật đầu chào nhau: Em là Hằng, chị là Hà, là An, anh là Dương, cháu là Phi... Người này là giáo viên, người kia làm công việc kinh doanh, bán hàng, người nọ là sinh viên...

Chào và xưng tên vì họ chưa hề biết nhau trước đó. Hằng bỏ công việc, cả ngày ở bệnh viện, xăng xái mua từng cái tã, bón từng miếng sữa cho bé... Anh Tuệ cập nhật trên trang cá nhân của mình từng ngày, người góp 200.000, kẻ góp 500.000 đồng...

“Có cô giáo tận ngoài Thái Bình nghe tin gọi điện thoại cho tôi mà giọng nghẹn ngào. Tất cả chúng tôi chưa từng quen biết nhau mà nói chuyện cứ như thể thân nhau từ lâu lắm rồi vậy... Đúng là thằng bé được cứu nhờ tấm lòng nhân ái của mọi người” - anh Tuệ kể.

Lòng tốt đơm hoa

Câu chuyện này xảy ra và kết thúc thật có hậu ngay lúc dư luận còn giận dữ chuyện những cháu bé bị hành hạ ở một trường mầm non tại Thủ Đức, TP.HCM và chuyện một số người “hôi bia” khi một chiếc xe chở bia bị tai nạn ở Đồng Nai... Cái xấu vẫn len lỏi, chen lẫn với cái tốt trong đời sống thường nhật.

Anh Tuệ nói vẫn tin người tốt có ở khắp nơi, vấn đề là chúng ta phải khơi gợi và kết nối sao cho cái tốt, điều thiện nảy mầm, đơm hoa và lan tỏa.

Những ngày cuối năm anh Tuệ và các bạn nhóm Pleiku Cafe lại làm công việc hằng tháng của mình là lên đường, xuống xã Yana, Kông Chro đem những bộ quần áo cũ gom được tặng bà con dân tộc nghèo, các bạn trẻ lại được dịp “múa kéo” cắt tóc hay thậm chí cắt móng tay cho các em đón tết...

Nói về những người bạn của mình, anh Tuệ khiêm tốn: “Chúng tôi là những kẻ gàn dở của phố núi, với mắm muối, bột ngọt và quần áo cũ, đích đến là những ngôi làng nghèo ở Tây nguyên”... Nhưng chuyện các anh và những cư dân “ẩn” trên mạng làm không nhỏ chút nào. Bởi giờ đây việc làm tốt đẹp ấy không chỉ quanh quẩn ở phố núi. Mạng xã hội đã giúp kết nối họ ra tận Thái Bình, Nghệ An, vào tận Phan Thiết, Sài Gòn...

______________________

Màu trời hồng xanh

11g12 ngày 12-8-2013 trong sân bay Los Angeles, một người đàn ông mặt mày bơ phờ, râu ria không kịp cạo, chăm chú gí mắt vào màn hình iPad. Anh đang trò chuyện qua Skype với cha mình, một cụ ông đang nằm hấp hối trên giường bệnh cách đó gần 1.500 dặm. Brandon sốt ruột chờ chuyến bay sớm nhất có thể tới Nebraska, nơi cuộc sống của cha anh, ông Brian Curtis, chỉ còn vài giờ le lói sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư phổi và Parkinson...

Trong suốt cuộc trò chuyện qua Skype bằng iPad, Brandon chụp lại thật nhiều hình ảnh có thể. Ông Brian nằm trên giường, quanh ông tràn ngập màu hồng và xanh của những tấm thiệp, hình ảnh, những bức vẽ và thông điệp nhắn gửi. Những người lạ ông chưa từng gặp từ gần 105 nước trên thế giới, qua các phương tiện truyền thông xã hội, đã gửi tới ông những an ủi, sẻ chia.

Ông Brian đã hạnh phúc gọi đó là “màu trời hồng xanh”. Cuộc nói chuyện của họ đôi lần bị ngắt quãng. “Chúng tôi chỉ nhìn nhau mà không nói được lời nào. Tôi thì thầm với cha: “Con đang trên đường đến với cha đây” dù không biết liệu mình có kịp nói lời vĩnh biệt ông không” - Brandon ngậm ngùi kể lại.

15 tháng trước, khi đang công tác ở Áo, Brandon nhận được điện thoại báo tin cha anh bị ung thư phổi. Anh lập tức thu xếp công việc của một giám đốc thương hiệu Red Bull để bay về Nebraska cùng cha. Bác sĩ cho gia đình Curtis biết quỹ thời gian của cha anh còn sáu tháng, dao động trong cộng trừ ba. Sau khi hội ý, cả nhà quyết định không tiến hành hóa trị liệu cho cha anh để tránh tăng thêm đau đớn mà căn bệnh Parkinson đang hành hạ ông.

Chị gái lớn của Brandon, Jana, đã qua đời đột ngột vì một loại bệnh do virút tám tháng trước. Cả gia đình vốn đã hiểu thế nào là mất mát người thân mà không kịp nói lời chia tay. Vì vậy khi Brandon nghe tin về bệnh ung thư của cha, gia đình anh quyết định sẽ làm mọi thứ để ông Brian biết mọi người yêu thương ông như thế nào.

Gia đình Brandon quyết định mở một chiến dịch online tên là #SkyBluePink (tạm dịch: Màu trời hồng xanh), với hi vọng chiến dịch này sẽ đem lại hạnh phúc và sự ấm áp cho ông Brian những ngày cuối đời. Màu hồng xanh là màu yêu thích của ông Brian, sắc màu chỉ có thể tìm thấy ở bầu trời bình minh và hoàng hôn tuyệt đẹp.

Họ kêu gọi bạn bè gửi tới ông thiệp điện tử, các note trên Facebook, tweet trên Twitter hoặc chia sẻ ảnh cùng ông trên Instagram. Họ muốn cha mình luôn cảm thấy ấm áp và gia đình luôn kết nối quanh ông.

Chỉ một tuần sau khi Brandon gửi lời đề nghị #SkyBluePink qua dịch vụ chia sẻ hình ảnh trên mạng Imgur, anh đã nhận được gần 500 bức ảnh màu xanh hồng phản hồi từ cộng đồng mạng. Chúng đủ để lấp kín cả bức tường bệnh viện cha anh đang điều trị. Brandon và chị gái Cindy đọc cho cha những thông điệp động viên chia sẻ được gửi đến từ Đức và Úc, và “ông đã bật khóc trong sự kinh ngạc và hãnh diện”.

Hai tuần sau chẩn đoán, ban nhạc Good Show Great Show của bang Nebraska đăng một thông điệp trên blog, kể lại câu chuyện của ông Brian và bài hát mới trùng tên với chiến dịch “Sky Blue Pink”.

Bạn có nghe những gì tôi nghe?
Sẽ không tìm được một tình yêu nào khác
Bạn có thấy những gì tôi thấy?
Màu trời hồng xanh làm miền Tây bừng dậy...

Cindy mở đi mở lại bài hát cho cha nghe. Ông Brian cười, sau đó lại khóc. Cindy viết trên blog: “Toàn bộ bài hát, từ giai điệu đến lời nhạc đều hết sức hoàn hảo với cha tôi”. Còn Brandon gọi bài hát này là một tưởng niệm cho cuộc sống mà cha anh đã trải qua.

Nhiều tháng trôi qua, ông Brian được xạ trị để ngăn các khối u không lan ra. Đến gần Giáng sinh năm đó, gia đình ông đã nhận được gần 2.700 phản hồi từ chiến dịch SkyBluePink. Ông Brian nhìn những bức ảnh mỗi ngày khi ông thức dậy và trước khi đi ngủ. Ông nói với con trai: “Tình yêu là một phương thuốc kỳ diệu và cha thích nó hơn là những viên thuốc”.

Ông Brian qua đời ngày 13-8, một ngày trước sinh nhật lần thứ 30 của Brandon. Tại tang lễ, Brandon chia sẻ về cộng đồng SkyBluePink: “Tôi tin SkyBluePink giữ vai trò quan trọng giúp cha tôi sống lâu hơn chẩn đoán của bác sĩ. SkyBluePink sẽ luôn là biểu tượng cho tình yêu”.

Trong lễ tang có bài hát Sky Blue Pink của nhóm Good Show Great Show. Mọi người ở đó đều biết bài hát này, cũng như những phản hồi từ chiến dịch SkyBluePink...

VĨ ANH (Theo mashable.com)

____________________

Bà nuôi của tôi

Phóng to
Cụ bà Vera Dmitryevna và Kamil Magomedov trở thành các nhân vật trên kênh truyền hình Russia 1 - Ảnh: vesti.ru

Note trên Facebook của Kamil Magomedov, ngày 19-11-2013

Hôm nay trong cửa hàng tôi bắt gặp một bà cụ chọn lựa rất lâu để tìm đồ hộp nào rẻ tiền hơn. Tôi để ý thấy trong cái lạnh 20C mà bà lại mang dép nhựa. Tôi lại gần, giúp bà xem giá, sau đó dẫn bà đi khắp cửa hàng, bỏ vào xe hàng của bà bất cứ thứ gì lọt vào mắt. Tôi mua cho bà một giỏ đầy thực phẩm, còn bà van vỉ: “Ồ không, không, đằng nào thì quầy tính tiền cũng không cho tôi qua, họ biết tôi không có tiền”. Khi bà hiểu tôi không đùa, tôi sẽ trả tiền và bà có thể mua bất cứ thứ gì cần, bà cụ mới rụt rè lấy dầu ăn và gạo. DẦU VÀ GẠO!

Tôi hỏi nhà bà thiếu thực phẩm gì để xem nên mua thêm gì, hóa ra nhà bà không có gì cả. Khi tôi bỏ vào xe hàng vài phong sôcôla, mắt bà sáng lên niềm vui thơ trẻ như ánh mắt một bé gái 3 tuổi được phép ăn sôcôla... Bà cụ rất mê sôcôla, nhưng đã sáu năm nay bà không mua kẹo.

Trên đường đi tới quầy tính tiền, bà lúng túng khi thì không chịu lấy hàng, khi thì bảo: “Vậy ngài sẽ bảo ngài là cháu tôi nhé, không thì họ không cho ta qua đâu”, khi thì bà làm dấu thánh và nói cảm ơn. Thì ra có lần nào đó bà đã bị khước từ vì không đủ tiền trả cho món đồ hộp và bánh mì. Vỏn vẹn 120 rúp (khoảng 80.000 đồng - TTCT).

Bà đã không ra khỏi nhà cả tháng. Ăn toàn đồ hộp, mà chúng cũng đã hết mấy ngày nay rồi. Mắt lấp lánh sáng, bà nói với tôi: “Ngài biết không, con trai (vâng, bà gọi tôi là “ngài” rồi lại “con trai”), khi ra khỏi nhà tôi đã cầu trời cho tôi kiếm được 100 rúp tiền ăn. Đôi khi tôi tìm được tiền dọc đường, còn đây ngài lại mua cho tôi bao nhiêu là thứ”.

Tôi đưa bà về nhà, mang giúp giỏ hàng lên lầu. Bà sống trong một chung cư cao cấp - một tháp nhà ngói ở khu ngã tư phố Leninski và Ydalsov. Tôi ngạc nhiên. Thì ra người ta đền cho bà căn hộ này sau khi tháo dỡ khu chung cư năm tầng cũ ở đây để xây lại khu nhà mới. Bà đã sống trong căn hộ này với con trai, người qua đời sáu năm trước, giờ bà còn lại một mình... Tôi được mời vào căn hộ của bà. Trên sàn, thay cho thảm, là bìa cactông. Phải chi các bạn thấy bà đang sống thế nào, thấy những thứ gì trên bàn bếp của bà...

Tôi hiểu vì sao lương hưu không đủ để bà mua thức ăn - tiền nhà ở những khu chung cư này đắt gấp đôi bình thường (và bạn thử không trả tiền một tháng thì biết), mà nơi ở khác thì bà không có. Nhưng đổi căn hộ khác thì bà sợ - thì người già từng bị giết, bị lừa như thế nào, và nói chung chẳng có cơ hội nào để đổi. Mà chuyện đó cũng không quan trọng. Quan trọng là cái giỏ đồ ăn bất hạnh này đủ cho bà ăn mỗi tháng có giá 2.000 rúp - (1,2 triệu đồng). 2.000 rúp, chẳng là gì với người Matxcơva. Mà cụ bà nào đây? Tôi thấy trên tường những tấm ảnh thời trẻ xa xôi nào đó của bà - một phụ nữ từng rất đẹp. Chồng bà từng làm việc ở viện nghiên cứu vũ trụ. Ảnh của bà chụp ở Nhà hát lớn. Giờ tuổi già như thế này đây...

Lúc chia tay tôi nghe biết bao lời tốt lành... Bà không biết làm gì - ừ thì cảm ơn, ừ thì không dám giữ tôi lại... rồi thì khóc...

Tôi nói tôi sẽ trở lại thăm bà.

Về nhà, mở Facebook, tôi thấy một người bạn khác cũng kể lại một tình huống tương tự ở cửa hàng (trang của Olena Danko), để một lần nữa thấy rằng có những người già khó khăn quanh ta. Một người già có thể chết cóng ở nhà, nơi những láng giềng đều hiểu rõ bà ăn không đủ no, nơi mỗi người đều chẳng khó khăn gì với túi tiền của mình để kéo dài cuộc sống của cụ bà. Vậy mà chẳng ai buồn quan tâm. Chẳng ra sao cả. Chết vì lạnh và hết. Không ai quan tâm. Thế kỷ 21. Matxcơva.

Bạn thân mến, tôi chỉ có độc một yêu cầu ở cuối bài viết dài dòng này - cứ mỗi lần gặp trong cửa hàng các cụ bà, hãy trả tiền cho giỏ hàng của họ. Bạn có thấy các giỏ hàng đó không? Họ chỉ mua cho mình tối đa là 300 rúp (khoảng 200.000 đồng). Hãy đơn giản đến với họ, bỏ thức ăn vào giỏ hàng và trả tiền ở quầy khoảng từ 500 đến 1.000 rúp. Với những bạn bè tôi có lẽ là chuyện nhỏ, nhưng với cụ bà mà bạn giúp đỡ, đó có thể là vấn đề sinh tử.

Tôi đang nghĩ xem làm cách nào tổ chức trên mạng xã hội những hoạt động theo kiểu này...

Note Facebook này nhận được hàng chục nghìn “like” với vô số comment. Rất nhiều lời ngợi khen, hứa sẽ quan tâm hơn đến những người già sống quanh mình. Có người hỏi Kamil địa chỉ và rủ anh cùng đến thăm bà cụ. Nhưng cũng có không ít người hoài nghi, dè bỉu đây cũng chỉ là một trong những “quả lừa”, trò “câu view” trên mạng. Có người còn hỏi có phải Kamil định... ứng cử đại biểu Đuma không?

Ngày 3-12-2013, CityBoom - trang web của những người yêu thành phố Matxcơva, đã xác minh câu chuyện của Kamil và đăng bài trên trang web với tựa đề: “Đúng là sự thật, và còn hơn thế nữa”. Trang web cho biết đã gặp Kamil Magomedov, 28 tuổi, được biết anh là một doanh nhân, và cùng anh tới thăm bà cụ anh viết trên Facebook.

Họ khẳng định những gì Kamil kể là sự thật và hơn thế, cụ bà còn cho biết Kamil tuần nào cũng đến thăm và mang thức ăn tới cho bà, “nhiều đến độ tôi không ăn hết. Tôi không thể tin vào hạnh phúc của mình” - cụ bà Vera Dmitriyevna xác nhận.

Gần hai tuần sau bài viết trên CityBoom, ngày 11-12-2013, cụ bà Vera Dmitryevna và Kamil Magomedov trở thành các nhân vật trên kênh truyền hình Russia 1.

Cộng hưởng này giúp nỗ lực của Kamil vươn xa. Trên trang web mới “Bà nuôi của tôi” mà Kamil Magomedov vừa lập nên như anh đã hứa “sẽ làm gì đó” cho những số phận này, người ta thấy những địa chỉ, những cái tên các cụ già neo đơn mà cư dân mạng tìm thấy quanh mình. Họ hẹn và chia nhau đến thăm các cụ vào Giáng sinh và năm mới...

MINH NHIÊN

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận