Chuyện "tám" trên WikiLeaks

(Theo CS Monitor) 27/12/2010 00:12 GMT+7

TTCT - Qua việc tiết lộ những thông tin động trời của giới ngoại giao bằng các tài liệu thô cung cấp cho báo chí, WikiLeaks cũng cho thấy một khía cạnh rất đời thường của các nhà ngoại giao Mỹ khi họ bình phẩm về các chính khách thế giới và những bà vợ.

Phóng to
Thế giới trong mắt WikiLeaks. Biếm họa của Taylor Jones trên Politicalcartoons.com

Y tá của ngài đại tá và hoàng đế cởi truồng

Nhà lãnh đạo Libya Muammar Qaddafi không phải là hình mẫu cho nhân vật chính trong truyện ngắn Ngài đại tá chờ thư của đại văn hào Garcia Marquez, nhưng ông cũng đã mỏi mòn đợi cô y tá ruột người Ukraine Galyna Kolotnytska của mình đến mức “gần như phụ thuộc một cách ám ảnh”. Một báo cáo đóng dấu mật của đại sứ Mỹ tại Libya Gene A. Cretz đã tọc mạch về cuộc sống hằng ngày của ông Qaddafi.

Báo cáo đề ngày 29-9-2009 cho hay ông Qaddafi đã dứt khoát không chịu sang Mỹ để tham dự một hội nghị cấp cao chỉ vì cô y tá tóc vàng Kolotnytska của ông chưa kịp nhận visa và quyết định ở lại Bồ Đào Nha đợi bằng được cô này trước khi khởi hành. Thế là chính quyền Tripoli đã cử hẳn một máy bay phản lực tư nhân chở một mình Kolotnytska sang Bồ Đào Nha. Thật là “giai nhân nhất tiếu khuynh thành”.

Cũng trong báo cáo của mình, ông Cretz tỉ mỉ ghi thêm: “Ông ấy (Qaddafi) không muốn ở trên máy bay nhiều hơn tám tiếng, ghét bay qua mặt nước và không thích ở trên các tầng nhà cao. Ông có vẻ thích đua ngựa và nhảy flamenco”. Việc chọn điểm dừng ở Bồ Đào Nha và quyết định dựng lều vải ngoài trời ở công viên trung tâm New York trong cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mới đây cho thấy nhận xét thứ nhất của Cretz có thể chính xác, nhưng về đua ngựa và điệu flamenco, xét trên thời trang ưa thích của ông Qaddafi là chiếc áo chùng Bắc Phi truyền thống thì có lẽ cần xem lại.

Tuy nhiên, ít ra những nhận xét của Cretz về Qaddafi vẫn còn nghiêm túc, nhất là khi so với những gì các nhà ngoại giao Mỹ bình phẩm về Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Lo sợ làm ảnh hưởng tới công tác ngoại giao của Mỹ ở Paris, báo chí đăng tải các công hàm do WikiLeaks với tên người phát biểu bị xóa, nhưng những nhận xét về ông Sarkozy vẫn còn được giữ lại: “một hoàng đế cởi truồng” và “hám quyền”. Đài RFI cho biết thêm ngay cả Phó thủ tướng Đức Guido Westerwell cũng bình phẩm: “Chẳng ai biết chuyện gì xảy ra nếu Sarkozy liên quan”.

Với những công hàm ngoại giao như thế, New York Times đã không cưỡng nổi một nhận định vinh danh các nhà ngoại giao Mỹ: “Thậm chí ở những khu vực cách xa các vùng chiến sự hay những cuộc khủng hoảng quốc tế, nơi lợi ích của nước Mỹ không cao, những nhà ngoại giao đầy tò mò cũng có thể biến thành những nhà báo tài tình, cho chúng ta những câu chuyện tuyệt vời và cụ thể về đời sống địa phương”.

Trong một tài liệu đề năm 2006, một nhà ngoại giao tò mò của Mỹ đã tả lại đám cưới xa xỉ của một cặp vợ chồng có nhiều mối quan hệ tại Dagestan (Nga), nơi khách mời có mặt Tổng thống Cộng hòa Chechnya Ramzan Kadyrov. Các khách mời say xỉn đã ném những tờ 100 USD vào các trẻ em làm vũ công trong đám cưới. “Những vũ công đó có lẽ đã kiếm được tới 5.000 USD” - nhà ngoại giao viết, đồng thời kể Kadyrov đã tặng cặp vợ chồng “một cục vàng nặng 5kg làm quà cưới”.

Phóng to
Đệ nhất phu nhân Azerbaijan Mehriban Aliyev (giữa) - Ảnh: spiegel.de

Chuyện quý bà

Không chỉ các nữ nguyên thủ, cả đệ nhất phu nhân cũng không lọt khỏi tầm ngắm của các nhà ngoại giao Mỹ, theo những tiết lộ được Spiegel đăng tải. Cựu đại sứ Mỹ tại Đức William Timken cho rằng sắc thái của quan hệ xuyên Đại Tây Dương có cải thiện khi Thủ tướng Đức Angela Merkel lên nắm quyền, nhưng bà “vẫn chưa có các bước đi táo bạo để cải thiện thực chất mối quan hệ”. Các nhà ngoại giao Mỹ phải trải qua một thời kỳ khó khăn để sưởi ấm quan hệ với vị nữ thủ tướng mà họ đặt tên là Angela “Teflon” Merkel (Teflon là một loại polymer chịu nhiệt tốt và được dùng để tráng chảo không dính) bởi ít có cái gì có thể kết dính với bà: từ lâu, bà Merkel đã khéo léo đứng trên những cuộc tranh cãi chính trị Đức.

Theo đồn thổi của các đại sứ và cán bộ nhân sự Mỹ, đệ nhất phu nhân Nga Svetlana Medvedeva đã “gây căng thẳng giữa các phe nhóm và tiếp tục là nguồn tung tin đồn”. Một thông tin nhanh gửi đến Bộ Ngoại giao Mỹ còn báo cáo bà Medvedeva đã thảo ra một “danh sách các quan chức có thể bị gây khó khăn trong sự nghiệp do không trung thành với chồng mình”.

Hấp dẫn hơn là chuyện bà Mehriban Aliyev, vợ của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev. Thư từ trao đổi của các nhân viên ngoại giao Mỹ mô tả bà Mehriban đã “phẫu thuật thẩm mỹ quá mức tới độ từ xa có thể nhầm bà ta với con gái, nhưng dẫu sao bà ta cũng còn động đậy được gương mặt”.

Đệ nhất phu nhân Zimbabwe Grace Mugabe đã đệ đơn kiện tờ tuần báo The Standard ở nước này vì đưa lại tin từ WikiLeaks. Công hàm của Bộ Ngoại giao Mỹ trích lại lời một quan chức trong ngành khai thác mỏ ở Zimbabwe nói bà Grace và người đứng đầu Ngân hàng Trung ương nước này, ông Gideon Gono, đã nhận tiền bất hợp pháp từ việc bán kim cương ở đông Zimbabwe. Bà Grace nói cáo buộc trên là sai trái và đòi bồi thường thiệt hại 15 triệu USD, theo thông tin từ The Herald, một tờ báo mà ông Mugabe đang kiểm soát.

Bà Suha, vợ góa của nhà lãnh đạo Palestine quá cố Yasser Arafat, đã gọi điện than phiền với đại sứ Mỹ tại Tunisia sau khi tài sản của bà ở nước này và hộ chiếu Tunisia của bà bị tịch thu. Một vụ việc đậm màu sắc phụ nữ. Báo El Pais dẫn lại công hàm bị tiết lộ cho biết bà Suha cáo buộc Leila Ben Ali, vợ của tổng thống Tunisia, đứng sau âm mưu này. Lý do: bà Suha đã liên lạc với hoàng hậu Rania của Jordan để “tư vấn” bà này tìm cách ngăn cản cuộc hôn nhân giữa một người cháu của Leila với quốc vương Dubai giàu có. Ông quốc vương này trước đó đã lấy một người em gái của vua Jordan, tức em chồng của bà Rania, làm vợ.

Phóng to
Tổng thống Saleh - Ảnh: CS Monitor

Whiskey tốt đấy!

Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh, người cấm tiêu thụ thức uống có cồn ở nước mình, nói với tướng Mỹ David Petraeus rằng ông ta lo âu về việc buôn lậu ma túy và vũ khí từ nước Djibouti láng giềng, nhưng lại chẳng lo gì tới một loại buôn lậu khác. Saleh bảo Petraeus: “Nói Ismail Guelleh (tổng thống Djibouti) rằng tôi chẳng để ý đâu nếu ông ta buôn lậu whiskey vào Yemen. Loại whiskey được buôn lậu vào đây tốt đấy”.

Cuộc trốn chạy vĩ đại

Không chỉ phản ánh đời sống của giới lãnh đạo hay các vấn đề chính trị thế giới trong những bản báo cáo của mình, các nhà ngoại giao Mỹ còn cung cấp chất liệu cho một bộ phim ăn khách của Hollywood: cuộc đào thoát của Hossein Ghanbarzadeh Vahedi, một nha sĩ 75 tuổi gốc Iran sống ở California, ra khỏi nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Theo Daily Mail, năm 2008, Vahedi về lại Iran để thăm mồ mả tổ tiên. Ông có bốn tuần thăm bạn bè, người thân không gặp trở ngại gì cho đến khi ra phi trường Tehran để lên máy bay về nhà. Tại khu vực kiểm tra, không rõ vì lý do gì mà hộ chiếu của Vahedi bị tịch thu. Bảy tháng tiếp theo, ông bị quản thúc tại gia. Vahedi cho rằng ông bị bắt giữ vì các con trai của ông, hiện sống ở Los Angeles, đã quảng cáo cho các ca sĩ nhạc pop gốc Iran khá nổi tiếng. Ông được yêu cầu nộp 150.000 USD và bảo các con trai ngừng công việc của mình nếu muốn nhận lại hộ chiếu.

Cân nhắc lợi hại, Vahedi quyết định trốn đi. Ông đã trả 7.500 USD cho hai tay buôn lậu ma túy để ngồi trên lưng ngựa vượt qua các dãy núi trùng điệp ở biên giới phía tây Iran và vào Thổ Nhĩ Kỳ, rồi bắt xe đi gần dọc đất nước này để đến được Ankara trình diện Lãnh sự quán Mỹ. Trong những tuần lễ trước khi trốn thoát, Vahedi thậm chí tập làm quen với độ cao và việc leo núi ở những quả đồi bên ngoài Tehran.

Ngày 7-1-2009, Vahedi lên một chiếc xe đò đi từ Tehran tới Urmia. Ở đó ông được chở đến những rặng núi nơi hai người buôn ma túy và một con ngựa đang đợi. Tại đây, ông trả cho họ khoản tiền cọc 5.000 USD. Trong cái lạnh cắt da của mùa đông miền núi, Vahedi đã đi suốt 14 giờ đêm đó để sang đất Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi sang biên giới, ông phải trả nốt khoản tiền 2.500 USD còn lại cho một người thứ ba. Sau đó, các quan chức Lãnh sự quán Mỹ tại Ankara đã thuyết phục được Thổ Nhĩ Kỳ không dẫn độ Vahedi trở lại Iran cũng như không phạt ông vì tội nhập cảnh bất hợp pháp. Bốn ngày sau, Vahedi đã được trở về California.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận