Thước đo ý nghĩa cuộc đời là sự đóng góp

BS QUỲNH KIỀU 17/11/2010 00:11 GMT+7

TTCT - 15 năm qua, mỗi năm bác sĩ nhi khoa Quỳnh Kiều từ Mỹ về Việt Nam hai lần theo chương trình mà bà thành lập Project Vietnam Foundation (Quỹ Dự án Việt Nam).

Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã trò chuyện với bà ngày 6-11, sau khi bà cùng các chuyên gia Mỹ chia sẻ với các phụ huynh kinh nghiệm nuôi dưỡng trẻ em tại TP.HCM.

Phóng to
Bác sĩ nhi khoa Quỳnh Kiều (trái) cùng các chuyên gia Mỹ chia sẻ kinh nghiệm với các bậc phụ huynh về chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em từ 0-5 tuổi tại dinh Thống Nhất (TP.HCM) - Ảnh: Thuận Thắng

Tiền bạc không mua được sự thỏa mãn tinh thần

* Thưa bà, nhìn các bậc phụ huynh dành thời gian đến để nghe cách chăm sóc con khiến chúng ta cảm thấy có nhiều hi vọng về việc các em nhỏ ngày càng được chăm sóc tốt và đúng cách hơn. Các phụ huynh vốn hay lấy lý do quá bận rộn nên những dịp này quả là dịp quý?

Nhồi sọ quá sẽ không sáng tạo được

Trẻ em ở Việt Nam vừa từ trường về nhà không những phải làm bài mà còn phải đi học thêm. Mới bé tí xíu mà phải học thêm. Thời gian các em không đi học chính là lúc não bộ các em phát triển. Thời gian các em chơi đùa với đồ chơi, với chúng bạn chính là lúc các em sáng tạo.

Bắt trẻ em đi học theo kiểu nhồi sọ, lúc nào cũng đến lớp không phải là điều quý. Người Mỹ không tiết kiệm được như người Nhật vì họ đặt cao nhu cầu thụ hưởng của cá nhân. Nhưng nước Mỹ vẫn tồn tại và phát triển vì người Mỹ có óc sáng tạo. Nhồi sọ quá sẽ không sáng tạo được.

Trên thế giới này, những gì quan trọng là được phát triển vượt ngoài khuôn mẫu. Bố mẹ muốn con phát triển thì phải tính toán tới những gì ngoài khuôn mẫu, phải tin con mình có sức mạnh, là một cá nhân riêng và phải có phương pháp phù hợp với sự phát triển của con.

- Cha mẹ luôn là người sát cánh với con mình nhất, giúp con phát triển nhiều nhất. Bất kỳ ai khác can thiệp chỉ là những người tư vấn vì họ có chuyên môn mà thôi. Vấn đề là các gia đình ngày càng bận rộn lo lắng cho kinh tế, vì vậy họ phó mặc thời gian chăm sóc và vui chơi với con cái cho người giúp việc, cô giáo, nhà trường.

Dẫu thế, trước và sau khi đón bé từ trường về, cha mẹ vẫn có thể dành thời gian trực tiếp tiếp xúc với bé, dù thời gian đó ít ỏi nhưng rất có ý nghĩa. Các ông bố bà mẹ về thì hay làm việc nhà, thời gian dành thật sự toàn vẹn tâm trí cho các bé hay thông tin, trò chuyện với các bé không nhiều.

Trong quãng thời gian ít ỏi đó, để giúp bé phát triển, nếu cha mẹ làm việc nhà thì nên cố gắng lôi kéo sự quan tâm của bé vào việc đó. Ví dụ khi giặt giũ thì rủ bé cùng làm, chỉ màu sắc, đồ đạc và nói chuyện để bé phát triển nhận thức. Nếu cha mẹ mang về nhà sự căng thẳng của công việc thì chẳng ích gì cho sự phát triển của con.

Hành động sẽ kéo theo cảm giác. Nếu họ luôn nghĩ đứa con vô cùng quan trọng với mình và cần làm gì để giúp bé phát triển, đó mới là sứ mệnh cao cả và quan trọng nhất của cha mẹ khi họ bước chân về đến nhà.

* Nhưng các bậc cha mẹ cần đi làm để kiếm tiền lo cho tương lai của con...

- Tương lai của con nằm ở chỗ cha mẹ giúp con phát triển ra sao. Không phải cha mẹ lo cho tương lai bằng sự trọn vẹn về tài chính, mà là làm sao cho con phát triển tối đa, thông minh nhất, phát triển tất cả tiềm năng của bé.

Theo tôi, mấu chốt là cha mẹ phải ở bên con, làm sao cho con hiểu được những giá trị mà bản thân cha mẹ cũng đề cao và tôn trọng. Ví dụ cha mẹ muốn con mình học hỏi nhiều nhưng chỉ lo chuyện vật chất thì con cái họ sẽ nghĩ thế nào?

Cha mẹ là người mà con cái tiếp xúc đầu tiên khi vừa mở mắt, sáng thức dậy, tối đi ngủ. Qua những gì cha mẹ làm, con cái sẽ khám phá ra thế giới. Bởi vậy, giả sử cha mẹ có những người không có điều kiện học hoặc không học được, nhưng họ có tinh thần học hỏi thì con cái sẽ hấp thu được tinh thần đó.

Ở Mỹ, các gia đình thành công không phải là gia đình giàu có. Tỉ phú Warren Buffett không để lại tài sản cho con mà gửi hết vào từ thiện, vì ông tin rằng con ông phải tự lo cho cuộc sống của mình, và quả thật con ông ấy tự làm được. Vấn đề quan trọng là cha mẹ giúp cho con hiểu những ưu tiên của họ về đời sống, giá trị tinh thần và khi con cái thông minh, sắc bén thì chúng sẽ làm được.

* Bà đã đưa đoàn thiện nguyện trở về Việt Nam thực hiện các đợt khám chữa bệnh, đào tạo cho các trẻ em Việt Nam hoàn toàn miễn phí. Các thành viên không được lợi gì về vật chất, thậm chí họ phải tự bỏ tiền trả các chi phí của chuyến đi (khoảng 2.500 USD/người). Bà đã thuyết phục mọi người tham gia và duy trì công việc đó ra sao?

- Ước mơ của chúng tôi là mỗi em bé Việt Nam đều có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình. Muốn vậy các em phải khỏe mạnh. Những phái đoàn của chúng tôi đã đi đến các vùng sâu vùng xa của 29 tỉnh thành. Đây là lần đầu tiên chúng tôi không đem phái đoàn lớn mà chỉ đi đoàn đào tạo.

Tháng 3-2011, chúng tôi sẽ có đoàn lớn khoảng 80 chuyên gia vừa làm phẫu thuật, khám bệnh và giảng dạy. Chúng tôi trao đổi, đem tin mới ở nước ngoài mà chúng tôi tin rằng có thể ứng dụng vào thực tế cải thiện sức khỏe cho trẻ em Việt Nam.

Như tôi đã nói, mình không cần nhiều tiền mà quan trọng là thời gian và bố mẹ, xã hội hiểu những nhu cầu đặc biệt của các cháu, tuổi nào cần gì, tuổi nào giúp phát triển sức mạnh. Chồng tôi vẫn nói đây là công việc mà tôi dành toàn bộ thời gian dù lẽ ra đó phải là việc liên quan tới chuyên môn ở Mỹ. Dù làm ở Việt Nam tôi không có thù lao nhưng lại có sự thỏa mãn về tinh thần, mà điều này tiền bạc không mua được.

Với các thành viên tham gia có tới 50% là người Mỹ, để có thể quyên góp được tiền cho các dự án, điều quan trọng để họ cảm thấy muốn tiếp tục tham gia chính là nhìn thấy rõ tác dụng và hiệu quả của chương trình ngay cả khi họ đã rời khỏi Việt Nam.

Không phải để được vinh danh

* Bà bắt đầu quan tâm công việc thiện nguyện ở Việt Nam từ khi nào?

- Tôi trở về bắt tay vào công tác thiện nguyện ngay khi Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ (bà Quỳnh Kiều đến Mỹ năm 25 tuổi, sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn khóa cuối cùng). Tôi vẫn nhớ bố tôi nói rằng giá trị của con người đo lường bằng sự đóng góp của họ cho xã hội. Và quan điểm đó tạo thành cách nhìn cho tôi.

Nhưng tôi cũng may mắn hơn rất nhiều người, nhất là khi chồng tôi có cùng triết lý sống với tôi, hỗ trợ tôi làm việc. Lần này chồng tôi không về cùng vì là bác sĩ gây tê, chỉ về Việt Nam khi có phái đoàn phẫu thuật.

Suy nghĩ về sự đóng góp cho đất nước trong tôi không thay đổi suốt mấy chục năm qua. Tôi vẫn luôn cảm thấy mình là người Việt Nam. Càng thấy trẻ em bên Mỹ được sự may mắn nhờ các dịch vụ hỗ trợ tốt, tôi càng cảm thấy sự xa cách và khác biệt trong y tế với trẻ em càng lớn. Tôi ước ao có thể đóng góp với mong muốn là trong nước tạo điều kiện nhiều hơn.

Lần này tôi hướng dẫn chương trình mới về cấp cứu trẻ em ở trường mầm non và các nhà trẻ, giúp các giáo viên và bảo mẫu kiến thức chăm sóc trẻ em theo chuẩn của Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ mà tổ chức chúng tôi là đối tác thành viên. Chúng tôi đã dạy được hai buổi rồi, nhưng nhiều người đăng ký quá. Chúng tôi muốn dạy thêm một buổi nữa nhưng không được vì không được cấp phép kịp. Lẽ ra chúng tôi có thể đóng góp nhiều hơn nữa.

* Những khi gặp khó khăn như vậy, bà cảm thấy sao?

- Tôi cũng bực mình, nhưng nghĩ lại thấy mình đang đem lại điều gì đó cho những người chăm sóc trẻ em và gia đình thì thấy phấn khởi trở lại để tiếp tục con đường. Tôi làm vì niềm tin, vì trẻ em Việt Nam. Chăm sóc nhi khoa ở Việt Nam đang có những thay đổi. Y tế ổn hơn, dinh dưỡng tốt hơn. Nhưng cần phải dinh dưỡng đúng cách vì có tiền không có nghĩa là dinh dưỡng phù hợp và tốt cho sự phát triển của bé.

Trẻ em Việt Nam thường chỉ được đưa đến bác sĩ khi cần chủng ngừa, ốm đau và ít ai hỏi bé đã nói được mấy chữ, thích chơi trò gì. Ở Mỹ, tiêu chuẩn bác sĩ nhi là phải tầm soát sự phát triển của bé theo giai đoạn và tư vấn cho các gia đình.

* Năm 2007, bà được trao tặng giải thưởng Vinh danh nước Việt. Bà nghĩ thế nào về những giải thưởng mình có được?

- Khi lễ trao giải diễn ra, tôi bận dự khai mạc hội thảo nhi ở Huế. Khi người phát biểu khai mạc sự kiện nói “Tôi được biết đáng lẽ bác sĩ Quỳnh Kiều phải có mặt ở Hà Nội lúc này để nhận giải thưởng”, tôi trả lời chỗ mà tôi phải có mặt là ở đây (hội nghị nhi) vì đây là công việc của tôi.

Tôi làm công việc này đâu phải để được vinh danh. 15 năm qua, chúng tôi đã trao đổi với các cơ quan quản lý y tế về nhi để đóng góp, tìm kiếm phương thức phù hợp trong nước nhằm tăng an toàn cho trẻ em từ lúc lọt lòng. Giá mà thay vì trao giải thưởng, Nhà nước tạo điều kiện để công việc giúp đỡ cộng đồng của chúng tôi được thuận tiện thì tôi sung sướng biết bao nhiêu. Đó chính là sự giúp đỡ thực tế.

* Xin cảm ơn bác sĩ.

Quỹ Dự án Việt Nam của bác sĩ nhi khoa Quỳnh Kiều thực hiện nhiều công việc và dự án khác nhau nhằm mục tiêu nâng cao hỗ trợ sức khỏe cho những trẻ em đang gặp nguy hiểm, cho các cộng đồng nghèo ở nông thôn và đào tạo các chuyên viên y tế tại Việt Nam.

Bác sĩ Quỳnh Kiều sinh ở Hà Nội, là người đầu tiên trong lịch sử Mỹ cùng lúc được trao hai giải thưởng: Phụ nữ xuất sắc nhất trong năm của quốc hội bang California và Bác sĩ mang lại hãnh diện cho ngành y khoa do chính các đồng nghiệp thuộc Hội Y sĩ Hoa Kỳ bầu chọn. Bà có ba con và đều đã trưởng thành.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận