Sau câm lặng là bão giông

TTCT - Tham gia Câu chuyện cuộc sống kỳ này, TTCT nhận được bài của một tư vấn viên học đường kể về một “trường hợp khó” mà chị từng gặp, nhưng giúp chị nhận diện được giới trẻ cần gì nhất vào những lúc khủng hoảng.

Trong quá trình làm tình nguyện viên tư vấn học đường, Minh Thanh (tên đã được thay đổi) là một trường hợp mà tôi thấy khó giải quyết nhất và cũng là trường hợp điển hình nhất cho tình trạng trẻ vị thành niên tự tìm đến cái chết.

Phóng to
Ảnh: my.opera.com

Điểm - nổi sợ hãi tột cùng của tôi

“Em muốn biến khỏi cuộc đời”

Tôi tới thăm Minh Thanh tại nhà riêng. Phòng của em tối, bừa bộn, ánh đèn vàng vọt. Em nằm trên giường, thấy tôi và mẹ em vào thì em quay mặt vào vách. Cổ tay em băng trắng, ánh mắt u tối và cô độc. Em trở nên câm lặng hơn một tuần rồi. Không một ai có thể khiến em mở miệng.

Mẹ em kể rằng cách đây mười ngày, gia đình phát hiện em nằm trong nhà tắm, tự cắt cổ tay bằng dao lam, ngất xỉu trên vũng máu. Mọi người hốt hoảng đưa em đi cấp cứu, may mà cứu sống được vì vết thương không sâu. Từ bệnh viện về em lại tự vẫn bằng cách lựa lúc ban đêm vào bếp đóng cửa, mở khí gas. Mẹ em gọi hàng xóm phá cửa cứu em.

Ra hiệu cho mẹ em rời khỏi phòng, tôi đến ngồi ở chiếc ghế thấp cạnh giường em và tự giới thiệu: “Cô là một tình nguyện viên tư vấn học đường và là bạn học với cô chủ nhiệm của em”. Minh Thanh im lặng, nhìn tôi một thoáng rồi lại quay mặt vào trong với một ý rõ rệt là cuộc nói chuyện giữa tôi và em chấm dứt và sự có mặt của tôi là vô ích. Em cũng đã từ chối dì ruột và mẹ như thế, thậm chí ném gối đuổi cả hai ra khỏi phòng. Có lẽ với tôi, chỉ cần tôi nói thêm vài câu nữa thì em sẽ ném cái gì đó vào tôi cũng nên.

Với kinh nghiệm của mình, ngày tiếp xúc đầu tiên tôi chỉ ngồi cạnh em rất lâu rồi... về. Hôm sau tôi lại đến, hôm sau nữa, ngày nào tôi cũng chỉ im lặng, ra về thì để lại một câu: “Cô chỉ muốn là bạn của em”.

Minh Thanh năm nay 15 tuổi, đang học lớp 9 một trường ngoại thành. Nhà có hai chị em. Cha mẹ ly hôn, em trai ở với cha, em sống với mẹ, cuộc sống khá chật vật. Em xinh đẹp và học rất giỏi. Em ít nói, trầm lặng, sống nội tâm. Nhưng vì xinh đẹp, học giỏi, lại thiếu cởi mở nên trong lớp em là đối tượng để bạn bè cô lập và bắt nạt. Những cô bạn gái hay nói xấu sau lưng em, lén lấy tập sách của em giấu đi, gọi em bằng những biệt danh mang tính xúc phạm và hay đồng lòng không chơi với em.

Em hầu như không có bạn bè. Mẹ em là người nóng tính, đi làm về mệt thường la rầy em vì những chuyện vô lý. Em và mẹ nhiều lúc không thể nói chuyện được với nhau. Cuộc sống của em thật cô đơn và buồn tẻ. Mười ngày trước em gom tiền bỏ ống mua cho em trai một siêu nhân và đến nhà riêng của cha đón em trai đi chơi. Khi về, chính cha bảo em trai đem quà trả lại. Em gọi điện cho cha thì nhận được những lời chỉ trích, xua đuổi, cấm cửa...

Nhưng nguyên nhân chính dẫn đến việc mất kiểm soát bản thân của Minh Thanh là việc cô bạn ngồi cạnh tung tin em đang cố tình “cướp” bạn trai của cô ấy. Cô bạn còn nhắn vào máy em những lời độc ác. Như không thể chịu đựng hơn nữa nỗi cô đơn cùng cực, em tìm cách “biến khỏi cuộc đời” - như sau này em tâm sự với tôi.

Phần lớn các trường hợp trẻ vị thành niên tự vẫn xảy ra với những em có hoàn cảnh đặc biệt như cha mẹ ly hôn, gia đình không hòa thuận, giáo dục con bằng bạo lực, cha nghiện rượu...

Sự cô lập, tẩy chay với người lớn chúng ta đã là một điều không thể chịu đựng, huống hồ là một đứa trẻ. Trong môi trường học đường, sự cô lập, tẩy chay đối với một ai đó chính là hình thức bạo lực tinh thần có sức phá hủy lớn nhất. Nó như một bản án không lời tuyên và không thời hạn, dai dẳng và độc ác, đẩy nạn nhân tới tình trạng kiệt quệ về tinh thần và sức lực.

Với một học sinh nam bị cô lập do giọng nói, hình dáng khác biệt thường dẫn tới đánh nhau mà nạn nhân bị cô lập lại thành hung thủ. Với một học sinh nữ, khi trở thành đối tượng của tình trạng cô lập, các em thường tìm đến việc tự hủy hoại bản thân.

Cuộc gặp sau chuyến thăm thứ năm

Lần đến thăm thứ năm, tôi tặng Minh Thanh cuốn sách Khát vọng sống để yêu của Nguyễn Hồng Công rồi về. Hai hôm sau, vào buổi tối, Minh Thanh gọi điện cho tôi, nói đã đọc sách, hỏi có thể gặp tôi không. Tôi rủ em ra quán cà phê. Tôi rất vui khi em quyết định nói chuyện lại với những người xung quanh, và em chọn tôi là người mở đầu cho sự việc này. Nói cho cùng, em cần ai đó để tâm sự, để lắng nghe, để hiểu và đồng cảm với em.

Tôi cũng không “lên lớp” với em rằng tự tử là hành động dại dột. Tôi chỉ lắng nghe, lắng nghe và lắng nghe. Khi đã khá thân thiết, tôi khuyên em cần quý trọng cuộc sống của chính mình và làm điều gì tốt cho cuộc đời này thay vì chối bỏ, chấm dứt nó.

Giải pháp để một trẻ vị thành niên như Minh Thanh không tái tự vẫn không hề đơn giản. Tôi đã phải làm việc với mẹ em, với cô chủ nhiệm của em, với bạn bè cùng lớp. Mẹ em phải đối xử nhẹ nhàng, tôn trọng con và phải dành nhiều thời gian trò chuyện cùng con. Cô chủ nhiệm cần theo dõi, lắng nghe các em. Các em học sinh cùng lớp phải cùng thảo luận rồi đưa ra những phương pháp giúp Minh Thanh vượt qua giai đoạn với em là rất khó khăn. Cũng may là các bạn của Minh Thanh giờ đây đã nhận ra tác hại của việc mình làm và trở nên có thiện chí.

Nếu Minh Thanh có kỹ năng giao tiếp tốt thì sự cô lập chắc không xảy ra với em. Nếu chương trình học phổ thông có nhiều hoạt động ngoại khóa để học sinh có điều kiện thông hiểu và chia sẻ thì các bạn Minh Thanh đã không có những đối xử bất công với em.

Nếu nhà trường thành lập những câu lạc bộ kỹ năng sống, câu lạc bộ du khảo, câu lạc bộ bảo vệ môi trường xanh, câu lạc bộ công tác xã hội... để các em có điều kiện vui chơi giải trí lành mạnh, giải tỏa năng lượng, trải nghiệm cuộc sống thì các em sẽ sống tốt hơn. Nếu trường Minh Thanh học có nhân viên tư vấn học đường thì càng hay hơn nữa, việc đáng tiếc chắc không xảy ra.

Nhưng những mong ước thiết thực này chắc còn lâu lắm mới thành hiện thực rộng rãi trong toàn xã hội.

“Người lạ trong nhà”

Trẻ tự tử có nhiều nguyên nhân. Ở lứa tuổi vị thành niên, tư tưởng, tình cảm của các em có nhiều xáo trộn. Các em thường thấy uể oải, chán nản do thay đổi hormone. Các em lại thường giấu kín tư tưởng, tình cảm, thu mình vào thế giới riêng đến nỗi trong một cuốn sách nói về lứa tuổi này, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc dùng nhóm từ “người lạ trong nhà” để chỉ sự biến đổi tâm sinh lý của các em. Do đó, đôi khi chỉ một câu nói lộ ý xúc phạm, một câu rầy la của cha mẹ cũng có thể khiến con mình tìm cách quyên sinh.

Sự thất bại trong học tập, trong tình cảm riêng tư cũng có thể dẫn các em đến việc làm dại dột. Tuy nhiên trong bài viết này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến một trường hợp không phải là cá biệt, thường xảy ra với một số em gái có chút nhan sắc và học giỏi: ngay từ độ tuổi 14, 15 những em gái này bị bạn bè cùng phái cô lập và tìm nhiều cách gây tổn thương.

Minh Thanh là một ví dụ. Sau Minh Thanh tôi còn gặp hai trường hợp tương tự.

__________

Tôi đã ra trường, đã đi làm, cuộc sống dần ổn định. Nhưng tôi rất hiểu câu chuyện của các bạn (xem TTCT từ số ra ngày 15-8-2010) bởi tôi cũng từng trong hoàn cảnh đó.

Năm đó, tôi đặt bút viết vào nguyện vọng 1 ngành báo chí của Đại học KHXH&NV. Tôi không chắc lúc đó mình có yêu nghề báo hay không, cũng không hề biết mình hợp hay không, chỉ đặt bút và viết. Tôi không luyện thi đại học. Tôi biết sức mình có hạn, thi đậu không nói gì, nếu thi rớt tôi sẽ làm mẹ phí đi một khoản tiền, mà thời điểm lúc đó mấy trăm ngàn đồng là rất lớn, nhà tôi lại đông chị em.

Tôi tự ôn luyện ở nhà. Đến ngày thi, tôi cũng vác balô lên đường. Năm đó tôi rớt đại học. Mặc dù biết trước, tôi vẫn rất hụt hẫng, mình chọn sai con đường. “Năm nay chỉ thi chơi thôi, năm sau sẽ cố gắng ôn tập để thi đậu đại học”, tôi đã nghĩ như vậy.

Nhưng thấy ba mẹ buồn tôi thật không đành tâm, xin ba mẹ học ở những trường dân lập thì chị tôi phản đối vì học phí quá lớn. Nghĩ đi nghĩ lại tôi đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 và xét tuyển các trường trung cấp.

Nhỏ bạn gần nhà cũng như tôi, rớt đại học nhưng nhận được vô số giấy mời nhập học của các trường dân lập và trung cấp. Còn tôi đợi chờ mãi vẫn không có gì. Lúc đó, không ai bên cạnh nói cho tôi biết rằng “đại học không phải là con đường duy nhất vào đời”, cũng không ai bên cạnh động viên và tư vấn cho tôi những nguyện vọng khác, con đường khác. Tôi chỉ có một mình. Tôi không dám nghe ngóng thông tin từ bạn bè, sợ rằng mình lại bẽ bàng.

Tôi thất vọng về bản thân và thật sự rất hối hận vì mình đã không cố gắng thật nhiều, thế nhưng trong đầu tôi chưa hề có suy nghĩ mình sẽ tìm đến cái chết. Đó là cách giải quyết quá tiêu cực. Có lẽ cũng nhờ suy nghĩ đó mà tôi vững vàng hơn. Rồi tôi cũng đậu nguyện vọng 2 vào cao đẳng. Tôi thở phào cho số phận của mình. Cao đẳng thì đã sao chứ, ít ra tôi vẫn có thể đến giảng đường, chưa kể chỉ học ba năm là tôi sẽ ra trường trước bạn bè.

Việc dám nhìn thẳng vào năng lực của mình cũng giúp tôi chống chọi với thực tế khắc nghiệt này. Tôi nghĩ điều quan trọng là đừng tạo áp lực cho mình. Gia đình có thể kỳ vọng vào chúng ta nhưng bản thân chúng ta hãy thật bình tĩnh và suy xét về mọi khía cạnh.

Nếu ngày đó tôi vẫn đợi chờ để sang năm thi tiếp cũng chưa hẳn tôi có thể đậu. Sau một năm dù có ôn luyện thì ý chí và kiến thức cũng mai một, điều quan trọng hơn là tôi biết rõ mình không có khả năng.

Đại học không là cánh cửa duy nhất bước vào đời...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận