Tôi sẽ bảo vệ giới tính của con

HẢI BĂNG 25/04/2010 09:04 GMT+7

TTCT - Tòa soạn tiếp tục nhận được phản hồi của nhiều độc giả quanh câu chuyện của bạn M. trong bài viết “Nếu mẹ tôi không thể chấp nhận sự thật này?” (TTCT số ra ngày 11-4-2010). Tòa soạn trích đăng ý kiến của một bà mẹ và một số chia sẻ.

Phóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

1. Do yếu tố nghề nghiệp, trong môi trường công việc và môi trường sống của mình, tôi quen biết, giao du, kết thân với rất nhiều người đồng tính, phần lớn là gay (người đồng tính nam) và một số ít hơn là les (người đồng tính nữ).

Không biết có một con số thống kê chính thức nào về số người đồng tính ở Việt Nam không, nhưng theo như tôi biết và quan sát được ở hai đô thị lớn là TP.HCM và Hà Nội, thì con số này là rất nhiều và không ngừng tăng lên.

Trên thế giới, tỉ lệ người đồng tính chiếm từ 1-5% dân số. Ở Việt Nam, nếu chỉ lấy tỉ lệ thấp nhất là 1% thì số người đồng tính đã lên đến 80.000 người. Nhưng tôi cũng biết trên thực tế con số này cao hơn nhiều, bởi số người đồng tính do “tập nhiễm” (đa số là các bạn trẻ) thường nhiều gấp mấy lần số người đồng tính bẩm sinh.

Không có gì để bảo đảm là các con của mình sẽ may mắn trượt ra khỏi con số 1-5% đó, khi mà “bầu khí quyển xã hội” ngày nay đang ngày một dày tính nữ mà mỏng tính nam, bắt đầu từ những cuộc “hỗn loạn giới tính” trong nghệ thuật âm nhạc, thời trang, phim truyền hình và những chiến dịch thao túng hình ảnh của công nghệ quảng cáo.

Vì thế, tôi xác định cho mình một thái độ rõ ràng với vấn đề đồng tính: thừa nhận nó, đối diện với nó, không né tránh.

“Khi tôi mất đi,toàn bộ bộ mã gen của tôi cũng mất đi. Và với tôi, như thế chết là chấm dứt”

2. Như vậy, bên cạnh việc lo cho con những bữa ăn đủ dinh dưỡng hằng ngày, bảo vệ con khỏi bệnh tật và những hiểm nguy, dạy cho con những bài học thiết yếu về tri thức, văn hóa và đạo đức, tôi còn phải đưa điều này vào “chương trình” nuôi dạy con của mình, là một phần không thể xem nhẹ: gìn giữ và bảo vệ giới tính cho con.

Trong một số trường hợp, vì thiếu quan tâm, một số bậc cha mẹ đã không phát hiện và uốn nắn kịp thời những biểu hiện “tập nhiễm” đồng tính của con, khiến chúng đã dấn thân vào và không có đường lui.

Tôi bảo vệ giới tính cho con không phải vì tôi kỳ thị người đồng tính (tôi không thấy họ có điểm gì là không bình đẳng với tôi hay chồng tôi) mà vì tôi biết rõ trở thành người đồng tính là bất hạnh. Tôi không muốn con mình đi vào con đường bất hạnh, tôi muốn ngăn không cho điều đó xảy ra.

Tôi đủ thân với người đồng tính để biết rằng ngay cả trong điều kiện lý tưởng là xã hội đã dẹp bỏ hoàn toàn được sự kỳ thị với họ thì họ vẫn bất hạnh. Sự gắn bó không thể bén rễ (vì thiếu những điều kiện thiết yếu của hôn nhân) khiến họ suốt đời đi tìm kiếm trong hoảng hốt và buồn bã... Thêm vào đó, tuyệt tử tuyệt tôn là một cái án rất nặng, đặc biệt nặng với người phương Đông. Chính cái án này khiến họ mất đi niềm hi vọng vào tương lai, vào sự tái sinh (trong một hình thức hoàn hảo hơn) khi họ về với cát bụi.

“Khi tôi mất đi, toàn bộ bộ mã gen của tôi cũng mất đi. Và với tôi, như thế chết là chấm dứt”, một anh bạn gay đã nói như thế với tôi. Sự tuyệt tử tuyệt tôn này cũng khiến họ luôn mang mặc cảm có tội (xin nhấn mạnh “tội”, chứ không phải là “lỗi”) với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Ai cũng biết với người phương Đông, cái tội lớn nhất của đời người là bất hiếu, trong các tội bất hiếu thì đại bất hiếu là không sinh con để nối dõi tông đường.

Tất cả những điều trên khiến cuộc sống của người đồng tính trở nên nặng nề, chỉ biết đốt cháy mình trong hiện tại mà không có được sự chiếu rọi từ nguồn ánh sáng của tương lai. Tôi không muốn con mình có cuộc sống đó. Nếu bé sinh ra là trai, tôi muốn nó lớn lên trở thành một người đàn ông; nếu bé sinh ra là gái, tôi muốn bé lớn lên trở thành một người đàn bà. Tôi sẽ dạy cho hai người đàn ông, đàn bà nhỏ tuổi này cách ứng xử phù hợp với giới tính của mình, tôn trọng giới tính của mình, quý báu giới tính của mình.

“Lạc giới” đang là một xu hướng, một trào lưu, nhưng là một trào lưu dẫn con người ta đến khổ đau, tuyệt vọng - tôi sẽ nói với con về điều đó. Tôi cũng sẽ dạy cho hai người đàn ông, đàn bà nhỏ tuổi này cách ứng xử với những người đồng giới xuất hiện trong cuộc sống, quanh cuộc sống của chúng, cách thiết lập với họ những mối quan hệ bình đẳng, tốt đẹp và cần rất nhiều cảm thông.

3. Trong trường hợp các con tôi rơi vào cái “tỉ lệ nhỏ nhoi” 1-5% kia thì sao? Tôi cũng đã nghĩ đến điều này. Tôi sẽ chấp nhận giới tính của con mình (sẽ không coi đó là một sự thất bại của hai vợ chồng), tôi sẽ coi đó là một vấn đề thuộc về khoa học (như hiện nay tôi vẫn nghĩ) chứ không coi là một vấn đề đạo đức (đôi khi chúng ta vẫn lầm lẫn, nhân danh đạo đức để làm những việc trái đạo đức). Tôi sẽ phải dạy con cách hiểu giới tính của mình, chấp nhận nó, chung sống với nó và tôn trọng nó - sao cho ít gây ra tổn thương và đổ vỡ nhất cho mình cùng những người xung quanh. Tôi không khuyến khích con mang mặt nạ, con sống giả trang, cố gắng lấy vợ sinh con chỉ để đối phó với người đời, chỉ để trốn chạy vấn đề thật sự của cá nhân.

Cái giả bao giờ cũng là một nỗi đau khổ kéo dài, dài gấp nhiều lần nỗi đau khổ gây ra bởi cái thật, mà “giả giới tính” là một cực hình có sức đày đọa, hủy diệt con người ta kinh khủng nhất. “Tôi thà chấp nhận để con tôi sống cuộc sống của một người đồng tính còn hơn nhìn thấy nó phải chết”, tôi sẽ cố gắng học thuộc câu nói này của một bà mẹ phương Tây khi đối diện với vấn đề giới tính của con mình.

Thiểu số không phải là cái tội

Tôi trẻ, tôi mang nhiễm sắc thể XX và tôi yêu người cùng giới.

... Chúng tôi, dù can đảm lộ diện hay không, cũng có những nỗi khổ riêng của mình.

Chúng tôi đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng không có nghĩa là chúng tôi bi quan. Rất nhiều người trong chúng tôi đã can đảm lộ diện và dần được những người xung quanh chấp nhận. Nhưng điều đáng buồn là những người đồng tính Việt Nam đã lộ diện phần nhiều đang sống ở những nước phương Tây như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức... Điều này có gợi cho bạn suy nghĩ gì không?

Ngoài ra, đã có nhiều tổ chức của chúng tôi ra đời và hoạt động khá quy mô, chuyên nghiệp, những diễn đàn của chúng tôi không khó tìm trên Internet. Ở đó, chúng tôi chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống và động viên nhau. Nếu bạn thử vào những diễn đàn của chúng tôi, bạn sẽ thấy rằng nó chẳng khác gì với những diễn đàn thông thường khác. Đơn giản vì chúng tôi giống bạn, và dĩ nhiên chúng tôi không cố tạo sự khác biệt cho mình.

Cuối cùng, tôi xin đặt ra một giả thuyết: hiện nay người ta thống kê người đồng tính chiếm tỉ lệ khá nhỏ trên thế giới, vậy nếu một ngày nào đó chúng tôi lại là đa số trong xã hội? Hãy tưởng tượng và bạn sẽ cảm thông được phần nào với những gì chúng tôi đang đối mặt: thiểu số không phải là cái tội.

Đừng làm tâm hồn họ chết!

Đọc tâm sự của M. - nhân vật trong bài viết nói trên, tôi bỗng nhớ đến một người bạn thân.

Vẻ bề ngoài, anh không khác người “bình thường”. Về công việc, anh rất giỏi nghề; về xã hội, anh được bạn bè ngưỡng mộ là người sớm thành đạt; về gia đình, anh là người có trách nhiệm. Nhưng ít ai biết anh là người đồng tính.

Anh nói anh bắt đầu hiểu được con người chính mình khi học năm thứ hai đại học, khi bỗng dưng anh có cảm giác rất khác lạ với người bạn gái vốn yêu nhau từ thời trung học. Anh lỗi hẹn với bạn gái, rồi chia tay mà không có lý do chính đáng. Rồi anh tốt nghiệp, đi làm, thời gian này anh thật sự biết mình là người đồng tính. Anh không có “biểu hiện” gì đáng kể nên hầu như bạn bè của anh không hiểu, gia đình anh không hiểu, khách hàng của anh càng không hiểu anh. Nhưng anh nói rằng anh may mắn có nhiều người bạn trai sau vài lần tiếp xúc họ “nhận ra” anh. Nhận ra mà không trêu chọc. Họ xem anh như bạn bè, như những người anh em. Nhưng tình cảm bạn bè đó, theo anh, vẫn không thể thay thế được một điều mà anh cũng vốn cần như những người bình thường khác: tình yêu và hạnh phúc riêng tư. Cho nên anh vẫn thấy cô đơn, đúng hơn là cô độc, ngay cả trong những cuộc vui với bạn bè của mình.

Có lần, khi chưa hiểu nhiều về anh, tôi hỏi anh sao không lập gia đình vì tôi thấy nhiều người như anh cũng có gia đình. Anh nói đó chính là điều làm anh tổn thương, đau lòng nhất. Anh cho rằng lập gia đình là chuyện không khó nhưng anh không muốn “cầm tù” tâm hồn của mình bởi thẳm sâu trong tiềm thức anh mới biết mình là ai, yêu ai, yêu cái gì!

Tôi viết những dòng này để chia sẻ với M., với anh bạn tôi cùng tất cả những người đồng tính, và lời nhắn nhủ chung: đừng kỳ thị người đồng tính, họ rất dễ tổn thương. Có thể những lời nói, hành động vô tình của chúng ta không làm họ chết nhưng dễ làm tâm hồn của họ “chết”. Và khi xã hội chưa đủ hiểu biết và độ lượng để cảm thông, chấp nhận người đồng tính thì đừng làm họ thêm khổ, thêm bế tắc.

Và trên hết, bởi vì đôi khi họ chính là bạn bè, là bà con thân thuộc hoặc anh em trong gia đình mà chúng ta vô tình không biết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận