Triển khai bảo hiểm thất nghiệp: Vừa làm vừa gỡ

HỒ VĂN - LÂM HOÀI 01/02/2010 18:02 GMT+7

TTCT - LTS: Tính đến khi số báo này tới tay bạn đọc, việc chi trả trợ cấp thất nghiệp theo các quy định pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp đã triển khai được một tháng. Chuyên đề TTCT kỳ này dành cho việc nhìn lại việc triển khai đó.

Phóng to
Nhiều công nhân đến đăng ký làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm quận Bình Tân, TP.HCM (ảnh chụp ngày 4-1-2010) - Ảnh: Minh Đức

Hà Nội: người đăng ký thưa thớt

Tại Hà Nội, mọi công tác chuẩn bị để tiếp nhận và hoàn thiện hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động đã được chuẩn bị chu tất nhưng các điểm đăng ký đều vắng vẻ, người thất nghiệp đến quá thưa thớt.

Trưa 15-1, chúng tôi đến Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (số 285 Trung Kính), nhân viên phòng BHTN của trung tâm cho hay suốt cả buổi sáng chỉ có một lao động đến đăng ký BHTN. Từ tháng 12-2009 phòng này bố trí năm điểm tiếp nhận hồ sơ của người thất nghiệp ở phố Trung Kính, Tạ Quang Bửu, Phòng lao động - thương binh & xã hội quận Long Biên, huyện Sóc Sơn và huyện Hoài Đức.

Nhưng tính đến chiều 14-1 chỉ có 67 người đến đăng ký BHTN, trong đó ba hồ sơ đã hoàn thiện.

Trong khi đó, tại Trung tâm giới thiệu việc làm số 2 mọi công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ việc triển khai BHTN đã hoàn chỉnh. Trung tâm bố trí ba điểm nhận hồ sơ BHTN tại quận Hà Đông, huyện Hoài Đức và thị xã Sơn Tây. Phó giám đốc trung tâm Lê Văn Hùng cho biết khu vực này tập trung khá nhiều cụm, khu công nghiệp có đông công nhân như An Khánh, Yên Nghĩa, Quốc Oai... tuy nhiên trái với dự đoán, thực tế có quá ít người đến đăng ký BHTN tại trung tâm. Không khí ảm đạm tới mức đến chiều 16-1 tại trung tâm chỉ có vẻn vẹn năm người lao động đến đăng ký, trong đó chưa có hồ sơ nào được giải quyết xong.

Giải thích về không khí ảm đạm này, cả hai trung tâm đều cho rằng do ở Hà Nội số lượng doanh nghiệp sử dụng lao động ít hơn so với các địa phương phía Nam như TP.HCM, Bình Dương nên lượng người thất nghiệp cũng ít hơn, do thời điểm cuối năm các doanh nghiệp đều thiếu người làm nên ít diễn ra tình trạng cắt giảm hay chấm dứt hợp đồng với người lao động. Còn theo ông Hùng, điều này chứng tỏ mức độ ổn định kinh tế ở khu vực phía Bắc, hoặc có thể do công tác tuyên truyền phổ biến còn yếu kém. Tuy nhiên, nhiều người lao động cho rằng nguyên nhân chính đến từ vấn đề khác.

Theo quy định trong luật, sau 15 ngày đăng ký mất việc, người lao động phải chốt được sổ bảo hiểm xã hội để hoàn thiện hồ sơ. Tuy nhiên, nhiều người lao động cho hay nơi họ làm việc cố tình gây khó khăn trong việc chốt sổ bảo hiểm xã hội.

Anh Nguyễn Trọng Tuấn - công nhân Công ty liên doanh xây dựng và vật liệu xây dựng Sunway - cho hay rất lo lắng vì đã 15 ngày sau khi đăng ký BHTN tại Trung tâm giới thiệu việc làm số 2 mà hiện tại công ty vẫn chưa chốt sổ bảo hiểm xã hội cho anh. “Tôi rất hoang mang vì nghe nói nếu quá hạn sẽ mất quyền hưởng BHTN và các quyền lợi khác như được cấp kinh phí học nghề, tạo việc làm mới” - anh Tuấn nói.

Không ít người băn khoăn: theo quy định, người lao động sẽ được giới thiệu việc làm sau khi đăng ký mất việc, nhưng họ hoàn toàn có quyền từ chối việc làm nếu có lý do chính đáng. Tuy nhiên, nghị định số 127 lẫn thông tư 04 của Bộ Lao động - thương binh & xã hội đều chưa nêu rõ được thế nào là lý do chính đáng để từ chối việc làm mà các trung tâm việc làm giới thiệu.

Anh Bùi Quang Huy, nhân viên Công ty Sumitomo-heavy Việt Nam, cho hay nhiều người cùng công ty anh bị chấm dứt hợp đồng lần này đều không rõ khái niệm “lý do chính đáng” ở đây được hiểu và áp dụng như thế nào? Liệu có ảnh hưởng tới quyền lợi hưởng BHTN hay không?

Riêng đối với những trường hợp chậm nộp sổ bảo hiểm xã hội do đơn vị sử dụng lao động chậm trễ trong việc chốt sổ cho công nhân của mình, ông Lê Văn Hùng cho hay vì đây là loại hình mới được áp dụng, người lao động còn nhiều bỡ ngỡ nên Trung tâm giới thiệu việc làm số 2 vẫn linh hoạt hoàn thiện hồ sơ cho người lao động thất nghiệp.

TP.HCM: Đông vui nhưng...

Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM, trong ba tuần đầu triển khai đăng ký thất nghiệp đã có 2.500 người thất nghiệp đăng ký nộp hồ sơ, trong đó có 246 hồ sơ đủ điều kiện được đề nghị cấp BHTN. Con số này đồng nghĩa với việc cũng chừng ấy hồ sơ đã được chốt sổ bảo hiểm xã hội. “Những hồ sơ này sẽ được chuyển sang Trung tâm Giới thiệu việc làm thành phố để họ rà soát thủ tục và ra quyết định hưởng” - ông Đỗ Quang Khánh, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, nói.

Theo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, trên địa bàn thành phố tỉ lệ các doanh nghiệp đóng BHTN cho người lao động không đồng đều. Có 65% doanh nghiệp đóng đủ, đóng chậm từ một tháng trở xuống, 25% doanh nghiệp đang nợ BHTN từ một tháng đến dưới ba tháng và hơn 10% doanh nghiệp còn lại nợ BHTN từ ba tháng trở lên. Theo ông Khánh, với ba trường hợp nói trên Bảo hiểm xã hội sẽ có ba cách giải quyết trong việc tiến hành thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội.

Theo đó, trường hợp thứ nhất Bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết ngay việc chốt sổ cho người lao động thất nghiệp khi họ đã có đầy đủ hồ sơ. Trường hợp thứ hai, doanh nghiệp phải đứng ra cam kết trả nợ BHTN thì Bảo hiểm xã hội cũng tiến hành giải quyết chốt sổ cho người thất nghiệp. Riêng trường hợp hơn 10% doanh nghiệp nợ BHTN từ ba tháng trở lên thì sẽ không được chốt sổ bảo hiểm xã hội và người lao động thất nghiệp thuộc các doanh nghiệp này sẽ không được nhận trợ cấp thất nghiệp.

“Đây là thiệt thòi đáng tiếc cho người lao động thất nghiệp do lỗi từ doanh nghiệp và Bảo hiểm xã hội không thể làm khác được. Trước mắt, người lao động thuộc 10% doanh nghiệp này sẽ được chúng tôi chốt sổ tạm thời để họ hưởng trợ cấp kỳ sau, đồng thời thúc giục các doanh nghiệp nói trên phải trả nợ để giải quyết quyền lợi cho người lao động”. Ông Khánh cũng cho biết nhiều chủ doanh nghiệp bỏ trốn, đẩy người lao động thất nghiệp của họ vào nguy cơ mất trắng quyền lợi BHTN.

Trong ba tuần vừa qua, việc chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người thất nghiệp đã gặp nhiều vướng mắc. Nhiều người dù đã đăng ký từ sớm nhưng chưa được chốt sổ là do các doanh nghiệp làm thủ tục chốt sổ không đúng quy trình, nhầm lẫn thông tin của họ. Hồ sơ được gửi lên, Bảo hiểm xã hội rà soát thấy sai phải gửi trở lại để doanh nghiệp làm lại. Việc này sẽ khiến nhiều người lao động thất nghiệp không thể nhận được trợ cấp đúng hạn.

Ngoài việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động thất nghiệp còn được hỗ trợ học nghề. Tuy nhiên, quyền lợi được hỗ trợ học nghề sẽ khó triển khai trong thời điểm hiện nay vì việc đăng ký thất nghiệp vẫn còn làm chưa xuể.

Với tình hình như vậy, trước mắt người thất nghiệp chưa thể nhận được hỗ trợ học nghề và đào tạo nghề. Về điều này, bà Trịnh Thị Quỳnh Chị, giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM, cho biết: “Do việc tiếp nhận đăng ký thất nghiệp đã quá nhiều việc, trong khi nhân viên tiếp nhận còn mỏng nên chưa thể triển khai thêm các công việc khác. Việc phân loại nhóm ngành nghề của người thất nghiệp để giới thiệu hay hỗ trợ học nghề sẽ triển khai sau”.

Vừa làm vừa gỡ rối

Trong những tuần đầu triển khai đăng ký thất nghiệp đã phát sinh nhiều tình huống khiến các điểm tiếp nhận bối rối. Cụ thể như: người lao động làm việc ở chi nhánh, trong khi công ty mẹ ở TP.HCM thì sẽ đăng ký ở đâu? Người lao động có hai CMND thì giải quyết thế nào? Người lao động sử dụng CMND người khác đi làm có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không? Nếu họ đang hưởng chế độ thai sản (đã kết thúc hợp đồng), bị tai nạn mất sức 80%... thì có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?...

Khác với Hà Nội, cơ sở vật chất và nhân lực phục vụ đăng ký thất nghiệp ở TP.HCM còn thiếu, chưa đáp ứng một cách tốt nhất cho người thất nghiệp đến đăng ký: mặt bằng tiếp nhận đăng ký phải thuê mướn, thiếu máy tính, ghế chờ. Hai điểm tiếp nhận tại quận Bình Tân và tại Trung tâm Giới thiệu việc làm đã quá tải và rối. Nhiều điểm làm sai quy trình khi bắt buộc người thất nghiệp phải mang theo quá nhiều giấy tờ khi đến đăng ký, riêng các nhân viên Ngân hàng Đông Á còn buộc họ phải đăng ký thêm thủ tục làm thẻ ATM.

Việc thiếu thốn này nếu không khắc phục sẽ dẫn đến quá tải khi thực hiện thủ tục rà soát, đối chiếu hồ sơ để ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động thất nghiệp.

______________

Trao đổi với giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM Trịnh Thị Quỳnh Chi.

* Thưa bà, trung tâm chuẩn bị việc thực hiện chính sách BHTN như thế nào?

- Trung tâm không quan tâm lắm đến việc này do chức năng của trung tâm là giới thiệu việc làm và đào tạo. Tuy nhiên, chỉ ba tháng trước khi chính sách BHTN được triển khai, thông tư 34 mới giao nhiệm vụ này cho trung tâm giới thiệu việc làm thay vì phòng LĐ-TB&XH các quận huyện. Vừa làm vừa nghiên cứu các văn bản luật, hầu hết anh em đều thấy rất bỡ ngỡ.

Hiện chúng tôi tổ chức sáu văn phòng ở những địa điểm dự kiến có đông người đăng ký BHTN, mỗi nơi có 2-3 người đảm trách tiếp nhận và xử lý hồ sơ.

* Trong những tuần đầu triển khai, bà thấy có gì vướng mắc?

- Thực tế công việc cho thấy BHTN liên quan rất nhiều chính sách khác nhau, từ thai sản, hưu trí đến ốm đau, tới cả các vấn đề pháp lý dân sự khác như ủy quyền, hợp đồng lao động, xác định nhân thân... Trong quá trình này trung tâm phải liên tục báo cáo sở, bộ để xử lý và vận dụng chính sách. Bám quy định hiện hành để làm, song nhiều trường hợp phải linh động giải quyết, nhất là những tình huống gây khó khăn cho người lao động thất nghiệp. Đây là một chính sách rất mới nên cần xin sửa đổi, bổ sung một số vấn đề, mình vừa làm vừa xem thực tế phát sinh những gì để xin điều chỉnh, bổ sung dần. Nguyên tắc là không gây khó khăn cho người lao động nhưng cũng không để nảy sinh những tiền lệ do xử lý sai.

* Chính sách này mới quá nên nhiều người không hay biết kịp thời. Như vậy cũng rất thiệt thòi cho họ.

- Ngoài hỗ trợ của thành phố, trung tâm chưa nhận được sự hỗ trợ kinh phí nào của trung ương. Biên chế hiện nay 22 người vẫn do trung tâm trả lương, trang thiết bị ban đầu cũng phải lấy từ nguồn của trung tâm.

* Bà dự báo ra sao về lượng người đăng ký BHTN trong năm 2010?

- Sau hai tuần, ngoại trừ những ngày đầu có khá đông người đến tìm hiểu và nộp hồ sơ (quận Bình Tân có trên 400 người đăng ký trong ngày đầu), những ngày sau lượng đăng ký trung bình 50-70 hồ sơ/ngày. Sau 15 ngày, lượng hồ sơ hợp lệ tính chung toàn địa bàn thành phố chỉ khoảng 2.000.

Theo tôi biết, nhu cầu lao động trên thị trường thành phố vẫn rất lớn, có thể nói là nhiều ngành đang khan hiếm lao động. Do vậy nguy cơ gia tăng đột biến lao động thất nghiệp là rất thấp, nên khả năng lượng người đăng ký BHTN sẽ không tăng. Chúng tôi đã dự báo trên cơ sở 1,3 triệu người đóng BHTN và số người thất nghiệp năm nay là khoảng 300.000. Con số hiện nay chưa đến mức ước lượng này.

______________

Phóng to
Ông Nguyễn Thanh Hòa - Ảnh: Đ.Bình
Tại hội nghị triển khai công tác năm 2010 của ngành lao động - thương binh & xã hội (ngày 18-1), một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết ông ngạc nhiên khi đã có hơn 5,2 triệu lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), giúp Bảo hiểm xã hội thu về quỹ BHTN trên 3.066 tỉ đồng!

Ngạc nhiên, bởi khi xây dựng chính sách này các chuyên gia cũng “chỉ ước khoảng 3-3,5 triệu lao động tham gia là cùng”.

Ngạc nhiên hơn khi sau hai tuần triển khai đăng ký để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì số người đến các trung tâm giới thiệu việc làm đăng ký không nhiều, nhất là các tỉnh phía Bắc chỉ lèo tèo...

Trao đổi với TTCT, ông NGUYỄN THANH HÒA, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cơ quan trực tiếp xây dựng và thực hiện chính sách BHTN, cho biết:

- Việt Nam là nước thứ hai trong khu vực Đông Nam Á thực hiện chính sách BHTN (sau Thái Lan). Đây là chính sách rất mới nhằm hỗ trợ người lao động khi bị mất việc làm để họ trở lại với thị trường lao động. Tuy nhiên, do còn mới nên việc triển khai chính sách trong thực tế có thể còn lúng túng, vướng mắc.

Tham gia chính sách BHTN này, người lao động khi mất việc làm sẽ được hưởng các chế độ gồm: trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tìm việc làm và chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Không chỉ người lao động được hưởng quyền lợi, mà người sử dụng lao động cũng không phải chi trả chế độ trợ cấp mất việc cho người lao động.

Phóng to
Người lao động đến đăng ký BHTN tại phòng BHTN Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội - Ảnh: Lâm Hoài

* Với mức chi trả BHTN như quy định hiện nay, có phải người nào đóng BHTN càng nhiều càng thiệt thòi?

- Đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc và việc hưởng bảo hiểm là tinh thần chia sẻ trên nguyên tắc đóng nhiều, đóng dài thì hưởng nhiều. Cụ thể nếu anh đóng đủ từ 12 tháng đến 36 tháng thì mức hưởng là 3 tháng, từ 36 tháng đến 72 tháng thì hưởng 6 tháng, từ 72 tháng đến 144 tháng thì hưởng 9 tháng và mức trợ cấp sẽ là 12 tháng nếu đóng đủ từ 144 tháng trở lên. Cũng như bảo hiểm y tế, có ai đóng để muốn mình đến bệnh viện đâu? BHTN cũng vậy, tinh thần là chia sẻ, chứ không phải đóng bảo hiểm để mong thất nghiệp. Nếu cứ nhìn vào thời gian đóng ngắn, dài để tính toán thiệt hơn thì đó là cách nhìn không chính xác về chính sách BHTN này.

* Nếu các chủ doanh nghiệp không chịu đóng BHTN cho người lao động của mình thì chuyện sẽ ra sao?

- Kinh phí để chi trả chế độ BHTN được lấy từ quỹ BHTN. Quỹ này được hình thành từ ba nguồn chính (đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và ngân sách nhà nước) và để được hưởng các quyền lợi của chính sách BHTN, người sử dụng lao động và người lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN phải có trách nhiệm đóng BHTN để tạo quỹ.

Theo quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHTN hằng tháng 1% quỹ lương và cùng lúc trích 1% tiền lương của người lao động để đóng vào quỹ, Nhà nước hỗ trợ thêm 1% quỹ lương. Do đó, nếu người sử dụng lao động không tự giác đóng BHTN cho người lao động thuộc đối tượng bắt buộc thì người lao động không được tham gia BHTN, và vì thế không được hưởng các quyền lợi mà chính sách này đem lại. Việc không đóng BHTN cho người lao động của mình là hành vi vi phạm pháp luật của chủ doanh nghiệp và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Gần 4.000 người đăng ký

Tính từ ngày 1 đến hết 15-1, cả nước đã có 3.896 lao động đến đăng ký thất nghiệp tại các trung tâm giới thiệu việc làm địa phương, trong đó có hơn 1.000 người hoàn thiện hồ sơ nhưng mới chỉ có trên 300 người được các trung tâm xác định đủ điều kiện hưởng BHTN. Mức hưởng hiện đang trình giám đốc Sở LĐ-TB&XH, vì thế đến nay tính trên cả nước vẫn chưa có bất cứ trường hợp nào được nhận tiền BHTN.

Theo Cục Việc làm, hiện có 50 tỉnh có người đến đăng ký thất nghiệp. Trong đó, các tỉnh phía Nam có lượng người đăng ký thất nghiệp đông hơn rất nhiều so với khu vực phía Bắc. Tại Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Lai Châu... vẫn chưa có người nào đến đăng ký thất nghiệp.

* Hiện các địa phương đang tiếp nhận đăng ký hưởng BHTN từ người lao động. Có phải công việc này đang gặp những lúng túng?

- Qua ba tuần, theo báo cáo chúng tôi nhận được thì có gần 4.000 người đã đến các trung tâm để đăng ký thất nghiệp, trong đó có trên 600 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN và trên 300 hồ sơ được xét duyệt hưởng BHTN.

Những lúng túng, vướng mắc ban đầu cũng đã xuất hiện và cơ bản đã được các địa phương chủ động giải quyết. Chẳng hạn ở TP.HCM, theo quy định, người lao động phải trực tiếp đến đăng ký thất nghiệp trong vòng bảy ngày kể từ khi mất việc khiến cả hai phía người lao động và trung tâm giới thiệu việc làm gặp khó. Sở LĐ-TB&XH TP.HCM xử lý rất nhanh là cho phép người lao động được ủy quyền đăng ký, làm hồ sơ.

TP.HCM, Bình Dương còn giảm thủ tục bằng cách cho phép giám đốc trung tâm giới thiệu việc làm tập hợp, gửi hồ sơ thất nghiệp của người lao động thẳng lên lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH mà không cần phải qua các phòng lao động...

* Theo quy định, người lao động sẽ bị cắt hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu từ chối việc làm không có lý do chính đáng. Vậy theo ông, thế nào là lý do chính đáng?

- Từ chối việc làm không có lý do chính đáng nằm trong ba trường hợp: không chịu làm công việc theo ngành nghề đã được đào tạo, không chịu làm công việc đã làm trước khi thất nghiệp, là lao động phổ thông nhưng lại từ chối những công việc dành cho lao động phổ thông.

* Có nhiều ý kiến thắc mắc về phụ nữ nghỉ trong thời gian thai sản và viên chức ngành y tế, giáo dục, các đối tượng này có được hưởng BHTN không?

- Trong thời gian nghỉ thai sản mà được hưởng lương từ doanh nghiệp thì đương nhiên người lao động phải đóng BHTN thì mới được hưởng BHTN, còn nếu nghỉ mà hưởng lương từ nguồn bảo hiểm xã hội thì người lao động không phải đóng BHTN mà vẫn được hưởng BHTN.

Với viên chức ngành y tế, giáo dục, nếu người lao động ký hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trong các đơn vị sự nghiệp này thì thuộc đối tượng tham gia BHTN.

* Nhiều người lao động cho rằng có nhiều khó khăn khi làm thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp?

- Hiện thủ tục đã được đơn giản đến mức tối đa. Ngay sau khi thất nghiệp, người lao động đến các điểm đăng ký, kê khai tình trạng của mình vào một mẫu giấy đã được in sẵn. Sau khi kê khai, trong vòng bảy ngày họ hoàn thành hồ sơ đề nghị hưởng BHTN bao gồm: đơn đề nghị hưởng, quyết định cho nghỉ việc của doanh nghiệp, bản photocopy hợp đồng lao động và sổ bảo hiểm xã hội.

Sau đó trong vòng 15 ngày nhận hồ sơ, họ sẽ được đồng ý cấp trợ cấp thất nghiệp và bắt đầu hưởng trợ cấp từ ngày thứ 16 trở đi. Thực tế chưa nhiều nơi hiểu đúng quy trình này. Tuy nhiên, qua theo dõi trong ba tuần qua, chúng tôi thấy nhiều địa phương đã rất khéo léo, linh hoạt trong cách xử lý. Có thể do chính sách mới, lần đầu tiên được triển khai nên cũng còn có nơi này nơi kia lúng túng, khiến người lao động cảm thấy bị gây khó. Chắc chắn thời gian tới những bỡ ngỡ sẽ hết, người lao động sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất để đăng ký, làm thủ tục hưởng BHTN.

Chỉ đóng BHTN 1% cho người lao động, nhưng doanh nghiệp không phải lo chi trả trợ cấp mất việc hoặc trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định của pháp luật (kinh phí này lớn hơn rất nhiều so với kinh phí đóng BHTN).

______________

Phóng to
Công nhân Phùng Bẩu Sáng đến đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm quận Bình Tân, TP.HCM cùng với tờ quyết định thôi việc (ảnh chụp chiều 5-1-2010) - Ảnh: Minh Đức

Đầu năm 2010, việc chi trả trợ cấp thất nghiệp theo các quy định pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp được triển khai. Theo đó, từ 1-1-2010 người lao động mất việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp đủ điều kiện sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sự kiện này được hàng triệu người lao động vui mừng chờ đón. Với các quy định về bảo hiểm thất nghiệp, người lao động không chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp với mức có lợi hơn so với chế độ trợ cấp mất việc, thôi việc trước đây mà còn được hỗ trợ học nghề miễn phí, được hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Nhưng niềm vui không trọn khi mới hơn ba tuần triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều vướng mắc khiến người lao động lo lắng. Còn cơ quan chức năng lúng túng thừa nhận có nhiều vướng mắc phát sinh từ thực tế mà họ chưa lường hết được.

Đơn cử, trong trường hợp doanh nghiệp nợ bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng trở lên thì người lao động không được chốt sổ bảo hiểm xã hội, và như vậy sẽ không được nhận trợ cấp thất nghiệp. Lỗi ở đây là của chủ doanh nghiệp, nhưng thiệt hại lại thuộc về người lao động. Và cơ quan chức năng thì chưa biết tính sao.

Tương tự, ở doanh nghiệp có chủ bỏ trốn cũng không biết phải giải quyết quyền lợi cho người lao động ra sao. Nếu doanh nghiệp không hợp tác trong việc chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động đúng hạn thì cơ quan chức năng cũng chưa biết phải áp dụng biện pháp hữu hiệu nào?... Và còn nhiều vướng mắc khác nữa.

Do không lường trước được nên cơ quan chức năng cứ phải vừa làm vừa gỡ rối, vừa rà soát các thông tư, nghị định hướng dẫn vừa phải làm văn bản kiến nghị cấp trên hướng dẫn, giải quyết... khiến người lao động phải chờ đợi, băn khoăn.

Chưa kể do thiếu hụt nhân sự ở các điểm đăng ký thất nghiệp, nên trước mắt việc tiếp nhận giải quyết cho người lao động mất việc được hỗ trợ học nghề, đào tạo nghề vẫn chưa triển khai được.

Nhìn sang “người anh em” cũng vừa triển khai thực hiện chưa lâu là Luật bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng thấy phát sinh những vướng mắc tương tự, thậm chí căng thẳng hơn. Ví dụ người bệnh nghèo không thể có khả năng cùng chi trả với bảo hiểm y tế thì ai sẽ giải quyết, ngân sách có hỗ trợ, hỗ trợ ra sao? Trẻ em dưới 6 tuổi đang được hưởng chính sách khám chữa bệnh miễn phí chuyển qua khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế thì nhiều danh mục thuốc không được thanh toán mà bị buộc phải đóng tiền, lối ra nào?... Từ đó kéo theo nhiều lo lắng, bức xúc và tiếp tục có các kiến nghị, hướng dẫn tháo gỡ.

Những quy định pháp luật liên quan mật thiết tới đông đảo người dân, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, việc làm, cuộc sống của họ thì khi ban hành cần đầy đủ, chi tiết, sát thực tế, phải dự báo được mọi tình huống để khâu tổ chức thực hiện được chu đáo. Đó có lẽ là mong muốn tha thiết của rất nhiều người. Sẽ không ai vui nếu quy định pháp luật đi vào cuộc sống mà cứ lúng túng.

______________

Tin bài liên quan:

Rút ngắn thời gian trả trợ cấp thất nghiệp
Năm điểm tiếp nhận đăng ký thất nghiệp tại TP.HCM
Triển khai tiếp nhận đăng ký thất nghiệp
Ngày đầu đăng ký thất nghiệp: Ngỡ ngàng và rối
Nhiều phát sinh chờ hướng dẫn của Cục Việc làm

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận