"Liên hiệp xí nghiệp chắt chắt Mai Xá"­

LÊ ĐỨC DỤC 30/08/2009 17:08 GMT+7

TTCT - Làng Mai Xá (xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) có nhiều huyền thoại, nhưng mỗi khi nhắc tới làng thì mọi người liên tưởng ngay nghề khai thác và chế biến chắt chắt.

Phóng to

Chiều đến, bến sông của làng nhộn nhịp người đãi chắt chắt

Một ngày của dân làm nghề chắt chắt làng Mai Xá bắt đầu từ 2g sáng, mấy chục hộ cùng lúc đỏ lửa nấu chắt chắt chuẩn bị buổi chợ trong ngày. Bà Trương Thị Ràn cho chắt chắt vào hai nồi lớn, ánh lửa bập bùng soi rõ những nếp nhăn trên gương mặt tuổi 70. Bà Ràn không nhớ nghề chắt chắt của làng bắt đầu từ khi nào nhưng đến bà là đời thứ ba, nay con trai và con dâu của bà cũng đang nối nghiệp.

Đời nghề, đời làng

Đợi nước sôi, bà Ràn đưa đũa cả vào đánh nhẹ và đảo theo vòng tròn khiến vỏ chắt chắt tách mặt nhẹ nhàng, chỉ một lúc sẽ có cả ba sản phẩm: nước dùng được đựng vào các thùng có bọc xốp để giữ nhiệt gọi là các “bầu”, mặt chắt chắt được vớt ra rổ để riêng và vỏ sẽ đem đổ thành đống ở sau vườn, chừng vài tháng có xe đến chở vỏ. Tùy nơi người ta mua vỏ chăt chăt về nung vôi hay làm thức ăn cho vịt chạy đồng.

Khi chị Thúy, con dâu bà Ràn, chuẩn bị gánh bún chắt chắt lên chợ Đông Hà bán phiên sáng thì chồng chị, anh Đặng Văn Quốc, cũng chuẩn bị chuyến đi xúc hến trong ngày. Mang cây cào cạy ra con thuyền neo trước bến sông ngay cửa nhà, ở đó đã có các bạn nghề là anh Viên, anh Học... đang đợi. Thế rồi đội thuyền gần 20 chiếc của “liên hiệp xí nghiệp chắt chắt” nổ máy chạy về phía ngã ba Dã Độ, nơi sông Thạch Hãn hợp lưu với dòng Hiếu Giang - một “mỏ” chắt chắt đã nuôi sống đời làng từ bao nhiêu năm nay. Một ngày khai thác bắt đầu.

Làng Mai Xá có khá nhiều hộ làm nghề theo mô hình chồng đi thuyền khai thác, vợ chế biến, bán buôn, tạo nên một “liên hiệp” khép kín quy trình từ khai thác - sơ chế - chế biến - thành phẩm - mang đi tiêu thụ. Ở các hộ, bao giờ đàn ông cũng dậy từ 5g sáng, một mình một thuyền và cây cào cạy kéo phía sau lái, cứ thế dọc ngang trên bãi chắt chắt, quần quật từ rạng sáng đến xế chiều.

Trước đây dân làng chỉ khai thác thủ công với cây cào đẩy, tì vào bụng và dũi sâu xuống cát, nhọc công nhọc sức mà hiệu quả không cao. Mấy năm gần đây người làng “phát minh” cây cào được thả xuống đáy sông, một người khỏe đứng phía sau lái ghì sát cào xuống mặt đáy. Thuyền chạy, chắt chắt cứ thế bị cuốn vào đụt lưới. Mỗi thuyền với một người đi cào ở ngã ba Dã Độ từ sáng đến xế chiều được 3-4 bao tải. Đãi xong mớ chắt chắt lẫn với cát sỏi, còn lại chừng 10 thúng chắt chắt sạch, bán thô ngay tại bến giá 30.000 đồng/thúng. Trừ dầu máy, lấy công làm lãi, mỗi thuyền mỗi ngày kiếm được 150.000-200.000 đồng.

Phóng to
Với cây cào đụt khai thác chắt chắt, mỗi ngày anh Phan Văn Học có thể kiếm 200.000-300.000 đồng - Ảnh: L.Đ..Dục

Tảo tần mà thanh bạch...

Chừng 3g chiều, “hạm đội” khai thác chắt chắt cập bến sông. Đây là thời khắc rộn ràng tấp nập nhất của làng. Cả hai bến sông, bến Gò và bến Đò trước mặt làng náo nức người mua hến, đãi hến. Nhà anh Quốc, anh Viên, anh Học..., chồng đi xúc hến về thì vợ ra bến đón và đãi ngay tại chỗ. Nhà không có người đi khai thác chắt chắt thì cứ đến tầm đó ra sông đợi thuyền đi xúc về đón mua. Như chị Trương Thị Nhân, một mình lại không có thuyền thì mua hến từ thuyền em trai, số hến đủ để nấu gánh bún bán trong buổi chợ. Công đoạn đãi cũng vất vả không kém, mua chắt chắt thô, chị Nhân đãi từ chiều đến chạng vạng tối mới được vài thúng chắt chắt sạch.

“Gan Mai Xá, đá Hảo Sơn” - câu phương ngôn ví sự gan dạ của người làng Mai Xá với đá vùng Hảo Sơn (xã Gio Sơn, huyện Gio Linh) nổi tiếng rắn chắc, đặc biệt là câu chuyện hai người con của làng làm cách mạng bị giặc Pháp chặt đầu bêu giữa chợ, hai bà mẹ Mai Xá đã mang khăn gói đến lấy đầu con về mai táng, qua đó nhạc sĩ Phạm Duy viết bài hát Bà mẹ Gio Linh.

Mai Xá là quê hương của nữ nghệ sĩ Tân Nhân, một đỉnh cao của âm nhạc trữ tình cách mạng VN, nổi danh với ca khúc Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ. Làng nghèo nhưng đã sản sinh hàng chục giáo sư, tiến sĩ, doanh nhân tầm cỡ...

Những thúng chắt chắt đã đãi mang về nhà tiếp tục ngâm trong nước sạch qua đêm cho nhả hết đất bùn, đến 2g sáng là cả làng nổi lửa chuẩn bị những gánh bún hến tỏa đi khắp chợ sáng chợ chiều. 5g sáng, chị Thủy, chị Thúy đã có “thị phần” ở chợ tỉnh Đông Hà; chị Lan, chị Huệ bán ở chợ phường 5, chợ ở đường Lê Lợi...; chị Gái quang gánh lên chợ Cầu - chợ huyện; chị Thảnh lên chợ Sòng; chị Trúc lên chợ Kên...

Những phụ nữ “hậu thân” của những bà mẹ Gio Linh làng Mai Xá trong bài hát năm xưa vẫn tảo tần theo nhịp quang gánh rong ruổi qua những phiên chợ, hẻm phố dù gió bấc heo may hay nắng mùa hạ cháy bỏng gió Lào của quê xứ này.

Có lẽ ở miền đất thiên nhiên khắc nghiệt như Quảng Trị thì món chắt chắt như một đền bồi cho sự khó nghèo, không có món ăn nào ngon bổ mà rẻ như chắt chắt. Ở Huế, một tô bún thường thường bậc trung cũng 20.000 đồng trong khi cơm hến chỉ 3.000 đồng/tô. Ở Quảng Trị, tô bún hến bán rong giá chỉ 3.000-5.000 đồng. Chiêu đãi đặc sản bún hến cho vài người bạn phương xa về thăm miền gió cát chỉ cần... 50.000 đồng là ăn “ná thở”, xuýt xoa ngon ngọt, ứa nước mắt nước mũi vì cay!

“Liên hiệp xí nghiệp chắt chắt Mai Xá” này bao năm rồi cứ tuần hoàn một nhịp đời như thế. Từ con chắt chắt thương khó kia, cuộc sống đã đổi thay với nhiều người làng. Gia đình vợ chồng Quốc - Thúy mới ngoài 30 tuổi đã có ngôi nhà vừa xây xong trị giá 250 triệu đồng, mặt tiền quốc lộ 9, màu xanh nổi bật giữa trời quê.

Anh Quốc nói với tôi: “Nhờ chắt chắt cả đấy, anh ạ!”. Còn bà Ràn nhẩm tính rồi nói theo cách của người có tuổi: “Nhờ trời thương đó, chú ạ. Mỗi năm trừ cữ tháng chín, tháng mười lũ lụt còn thì cả tui lẫn hai vợ chồng nó lăn lộn với chắt chắt cũng được 500.000 đồng một ngày”. Kiếm 500.000 đồng/ngày với một hộ gia đình ở vùng quê nghèo này là con số không nhỏ chút nào. Còn “kinh doanh nhỏ” như chị Nhân với đôi quang gánh gồm một bầu nước chắt chắt cùng 5kg bún và khoảng 2kg mặt hến, trung bình mỗi ngày chị cũng kiếm được 80.000 đồng.

Phóng to
Những rổ chắt chắt được đãi ở bến sông làng Mai Xá - Ảnh: L.Đ.Dục

Những con sông miền Trung nghèo phù sa, nước xanh biếc là nơi nuôi dưỡng loài hến không đâu ngon bằng, tùy thủy thổ từng nơi mà hến biến tướng thành nhiều loài, như vùng sông Trà xứ Quảng Ngãi có con don cũng thuộc họ hến. Còn đến Hội An, ai đã ghé sang xã Cẩm Nam cuối dòng Thu Bồn sẽ khó quên được món hến xúc bánh đa xứ Quảng, trong khi hến ở cồn Hến trên sông Hương đã đóng góp vào kho tàng ẩm thực xứ Huế hàng thế kỷ nay. Riêng tại vùng sông nước Thạch Hãn, Quảng Trị, hến được gọi là chắt chắt, kích thước nhỏ hơn “chuẩn” của hến nhưng chất lượng cao hơn hẳn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận