Giảng dạy đại học: tinh thần, phương pháp và văn hóa

NGUYỄN KHÁNH TRUNG 02/03/2009 19:03 GMT+7

TTCT - Vấn đề cần giải quyết trước hết là xác định mục tiêu đào tạo.

Mục tiêu đào tạo

Chúng ta muốn đào tạo mẫu người sinh viên ra trường như thế nào? Vì nhiều lý do khác nhau, câu hỏi căn bản này vẫn chưa được trả lời một cách rõ ràng. Phải dứt khoát trả lời câu hỏi này thật rõ trước khi bắt tay thay đổi các khâu khác trong giảng dạy.

Tuyên ngôn quốc tế về giáo dục đại học trong thế kỷ 21 đã nói: “Các định chế giáo dục đại học cần phải giáo dục sinh viên như thế nào để họ thật sự trở thành những công dân được trang bị đầy đủ những kiến thức cần thiết và có động cơ hoạt động đúng đắn, sâu sắc. Đó phải là những người có khả năng tư duy phê phán, biết cách phân tích các vấn đề của xã hội, biết tìm ra các giải pháp cho các vấn đề của xã hội và thực hiện điều này với ý thức trách nhiệm đầy đủ” (điều 9, điểm b).

Nghĩa là đại học phải tạo ra một biến đổi nơi người học sau khi ra trường, sinh viên không những phải có kiến thức mà còn phải biết làm, biết sống, biết làm cho những kiến thức kỹ năng học hỏi được trở thành máu thịt của mình. Họ phải biết phát hiện và giải quyết vấn đề, biết phê phán một cách độc lập, biết khiêm tốn trong tinh thần khoa học, biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt trong văn hóa, biết dấn thân và dám chịu trách nhiệm, biết hợp tác với người khác và thích ứng với mọi môi trường công việc...

Để thực hiện mục tiêu trên, đại học phải thay đổi quy trình đào tạo, từ nội dung, phương pháp giảng dạy đến tổ chức hành chính, nhân sự, cũng như các sinh hoạt trong trường.

Giảng dạy tinh thần khoa học

Giảng dạy tinh thần khoa học trước tiên là truyền thụ tinh thần “nói có sách mách có chứng”, nghĩa là tránh chuyện khẳng định như “đinh đóng cột” mà không có đủ bằng chứng để chứng minh, hay bằng chứng chưa được kiểm chứng, một chiều.

Trong thực tế giảng dạy đại học hiện nay, chúng ta thường xuyên vi phạm nguyên tắc này vì nhiều lý do, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nhiều điều chỉ mới ở dạng giả thuyết, nhưng chúng ta đã truyền thụ đến sinh viên như là những chân lý bất di bất dịch. Tinh thần khoa học còn là sự chủ động, biết nghi ngờ, biết đặt lại các vấn đề và phê phán, phản biện, tranh luận... với thái độ khiêm tốn, biết tôn trọng ý kiến người khác, tôn trọng tư tưởng ngược chiều.

Hiện nay trong các hội thảo, các buổi bảo vệ luận văn, người ta sẵn sàng “choảng” nhau với thái độ và ngôn ngữ khẳng định kiểu “hết sức sai lầm” hoặc “rất đúng đắn”... Trong khoa học, nhất là trong khoa học xã hội, không ai dám xem các kết luận là tuyệt đối và có giá trị phổ quát. Một kết luận khoa học đã được kiểm chứng trong môi trường văn hóa này có thể không đúng trong một môi trường văn hóa khác, được thực hiện ở thời điểm hiện nay không có nghĩa sẽ có giá trị trong mười năm nữa.

Giảng dạy phương pháp khoa học

Kiến thức là vô tận và liên tục biến đổi trong khi đời sinh viên là hữu hạn, nên tại trường, các em phải được trang bị vững về phương pháp (phương pháp học, phương pháp làm, phương pháp nghiên cứu, phương pháp tư duy...), để từ đó có khả năng tự học, tự nghiên cứu và thực hành ở mọi môi trường và trải dài suốt cuộc đời. Phương pháp sư phạm hiện đại phải đặt sinh viên làm trung tâm của mọi quan tâm, của mọi quan hệ.

Sinh viên phải là đối tác độc lập trong quá trình tiếp nhận các kỹ năng và kiến thức, xa hơn nữa, phải làm cho họ trở thành những chủ thể xây dựng chính các kiến thức và kỹ năng đó với sự trợ giúp, hướng dẫn của giảng viên, chứ không chỉ bị động đón nhận những kiến thức của người khác. Điều này đòi hỏi phải có một đội ngũ giảng viên thấm nhuần tinh thần này và được trang bị các phương pháp sư phạm hiện đại, cũng như đại học phải tạo ra một môi trường phù hợp từ cơ sở vật chất, cấu tạo chương trình và những chính sách hỗ trợ.

Giảng dạy văn hóa

Giáo dục ở đâu và thời điểm nào cũng có chức năng chuyển tải văn hóa bên cạnh chức năng chuyển tải và sản xuất tri thức và kỹ năng. Hiểu theo nghĩa thông thường đó là chuyển tải những chuẩn mực, giá trị, những kiến thức, kinh nghiệm được tích lọc từ những thế hệ trước. Trường đại học làm nhiệm vụ này thông qua mọi khâu trong quy trình giảng dạy.

Tại Việt Nam, sinh viên sẽ lúng túng nếu những chuẩn mực và giá trị tiếp nhận từ nhà trường lại chẳng liên quan gì với các chuẩn mực và giá trị đòi hỏi từ thị trường lao động... Tóm lại, văn hóa học đường mà trường đại học chuyển tải phải tích hợp một cách hài hòa, công bằng từ nhiều nguồn, nhiều nhóm, nhiều tầng lớp trong xã hội và rộng ra là trên thế giới. Văn hóa học đường phải ở dạng mở và cách chuyển tải cũng phải ở dạng mở, nhằm tạo điều kiện phát triển óc tư duy và phê phán độc lập, tạo điều kiện cho sinh viên ra trường có thể thích ứng với mọi môi trường làm việc trong nước hay quốc tế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận