Nelson Mandela: 8 bài học lãnh đạo

TTCT - Nelson Mandela có thể được xem là một vị thánh sống, nhưng ông chỉ muốn nhìn nhận mình như một chính trị gia. Ông đã xóa bỏ chế độ apartheid và lập ra một nước Nam Phi dân chủ, không còn tệ phân biệt chủng tộc, bằng cách biết khi nào và bằng cách nào chuyển giao các vai trò của ông như một chiến binh, người tù khổ sai, nhà ngoại giao và nhà chính trị.

Phóng to
Nelson Mandela
TTCT - Nelson Mandela có thể được xem là một vị thánh sống, nhưng ông chỉ muốn nhìn nhận mình như một chính trị gia. Ông đã xóa bỏ chế độ apartheid và lập ra một nước Nam Phi dân chủ, không còn tệ phân biệt chủng tộc, bằng cách biết khi nào và bằng cách nào chuyển giao các vai trò của ông như một chiến binh, người tù khổ sai, nhà ngoại giao và nhà chính trị.

Bài học số 1

Can đảm không phải là thiếu vắng sự sợ hãi mà là làm người khác vượt qua sợ hãi

Năm 1994, trong chiến dịch vận động bầu cử, Mandela bay trên một máy bay cánh quạt đến “cánh đồng chết” Natal để đọc bài diễn văn trước những người Zulu ủng hộ ông. Tôi đồng ý đến gặp ông ở sân bay, nơi chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc sau bài diễn văn ấy. Khi máy bay còn 20 phút nữa mới đáp xuống thì một động cơ bị hỏng. Một số người trên máy bay bắt đầu lo sợ. Điều duy nhất giúp trấn an họ là nhìn trực tiếp vào Mandela, vì ông đang bình thản ngồi đọc báo như mỗi buổi sáng ông đi xe lửa đến nơi làm việc. Sân bay chuẩn bị cho máy bay đáp khẩn cấp và phi công đang tìm cách để máy bay đáp an toàn. Khi Mandela và tôi đã ngồi trong xe BMW chống đạn để đến nơi đọc diễn văn, ông quay sang tôi và nói: “Này bạn, tôi đã sợ chết khiếp đó!”.

Mandela thường lo sợ trong thời gian bị tù, trong vụ xử ở Rivonia dẫn đến việc ông bị kết án tù và trong thời gian trên đảo Robben. Sau này có lần ông nói với tôi: “Lẽ tất nhiên là tôi sợ lắm chứ!”. Điều này xem ra nghịch lý nhưng quả là đúng. Ông nói: “Tôi không cho rằng mình là người can trường và có thể đánh bại cả thế giới. Nhưng với tư cách là một thủ lĩnh, bạn đừng để người khác biết mình sợ. Bạn phải tỏ ra can đảm”.

Và trong thực tế ông đã làm như vậy: qua hành động tỏ ra không sợ hãi, ông giúp người khác cũng không sợ hãi. Ông hoàn thiện điều này trên đảo Robben, nơi có quá nhiều chuyện để lo sợ. Các tù nhân cùng ở với ông nhìn thấy ông rảo bước qua vườn với dáng hiên ngang thẳng người và việc này giúp họ vững chí qua bao nhiêu tháng ngày. Ông biết mình là một tấm gương cho những người khác, điều này ban cho ông sức mạnh để chiến thắng bao nỗi lo sợ.

Bài học số 2: Dẫn đầu, nhưng đừng bỏ bạn bè lại sau

Phóng to
Biểu tượng cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa apartheid của Nelson Mandela
Mandela là người kín đáo. Năm 1985, ông được giải phẫu tuyến tiền liệt. Khi trở về nhà tù ông bị cách ly khỏi các bạn tù lần đầu tiên trong 21 năm. Họ phản đối việc này. Nhưng theo lời bạn tù lâu năm Ahmed Kathrada kể lại, ông đã nói với họ: “Các bạn hãy đợi một phút. Rồi điều tốt lành sẽ đến cho mà xem”.

Điều tốt lành này chính là ông đã tiến hành các cuộc thương lượng với chính quyền apartheid. Nhưng đây là điều ghét cay ghét đắng đối với Đại hội dân tộc Phi (ANC). Sau nhiều thập niên nói rằng “tù nhân không thể thương lượng” và sau khi bênh vực cuộc đấu tranh vũ trang nhằm lật đổ chính quyền, Mandela quyết định đã đến lúc cần nói chuyện với những kẻ áp bức mình.

Khi ông khởi đầu các cuộc thương lượng với chính quyền năm 1985, nhiều người nghĩ ông sẽ thất bại. “Chúng tôi nghĩ ông đang bán mình - Cyril Ramaphosa, thủ lĩnh nghiệp đoàn công nhân hầm mỏ lúc đó nói - Tôi đến thăm ông và nói với ông: Ông đang làm gì vậy? Đó là một sáng kiến không thể tin được. Ông đang quá liều lĩnh”.

Mandela mở một chiến dịch thuyết phục ANC hiểu rằng đường lối ông theo đuổi là đúng. Sự nổi tiếng của ông là từ đường lối này. Ông đi gặp từng bạn tù của mình, theo lời Kathrada nhớ lại, và giải thích việc mình đang làm. Nhờ việc chậm mà chắc như thế, ông làm họ tin ông. “Ông đem cơ sở ủng hộ đi theo mình - Ramaphosa, lúc đó là tổng thư ký của ANC và nay là một ông trùm kinh doanh, nói - Một khi bạn đến được vị trí đầu cầu, bạn sẽ cho phép những người sau tiến tới. Ông ấy không phải là nhà lãnh đạo nhai kẹo chewing gum - nhai xong rồi quăng đi” (vắt chanh bỏ vỏ).

Đối với Mandela, từ chối thương lượng chỉ là tìm cách giải quyết về chiến thuật, chứ không từ bỏ những nguyên tắc. Suốt cuộc đời mình, ông luôn phân biệt rạch ròi điều ấy. Nguyên tắc không lay chuyển của ông - lật đổ chính quyền apartheid và thực hiện mỗi người dân một lá phiếu - là bất di bất dịch, nhưng hầu như mọi cách thức giúp ông đạt đến mục đích ấy đều được ông xem là chiến thuật. Ông là con người thực tiễn nhất trong những người theo chủ nghĩa lý tưởng.

“Mandela là một con người lịch sử - Ramaphosa nói - Ông suy nghĩ đường dài hơn chúng tôi. Ông nghĩ đến hậu thế trong đầu: thế hệ mai sau sẽ nhìn điều chúng ta đã làm như thế nào?”. Tù ngục cho ông tầm nhìn lâu dài. Và phải là như vậy chứ không có tầm nhìn nào khác. Ông không suy nghĩ về vài ngày tới hoặc vài tuần tới, mà là nhiều thập niên tới. Ông biết lịch sử đứng về phía ông, ông biết kết cuộc là tất yếu; vấn đề chỉ là xong sớm khi nào và cách thức hoàn tất ra sao mà thôi. Đôi lúc ông nói: “Mọi chuyện sẽ tốt hơn trên một chặng đường dài”.

Bài học số 3: Dẫn dắt từ phía sau và làm người khác tin rằng họ đang ở phía trước

Mandela thích nhớ lại thời trai trẻ và những buổi chiều nhàn nhã chăn thả gia súc. Ông nói: “Bạn biết đó, bạn chỉ có thể dẫn dắt đàn súc vật từ đằng sau”. Ông vừa nói vừa nhíu mày.

Lúc còn trẻ, Mandela chịu ảnh hưởng lớn của Jongintaba, thủ lĩnh bộ tộc đang nuôi dạy ông. Khi Jongintaba tổ chức cuộc họp, mọi người ngồi thành vòng tròn, và sau khi mọi người nói xong vua mới nói. Công việc chính của vua, theo Mandela, là không bảo người dân phải làm gì, nhưng tạo sự đồng thuận giữa mọi người dân. Ông thường nói: “Đừng đi vào tranh luận quá sớm”.

Trong thời gian tôi còn làm việc với Mandela, ông thường tổ chức các cuộc họp nội các tại nhà ở Houghton, khu ngoại ô cổ dễ mến của Johannesburg. Ông có thể qui tụ 5-6 nhân vật, trong đó có Ramaphosa, Thabo Mbeki (hiện là tổng thống Nam Phi) và vài người nữa ngồi xung quanh bàn ăn, hoặc đôi khi ngồi thành vòng tròn trên đường vào nhà. Một số đồng sự có thể la hét - do nôn nóng hay quá cực đoan - còn Mandela cứ ngồi nghe. Sau cùng, khi phát biểu ông chậm rãi tóm lược quan điểm của từng người và đưa ra quan điểm của mình, tế nhị thúc đẩy quyết định theo hướng ông muốn mà không áp đặt. Ông nói: “Điều khôn ngoan là thuyết phục người khác thực hiện công việc và làm họ nghĩ rằng đó cũng chính là ý riêng của họ”.

Bài học số 4: Học biết kẻ thù và môn thể thao ưa thích của người ấy

Phóng to
“Vị thánh sông” Mandela cùng vợ là bà Grac5a Machel tại buổi hòa nhạc 46664 vào năm 2006
Trong thập niên 1960, Mandela bắt đầu học tiếng Afrikaans (tiếng Hà Lan dùng ở Nam Phi), ngôn ngữ chính của người Nam Phi da trắng, những “cha đẻ” của chủ nghĩa apartheid. Các đồng chí của ông trong ANC trêu chọc ông về việc này, nhưng ông muốn tìm hiểu thế giới quan của người Afrikaner (người Nam Phi gốc Âu). Ông biết một ngày nào đó ông sẽ chiến đấu chống lại họ hoặc thương lượng với họ, vì dù sao chăng nữa vận mạng ông cũng đã nối kết với vận mạng của họ rồi.

Khi nói ngôn ngữ của địch thủ, ông có thể hiểu các điểm mạnh và yếu của họ để có thể đề ra chiến thuật phù hợp. Nhưng ông cũng có thể tự hội nhập với kẻ thù của mình. Mọi người, từ những người tù bình thường đến P.W. Botha, đều có ấn tượng tốt về ý chí học và nói tiếng Afrikaans, cũng như kiến thức sâu rộng của ông về lịch sử người Afrikaner. Ông biết nhiều về môn bóng bầu dục - môn thể thao ưa thích của người Afrikaner - để có thể so sánh đặc điểm của các đội bóng và cầu thủ.

Mandela hiểu rằng người da đen và người Afrikaner có những điểm tương đồng: người Afrikaner tin rằng mình là người châu Phi cũng như người da đen vậy. Ông cũng biết rằng người Afrikaner là nạn nhân của chính thành kiến nơi họ: chính quyền Anh và người Anh định cư thường coi khinh họ. Người Afrikaner đau khổ do mặc cảm tự ti văn hóa, chẳng khác gì người da đen.

Mandela là một luật sư và trong tù ông giúp các cai ngục về những vấn đề pháp lý. Họ còn kém về học thức và ít sành đời hơn ông. Và thật kỳ lạ đối với họ khi một người da đen lại muốn giúp họ và có khả năng giúp họ. Theo Allister Sparks, sử gia lớn của Nam Phi, họ là “những người tàn nhẫn nhất và độc ác nhất trong chế độ apartheid, vậy mà Mandela lại nghĩ rằng ông có thể thương lượng với những người như thế”.

Bài học số 5: Sống gần gũi với bạn và với cả đối thủ nữa

Nhiều vị khách được Mandela mời tới nhà ông ở Qunu là những người mà như ông nói với tôi là ông không hoàn toàn tin tưởng. Ông mời họ ăn, ông gọi điện tham khảo ý kiến của họ, ông khen ngợi họ và tặng quà cho họ. Mandela là con người có sức thu hút tuyệt vời và ông thường dùng sức thu hút này để tác động nhiều hơn đến đối thủ hơn là đến đồng minh của ông.

Trên đảo Robben, Mandela cũng luôn ghi nhớ trong đầu những người ông không thích hoặc không tin tưởng. Một người đã trở thành người thân cận của ông là Chris Hani, thủ lĩnh cánh quân sự trong ANC. Một số người nghĩ Hani đang âm mưu chống lại Mandela, nhưng Mandela vẫn tin tưởng ông. Ramaphosa nói: “Không chỉ Hani mà còn là những nhà công nghiệp lớn, các gia đình chủ mỏ, phe đối lập. Ông có thể gọi điện thoại chúc mừng sinh nhật của họ. Ông có thể dự lễ tang của gia đình họ. Ông thấy đó là một cơ hội”. Khi Mandela ra tù ông có nhiều bạn bè là các cai ngục và ông bổ nhiệm nhiều người đã từng giam giữ ông vào nội các đầu tiên của mình.

Mandela tin rằng việc thân quen với các đối thủ là một cách thức để kiểm soát họ: họ càng nguy hiểm khi họ đứng tách riêng hơn là khi họ tham gia câu lạc bộ có ảnh hưởng của ông. Ông yêu thích sự trung tín nhưng không bao giờ bị nó ám ảnh. Sau cùng, ông thường nói: “Người ta hành động theo quyền lợi riêng của họ”. Điểm yếu của ông là quá lạc quan, tin tưởng người khác quá nhiều. Nhưng Mandela nhìn nhận rằng cách thức ứng xử với những người không tin tưởng là trung lập hóa họ với sự quyến rũ của mình.

Bài học số 6: Bề ngoài là quan trọng và hãy nhớ cười tươi

Phóng to
Ngay trước khi giành thăng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Nam Phi, N.Mandela đã đến thăm nơi ông đã bị giam giữ trên đảo Rubben
Khi còn là sinh viên luật nghèo tại Johannesburg, còn mang áo khoác xác xơ, Mandela được đưa đến thăm Walter Sisulu. Sisulu là một nhà kinh doanh bất động sản và là một lãnh đạo trẻ của ANC. Mandela nhìn thấy một người da đen thành đạt và thạo đời mà ông muốn bắt chước, còn Sisulu lại nhìn thấy Mandela là tương lai.

Có lần Sisulu nói với tôi rằng một đeo đuổi lớn của ông trong những năm 1950 là biến ANC thành phong trào quần chúng. Và vào một ngày nọ, ông mỉm cười nhớ lại: “Một thủ lĩnh quần chúng đang bước vào văn phòng của tôi”. Mandela cao ráo và đẹp trai, một vận động viên quyền anh nghiệp dư có dáng vẻ con trai của một thủ lĩnh. Và ông có một nụ cười rạng rỡ như mặt trời ló dạng trong một ngày nhiều mây.

Nhưng quan trọng hơn đó là nụ cười sáng chói, hạnh phúc và bao dung. Đối với người Nam Phi da trắng, nụ cười tượng trưng cho sự quên đi những nỗi cay đắng và gợi ý ông đã thông cảm với họ. Còn đối với các cử tri da đen, nụ cười của ông nói lên rằng tôi là chiến binh hạnh phúc và chúng ta sẽ chiến thắng. Tranh cổ động bầu cử của ANC chỉ là gương mặt tươi cười của ông. Ramaphosa nói: “Nụ cười chính là thông điệp”.

Ông luôn nói: “Hãy quên đi quá khứ” nhưng tôi biết rằng ông không bao giờ quên.

Bài học số 7: Không có gì chỉ là đen hoặc trắng

Khi phỏng vấn, tôi thường hỏi Mandela các câu hỏi đại loại như: Khi ngài quyết định ngưng cuộc đấu tranh vũ trang là do ngài nghĩ rằng ngài không có sức mạnh để lật đổ chính quyền, hay bởi vì ngài biết rằng ngài có thể thắng trên dư luận quốc tế bằng cách chọn con đường bất bạo động? Ông ngạc nhiên nhìn tôi và nói: “Tại sao không cả hai?”.

Tôi bắt đầu hỏi các câu hỏi thông minh hơn, nhưng thông điệp đã rõ ràng: cuộc đời không bao giờ là cái này hoặc cái khác. Các quyết định là phức tạp và luôn có các yếu tố cạnh tranh nhau. Đi tìm lời giải thích đơn giản là tật cố hữu của bộ óc con người nhưng lại không phù hợp với thực tại. Không có gì là sáng rõ như người ta thấy.

Mandela thoải mái với các mâu thuẫn. Là một chính khách, ông cũng là một người thực tiễn nhìn thấy thế giới có vô số màu sắc. Là một người da đen sống dưới chế độ apartheid, ông có nhiều chọn lựa đau đớn mỗi ngày: Tôi có phải chiều theo người chủ da trắng để có việc làm và để tránh khỏi bị trừng phạt không? Tôi có cần mang giấy thông hành theo không?

Là một chính khách, Mandela trung thành với Muammar Gaddafi và Fidel Castro. Họ đã hậu thuẫn cho ANC khi Mỹ gán cho Mandela nhãn hiệu khủng bố. Khi tôi hỏi ông về Gaddafi và Castro, ông gợi ý rằng người Mỹ có xu hướng nhìn sự vật qua trắng hay đen, và ông trách cứ tôi thiếu sắc thái khi nhìn sự vật. Mỗi vấn đề có nhiều nguyên nhân. Trong khi ông chống lại chủ nghĩa apartheid, ông hiểu nguyên nhân của chế độ này là phức tạp từ lịch sử, xã hội học đến tâm lý... Phép tính của Mandela luôn là: mục tiêu nào tôi tìm kiếm, và đâu là cách thực tiễn nhất để đi đến đó?

Bài học số 8: Rời chức cũng là lãnh đạo

Năm 1993, Mandela hỏi tôi liệu tôi có biết ở nước nào có tuổi bầu cử tối thiểu dưới 18 không. Tôi đã tìm hiểu và đưa cho ông một danh sách các nước: Indonesia, Cuba, Nicaragua, CHDCND Triều Tiên và Iran. Ông xem và khen: “Rất tốt, rất tốt”. Hai tuần lễ sau ông lên truyền hình Nam Phi và đề nghị tuổi bầu cử sẽ đưa xuống tuổi 14. Ramaphosa nhớ lại: “Ông cố bán ý tưởng cho chúng tôi, nhưng chỉ có ông ủng hộ ý này mà thôi. Ông phải đối diện với một thực tế rằng ông sẽ không chiến thắng. Ông chấp nhận sự xấu hổ, nhưng ông không hờn dỗi. Đó cũng là một bài học trong lãnh đạo”.

Biết cách từ bỏ một ý tưởng thất bại, một công việc hoặc một mối quan hệ thất bại thường là quyết định khó khăn nhất mà một nhà lãnh đạo phải làm. Bằng nhiều cách, thành quả lớn nhất của Mandela với tư cách là tổng thống Nam Phi là cách ông chọn để rời chức vụ này. Khi ông được bầu vào năm 1994, ông có thể bị áp lực để làm tổng thống suốt đời, và có nhiều người nghĩ rằng để đổi lại bao nhiêu năm tù thì Nam Phi cũng cần ông lãnh đạo chừng ấy năm.

Trong lịch sử châu Phi có rất ít nhà lãnh đạo được bầu lên một cách dân chủ muốn rời khỏi chức vụ. Mandela quyết định lập ra một tiền lệ để mọi người làm theo - không chỉ tại Nam Phi mà còn tại cả châu lục. Ramaphosa nói: “Công việc của ông là vạch đường đi chứ không phải là lèo lái con tàu”.

(*) Richard Stengel là biên tập viên báo Time, tác giả hồi ký Đường dài đến dân chủ về N. Mandela.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận