Đuổi theo dịch bệnh!

BS TRẦN SONG HÀO 02/05/2014 21:05 GMT+7

TTCT - Từ khi Chương trình tiêm chủng mở rộng (Expanded Program on Immunization - EPI) phổ cập toàn quốc năm 1985, tỉ lệ mắc bệnh sởi giảm rõ rệt.

Cả người lớn lẫn trẻ em chen nhau đi tiêm chủng bệnh sởi, trong đó nhiều người không nhớ đã tiêm mũi đầu tiên khi nào - Ảnh: Hữu Khoa

Tỉ lệ tử vong do biến chứng cũng rất thấp. Việc duy trì tiêm chủng nói chung, bệnh sởi nói riêng là rất cần thiết. Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Nhưng tiêm chủng không có nghĩa là “tiêm chạy dịch”.

Chạy đua, kịp không?

Ngày 10-4, TS Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, trả lời báo chí rằng:  “Để dập tắt bệnh sởi chỉ có cách là tiêm chủng. Tiêm chủng hiện nay phải chạy đua với thời gian và dịch sởi. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế sẽ có chỉ đạo các tỉnh thành cố gắng tiêm xong văcxin sởi cho trẻ trong diện tiêm chủng trong tháng 4”. 

Phát ngôn đó cho thấy việc phòng chống dịch hiện nay theo kiểu “đuổi bắt” dịch sởi? “Chiến dịch tiêm vét văcxin” ngừa bệnh sởi sau khi dịch, dù chưa được chính thức thừa nhận, đã xảy ra liệu có dập tắt được dịch?

Phát ngôn của đại diện Bộ Y tế khiến dư luận cảm giác rằng “dịch sởi xảy ra như hiện nay là do phụ huynh đã không cho con em đi tiêm chủng đúng lịch”. Nhưng nếu các cháu tiêm rồi hoặc sẽ tiêm trong tháng 4 này mà vẫn bị bệnh thì Bộ Y tế sẽ trả lời thế nào?

Về chuyên môn và khía cạnh quản lý, phát ngôn này cho thấy cách phòng chống dịch như thế dường như chưa căn cứ vào khoa học dịch tễ, đặc điểm lâm sàng, cơ chế lây truyền của bệnh sởi, môi trường quá tải của xã hội và bệnh viện để phòng chống dịch. Phòng chống dịch bệnh không thể hô hào bằng giải pháp “chạy đua với thời gian và dịch bệnh”.

Trên thực tế đã có nhiều trường hợp tiêm đầy đủ văcxin ngừa sởi đúng lịch, đủ mũi vẫn mắc bệnh. Ở phạm vi quốc gia, dịch sởi vẫn có thể xảy ra khi chương trình tiêm chủng đã phủ sóng toàn quốc với tỉ lệ trẻ được chủng rất cao theo báo cáo của cơ quan tiêm chủng. Điển hình là vụ dịch sởi năm 2010 ở Malawi, châu Phi.

Nguyên nhân thật sự là gì?

Muốn tìm ra nguyên nhân thật sự để có giải pháp đúng dập tắt dịch bệnh, hạn chế hậu quả tử vong, Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng cần đánh giá đúng đợt dịch sởi này một cách khoa học và khách quan. Nói về khoa học là căn cứ vào đặc điểm dịch tễ, cơ chế lây truyền và tính chất lâm sàng của bệnh sởi. 

Vụ dịch sởi năm nay vẫn theo chu kỳ thường thấy, 3-4 năm rộ lên một lần. Sở dĩ có chu kỳ như thế vì sau một thời gian chủng virút gây bệnh đột biến theo quy luật sinh tồn, vì sự tích tụ nhóm người nguy cơ cao (như không tiêm chủng, tiêm không có hiệu quả) ngày càng tăng, vì môi trường sống quá tải, vì thời tiết khí hậu thuận lợi cho dịch bệnh phát triển... 

Phòng chống dịch bệnh ngoài khoa học dịch tễ cần phải căn cứ vào cơ sở bệnh học và đặc điểm lâm sàng của bệnh lây truyền. 

Theo dữ liệu thống kê của chương trình quốc gia và WHO/UNCEF, chỉ riêng bệnh sởi, từ năm 1990-2012, tỉ lệ trẻ Việt Nam được tiêm văcxin từ 1-2 mũi (đủ liều) đạt 88% năm 1990 và 96% năm 2012. Cao nhất là 98% năm 2010.

Theo lý thuyết dịch tễ và miễn dịch hiện nay, với văcxin sởi tiêm đủ hai liều từ 9-12 tháng tuổi và nhắc lại trước 5 tuổi là có thể miễn dịch suốt đời. 

Lịch tiêm chủng EPI Việt Nam chỉ định tiêm chỉ hai mũi văcxin sởi là đủ bảo vệ. Vậy năm 2012, tỉ lệ các cháu tiêm sởi một mũi đạt 96%, đủ hai mũi đạt 83%, đó là một tỉ lệ rất cao đã có thể bảo vệ các cháu. Tại sao sau hai năm, dịch sởi vẫn bùng phát?

Mặc dù tỉ lệ tiêm chủng ngừa bệnh sởi qua các năm đạt rất cao, nhưng số ca mắc sởi cũng cao theo chu kỳ 1990 (8.175 ca), 2000 (16.512 ca), 2009 (6.582 ca).

Điều này chứng minh rằng tiêm chủng đủ mũi, đúng liều, bao phủ rộng bảo vệ đa số trẻ được tiêm chủng chứ không thể là biện pháp để “dập tắt dịch”. 

Tiêm văcxin ngay trong vụ dịch và chạy theo vụ dịch đâu có “dập tắt vụ dịch”? Thậm chí tiêm trong khi xảy ra dịch đã 2-3 tháng, tỉ lệ tiêm rồi vẫn mắc bệnh sẽ tăng lên. 

Vì khả năng trẻ đã nhiễm virút sởi trước khi tiêm là rất cao. Mặt khác, số liệu này cũng chứng minh rằng dịch sởi xảy ra mùa này đâu phải do các cháu không đi tiêm chủng?

Về nguyên nhân vụ dịch sởi hiện nay, qua số liệu thống kê liệu có thể giải thích rằng chủng virút sởi (gây dịch) đã đột biến? Khả năng sự tích tụ nhóm trẻ có nguy cơ cao chỉ 2-4% trong vòng 2-3 năm với vai trò gây bùng phát dịch là rất thấp. 

Bộ Y tế vẫn chưa có số liệu công bố chủng virút gây dịch bệnh sởi là gì? Liệu kỹ thuật phát hiện chủng mới có thể đã lạc hậu?

Tóm lại, trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung, các nhà quản lý cần phải áp dụng phương pháp giám sát, đánh giá và dự báo dịch một cách khoa học, dựa trên khung giám sát với những chỉ số cân đong đo đếm được. Từ đó mới có chiến lược, kế hoạch dự phòng dài hơi, bài bản để dự báo dịch chính xác và chủ động phòng chống dịch hiệu quả, kịp thời.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận