Người chép truyện làng quê

TRẦN VĂN THƯỞNG  07/09/2003 21:09 GMT+7

TT - Một người ở đất Bắc vào phương Nam kiếm sống, từ Sài Gòn dạt lên Tây nguyên, trải qua hơn mười năm đầy nhọc nhằn với nhiều nghề chợt một ngày cao hứng... cầm bút viết liền mạch trong hai năm để hoàn thành một cuốn tiểu thuyết 400 trang về làng quê xa ngái của mình. Cuốn tiểu thuyết Đất Đình Gừng của Nguyễn Thành Trung ra đời như thế.

Phóng to
Nguyễn Thành Trung

Tác phẩm của một người chưa hề làm quen với lĩnh vực văn học này được nhà văn Đỗ Chu thích thú đọc ngay từ bản thảo đầu tiên và... xúi: “Cuốn Đất Đình Gừng rất hợp với Cuộc thi văn học - nghệ thuật 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cậu nên gửi dự thi!”.

10 năm xa quê nhọc nhằn

Năm 1989, từ Thái Bình - nơi bố mẹ anh rời Khương Trung (tên chữ của làng cổ Đình Gừng) tản cư đến vào năm 1947, Nguyễn Thành Trung đưa vợ con vào Sài Gòn thử vận.

Hành trang của gia đình Trung lúc ấy chỉ có một túi đồ cho ba người và mấy chục ngàn đồng lận lưng. Ban ngày hai vợ chồng phụ bán ở một quán phở; ban đêm họ và đứa con trai 4 tuổi “trọ” ở một nhà chờ xe buýt tại quận 1.

Sáu tháng sau, theo lời khuyên của một người bạn, anh dắt díu vợ con đến đất Đồng Nai kiếm sống, nhưng rồi vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo túng với những công việc không đâu vào đâu.Đến năm 1990, cũng theo lời khuyên của một người bạn ở Lâm Đồng, vợ chồng anh một lần nữa lên Bảo Lộc tìm kế sinh nhai.

Tại đây, chồng làm thợ khai thác cát trong suối rừng, vợ đạp xe chạy hàng bán lẻ ngoài chợ. Suốt hai năm trời làm việc cật lực, họ tích góp mua được một chiếc Babetta cũ. Chồng bỏ hẳn công việc đào cát đầy gian nan, ở nhà phụ vợ chạy hàng. Hai năm sau nữa, nhờ số tiền dành dụm được và sự giúp đỡ của cô em gái ở ngoài Bắc, hai vợ chồng đã tậu được một khoảnh đất trũng nằm trên trục quốc lộ 20.

Bảo Lộc là một vùng chuyên canh trồng trà. Đất Bắc quê anh có tiếng trà ngon. Đây là hai yếu tố “xe duyên” nên ý tưởng ra đời một sản phẩm trà kết hợp tinh túy trà Bảo Lộc và trà Bắc. Thế rồi những người sành trà ở Bảo Lộc đã biết đến những túi trà Bắc mang nhãn hiệu “Trà Thành Trung” được chế biến ngay tại phố núi này.

Thức khuya dậy sớm, hằng ngày lui cui xao tẩm trà rồi thồ hàng lên chiếc “babétnhè” đã quá hạn đi bỏ mối cho các bạn hàng ở khắp Bảo Lộc, hai vợ chồng lo được việc học liên tục cho cậu con trai nay sắp bước sang lớp 12. Số vốn dành dụm được trong năm năm tiếp theo đủ để hai vợ chồng “lên đời” với một chiếc CD đỏ và xây một căn nhà tử tế vào năm 1997.

Và, khi cuộc đời đã bước qua đoạn ngặt nghèo, mỗi tối trên căn gác 12m2 của ngôi nhà thấp trũng thỉnh thoảng vọng lên tiếng còi xe lưu thông trên tuyến quốc lộ 20, anh Trung ngồi một mình bên chén trà gặm nhấm nỗi buồn của người xa xứ trong cảnh luôn vắng bạn tri âm.

Lúc ở vào đỉnh điểm của sự cô đơn, anh thầm gọi tên... làng. Tâm cảm đó nối kết với dòng chảy hoài niệm về làng cũ Đình Gừng cùng những chuyện xưa, tích cũ mà mẹ anh kể lại từ những ngày anh còn ở trên đất Bắc đã thôi thúc anh cầm bút viết một cuốn tiểu thuyết đầy duyên nợ của đời mình đối với cố quận Khương Trung.

Hai năm miệt mài viết sách

Phóng to
Thời niên thiếu của Nguyễn Thành Trung ở Thái Bình, mẹ anh thường kể cho mấy anh chị em nghe những chuyện xưa tích cũ ở làng quê Đình Gừng, ngôi làng cổ hàng ngàn năm tuổi ở đất Thăng Long xưa.

Khởi đầu bao giờ cũng là chuyện “cô Bông”. “Cô Bông thiêng lắm” - mẹ anh kể vậy - “cô xấu người nhưng tốt nết, hay chữ. Cô đã chết nơi giếng Giỏ ở làng nhưng hồn cô vẫn ở lại mãi mãi trong trí nhớ của mọi người làng”.

Hay “làng mình ngày xưa có một ông phó là thầy đề trong làng, người giảo hoạt lắm. Lại còn ông lý mà mọi gánh nặng sưu thuế, tạp dịch đổ lên đầu dân đen đều ở một tay ông lý ba vợ ấy. Làng có những năm ông thầy đồ dạy chữ nho cho cả làng nữa. Ông nội anh là một trong năm ông đồ đáng kính của làng Đình Gừng ta xưa đấy. Nào... còn cả những chuyện về giếng Giỏ, quán Vàng, cánh đồng công chúa...”.

Giống như chuyện ông tổ bảy đời của Elis Hailey - nhà văn Mỹ gốc Phi, tác giả cuốn tiểu thuyết Cội rễ nổi tiếng - cứ mỗi lần có thêm một thành viên mới của gia đình Nguyễn Thành Trung ra đời, người mẹ quê ở Thái Bình lại nhắc đến những chuyện cũ ở làng Đình Gừng.

Cứ thế, những câu chuyện kể của người mẹ xa quê đi từ nhân vật, sự kiện này sang nhân vật, sự kiện kia; chúng bện thành một tấm thảm hồi cố không thể phai mờ trong cuộc sống của một bà mẹ nhà quê không biết chữ nhưng lại thuộc làu Kiều và mỗi khi nói chuyện thì hay vận ca dao, tục ngữ.

Bố anh Trung đã mất cách nay 19 năm trên đất Thái Bình. Năm 2000, sau 46 năm xa quê, mẹ anh mới trở về lại đất Đình Gừng mà cứ ngỡ như là đang ở một nơi xa lạ. Làng Đình Gừng xưa giờ đã là phố, là phường Khương Trung thuộc quận Thanh Xuân, nội thành Hà Nội. Người mẹ nay đã 83 tuổi nên câu chuyện “nối dây” kể về ngôi làng xưa có nguy cơ mất đi vĩnh viễn nếu không có ai ghi chép lại.

Đúng lúc đó, như thể hồn thiêng của “cô Bông” đã nhập vào người Nguyễn Thành Trung. Đầu năm 2001, từ Bảo Lộc anh tức tốc đón tàu về ngay Khương Trung. Về bên mẹ, chính anh là người gợi cho mẹ kể lại chuyện “cô Bông”.

Suốt gần một tháng ở Khương Trung, anh sống hoàn toàn trong thế giới hồi cố của mẹ. Anh ghi chép, hết hỏi mẹ rồi quay sang hỏi chuyện các cậu, các chú và đặc biệt là ông anh cả tên Hoàng - người tận mắt chứng kiến đến những hình ảnh cuối cùng của làng quê cổ Đình Gừng trước khi nó chìm hẳn trong ngọn lửa chiến tranh của thực dân Pháp.

Và Nguyễn Thành Trung đã kiên trì dò tìm lại từng dấu xưa tích cũ của ngôi làng cổ nay đã chìm khuất sau những dãy phố huyên náo người qua kẻ lại. Với niềm thành kính xen lẫn một sự phấn khích, anh về lại nơi tương truyền là Đầm Sen ngày xưa và nhờ vào trí nhớ vẫn còn khá rành mạch của anh cả Hoàng, anh Trung đã đến với giếng Giỏ nơi ngày xưa “cô Bông” trầm mình dù suýt bị đuổi đánh vì người chủ nhà tưởng anh muốn chơi khăm mình khi thắp hương khấn nguyện trước nhà ông ta!

Về lại căn gác nhỏ ở Bảo Lộc, với những tư liệu ngồn ngộn có được trong tay và với ngồn ngộn những xúc cảm chất chứa trong lòng, Nguyễn Thành Trung bắt tay viết Đất Đình Gừng. Anh đã làm sống lại dòng hoài niệm về cái thời mà mình chưa từng sinh ra (Nguyễn Thành Trung sinh năm 1958).

Giữ vững nguyên tắc “Tác phẩm tự thân phải như cuộc sống trong làng” được anh ghi đậm trên trang đầu tiên của bản thảo, Nguyễn Thành Trung đã tái hiện một cách khá sinh động “cái làng Khương Trung, một làng ngoại thành với nhiều huyền thoại cổ xưa thiêng liêng cùng nhiều khuôn mặt lịch sử cũng như những sự kiện diễn ra trong những ngày đầu Cách mạng tháng 8-1945...” (nhận xét của nhà văn Đỗ Chu), dù có đến 2/3 nhân vật trong tác phẩm do tác giả hư cấu.
Cái duyên của cô Thắm, cái tình chung của cô Nghinh, cái thiêng của “cô Bông”, mối cảm thông tri kỷ giữa ông đồ thời mạt vận và nhà văn trẻ Vũ Trọng Phụng kết thúc bằng hai cái chết gần như đồng thời của họ, sự giảo hoạt của phó Thung cùng với món rượu mơ sóng sánh nức tiếng nghĩa hiệp của bà Ba Ngàn oai phong lẫm liệt trên lưng ngựa (những nhân vật, tình tiết hư cấu) hấp dẫn độc giả.

Cuộc đời đầy tức tưởi của anh Biền, nỗi truân chuyên của cô Trâm (nguyên mẫu cuộc đời mẹ tác giả), cái tình cưu mang, quảng đại của anh Đông (nguyên mẫu cha tác giả) lại mang thêm một sức sống mới khi bước vào trang văn Nguyễn Thành Trung.

Lần Nguyễn Thành Trung về Bắc đọc lại cho mẹ nghe những đoạn anh viết về mẹ, mắt bà cụ rưng rưng mà miệng thì tủm tỉm: “Ơ hay, hồi xưa mẹ phải lòng một ông ở làng bên chứ nào có chuyện đem lòng yêu một anh lái tàu điện ở tận đẩu tận đâu ngoài Hà Nội!”

“Hình ảnh của làng quê cổ giờ đây có lẽ chỉ còn phảng phất trong đầu những người già. Một thời gian nữa, khi thế hệ các cụ qua đi, còn ai nhớ đến một làng Khương Trung đã từng được mệnh danh là một trong “Thăng Long bát cảnh” của kinh thành xưa?”.

Nguyễn Thành Trung, một lớp người hậu sinh của đất Đình Gừng cổ, đã không khỏi quặn lòng trong đoạn cuối cuốn tiểu thuyết được viết trong suốt hai năm miệt mài và tự vấn theo nếp suy nghĩ của một ông đồ thời hiện đại.

Hôm Nguyễn Thành Trung nhận được tin báo Nhà xuất bản Hội Nhà Văn cấp giấy phép xuất bản tác phẩm đầy duyên nợ của mình, anh đã ôm chầm lấy vợ rồi cả hai cùng oà lên sung sướng. Bởi trong suốt thời gian Trung viết Đất Đình Gừng, vợ anh là một trong những điểm tựa để tác phẩm được viết trọn vẹn đến dòng cuối cùng.

Được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng tài trợ in, Đất Đình Gừng sẽ ra mắt bạn đọc một ngày không xa...

Ba thôn: Khương Thượng - Khương Trung - Khương Hạ từ thời Lê thuộc xã Khương Đình, tổng Khương Đình, huyện Thanh Đàm, sau đổi là huyện Thanh Trì, đạo Sơn Nam Thượng. Đến thời Nguyễn: đạo Sơn Nam thay bằng tỉnh Hà Đông. Vùng đất Tam Khương còn là một trong tám cảnh phồn vinh của Thăng Long thời Lê (Thăng Long bát cảnh).

Năm 1923, Tam Khương nhập vào tổng Hoàng Mai.
Năm 1930, Tam Khương nhập vào huyện Hoàn Long. Cuối năm 1942 Hoàn Long nhập vào thành phố Hà Nội. Sau Cách mạng tháng Tám 1945 Tam Khương thuộc ngoại thành Hà Nội. Sau hòa bình lập lại năm 1954, xã Tam Khương chính thức được thành lập, thuộc quận 7, ngoại thành Hà Nội.

Từ năm 1960, Khương Trung thuộc khối 75 - 76 khu Đống Đa, nội thành. Từ 1976-1998 Khương Trung là phường Nguyễn Trãi, quận Đống Đa, và từ năm 1998 đến nay Khương Trung thành phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận