Đã đến lúc kích cầu tiêu dùng

TTCT - Trong bối cảnh sức mua trên thị trường quá yếu so với nhiều năm gần đây, một số chuyên gia kinh tế cho rằng đã đến lúc phải kích cầu tiêu dùng.

“Điệp khúc” tăng giá trong vài năm gần đây khiến người dân thắt chặt chi tiêu, dẫn đến hậu quả là hàng tồn kho nhiều. Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc kích cầu tiêu dùng - Ảnh: Tự Trung

Ba, bốn năm qua người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu vì giá cả không ngừng tăng. Làm thế nào giảm giá bán hàng để khuyến khích sức mua và cứu doanh nghiệp?

Trao đổi với TTCT, ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, thừa nhận sức mua quá ì ạch, “ì đến hai năm nay rồi”. Sức mua giảm sút thế nào có lẽ không ai hiểu bằng nhà sản xuất khi phải gồng mình với việc hàng tồn kho nằm ứ suốt vài ba năm nay. Có doanh nghiệp ở TP.HCM năm trước chỉ có một kho chứa hàng tồn, nay đã là ba kho...

Khi người dân không chi tiêu

Có trên 40 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực thương mại, ông Vũ Vinh Phú cho biết suốt hai năm trở lại đây, trừ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ, cả ngoài chợ lẫn trong siêu thị đều không còn không khí mua sắm, náo nhiệt, sôi động thường thấy. “Thị trường đìu hiu lắm” - ông Phú than. Bình quân một giỏ hàng ở siêu thị trước đây là 272.000 đồng, giờ chỉ còn 230.000 đồng.

Bên cạnh đó, cơ cấu tiêu dùng cũng đang thay đổi, 70% số tiền tiêu dùng của người dân dành để mua thực phẩm thay vì những mặt hàng có tính xa xỉ hơn như tivi, máy điều hòa... Người dân tập trung mua thực phẩm nhiều hơn vì đây là những mặt hàng không thể tiết giảm được.

Mặc dù lãi suất huy động giảm nhưng tiền gửi tiết kiệm lại tăng lên. Người dân vẫn đang tiếp tục bớt chi tiêu, tập trung tích lũy. Do đó, để cứu thị trường, cứu doanh nghiệp thì phải khuyến khích sức mua và có giải pháp để kích cầu tiêu dùng trong nước.

Cùng quan điểm với ông Phú, theo ông Nguyễn Minh Lục - giám đốc Công ty thương mại nông sản Vinh Phúc (Khánh Hòa), các nhà sản xuất đang cực kỳ khó khăn. Thực tế nhiều doanh nghiệp đã loay hoay suốt nhiều tháng nay tìm cách bán được hàng. Quan sát trong siêu thị, trên các cửa hàng ven đường phố, những dòng chữ “giảm giá”, “đại hạ giá”... thay nhau xuất hiện. Việc bán hàng lúc sức mua bình thường đã khó, nay người dân thắt chặt chi tiêu nên càng chật vật.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, một số ý kiến lo ngại nguy cơ thiểu phát đang hiển hiện khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mấy tháng gần đây chỉ tăng nhẹ. Thị trường đang có hàng loạt câu hỏi chưa có lời giải và quan điểm cho rằng cần nhanh chóng tung ra các biện pháp kích cầu tiêu dùng.

Ông Ánh nhận định giảm phát sẽ không xảy ra, lý giải trong nửa đầu năm 2014 mặc dù CPI so với tháng trước và so với cuối năm 2013 tăng chậm hẳn lại, nhưng CPI tháng 6 năm nay so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng 4,98%, bình quân sáu tháng đầu năm 2014 tăng 4,77% so với cùng kỳ năm 2013. Nói cách khác, CPI tính theo năm vẫn đang ở mức cao so với thông lệ quốc tế. Hơn nữa, ông Ánh cho rằng xu thế giảm CPI tính theo năm so với cùng kỳ đã chững lại và đảo chiều.

Tuy nhiên các chỉ số chỉ phản ánh một phần câu chuyện. Ông Ánh cho rằng giải pháp để kích thích tiêu dùng là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh sức mua tăng thấp suốt từ đầu năm nay. Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sáu tháng đầu năm chỉ tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 6% nếu loại trừ yếu tố giá. Mức tăng này chưa bằng một nửa so với giai đoạn 2007-2010.

Giá cao vì hệ thống phân phối

Giải pháp nào để kích cầu tiêu dùng lúc này? Ông Vũ Vinh Phú phân tích: cung hàng hóa dồi dào trong lúc cầu thấp, theo quy luật cung cầu của thị trường, để bán được sản phẩm thì chỉ có cách hạ giá bán. Muốn làm được việc này, nhà sản xuất và hệ thống phân phối, siêu thị, cửa hàng bán lẻ phải chia sẻ lợi nhuận với nhau để cùng tồn tại.

Nhấn mạnh việc phải giảm giá bán đến tay người tiêu dùng, ông Phú cho rằng thực tế giá hàng hóa bán tại phần lớn siêu thị ở ta đang khá cao so với giá nhà sản xuất đưa ra. Giá một chục trứng gà công nghiệp tại trang trại là 18.000 đồng, người tiêu dùng phải mua ở siêu thị với giá 22.000 đồng. Giá thịt heo hơi tại thị trường Hà Nội nhiều tháng giữ ở mức 34.000 đồng/kg, trong khi đó thịt heo bán tại siêu thị 90.000-100.000 đồng/kg tùy loại...

Cả nước đang tồn đến 600 tấn đường nhưng người dân vẫn phải mua với giá 24.000 đồng/kg, trong khi giá nhà máy bán ra chỉ bằng một nửa giá thị trường.

“Giá người sản xuất đưa ra rất thấp nhưng giá đến tay người tiêu dùng thì cao chót vót. Hàng đến siêu thị phải đi lòng vòng qua 3-4 kênh phân phối. Mỗi kênh phân phối lại gửi 15% vào giá. Như thế làm sao mà giá hàng hóa tại siêu thị, đại lý bán lẻ không cao? Kênh phân phối đang làm rối loạn thị trường” - ông Phú nhận định.

Ông Lương Mạnh Dũng, quản lý trang trại gà Trung An (Thái Bình), cho rằng bán hàng trực tiếp vào siêu thị là điều khó vì nhiều nhà phân phối đã có “quan hệ mật thiết” với các siêu thị. Do đó, muốn bán hàng cho siêu thị thì phải thông qua các đại lý phân phối nhất định.

Đại diện cho các nhà sản xuất thép Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Nghi, chuyên gia ngành thép, thừa nhận thời gian dài vừa qua các doanh nghiệp trong nước mải mê sản xuất mà buông lỏng hệ thống phân phối, thường là mua đứt bán đoạn. Đối với ngành thép, hiện có nơi phải qua bốn cấp phân phối hàng mới tới tay người tiêu dùng. Chính doanh nghiệp sản xuất cũng không muốn bán trực tiếp cho người tiêu dùng.

Để giảm giá, ông Phan Thế Ruệ, chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, cho rằng cần phải giảm bớt các kênh phân phối trung gian. Doanh nghiệp sản xuất phải có trách nhiệm đến cùng với chất lượng và giá của sản phẩm do mình sản xuất. Ông cũng cho rằng Bộ Công thương phải xem xét, tổ chức lại hệ thống phân phối hiện nay đối với các mặt hàng thiết yếu như đường, dầu ăn, lương thực, thực phẩm...

Nỗi ám ảnh tồn kho

Trở lại xưởng sản xuất của các doanh nghiệp mà một năm trước đây chúng tôi đã phản ánh tình trạng hàng tồn kho, tình trạng này không những không giảm mà còn tăng. Nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất, cho công nhân nghỉ luân phiên... nhằm giảm lượng hàng tồn kho.

Doanh nghiệp sản xuất vớ Đức Chí (quận Tân Bình, TP.HCM) đã phải dùng tới ba nhà kho để chất hàng tồn. “Năm ngoái tồn kho của chúng tôi tới 40%, năm nay đã lên gần gấp đôi do hàng sản xuất ra không bán được” - ông Phạm Văn Chí, giám đốc công ty này, nói. Doanh nghiệp này sản xuất vớ cung cấp cho các kênh phân phối chính là các siêu thị như Co.op Mart, Big C...

Lãnh đạo một doanh nghiệp thực phẩm lớn ở TP.HCM, cho rằng sáu năm qua, thu nhập của người lao động lình xình ở mức thấp khiến người tiêu dùng có thói quen chi tiêu dè sẻn hơn. “Các dòng chảy vào sản xuất chậm lại, giá đầu vào không ổn định, chi phí sản xuất cao khiến giá thành tăng lên. Trong khi đó, người tiêu dùng với thu nhập thấp đã không chấp nhận mức giá tăng, dù vẫn biết mức giá mới là hợp lý.

Nhìn chung tổng cầu vẫn thấp nên tồn kho vẫn còn đó”. Ông Phạm Văn Chí cho biết thêm năm ngoái khi nỗ lực tìm thị trường mới vẫn có đầu ra, nhưng năm nay cố cách mấy cũng bí: “Để giảm hàng tồn kho, chúng tôi chỉ còn một cách là hạn chế sản xuất, một số công nhân và nhân viên văn phòng đã phải nghỉ luân phiên không lương”.

Tương tự, Công ty may mặc HG (quận 8, TP.HCM) cũng phải giảm bớt sản xuất hàng mới vì tồn kho còn cao. Vẫn duy trì ba xưởng sản xuất nhưng nay năng lực sản xuất của doanh nghiệp này đã giảm từ 12.000 sản phẩm/tháng xuống còn 8.000 sản phẩm/tháng.

Bà Phạm Thị Bích Huyền, chủ doanh nghiệp này, cho biết suốt một năm qua khi các siêu thị trong nước liên tục trả hàng về, bà đã đi hết hội chợ này đến hội chợ khác để tìm đầu ra cho sản phẩm. Công ty cũng đã đưa hàng sang Campuchia tìm cơ hội mới.

“Giải pháp hiện nay vẫn là phân chia các loại mặt hàng để giảm giá bán, bán theo giá vốn, hoặc bán lỗ để thu hồi vốn đối với những mặt hàng đã tồn quá lâu” - bà Huyền nói.

Cần giảm thuế VAT

Lãnh đạo một doanh nghiệp thực phẩm lớn ở TP.HCM cho biết: “CPI thấp có điểm lợi là giữ được ổn định vĩ mô, nhưng ổn định quá đến mức không thể thúc đẩy tổng cầu. Lạm phát thấp quá cũng không tốt, cần chấp nhận tăng ở mức độ hợp lý để thúc đẩy sản xuất”.

Ông cho rằng nếu Chính phủ có thêm những biện pháp kích cầu thì tốt cho doanh nghiệp nhưng cũng chưa phải là biện pháp căn cơ. Tốt hơn nên có chính sách hỗ trợ sản xuất bằng cách xét lại tổng nợ rồi khoanh vùng nợ xấu, cho doanh nghiệp bắt đầu một chu kỳ mới để vào cuộc sản xuất.

Một trong những biện pháp cấp bách giúp doanh nghiệp giảm chi phí và giúp tăng tổng cầu lúc này, theo doanh nhân này, là giãn và giảm thuế VAT để kích thích mua sắm.

Sẽ còn khó

Tất cả đơn vị bán lẻ hiện nay đều phải thực hiện kích cầu bằng khuyến mãi. Nếu những năm trước tại hệ thống Co.op Mart chỉ có bốn chương trình khuyến mãi lớn trong năm thì năm nay, giữa các chương trình lớn phải tiếp tục duy trì khuyến mãi liên tục. Nếu trước đây khuyến mãi theo đợt thì nay phải theo ngày, khuyến mãi cuối tuần.

Hiện nay người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn trước nên yếu tố giá tốt nhất ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người dân. Đánh giá về tình hình tồn kho từ nay đến cuối năm, tôi cho rằng tình hình sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Từ nay đến cuối năm, tình hình sức mua và việc giải phóng hàng tồn sẽ tiếp tục diễn biến chậm như hiện nay chứ chưa thể nhỉnh lên.

Sức mua giảm xuống, nhà bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng nên bản thân nhà bán lẻ cũng sẽ tiếp tục tìm phương án giúp doanh nghiệp bán được hàng. Doanh nghiệp cũng phải tự liên kết với nhau để tiết kiệm chi phí tối đa, hình thành các chuỗi liên kết để cùng nhau giảm bớt khó khăn.

Ông NGUYỂN THÀNH NHÂN
(phó tổng giám đốc hệ thống Saigon Co.op)

DŨNG TUẤN ghi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận