18/05/2024 07:20 GMT+7

Nhà ở công đoàn, nơi công nhân an cư

Đang ru con ngủ trong căn nhà 35m², chị Đặng Mỹ Thu (công nhân Công ty TNHH Yamaneseiki Việt Nam - Hà Nam, quê Điện Biên) nói chỗ ở mới rất đẹp, tiện nghi và sạch sẽ.

Một góc khu nhà ở thiết chế công đoàn tỉnh Hà Nam - Ảnh: NAM TRẦN

Một góc khu nhà ở thiết chế công đoàn tỉnh Hà Nam - Ảnh: NAM TRẦN

Nhà của công đoàn

Trước đó, chị Thu và chồng phải thuê nhà trọ cách nơi làm (Khu công nghiệp Đồng Văn) khoảng 2km, không có phòng ngủ riêng, bếp tạm bợ. Từ tháng 1-2021, hai vợ chồng chuyển về ở khu nhà ở công đoàn. So với phòng trọ bên ngoài, chị tiết kiệm được 500.000 đồng/tháng.

"Thu nhập của mình được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Trừ tiền nhà, tiền điện nước, nuôi con ăn học, mỗi tháng để được vài triệu để phòng khi ốm đau và mua nhà sau này", chị chia sẻ.

Cách phòng chị Thu không xa, bà Trần Thị Tiến (67 tuổi, quê Nam Định) đang chăm cháu nhỏ 8 tháng tuổi khi hai con đi làm ca tại Công ty Honda.

"Ở đây đông vui lắm, sáng sớm hay chiều mát là tôi đưa cháu xuống sân chơi cùng các gia đình công nhân khác. Nhà sạch sẽ, rộng rãi hơn dãy nhà trọ cấp 4 con trai tôi thuê trước đây gần công ty, rất phù hợp với những gia đình công nhân có con nhỏ", bà Tiến kể.

Vừa thuê được căn phòng 45m2 tại khu nhà ở thiết chế công đoàn Hà Nam, anh Phạm Hoàng Tâm (26 tuổi, quê Hòa Bình, công nhân Công ty TNHH dược phẩm Hoa Linh, Khu công nghiệp Đồng Văn) cũng chia sẻ: "Với mức lương hành chính khoảng 10 triệu đồng, tôi rất vui vì được thuê nhà của công đoàn. Giá rẻ lại rộng rãi, thoáng mát".

"Vợ sắp sinh bé thứ hai, gia đình tiết kiệm đồng nào hay đồng ấy", anh Tâm nói và cho biết trước đây anh phải thuê trọ với giá khoảng 1,4 triệu đồng/tháng ở gần Khu công nghiệp Đồng Văn.

"Gọi là phòng nhưng chỉ có chiếc giường, bộ bếp gas với đồ lặt vặt, tất cả chỉ khoảng 15m2 vuông. Đường vào trọ rộng chừng 1m, cứ tối là phải dắt xe để trong nhà. Ở đó hè thì nóng, đông thì lạnh. Giặt quần áo không để ý có khi nước máy giặt tràn ra đầy. Con nhỏ bò trong nhà lấm lem.

Ở nhà của công đoàn thì sạch sẽ, các phòng ngủ, bếp, ban công riêng rất thoáng mát", anh Tâm nói.

Chị Đặng Mỹ Thu (quê Điện Biên), công nhân Công ty TNHH Yamaneseiki Việt Nam, bên con nhỏ - Ảnh: NAM TRẦN

Chị Đặng Mỹ Thu (quê Điện Biên), công nhân Công ty TNHH Yamaneseiki Việt Nam, bên con nhỏ - Ảnh: NAM TRẦN

Nhu cầu thuê nhà của công nhân rất lớn

Theo ông Vũ Đức Tâm - cán bộ phụ trách phòng quản lý thi công và khai thác tài sản công - Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, khu nhà ở thiết chế công đoàn Hà Nam có 5 khối nhà cho thuê và 1 nhà đa năng, 1 sân bóng mini.

Khu nhà nằm đối diện cổng Khu công nghiệp Đồng Văn, nên rất tiện cho sinh hoạt của công nhân khu công nghiệp.

"Hiện nay, 244 căn hộ trong khu nhà thiết chế công đoàn đều kín phòng do nhu cầu rất cao từ công nhân, lao động. Chúng tôi nhận được nhiều hồ sơ xin thuê nhà từ các công ty, song chỉ nhận 5-7 hồ sơ một lần vì rất ít người rời đi, chủ yếu do nhu cầu cá nhân, nghỉ làm việc", ông Tâm bày tỏ.

Theo ông Tâm, qua trao đổi, công nhân thấy căn hộ 32 - 45m2 phù hợp vì có phòng ngủ, nhà vệ sinh, bếp, khách, ban công riêng. Giá thuê trong khu nhà ở thiết chế công nhân thấp hơn các khu trọ xung quanh khu công nghiệp.

Ví dụ căn 32m2 giá cao nhất ở tầng 2 là 1,45 triệu đồng/tháng. Càng lên cao giá thuê càng thấp, giá thuê ở tầng 5 chỉ 1 triệu đồng/tháng. Còn với căn 45m2, tầng 2 giá thuê cao nhất chỉ 2 triệu đồng/tháng, lên tầng 5 giá thuê còn 1,4 triệu đồng/tháng.

Ông Trần Hữu Thực - trưởng ban quản lý khu nhà ở thiết chế công đoàn Hà Nam - cho biết khu nhà phục vụ công nhân nên giá dịch vụ điện nước rất thấp. Ví dụ giá gửi xe chỉ 45.000 đồng/tháng, điện khoảng 2.000 đồng/số, nước 12.000 đồng/khối.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Văn Nghĩa - trưởng Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết nhu cầu của công nhân rất cao. Đặc biệt nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung nhiều công nhân lao động xa nhà.

Nhu cầu nhà ở tập trung 3 hình thức nhà ở cho thuê, nhà ở cho thuê mua và mua nhà ở.

Qua khảo sát, tổng liên đoàn xác định đầu tư hai dạng phòng 32 - 47m2, đảm bảo quy định về diện tích, giảm bớt chi phí thuê nhà, đáp ứng nhu cầu sống.

Ban quản lý dự án sẽ giao nhiệm vụ quản lý tòa nhà để quản lý tài sản của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, xác định rõ đối tượng là công nhân, người lao động phải có xác nhận của liên đoàn cấp tỉnh hoặc tổ chức công đoàn.

Ông Lê Văn Nghĩa: Tổng liên đoàn có kế hoạch xây nhà ở công nhân ở Hà Nội, TP.HCM

Ông Lê Văn Nghĩa - Ảnh: NAM TRẦN

Ông Lê Văn Nghĩa - Ảnh: NAM TRẦN

Về nguồn lực, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xác định quỹ phúc lợi dài hạn theo chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XIII là Công đoàn Việt Nam phải từ phúc lợi dài hạn, đó là nhà ở, chăm lo cho công nhân nhiều thế hệ sau nữa.

Việc quan tâm nhà ở của tổ chức công đoàn khẳng định tiềm lực, nâng cao vị thế, uy tín của tổ chức công đoàn trong chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tổng liên đoàn mong Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ tổ chức công đoàn xây dựng các dự án nhà ở cho công nhân, người lao động.

Hiện tổng liên đoàn đã đưa kế hoạch xây dựng nhà ở tại các địa phương tập trung khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều công nhân như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng và các nơi vùng sâu, vùng xa, khó khăn như Cao Bằng, Điện Biên, Sơn La, Đắk Lắk, Gia Lai…

Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, cân đối nguồn lực triển khai. Đợt tới, chúng tôi sẽ làm việc với TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai để tìm các khu đất phù hợp để triển khai nhà ở cho công nhân.

Giải cơn khát nguồn cung nhà ở xã hội, giúp người lao động an cưGiải cơn khát nguồn cung nhà ở xã hội, giúp người lao động an cư

Người lao động muốn tăng nguồn cung nhà ở xã hội giá rẻ, tăng nhà cho thuê trong khi doanh nghiệp muốn làm nhà ở xã hội lại gặp nhiều rào cản khiến thị trường lệch pha cung cầu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên