Từ chiếc thẻ sưu đến giấy đăng ký radio

LAM ĐIỀN 23/06/2007 21:06 GMT+7

TTCT - Ông giáo già Lê Văn Khánh rút ra từ bộ sưu tập của mình một mảnh giấy cứng ố vàng in ba loại chữ: Pháp, Hán và Việt, hai mặt có dấu mộc tròn và vuông.

Phóng to
Ông Lê Văn Khánh bên những hiện vật sưu tập từ 30 năm trước đến nay chưa công bố

“Đây là chiếc thẻ sưu của một người có tên Dương Nại ở Hà Tĩnh. Như nhân vật Chị Dậu, xã hội ta từng có người bán vợ đợ con vì một chiếc thẻ thế này, nhưng bây giờ hiếm ai còn biết mặt mũi chiếc thẻ sưu ra làm sao”.

Bộ sưu tập của ông Khánh xuất xứ từ vùng Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, nhưng hiện đang theo ông vào cư ngụ tại Biên Hòa, Đồng Nai. Cho đến bây giờ người giáo già này vẫn không ngờ rằng những năm tháng dạy văn phổ thông với những đợt đi tìm tư liệu văn học thực tế vào thập niên 1970 đã khiến mình hình thành một bộ sưu tập quan trọng.

Tư liệu dạy văn từ... thôn xóm

“Năm 1976, tôi đứng lớp dạy văn cấp III tại Trường Cẩm Bình (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Bấy giờ thời bình, khi tôi giảng bài Tắt đèn của Ngô Tất Tố, giảng về việc đóng sưu, tức thuế thân, nhận thấy các em học sinh khó hình dung tiền sưu là gì mà ghê gớm vậy, đặc biệt có em còn thắc mắc không biết chiếc thẻ sưu ra sao. Tôi nảy ra ý định đi tìm một chiếc thẻ sưu để phục vụ việc giảng dạy trực quan” - ông Khánh kể về khởi đầu việc sưu tầm hiện vật của mình.

Ông cho rằng vùng Nghệ An, Hà Tĩnh vốn thuộc Pháp bảo hộ một thời gian dài nên “có thể đâu đó trong các gia đình, người ta còn giữ được những giấy tờ thiết thân của một thời cay nghiệt”. Và quả thật, qua sự mách bảo của nhiều phụ huynh, ông giáo tìm đến nhà họ Dương, nơi đây vẫn còn giữ chiếc thẻ sưu của một người tên Dương Nại, vào năm 1942-1943. “Biết mình cần tìm để dạy học, người ta vui vẻ để lại thôi”.

Ông nhớ lại: “Thời đó dạy và học văn rất vui, tôi cùng các em học sinh lân la vào xóm làng, hỏi thăm các cụ già, và khám phá được nhiều hiện vật thú vị”. Chẳng hạn như tấm bằng “Tiểu học yếu lược bản xứ” do nhà nước Đông Pháp cấp cho ông Nguyễn Đắc Đằng năm 1930 viết bằng hai thứ chữ Pháp - Việt rất sắc nét, còn được bảo quản rất tốt.

Vượt qua cả những tư liệu dạy văn, ông Khánh tìm giữ những hiện vật gắn với đời sống kham khổ của người dân vùng Cẩm Xuyên, nhiều đời, nhiều khía cạnh.

Về hiện thân của chính quyền, ông có bộ sưu tập các ấn triện của lý trưởng, hương bộ bằng nhiều chất liệu: ngà voi, đồng, gỗ.

Các tài liệu chữ Hán là giấy khế bán ruộng, cầm cố đất từ thời Quang Trung, Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân, Đồng Khánh, Bảo Đại... ông tập hợp gần như đầy đủ.

Ông Khánh đưa ra các tấm khế ruộng được ép nhựa cẩn thận: “Bây giờ những tài liệu này ít ai đọc được, một phần vì ngày xưa mua bán cầm cố ruộng toàn viết bằng chữ Hán. Người dân nhờ các thầy đồ trong làng viết giấy, chữ các thầy lắm khi cũng không được tốt nên giờ càng khó đọc”.

Hiện vật thời XHCN

Nhưng quan trọng là ông giữ được một tấm “Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất” do Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm thứ XI (1955) cấp theo Luật cải cách ruộng đất, có dấu mộc đỏ của “Ủy ban hành chánh tỉnh Hà Tĩnh”. “Đấy là giấy tờ đất của bà Nguyễn Thị Nhâm ở Cẩm Thành, Cẩm Xuyên. Loại giấy tờ này thời đó rất quan trọng.

Và đến giờ chắc cũng ít ai còn giữ”. Điều thú vị là trên giấy này có viện dẫn Luật cải cách ruộng đất thời đó, cho phép người dân “được tự do sử dụng số ruộng đất ấy như chia gia tài, cầm, cho, bán”. Đây là một tài liệu quan trọng cho những nhà nghiên cứu về sự thay đổi quan niệm của Nhà nước ta về quyền sở hữu ruộng đất qua các thời kỳ.

Có hiện vật do chính gia đình các học sinh cho tôi nữa đấy” - ông Khánh kể. Một trong số đó là tấm giấy chứng nhận người đã đọc thông viết thạo chữ quốc ngữ trong chương trình Bình dân học vụ, do Ban phụ trách Bình dân học vụ tỉnh Hà Tĩnh thuộc Bộ Quốc gia giáo dục cấp năm 1946 cho người tên Nguyễn Chí. “Một tấm giấy chứng nhận khổ nhỏ nhưng có đến ba dấu mộc của ba cấp hành chính cùng chứng, đủ thấy thời bấy giờ việc xóa giặc dốt là rất quan trọng” - ông Khánh thuyết minh thêm.

Độc đáo hơn, ông Khánh còn lưu giữ sổ “Chứng nhận đăng ký máy thu thanh” do Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh cấp cho chính ông vào tháng 10-1975, trong đó có ghi rõ dòng chữ “Cấm nghe đài địch” ngay trên bìa sổ. Ông Khánh kể: “Thời ấy để được duyệt mua một chiếc đài là khó khăn lắm. Tôi làm hiệu trưởng tám năm, được duyệt mua chiếc đài, có đăng ký ở bưu điện tỉnh hẳn hoi. Giấy chứng nhận đăng ký máy thu thanh có cả một bản nội qui ở bìa sau, qui định cả thảy chín điều khoản, trong đó có những khoản chi tiết như:

“Mất giấy đăng ký 15 ngày phải báo bưu điện” và “Di chuyển đi tỉnh khác hoặc di chuyển về phải làm thủ tục tại bưu điện cấp giấy gốc”. Nếu không có những hiện vật như thế này, các thế hệ sau đâu biết rằng có một thời VN quản lý từng chiếc radio chặt chẽ đến thế. Bộ sưu tập của ông còn nhiều, có cả giấy sở hữu xe đạp, giấy bán ruộng sau Cách mạng Tháng Tám (1945)... Có lúc ông muốn bán lại cả bộ sưu tập này cho một bảo tàng nào đó mà “giá cả không quan trọng lắm, cốt yếu là có nơi lưu giữ”.

Dù chưa từng công bố, nhưng Bảo tàng Lịch sử VN tại TP.HCM có đến tìm hiểu bộ sưu tập của ông và đánh giá cao tính hiện thực của nó dưới nhiều góc độ: lịch sử, văn học, giáo dục... Ý kiến cuối cùng của ông mà tôi được nghe là: “Nếu bộ sưu tập này được bảo quản và trưng bày phục vụ công chúng tại Bảo tàng Hà Tĩnh thì hợp lẽ hơn, nhưng không biết ý các nhà lãnh đạo ngoài đó thế nào...”.

Phóng to
Khế bán ruộng thời Quang Trung
Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất sau cải cách ruộng đất năm 1955
Giấy chứng nhận “tốt nghiệp” Bình dân học vụ
Thẻ sưu (mặt ngoài) của ông Dương Nại - năm 1943
Giấy chứng nhận đăng ký máy thu thanh

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận