Tìm về dấu xưa vó ngựa

CÁT VŨ 17/06/2008 20:06 GMT+7

TTCT - Bộ phim truyền hình 37 tập Vó ngựa trời Nam, dựa theo cuộc đời của “Thi tướng chiến khu xanh” Huỳnh Văn Nghệ, đã trải qua hơn hai tháng ghi hình tại Cần Giờ (TP.HCM) với bối cảnh chiến khu Rừng Sác và Đồng Tháp Mười, nơi đóng đô Bộ tư lệnh tướng Nguyễn Bình khi xưa.

Phóng to

Người dàn dựng bộ phim - đạo diễn Lê Cung Bắc - đã bị sút đến 3kg cho những cảnh quay vô cùng nhọc nhằn với việc dựng lại toàn bộ bối cảnh trên nền đất sình lầy, nhớp nháp ở những nơi này.

Kịch bản Vó ngựa trời Nam được tác giả Phạm Thùy Nhân viết phỏng theo hai tác phẩm: Thi tướng chiến khu xanh của nhà văn Nguyên Hùng và Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ, sẽ giới thiệu với người xem về cuộc đời một con người được kết tinh bởi những tính cách đặc biệt giữa một nhà trí thức, một nhà quân sự và một nhà thơ. Ông ra đời vào năm 1914, sau khi xong bậc tiểu học ở Tân Uyên (Đồng Nai) đã được nhận học bổng ở Trường Pétrus Ký Sài Gòn (nay là Trường Lê Hồng Phong). Tốt nghiệp diplôme, ông về làm việc tại Sở Hỏa xa Sài Gòn, tham gia phong trào đình công bãi thị, bị truy đuổi phải bôn ba sang Campuchia, Thái Lan.

Tại đây, ông sáng lập báo Hồn Cố Hương để hoạt động cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia lập và làm chi đội trưởng chi đội chiến khu Tân Uyên. Ông đã trở thành một con người huyền thoại của miền Đông Nam bộ với tài quân sự và thơ văn. Việc tái hiện phần nào cuộc đời Huỳnh Văn Nghệ (Huỳnh Đông đóng) sẽ cùng lúc cho chúng ta được sống lại một thời kỳ gian khổ mà anh hùng của những người nông dân miền Đông yêu nước, cũng như được biết thêm về một số nhân vật liên quan đến cuộc đời ông như Bảy Viễn (Mai Sơn Lâm đóng), tướng Nguyễn Bình (Trung Dũng), Hai Huỳnh (Thanh Hoàng), huyện Hứa (Công Hậu), luật sư Dương Văn Giáo (Huỳnh Anh Tuấn)... cùng những người phụ nữ đi qua đời ông như Nhàn (Lê Phương), Lương Thị Thành (Quỳnh Lam), Lan... Bộ phim sẽ dừng lại vào thời điểm Huỳnh Văn Nghệ tập kết ra Bắc.

Một số giải thưởng tiêu biểu:

1994: Giải đạo diễn xuất sắc phim truyện nhựa Hội Điện ảnh VN cho phim Nhịp đập trái tim.

1996: HCV Liên hoan truyền hình cho phim Không thể rẽ trái.

1998: HCB giải Hội Điện ảnh VN cho phim Cõi tình.

2001: Được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

2006: HCB Liên hoan truyền hình cho phim Duyên phận.

2007: Giải đặc biệt tại Liên hoan phim VN lần thứ 15 cho phim Những chiếc lá thời gian.

Có thể nói đây là bộ phim khó thực hiện nhất trong số những bộ phim mà đạo diễn Lê Cung Bắc nhận dàn dựng trong suốt hơn 15 năm qua. Chỉ mới ở giai đoạn đầu khởi động, phim đã phải bị gác lại mấy phân đoạn vì chưa có súng. Kinh phí cho phim truyền hình vốn eo hẹp nhưng không thể không tái hiện những bối cảnh mang dấu ấn của nhân vật chính như các chiến khu: Rừng Sác (Cần Giờ, TP.HCM), Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp), Thác Mai (Đồng Nai), Củ Chi (TP.HCM), Suối Tre (Lâm Đồng)...

Chưa kể việc làm “sống lại” không ít dụng cụ “đã chết” như chiếc xe Dodge quá cũ không chạy được phải kéo từng đoạn hoặc việc chuyên chở, chăm sóc tám con ngựa đạo cụ theo suốt các cảnh quay trong cả năm trời. Đây là những khó khăn đạo diễn Lê Cung Bắc có thể thấy trước song anh vẫn sẵn sàng chấp nhận, bởi lòng yêu quí đối với một con người tài giỏi và đầy nhân cách như tướng Huỳnh Văn Nghệ. Hơn nữa, anh cho rằng việc làm phim về đề tài lịch sử của mình nhằm hướng đến tương lai. Anh hi vọng qua những tấm gương trong quá khứ, người xem sẽ được đánh động lương tri để biết phải sống sao cho đúng với đạo lý làm người.

Lê Cung Bắc là con út trong một gia đình khoa bảng ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Gia đình bên nội anh hầu hết làm quan dưới triều Nguyễn, nhưng tất cả năm người anh đều tham gia cách mạng, trong đó có người được phong anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Riêng anh, cậu út, mẹ không cho đi xa nên ở nhà học tốt nghiệp cao học ngành quản trị kinh doanh với mộng ước sẽ tiếp bước hoạn lộ theo truyền thống gia đình. Nhưng số phận lại không chiều theo những điều tưởng như thuận lý ấy.

Học quản trị kinh doanh rồi học bang giao quốc tế, song anh lại được nhiều người biết đến bằng những “tài vặt làm cho vui” ở lĩnh vực văn nghệ. Sau khi sáng lập nhóm kịch Thụ Nhân ở Viện đại học Đà Lạt năm 1969, anh về Sài Gòn, vừa theo học cao học sưu khảo cử nhân bang giao quốc tế vừa viết báo, vừa đóng kịch truyền hình... Gần năm năm sau ngày miền Nam giải phóng, Lê Cung Bắc được mời tham gia Đoàn kịch nói Bông Hồng và có được một vai đáng nhớ là vai đại úy Preen, tình báo Đức trong vở kịch Nila. Rồi từ khi có mặt trong phim Pho tượng (đạo diễn Lê Dân) với vai một nhạc sĩ miền Nam phản chiến, Lê Cung Bắc bỏ hẳn sàn diễn, gắn bó với sân quay suốt mười năm trong vai trò diễn viên.

Trong mười năm đó, anh đã thủ diễn gần 200 vai, trở thành một gương mặt tin cậy của nhiều đạo diễn. Người xem luôn bị anh dẫn dắt bởi những nhân vật mang nặng dấu ấn của số phận như ông già cùi trong Dấu ấn của quỉ, vai ông trùm xứ trong Lưỡi dao, vai nhà thơ Bùi Giáng trong Mênh mông tình buồn, vai thiếu úy Trí trong Con thú tật nguyền, trung tá Bưởi trong Hồi chuông màu da cam, vai vua An Dương Vương trong Chuyện tình Mỵ Nương, ông già Hemingway trong Tình nhỏ làm sao quên...

Phóng to
Huỳnh Đông trong vai Huỳnh Văn Nghệ

Sự nghiệp điện ảnh của Lê Cung Bắc bước lên một cung bậc khác, xứng với khả năng tư duy của anh hơn khi được giao làm đạo diễn. Bộ phim truyện nhựa đầu tiên Nhịp đập trái tim do anh dàn dựng đã đoạt ngay giải đạo diễn xuất sắc nhất năm 1994 của Hội Điện ảnh VN. Và tiếp đến là hàng loạt giải thưởng dành cho phim truyền hình như Không thể rẽ trái (HCV năm 1996), Cõi tình (giải B Hội Điện ảnh 1998), Duyên phận (HCB năm 2006)...

Song ấn tượng mạnh mẽ nhất anh tạo được nơi người xem là hai bộ phim truyền hình nhiều tập: Người đẹp Tây đô (15 tập 60 phút) và Dòng đời (52 tập). Người đẹp Tây đô không những là phim mở đầu cho dòng phim truyền hình nhiều tập đầu tiên trong cả nước, còn là phim khẳng định vị trí của Việt Trinh, đồng thời đã giới thiệu cho điện ảnh VN một gương mặt tài sắc mới lần đầu tiên đóng phim, đó là Hồng Ánh (trong vai Bạch Vân, em ruột Bạch Cúc). Tuy không tạo được cơn “địa chấn” như bộ phim Đất phương Nam tiếp sau đó, song Người đẹp Tây đô đã cho người ta có được cái nhìn thiện cảm về một bộ phim truyền hình nghiêm túc và không kém phần hấp dẫn.

Nếu như Người đẹp Tây đô đem lại sự mới mẻ về cách làm một bộ phim chân dung nhiều tập thì bộ phim truyền hình Dòng đời (biên kịch Phạm Thùy Nhân) của Lê Cung Bắc lại đem đến nhiều điều thú vị thông qua một câu chuyện mang đầy chất hiện thực về một thế hệ thanh niên miền Nam sống “vắt” qua hai thời kỳ, hai chế độ chính trị, trước và sau năm 1975. Bộ phim trở nên “hot” suốt thời gian phát sóng và qua vai Nam, Võ Sông Hương mới khẳng định được bản lĩnh diễn xuất, đồng thời Kinh Quốc - một diễn viên mới toanh - bỗng trở thành “sao” với vai anh chồng khờ tên An. Đây cũng là bộ phim Lê Cung Bắc thực hiện với tất cả niềm yêu thích vì cảm thấy mình là nhân chứng khi có cùng một thời để sống giống như các nhân vật trong phim.

Hồi nhỏ, Lê Cung Bắc đã không tin khi nghe một chuyên gia tử vi tiên đoán rằng sau này khi lớn lên anh sẽ đỗ đại khoa nhưng không sống bằng sở học mà sống bằng tài vặt. Bây giờ nhìn lại đời mình, anh tự an ủi bằng những câu Kiều của Nguyễn Du: Đã mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Chính vì hiểu chữ tâm kia mới quan trọng nên anh đặt tiêu chí cho việc làm phim của mình là nghệ thuật vị nhân sinh, làm nghệ thuật là làm cho con người ta lớn dậy chứ không phải để phục vụ thị hiếu tầm thường, không khơi gợi những bản năng thấp hèn.

Vì vậy, phim của anh không chấp nhận sự dung tục mà luôn tìm cách lãng mạn hóa tình dục để hướng thiện con người. Vài năm trở lại đây, bạn bè đến nhà anh thường đụng ngay ở cửa chữ “Tĩnh tâm cốc” cũng như mấy câu anh viết để tự răn mình: “Không bon chen để được lợi lớn. Không nịnh hót để được quyền lớn. Phải tu thân để được phúc lớn”. Ở nhà, anh đã bỏ hết những bộ quần áo hoa hòe hoa sói để thay vào đó những bộ bà ba cổ kiềng đơn giản với hai màu lam và nâu. Anh nói tĩnh tâm cốc và bộ áo bà ba cổ kiềng là những thứ giúp anh tạo được cái tâm yên tĩnh, bớt sân si.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận