“Tắm rừng” |
“Tắm rừng”
“Tắm rừng” không có nghĩa là... tắm ở trong rừng. Người Nhật gọi “tắm rừng” là shinrin-yoku, và đưa hình thức này vào chương trình chăm sóc sức khỏe công cộng chính thức từ năm 1982. “Tắm rừng” đơn giản chỉ là đứng giữa cây cối để thư giãn, nghĩa là “tắm mình” vào không gian xanh do cây cối tạo ra.
Chỉ đứng giữa đám cây cối um tùm mà xả được stress và tăng cường sức khỏe, có khó tin lắm không? Theo trang Quartz, từ năm 2004 đến 2012, Nhật Bản đã chi khoảng 4 triệu USD để nghiên cứu tác dụng trị liệu và tâm lý của “tắm rừng”.
Kết quả là khoa học chứng minh được “tắm rừng” làm giảm nhịp tim và huyết áp, giảm hormone gây căng thẳng, tăng cường hệ miễn dịch và tăng cảm giác an nhiên. Từ đó, Chính phủ Nhật quyết định lập 48 khu chuyên dành cho phương pháp trị liệu này.
Từ năm 2009, các nhà khoa học Trường Y khoa Nippon (Nhật) chỉ ra việc đi thăm rừng làm tăng hoạt động của các tế bào tiêu diệt tự nhiên, góp phần thúc đẩy hệ thống miễn dịch và phòng chống ung thư.
Cây cối trong rừng thường phát ra một hợp chất hữu cơ kháng khuẩn dưới dạng tinh dầu gọi là phytoncide, để tự bảo vệ mình khỏi côn trùng và các vi sinh vật gây hại.
Người “tắm rừng” sẽ “hưởng ké” chất này khi hít thở. Nhóm nghiên cứu kết luận cứ một lần “tắm rừng” vào cuối tuần thì những tác động tích cực của nó lên sức khỏe sẽ kéo dài đến tận một tháng sau.
Một nghiên cứu khác do Trung tâm Khoa học cảnh quan, sức khỏe và môi trường thuộc Đại học China (Nhật) đã so sánh nồng độ salivary cortisol (một loại hormone gây stress), nhịp tim, huyết áp và hoạt động thần kinh của một nhóm người ở suốt một ngày trong thành phố với nhóm đã “tắm rừng” 30 phút.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng “môi trường rừng làm giảm nồng độ salivary cortisol, giảm nhịp tim, hạ huyết áp, tăng hoạt động thần kinh phó giao cảm và giảm hoạt động thần kinh giao cảm, so với môi trường đô thị”.
Ngoài hiệu quả trị liệu, việc “tắm rừng” cũng có tác động tích cực đến tâm lý người tắm. Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Public Health năm 2007, các nhà khoa học Nhật theo dõi 498 người khỏe mạnh khi họ sống trong môi trường bình thường và khi “tắm rừng”.
Kết quả, mỗi khi được tiếp xúc với không gian xanh và cây cối, người ta có xu hướng giảm trầm cảm và ít nổi nóng hay cáu giận hơn, trái lại trở nên năng động hơn. Nhóm nghiên cứu cũng kết luận môi trường rừng là phương pháp “trị liệu bằng cảnh quan” rất phù hợp với những người bị căng thẳng kinh niên.
Phải “tắm rừng” sao cho đúng?
Trang Quartz dẫn lời các “sư phụ” cho rằng thật ra ta không cần phải làm gì cả. “Chỉ cần có cây cối. Bạn không cần phải đi bộ đường dài (hiking), không cần các thiết bị đeo thông minh để đo sức khỏe. Bạn có thể ngồi hoặc nhảy nhót, chỉ cần nhớ mục đích chính của ta khi vào rừng là để thư giãn chứ không phải để đạt một mục tiêu gì đó” - Quartz viết.
Các chuyên gia cho rằng có thể “tắm rừng” ở công viên cũng được, miễn là có lượng cây xanh kha khá để ta tắm. “Tắm rừng” ở công viên giúp giải stress, nhưng để đạt được các hiệu quả kể trên thì phải vào rừng thật.
Quartz giới thiệu câu lạc bộ “tắm rừng” do anh Julia Plevin, một nhà thiết kế người Mỹ, sáng lập ở San Francisco vào năm 2014. Các thành viên sẽ “tắm rừng” mỗi tháng một lần với nhau để cùng thoát khỏi công nghệ.
“Chúng ta đã dành phần lớn đời mình tiếp xúc với các màn hình 2D - Plevin chia sẻ - Điều đó thật đáng buồn vì ta có cả một thế giới 3D rộng lớn ngoài kia. Tắm rừng là cách để bạn tách rời điện thoại, máy tính và tất cả những ồn ào của email hay mạng xã hội”.
Nếu điểm đến cho phép trong kỳ nghỉ của bạn sắp tới, hãy thử đưa “tắm rừng” vào lịch trình. Và đừng quên cân nhắc lời khuyên sau của Gregg Berman - hướng dẫn viên “tắm rừng” chuyên nghiệp ở California (Mỹ):
“Ở cửa rừng, hãy nhặt một hòn đá, đặt vào đó một điều phiền muộn và thả nó xuống. Dĩ nhiên bạn có thể nhặt điều muộn phiền đó khi ra khỏi rừng. Song, sau hai giờ tắm rừng, có ai lại muốn làm thế chứ?”.
“Tắm cát”
“Tắm cát”, tưởng là người anh em của tắm bùn, nhưng không phải thế. Người tắm cát sẽ tự vùi mình vào lòng đất - có thể là sa mạc hay bờ biển - để giải độc cơ thể.
Trang web chuyên đề du lịch, giải trí và lối sống “sang chảnh” Pursuitist.com gọi “tắm cát” là “liệu pháp giải độc cơ thể mới” và khẳng định “vùi mình trong cát sa mạc có tác dụng giống như một buổi tắm hơi, giúp thanh tẩy các độc tố trong cơ thể”.
Pursuitist mô tả trải nghiệm “tắm cát” ở Merzouga, một thị trấn sa mạc phía đông nam Morocco, nổi tiếng với những đụn cát khổng lồ. Dịch vụ do những người Morocco có tổ tiên là các bộ tộc sống trên sa mạc cung cấp như một loại hình du lịch lý thú.
Người tham gia sẽ được “chôn sống”, chỉ chừa phần cổ trở lên trong cát nóng của sa mạc và “tắm” trong vòng 10 phút. Pursuitist dẫn lời Abdessalam Sadoq - chuyên gia ngành du lịch sức khỏe, cho biết “tắm cát” cũng có tác dụng tương tự xông hơi, giúp loại bỏ độc tố và tốt cho bệnh nhân thấp khớp, đau thắt ngực, viêm đa khớp và một số loại rối loạn da.
Tạp chí Medical Tourism Magazine đăng bài viết của bác sĩ Abdeltif Hanaoui, giải thích khá chi tiết tác dụng trị liệu của “tắm cát” hồi đầu năm nay.
Theo vị bác sĩ người Morocco, ban đầu người tắm sẽ cảm giác rất nóng, nhưng sau vài phút cơ thể sẽ thích ứng với nhiệt độ của cát và bắt đầu đổ mồ hôi toàn thân, tạo cảm giác nhẹ nhõm.
Trong khi “tắm”, họ được cho uống một ít nước khoáng để làm mát và tái tạo lượng nước đã mất. Sau khi “tắm” xong, du khách sẽ phải quấn người ngay bằng khăn nóng để tránh cơ thể bị sốc do thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Cuối cùng, họ sẽ vào lều nghỉ ngơi và uống trà thảo mộc. Lúc này cơ thể sẽ tiếp tục đổ mồ hôi, phần mồ hôi này quyện với cát vẫn còn bám trên người sẽ tạo thành một lớp như bùn, mang đến kết quả như trong phương pháp biển trị liệu (thalassotherapy).
Bác sĩ Hanaoui cho biết các bệnh nhân viêm khớp hông, viêm khớp dạng thấp hoặc đau thần kinh tọa hay đau lưng thấp có thể chuyển sang “tắm cát” nếu cảm thấy phương pháp điều trị bằng dược phẩm không mang lại kết quả mong muốn.
Ngoài sa mạc, các bãi biển cũng là nơi thích hợp để “tắm cát”. Và sẽ hiệu quả hơn cả nếu cát ở bãi biển đó là cát núi lửa như ở thành phố Ibusuki, thủ phủ tỉnh Kagoshima, thuộc đảo Kyushu (Nhật Bản), vốn vẫn còn ngọn núi lửa đang hoạt động Sakurajima.
Hai nhà báo Anh Kathryn Wortley và Bee Rowlatt đã “tắm cát” núi lửa ở Ibusuki và lần lượt kể lại trải nghiệm của họ trên tờ The Japan Times và Telegraph. Tương tự như “tắm cát” sa mạc, người “tắm cát” núi lửa cũng được chôn dưới cát nóng trong 10 phút để cơ thể thải độc và xả stress, sau đó sẽ tắm suối nước nóng onsen.
Theo Rowlatt, cảm giác thấy cơ thể “sục sôi như mắc ma” và các chất lỏng cơ thể cứ tuôn trào ra từ đầu và tóc rồi bốc hơi nhanh chóng.
“Tim tôi phải cố lắm mới có thể tiếp tục đập (...), tôi khó nhọc lắm mới thở được (...) nhưng chỉ với một hơi thở sâu - dài và chậm - mọi thứ có vẻ không tệ lắm” - Rowlatt viết.
Sau cùng, khi hoàn tất buổi “tắm cát”, Rowlatt cảm thấy “như được “sạc pin” lại” dù không thoải mái lắm, song điều đáng mừng là “kết quả của trị liệu kéo dài vài giờ sau đó mà không gây buồn ngủ như khi đi spa”.■
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận