Ô vuông trắng 

ZAKHAR PRILEPIN (NGA) 09/06/2016 22:06 GMT+7

TTCT - Được sự đồng ý của nhà văn Nga, Zakhar Prilepin, TTCT dịch và giới thiệu trên TTCT một số truyện ngắn, trong đó Ô vuông trắng đã được đưa vào chương trình trung học Nga và được đạo diễn Ivan Pavliuchkov dựng phim năm 2012, giành được nhiều giải thưởng trong các liên hoan phim Estonia và Nga.

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Zakhar Prilepin được xem là một trong những tác giả trẻ Nga tiêu biểu của thập niên 1990, nhận được nhiều giải thưởng uy tín Nga, trong đó có giải thưởng năm 2008 cho tuyển tập Tội lỗi, giải chính luận cho Người lính đế chế (2007).

Năm 2015, tác phẩm Tu viện của ông về nhất trong danh sách bán chạy nhất năm. 

Chào, Zakharka. Em lớn rồi.

Chúng tôi, mấy đứa quậy trong làng, chơi trốn tìm ở bãi đất trống sau cửa hàng.

Ai bị bắt phải úp mặt vào cửa, đếm to đến 100. Lúc đó những đứa còn lại phải chạy trốn.

Những đứa trẻ quậy phá mặt đen đúa, trầy trụa, vai gầy nhọn trốn trong mê cung của một công trường hai tầng gần đó, bốc mùi bụi gạch và trong những xó tối - mùi nước tiểu.

Đứa nào đó hắt xì, để lộ mình. Những đứa khác rách toạc da sườn, trườn qua kẽ hở của cái hàng rào ngăn ngôi trường làng với bãi đất trống. Có đứa trèo lên cây, sau đó tuột khỏi cành, đua với đứa bị bắt lao tới cửa, đập vào cái ô vuông vẽ bằng gạch trên cửa, kêu to: “Chur tôi”(1).

Bởi nếu không kêu Chur, sẽ phải dẫn trò.

Tôi nhỏ nhất bọn, và cũng chẳng ai chú ý tìm tôi.

Nhưng tôi trốn rất kín, nằm không động đậy, lắng nghe tiếng cười ha hả của bọn phá phách, thầm ganh tị với sự ngỗ nghịch, những gót chân nhanh nhẹn và lời chửi thề của chúng.

Tiếng chửi của chúng như được nặn ra từ những con chữ khác với những con chữ mà tôi phát ra: khi chúng chửi, mỗi từ cứ ngân vang, nảy tung như quả bóng nhỏ giận dữ. Còn khi tôi chửi thì lén lút, thầm thì, mặt cúi gầm xuống cỏ, nếu nói lớn hơn thì ở trong nhà vắng, khi mẹ đã đi làm - những từ kinh tởm bám vào môi, chỉ cần lấy tay áo quẹt, rồi sau đó nhìn rất lâu trên tay áo xem nó khô đi...

Tôi nằm trong cỏ dõi theo đứa bị bắt, nhìn rất tinh, như chuột nhảy. Khi nó đi về hướng khác, tôi gào lên, là tôi nghĩ thế, tiếng gào Côdắc ngân vang và đôi chân ngắn lon ton chạy tới cửa của cửa hàng làng, mang trên mặt nụ cười ngượng nghịu như được nặn từ nhựa dẻo, còn trong tim là cảm giác hân hoan lạ thường.

Đứa bị bắt lúc đó bâng quơ quay đầu về phía tôi, thậm chí không buồn dừng lại, giống như tôi không hề vội vã, cố hết sức lao về cánh cửa, mà chỉ là một chuyện vớ vẩn, phiền nhiễu và ngu ngốc nào đó xảy ra thôi.

Nhưng tôi đã thật thà mang cả nụ cười, cả niềm vui sướng dâng tràn chạy đến cái ô vuông trắng trên cửa và vỗ mạnh vào nó đến rát cả lòng bàn tay, la to: “Chur tôi!”.

(Bảo vệ tôi, hỡi Chur, cuộc sống của tôi - tôi đã ở đây rồi, bên cửa rồi, đã đập tay rồi).

La xong, tôi không khỏi hài lòng nghe sau lưng tiếng cười ha ha. Vậy là ai đó đã khen tôi nhảy ra thật khéo và lao tới nhanh ra sao...

Ối chà - tôi nói to hơn cần thiết, tự mãn quay mặt lại, bằng mọi cách thể hiện cho mọi người thấy mình mệt lử ra sao vì cú chạy. Để rồi dĩ nhiên ngay lập tức tôi thấy không phải mình, phạch bụng, được khen ngợi. Mà đấy lại là Sasha vừa làm nên điều kỳ diệu.

- Em đã già. Đặc biệt già đi rất nhanh khi bắt đầu tìm kiếm sự biện minh trước cuộc sống.

- Nhưng nếu chính em tin vào những biện minh của mình, sẽ dễ dàng hơn.

“Khi nhận được đề nghị của TTCT dịch một số truyện ngắn của tôi sang tiếng Việt, tôi ngay lập tức đồng ý và cho chúng miễn phí. Đó là một phần nhỏ bé của lòng biết ơn mà tôi muốn gửi tới nhân dân Việt Nam vì sự dũng cảm tuyệt vời, vì nhân phẩm và danh dự vốn đang ngày càng ít đi trong thế giới chúng ta” Zakhar Prilepin

- Làm sao em có thể không tin chúng, Sasha? Khi đó em phải làm gì?

Sasha không buồn nghe tôi. Anh cũng không bao giờ đến nữa. Và tôi cũng không biết anh đang ở đâu.

- Sash(2), em sẽ nói gì, kể cả khi em đến?

Mặt anh đông cứng, với đôi môi trề ra và gò má lạnh ngắt, như thịt gia cầm đông lạnh, không một biểu cảm nào.

- Lạnh, Zakharka, lạnh và ngộp... - anh nói, không hề nghe tôi.

Sasha là một người đặc biệt. Chỏm tóc mái vàng óng ánh, gương mặt đẹp dịu dàng, luôn sẵn nở một nụ cười thông minh, tinh tế. Anh đối với chúng tôi, lũ nhóc nhỏ tuổi hơn, rất âu yếm, không bao giờ dạy đời, nói chi tới việc tuôn những lời thô bỉ. Anh không bao giờ chửi thề. Nhớ hết tên tất cả và luôn hỏi: “Mọi việc thế nào?”. Bắt tay theo kiểu đàn ông. Trái tim rộn ràng đón gặp anh.

Nhưng anh lại cho phép mình cười vào mặt những tay du côn vườn mặt méo chân cong, anh em nhà Chebryakov. Anh nheo mắt nhìn chúng, không dọn nụ cười khỏi gương mặt. Bọn Chebryakov là anh em sinh đôi, lớn hơn Sasha một tuổi. Thời ấu thơ thì đó là một khoảng cách lớn. Ít ra là đối với bọn thiếu niên.

Tôi đã nghe anh cười thế một lần, một mình anh, giữa đám chúng tôi thậm chí chẳng dám uốn một nụ cười, lúc anh em Chebryakov leo cây làm rách xoẹt hoành tráng tay áo tới tận nách. Sasha phá lên cười, tiếng cười giòn tan, vui vẻ.

- Mày cười gì? - một trong hai anh em Chebryakov hỏi, quên bẵng cái tay áo. Con ngươi của hắn đảo liên tục từ trái sang phải như không dám dừng lại trên nụ cười của Sasha - Cười cái gì?

- Mày đừng ra lệnh cho tao chứ? - Sasha hỏi.

Suốt đời tôi đã tìm nguyên cớ để nói như thế - giống Sasha. Nhưng khi tìm ra được lý do, tôi lại không đủ dũng khí để thốt lên điều đó, và tôi lao vào ẩu đả để không còn sợ hãi. Cả đời tôi đi tìm nguyên cớ để nói như thế, và đã không tìm thấy, còn anh thì tìm ra ở tuổi lên 9 của mình.

Sasha bắt chước Chebryakov đảo con ngươi trên cặp mắt tươi vui, và tôi có cảm tưởng chuyện đó không ai, ngoài tôi, nhận ra, bởi tất cả đều nhìn sang hướng khác.

Chebryakov nhổ nước bọt. Ôi những bãi nước bọt ấu thơ, thiếu niên và đàn ông! Đó là dấu hiệu căng thẳng, dấu hiệu của việc chịu đựng đã đến giới hạn và nếu bây giờ mà không nổi khùng, không giơ móng vuốt, không phun khỏi đôi môi nước bọt trắng bắn vào các góc, không nhe răng nanh con trẻ, thì rồi sau sẽ chẳng làm nên được việc gì.

Chebryakov nhổ nước bọt, bất ngờ ngồi thụp xuống, giơ cánh tay với tay áo rách lên xem, rồi nhìn anh chăm chú và nói thầm gì đó xen lẫn chửi thề, chỉ liên quan tới cái tay áo.

- Ngộp, Zakharka, anh ngộp quá. Tôi khó nhọc đoán theo đôi môi băng giá, gần như bất động. Không hề có tiếng nói.

- Hay, anh uống, trong tủ lạnh em có...

- Không! Anh thét lên, như khạc. Tôi sợ tiếng thét sẽ làm nứt đôi gương mặt anh, cũng giống như thân gà đông lạnh bị chẻ đôi, mở ra bên trong ruột đỏ bầm, lộn xộn.

Ban ngày trong làng có đàn dê đi lang thang. Tôi nhớ đó là đàn dê của bà Sasha. Bà của Sasha sống ở làng chúng tôi, còn ba mẹ anh ở làng bên cạnh. Sasha ngủ khi thì ở đây, khi thì ở kia, ban đêm anh băng rừng để về nhà.

Đôi khi tôi tưởng tượng mình đi cùng anh, anh nắm cái tay lỏng khỏng của tôi trong cái tay rắn chắc của mình, trời tối, nhưng tôi không sợ.

Vâng, đàn dê thì lững thững, ngu ngốc kêu be be, gãi đôi sừng vào hàng rào. Đôi khi chúng tán loạn chạy và lao về phía bạn, nghiêng cái đầu gỗ ngu si của chúng, và cuối cùng, khi nghe tiếng khua rầm rập, bạn quay lại, bất giác co chân, nghểnh cái đầu trẻ con trăng trắng, sợ hãi lao về phía trước, chạy, chạy, chạy... nhưng vẫn không thoát khỏi cú đá, không đau, nhưng khá bực mình, làm bạn ngã nhào xuống đất. Sau đó thì con dê đã mất hứng với kẻ thua cuộc, kêu be be rồi bỏ chạy đi.

Lũ dê cái rất khoái trò chơi của đám con trai. Thấy bạn trong lùm cây, chúng giật mình, vặn đầu, than phiền với con dê đực: “Có ai đó n-ằ-ằm ở đây!”. Nhưng dê đực làm ra vẻ không nghe thấy. Khi đó lũ dê cái tới gần hơn. Ngọ nguậy mũi, nhe răng “Ê-ê-ê-i!” - chúng ngu ngốc hét vào mặt bạn.

- Tiếc là không có sói cho bọn mày, bạn bực bội nghĩ.

Bọn dê cái ấy, nghe huyên náo và tiếng cười ngọt ngào con trẻ, cũng lân la tới chỗ chúng tôi. Lúc tiếng cười im bặt, đứa dẫn trò bắt đầu đi tìm, thì lũ dê cái cũng bận rộn rảo quanh, tìm xem đứa nào làm ồn. Và phát hiện Sasha.

Sasha ngồi tựa lưng vào cây, đôi khi kêu quạ quạ đáp lại một con quạ làm tổ đâu đó không xa đang ngạc nhiên với trò chơi của chúng tôi. Anh biết cách nhại tiếng kêu quạ quạ với sự chế giễu khiến con quạ càng khó chịu hơn. Tiếng kêu của Sasha làm lũ quậy chúng tôi tức cười và tiếng cười mách chỗ trốn của chúng tôi cho đứa dẫn trò.

Con dê cái cũng quan tâm tới “con quạ” ngồi dưới gốc cây và ngay lập tức nó bị thắng yên cương và nắm lấy sừng.

Sasha phi ra khỏi chỗ trốn từ lưng con dê, nhún mấy bước trên mặt đất, la toáng: “Chur tôi, chur!”, rồi hú lên vui vẻ.

Chiều xuống và dần lạnh, lũ càn quấy đã hết muốn chơi tiếp. Bọn chúng, chán trốn, chán bị lạnh cóng khi ngồi núp sau hàng rào hay trong đống gạch lạnh lẽo của công trình, lẳng lặng bỏ về nhà, về với ly sữa bốc khói, với bà mẹ mệt mỏi và ông cha đang ngà say.

Đứa nào đó đến lượt nó đi tìm, lười kiếm mấy đứa lớn tinh quái, bèn tìm tôi, ngay lập tức, dễ dàng, chỉ vừa đếm tới 100, một bước nhẹ nhàng đã đến ngay chỗ núp của tôi.

- “Ra đi” - nó hất đầu khinh khỉnh.

Tôi bắt đầu đi tìm.

Tôi len lỏi qua các bụi cây, nhón cao đôi chân mảnh khảnh, tầm ma châm chích người tôi, trên mắt cá nở ra những vết phồng tầm ma trắng, còn dọc lưng lũ kiến hạt bò ớn lạnh.

Tôi thở phì phì, nhận thấy đứa nào đó từ trên cây chẳng chút vội vàng trèo xuống, thản nhiên bỏ đi xa khi tôi tiến lại gần - về nhà, về nhà... Nhưng tôi không dám kêu nó lại.

- “Ê sao kỳ vậy, tụi... m-à-y... - tôi cay đắng nói khẽ như chỉ còn một mình ở tuyến trước - Ê, sao tụi mày...”.

Con quạ đã nín bặt, lũ dê đã bị lùa về nhà.

Tôi đi ngang bãi đất trồng, ngang ngôi trường đã ố vàng hai bên hông buồn bã với những lớp vữa rơi lả tả. Bên trường, người gác cổng hút thuốc, đốm lửa... bùng sáng.

Bùng lên, như trái tim, lần cuối cùng đẩy máu.

Tàn thuốc bay vào cỏ, chập chờn đỏ tươi.

Tôi trở lại cửa hàng, vấp phải đá trên đường tối, run rẩy và lập cập va nhẹ vào nhau những chiếc răng sữa còn lại. Cái ô trắng trên cửa đã không nhìn ra nữa.

“Chur tôi” - tôi thì thầm và áp lòng bàn tay vào nơi dường như là cái ô vuông.

- Em đã về nhà, Sash.

- Anh đã gọi em.

- Sasha, em không đủ sức để chịu đựng điều này, hãy chia sẻ cùng em.

- Không, Zakharka.

Ở nhà mẹ tắm cho tôi, trong cái chậu nước ấm, sủi bọt.

- Tụi con chơi trốn tìm đó mẹ.

- Con có bị bắt không?

- Không. Chỉ một lần thôi.

Trà và bơ vàng, lạnh, giống như được cắt ra từ tia sáng mặt trời trong làn nước bình minh. Tôi ăn thêm một ổ bánh mì kẹp thịt. Và tôi còn được thêm sữa vào trà.

- Mẹ, con muốn kể mẹ nghe trò chơi.

- Lát nữa, con trai.

Rồi thêm một tách trà. Và ba thỏi đường.

- Mẹ đi đâu vậy? Con muốn kể ngay bây giờ...

Nhưng mẹ đã rời đi.

Vậy thì tôi sẽ xây một cái nhà nhỏ từ những thỏi đường.

Ba mẹ Sasha tưởng cậu ở lại nhà bà. Bà thì tưởng cậu đã về nhà, với ba mẹ mình. Hồi đó trong làng không có điện thoại. Chẳng ai gọi cho ai.

Cậu đã trốn trong tủ lạnh, cái tủ đông rỗng ở cửa hàng. Từ cửa hàng, dây điện bị giẫm xác xơ dẫn vào tủ lạnh.

Cái tủ lạnh không mở được từ bên trong.

Người ta mất hai ngày tìm Sasha. Bà cậu đến gặp tôi. Tôi không biết phải nói gì với bà. Anh em Chebryakov bị đưa tới đồn công an.

Sáng sớm thứ hai, người gác cổng trường tìm thấy Sasha.

Cậu bé chết chống tay và chân vào cửa tủ. Trên mặt đông cứng những giọt nước mắt. Cái miệng hình vuông với cái lưỡi băng giá bị cắn mở toang.■

Phan Xuân Loan (dịch và giới thiệu)

Zakhar Prilepin
Zakhar Prilepin

 

Zakhar Prilepin sinh năm 1975, từng phục vụ quân đội, tham chiến Chechnya, sau đó làm việc trong đội ngũ cảnh sát đặc biệt Nga (OMON) đến năm 2000, khi chuyển sang làm báo (tổng biên tập tờ Báo Mới và trang web Báo chí tự do). Prilepin cũng là nhà hoạt động chính trị và xã hội tích cực. Ngoài việc là thành viên của Đảng Bônsêvich dân tộc (đối lập), ông còn là người quyên góp tổ chức những chuyến đi mang thực phẩm, hàng hóa cứu trợ tới cho người dân mắc kẹt trong các vùng chiến sự phía đông Ukraine.

Việc giảng dạy văn học trong trường phổ thông Nga hiện nay kết thúc bằng những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ thập niên 1980. Các tác phẩm văn học hai thập niên gần nhất chỉ mới được bắt đầu đưa vào giảng dạy. Đó là những tác phẩm dựa vào thực tiễn hiện đại, quen thuộc với các học sinh để giáo dục tinh thần yêu nước, nhận thức công dân, sự khoan dung, trách nhiệm, đời sống tinh thần. Trong số những tác giả này, Zakhar Prilepin là một đại diện rõ nét nhất của chủ nghĩa hiện thực mới.

Trong Ô vuông trắng, Zakhar Prilepin hướng đến một trong những vấn đề vĩnh cửu của đời sống con người: con người và cái chết, tuổi thơ và cái chết, lương tâm, trách nhiệm với chính mình... Các hình tượng văn học của Zakhar Prilepin không chỉ là sự tiếp nối truyền thống văn học Nga, sự trở lại với những đề tài nhân văn, mà còn là một phần hợp thành của không gian văn hóa Nga đương đại. Văn chương của Prilepin được chọn lựa vì tiềm năng giáo dục lớn, có thể tác động tích cực lên phẩm chất đạo đức và tri thức của các công dân trẻ.

Marina Sharoiko (Đại học Tổng hợp Kuban, Nga)

 

(1): Chur trong thần thoại Đông Slavơ là một vị thần canh giữ ranh giới của các bộ lạc, các vùng đất, không cho kẻ bên ngoài và các thế lực siêu nhiên xâm phạm. Bên ngoài ranh giới đó là hiểm nguy, cái chết.

(2): Tên gọi âu yếm của Sasha.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận