"Ngữ pháp mới" của sơn mài Võ Xuân Huy

LÊ ĐỨC DỤC 12/10/2008 05:10 GMT+7

TTO - Huy đã có triển lãm riêng khi còn là sinh viên với những bức tranh bột màu, màu nước trĩu nặng hơi thở đồng quê. Tốt nghiệp đại học, trở thành giảng viên Đại học Mỹ thuật Huế, những ám ảnh quê nhà vẫn kéo anh đắm chìm vào sơn mài, nhưng không hồn nhiên mục đồng, không mênh mang bầu trời hoa niên như xưa.

Quê của Huy lúc này đầy trăn trở, suy nghiệm, là những âm vang im lặng mà lộng lẫy. Cũng nằm trong mạch nguồn quê nhà, với miên man ký ức, với trầm tích yêu thương, những giếng làng mang dáng dấp hố bom trên cánh đồng Vĩnh Thủy quê anh. Những biếc xanh như gương nước trong lòng hố bom ấy thành con mắt của đất, của chứng tích, nhìn lên cao vợi, đối thoại với trời xanh. Sự thuần khiết của sắc màu cựa quậy và tỏa sáng dưới những cấu trúc ngổn ngang và sâu thẳm. Ngỡ đất quê của Huy chỉ lộng lẫy đến thế là cùng, nhưng giờ đây chúng ta lại gặp một miền quê khác, rộng dài hơn, thâm hậu hơn, trăn trở hơn, đau đớn hơn…

Thật lạ lùng khi gặp lại Huy trong những biến thể mới lần này.(*)

Những vết nứt nẻ trên tranh Huy là hình ảnh của những cánh đồng mùa hè bỏng rát nắng gió khô hạn như táp lửa mặt người.

Những nếp gấp nhăn nhúm là sự ẩm ướt dầm dề của lê thê mưa rét, là sự co cụm cố thủ, yếm thế và khắc khoải.

Trên bề mặt sơn mài nứt nẻ và nhăn nhúm ấy, Huy đã tạo ra những kỹ thuật rất riêng để liên tưởng đến cảm giác bào mòn của thời gian, sự gặm nhấm của cuộc sống trên miền đất với đặc trưng khí hậu thời tiết.

Nhưng đó mới chỉ là “nền” của Huy.

Trên cái nền “khí hậu” ngổn ngang giằng xé nứt nẻ khô cằn - nhăn nhúm ẩm ướt - mòn mục hao ruỗng ấy, Huy bày biện những ngữ pháp mỹ thuật của mình mà Huy gọi là những “biến thể”. Đấy là những hoa văn mang ấn chỉ một triều đại vang bóng trên đất cố đô ngả ngiêng xô lệch. Là những vỏ lon bia, nắp chai, linh kiện điện tử… mang ẩn dụ của một xã hội tiêu thụ. Là những mẫu tự văn chương lấm lem, mòn ruỗng rơi vãi trên nứt nẻ thất bát…

Phóng to
Họa sĩ Võ Xuân Huy (bìa phải) trao đổi với họa sĩ Lê Bá Đảng (giữa) tại Paris trong một lần triển lãm ở Pháp

Và như thế, trên những nứt nẻ hay nhăn nhúm, bào mòn hay gặm nhấm, những ấn chỉ của Huy đều đã vượt ra khỏi giới hạn của khí hậu, nó mang những ý niệm về “địa văn hóa”, thâm hậu mà chan chứa nhân tình thế thái, những thông điệp nhắn gửi, những lập ngôn mỹ học và cả những âu lo trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ!

Với dòng tranh mới này Huy tự tin nói rằng mình đã có thể vào cuộc chơi với nhựa sơn (sơn mài) mà không hề phạm luật vì chính anh thiết lập luật chơi cho riêng mình. Huy muốn tạo ra hệ thống kỹ thuật sơn mài mới để thay đổi quan niệm cũ kỹ và có phần xơ cứng về sơn mài hiện nay.

Sơn mài có một đặc thù riêng, bởi làm sơn mài là tiếp xúc với kim loại, gỗ, nước, đất, lửa (kim-mộc-thủy-hỏa-thổ). Nhưng để cái “ngũ hành” ấy dẫn dụ người nghệ sĩ đến sự huyền nhiệm của hiện hữu thì không phải ai cũng may mắn có được.

Trong sự sáng tạo của Huy mang đến một “ngữ pháp khí hậu” cho sơn mài, Huy là một nghệ sĩ may mắn hiếm hoi!

Những tác phẩm sơn mài của Võ Xuân Huy với “ngữ pháp khí hậu” mới

Phóng to

(*) Triển lãm tại số 4 Hoàng Hoa Thám, Huế từ ngày 11 đến 18-10.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận