Nhạc trưởng Trần Vương Thạch

CÁT VŨ 06/05/2008 18:05 GMT+7

TTCT - Năm 2008 này nhạc sĩ Trần Vương Thạch có nhiều niềm vui. Đầu năm, anh được Hội Nhạc sĩ VN trao giải nhì cho tác phẩm vũ kịch Chuyện tình non sông (viết chung với nhạc sĩ Võ Đăng Tín).

Phóng to
Ảnh: Minh Đức

Cuối tháng năm anh sẽ sang Serbia biểu diễn theo lời mời của Dàn nhạc giao hưởng TP Nis. Đầu tháng mười, anh và Dàn nhạc giao hưởng TP.HCM (HBSO) tham dự Festival các dàn nhạc châu Á tại Tokyo (Nhật). Chuyến đi sẽ được ban tổ chức đài thọ toàn bộ chi phí. Anh cho đây là một sự kiện lớn vì lần đầu tiên Dàn nhạc giao hưởng TP.HCM được vinh dự đem chuông đi đánh xứ người, một tín hiệu vui sau những công sức của anh và các cộng sự xây dựng trong nhiều năm.

Đó là chưa kể việc hằng năm anh còn được mời ra Hà Nội chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng quốc gia, bên cạnh những đồng nghiệp nước ngoài như Tetsugi Honna (Nhật), Grame Sutcliff (Anh)... Sau lớp cha anh như các giáo sư Trọng Bằng, giáo sư Quang Hải, phó giáo sư Minh Cầm, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Thiếu Hoa..., có thể nói Trần Vương Thạch là tài năng hiếm hoi ở thế hệ mình trụ vững trên bục chỉ huy bằng một khát khao vươn tới đỉnh cao nghề nghiệp, và muốn đưa ngành giao hưởng mang nhãn hiệu Việt lên ngang tầm với các cường quốc nhạc cổ điển trên thế giới.

Trần Vương Thạch may mắn sinh ra trong một gia đình có tình yêu đặc biệt với âm nhạc. Cha anh, giáo sư Trần Hữu Quảng, là một nhân sĩ trí thức yêu nước, một nhà sư phạm, là tác giả hàng loạt sách giáo khoa dành cho học sinh bậc trung học về hai môn sử ký và địa lý ở miền Nam trước năm 1975. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông làm hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Đồng, rồi phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quí Đôn (Q.3), thành viên HĐND TP.HCM khóa 1.

Tuy suốt một đời cặm cụi với nghề giáo, nhưng vì hiểu rất rõ tầm quan trọng của âm nhạc trong cuộc sống con người nên ông cho hầu hết con cái mình vào Trường quốc gia Âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn. Người học piano, kẻ học guitar, nhưng chỉ có hai “cây” violon trong nhà là trở thành những người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Đó là Trần Vương Thạch và người anh thứ ba - nhạc sĩ Trần Thanh Tùng, người thành danh với nhiều ca khúc thiếu nhi và từng được biết đến như là “ông bầu” khai sinh ra các nhóm ca xuất thân từ Nhà Thiếu nhi TP.HCM như Mắt Ngọc, Mây Trắng, Ve Sầu...

Ngày còn nhỏ, Trần Vương Thạch thường tỏ ra vui sướng khi được cùng các anh chị tham gia những buổi hòa tấu đầy ngẫu hứng trong gia đình. Mỗi khi mẹ cùng bạn bè của mẹ đến làm công tác từ thiện ở nhà trẻ mồ côi nào, mấy anh em của anh đều mang đàn đến đó biểu diễn phục vụ. Có thể nói cả tuổi thơ của Trần Vương Thạch ngập tràn trong không khí âm nhạc nên niềm yêu thích vì thế cũng không thể có gì khác hơn.

Hạt giống gieo vào nơi đất tốt

Sống bằng niềm vui tinh thần

Số lượng nhạc trưởng hiện đang làm việc trong nước hiện nay có quá ít: ở Hà Nội, ngoài nhạc trưởng Đỗ Hồng Quân, Thiếu Hoa là hai nghệ sĩ người nước ngoài Tetsugi Honna và Graham Sutcliff; ở TP.HCM, ngoài Trần Vương Thạch chỉ có nữ nhạc trưởng Hoàng Điệp và Nguyễn Anh Sơn mới tốt nghiệp Tchaikovski về.

Để trở thành người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng cần rất nhiều yếu tố, trước hết phải tốt nghiệp đại học một nhạc cụ, sau đó là sự đam mê, sức khỏe và năng lực hiểu biết tính năng các nhạc cụ trong dàn nhạc, cũng như thấm nhuần tác phẩm.

Vì vậy, một nhạc trưởng phải qua 26 năm học tập bằng tất cả sự đam mê, bằng tất cả sự nhận thức về trách nhiệm với nghề như Trần Vương Thạch là một của quí không dễ gì có được.

Nhưng anh đồng thời cũng là một minh chứng cho sự bất công trong việc đãi ngộ của xã hội đối với những tài năng trong lĩnh vực âm nhạc bác học. Anh vừa bị hạ bậc lương chỉ vì cơ chế tiền lương máy móc của Nhà nước trong khi sự đóng góp của anh ngày càng nhiều cho nền âm nhạc cổ điển của nước nhà.

Anh nói bao năm nay anh sống với nghề chỉ bằng niềm vui tinh thần là chính. Còn cuộc sống đời thường, với hai con nhỏ còn trong tuổi ăn học, anh hoàn toàn dựa vào hậu phương là sự bươn chải của vợ mình.

Anh là học trò xuất sắc của giáo sư Hoàng Cương nên sau khi tốt nghiệp được giữ lại làm giảng viên tại Nhạc viện TP.HCM, đồng thời là một trong “tứ tấu” đầu tiên làm tiền đề cho sự ra đời của dàn nhạc thính phòng nhạc viện, bên cạnh “cây” viola Nguyễn Phúc Hải, cello Nguyễn Thị Anh Thư, violon Nguyễn Thị Bích Nga.

Vừa dạy, vừa biểu diễn ở nhạc viện cũng như thường xuyên có mặt trong ban nhạc Đài truyền hình TP.HCM, nhưng chính những hoạt động với tư cách “đầu tàu” tại Nhà Thiếu nhi TP ngay từ những năm còn ở bậc trung học mới gọi dậy trong anh nhiều khát khao muốn vươn tới.

Ở đây, anh luôn được yêu cầu vừa đàn, vừa phối khí, vừa đảm nhiệm luôn vị trí chỉ huy nên về trường nhạc anh phải xin vào học dự thính các lớp hòa âm, lớp phức điệu của giáo sư Ca Lê Thuần, học chỉ huy hợp xướng với giảng viên Bình Trang, nghĩa là học tất cả những gì để giúp anh hoàn thiện trọng trách ở nhà thiếu nhi.

Một hôm, nhìn thẳng vào mắt cậu học trò thông minh, chăm chỉ như muốn mau chóng thu lấy hết kiến thức, cô Bình Trang nói nhỏ: “Thạch nên học chỉ huy dàn nhạc”. Đúng là được lời như cởi tấm lòng, bởi thật ra đó mới chính là niềm mơ ước từ lâu mà anh không dám bày tỏ. Giáo sư Quang Hải nhận anh vào lớp đại học chỉ huy dàn nhạc.

6 năm cho một chiếc chìa khóa

Là một cây violon giỏi ngồi trong dàn nhạc thính phòng nhạc viện nhiều năm, nhưng Trần Vương Thạch luôn trăn trở về một câu hỏi mỗi khi nghe đĩa nhạc hòa tấu nước ngoài. Dàn nhạc của mình cũng gồm nhiều nhạc công tốt nghiệp từ nước ngoài về, hợp lại với nhau sao đánh nghe vẫn không hay bằng người ta. Có phải vì họ là... Tây?

Vậy mình đi Tây để tận mắt thấy họ làm như thế nào mà chất lượng được như vậy. Con đường đi học ở Tây của thế hệ trước hầu hết bằng học bổng nhà nước nhưng đối với thế hệ anh, con đường ấy xem ra ngày một bị thu hẹp dần.Thời may lúc ấy một ông anh con bác đang định cư ở Bỉ bảo lãnh anh qua. Anh thi đậu vào khoa chỉ huy dàn nhạc Nhạc viện Hoàng gia Bỉ ở TP Liège. Nhưng năm đầu tiên sống ở xứ người là năm anh trăn trở nhất.

Để có tiền trang trải chuyện ăn học, anh phải làm nhiều việc mà từ nhỏ đến lớn anh chưa bao giờ tưởng tượng sẽ phải làm như rửa chén, bồi bàn, quét dọn vệ sinh... Nhớ lại những thời khắc “rực rỡ” lúc ở quê nhà với công việc sang trọng trong những dàn nhạc, có lúc anh muốn bỏ hết để về nhưng rồi bản tính nhẫn nại, chịu đựng đã giúp anh vượt qua.

Chính khả năng vượt trội so với các bạn đồng môn trong âm nhạc đã nhanh chóng đưa anh về đúng vị trí của mình chỉ sau một năm làm quen với môi trường mới. Từ chỗ không bạn, không tiền, anh bắt đầu được giới thiệu đi dạy đàn, đi biểu diễn cùng các bạn sinh viên và bất ngờ đón nhận một “sự kiện” lớn là được mời làm chỉ huy cho dàn nhạc giao hưởng trẻ của TP Liège mang tên Jean Noel Hamal - nhạc sĩ danh tiếng thuở xưa của thành phố này, một vị trí không ít nhạc sĩ trẻ người bản xứ thèm muốn. Anh đã cộng tác với dàn nhạc này suốt năm năm cho đến ngày tốt nghiệp trở về nước. Có bạn, có dàn nhạc, có nhiều nơi để dạy, cuộc sống ổn định, anh chợt muốn tìm học thêm với những người thầy giỏi hơn nữa.

Giáo sư Gazon - vốn là học trò giỏi của nhạc sĩ danh tiếng châu Âu Chlibidache, từng chỉ huy Dàn nhạc TP Munich (Đức) - đã tình nguyện kèm thêm cho anh mà không đòi hỏi học phí. Anh cũng thi đậu vào khoa chỉ huy dàn nhạc Nhạc viện Hoàng gia Hà Lan ở TP Maastricht. Hằng ngày, từ Liège của nước Bỉ anh bắt tàu lửa hơn nửa giờ là đến Maastricht của Hà Lan. Ngoài việc làm chỉ huy ở dàn nhạc trẻ, thỉnh thoảng anh còn được mời chơi violon trong dàn nhạc lớn của TP Liège và có lần còn được mời làm trợ lý chỉ huy, phối khí cho một tác phẩm của Tchaikovski trong một chương trình biểu diễn kèn ở Bỉ.

Vừa học chính qui tại trường, vừa làm thêm để cọ xát, anh còn ghi danh học sáng tác, âm nhạc điện tử, âm nhạc ngẫu hứng..., nói chung là tất cả những gì liên quan đến âm nhạc. Năm 1996, anh tốt nghiệp văn bằng Premier Prix ở Nhạc viện Hoàng gia Bỉ, cùng lúc tốt nghiệp diplôme supérieur (văn bằng cao nhất ở các nhạc viện châu Âu) tại Nhạc viện Hoàng gia Hà Lan.

Sống ở Bỉ sáu năm, có thừa điều kiện để được phép định cư lâu dài cũng như có việc làm ổn định, được đi biểu diễn thường xuyên nhiều nước châu Âu cùng với Dàn nhạc trẻ của TP Liège nhưng khi cầm trong tay những tấm bằng tốt nghiệp, Trần Vương Thạch nghĩ ngay đến việc quay về nước làm việc. Anh thấy mình đã đạt được mục tiêu đề ra, học được những điều cao hơn về nghề, và quan trọng nhất là đã tìm được chiếc chìa khóa để mở cánh cửa làm sao xây dựng được một dàn nhạc giao hưởng chất lượng mà vì nó, anh đã bỏ hết sự nghiệp đang trên đà thăng hoa để ra đi, bước vào con đường “thập tự” đầy chông gai và thử thách. Đó chính là điều làm anh sung sướng nhất.

26 năm cho một “khúc dạo đầu”

Chỉ đến khi trở về nước với tấm bằng chỉ huy dàn nhạc ở hai nhạc viện hoàng gia Bỉ và Hà Lan, Trần Vương Thạch thấy lúc ấy sự nghiệp âm nhạc của mình mới thật sự bắt đầu. Vậy là anh đã đi mất một quãng đường dài 26 năm học tập kể từ ngày ôm cây đàn violon vào lớp sơ cấp trường nhạc năm 1970. Từ nhạc viện nước ngoài về, anh vào thẳng Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM. Và thật may mắn khi 12 năm qua anh đã có cơ hội để áp dụng tất cả những sở học để góp phần xây dựng Dàn nhạc giao hưởng TP mà theo nhận xét của nhiều đồng nghiệp nước ngoài của anh đến thăm hằng năm, sự tiến bộ diễn ra ngày một cao hơn.

Từ vài năm trở lại đây, Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM đã có được những buổi biểu diễn định kỳ trong tháng tại Nhà hát TP, cũng như đang có hướng “tạo nguồn”, đưa các sinh viên giỏi của nhạc viện về thực tập dần, lập thành một thế hệ kế thừa có năng lực. Hiện với tư cách phó giám đốc phụ trách chuyên môn, anh trăn trở tìm những giải pháp để vun đắp cho nhà hát như chọn tác phẩm nào để biểu diễn bởi tầm cỡ lớn, nhỏ của một nhà hát giao hưởng sẽ tùy thuộc danh mục các tác phẩm này.

Nhưng anh cũng thú thật rằng so với dự định, việc hoàn thiện nhân sự nhà hát đã diễn ra quá chậm so với dự định ban đầu của anh, bởi thu nhập về kinh tế không tương xứng với tài năng cũng như công sức lao động nên không mấy ai “mặn” về với dàn nhạc cổ điển mà tìm kiếm những công việc khác nhàn nhã nhưng lương bổng cao hơn nhiều lần.

Đem âm nhạc hàn lâm vào cải lương

Cách đây gần mười năm, hai nhà sưu tầm dân ca Lê Giang - Lư Nhất Vũ vô cùng ngạc nhiên khi nhận được một cú điện thoại mà đầu dây bên kia là nhạc trưởng Trần Vương Thạch, xin được tháp tùng đi điền dã sưu tầm dân ca. Tưởng nói chơi, hóa ra anh xách balô theo đoàn về tận vùng sâu các tỉnh Nam bộ để tận tai nghe các má hát dân ca. Anh nói không dễ gì có cơ hội được học trực tiếp thứ ngôn ngữ chân chất, nguyên bản trong âm nhạc dân gian. Chính những chuyến đi thực tế này đã cho anh nhiều cảm hứng và chất liệu trong sáng tác khi viết nhạc cho phim Đất phương Nam hoặc phim Bến sông trăng (cùng với Trần Thanh Tùng), cho vở kịch lịch sử Bí mật vườn Lệ Chi, cho vở cải lương Rồng phượng...

Trong hai mùa Tết Âm lịch vừa qua, cùng với hai vở cải lương thử nghiệm Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga của Nhà hát Trần Hữu Trang, tên tuổi của Trần Vương Thạch cũng được công chúng biết đến nhiều hơn qua việc đem âm nhạc hàn lâm vào cải lương. Lần đầu tiên dân cải lương được nhìn thấy cả một dàn nhạc giao hưởng đông đúc với hơn 20 loại đàn ung dung ngồi tạo không khí cho một vở cải lương và những sáng tác của Trần Vương Thạch cũng không còn “gói ghém” trong một không gian thính phòng nhỏ hẹp, mà vươn ra giữa khán phòng to rộng với gần nửa vạn khán thính giả.

Mặc dù hiệu quả thật sự của nó vẫn còn trong vòng tranh cãi, song với cả dàn nhạc thính phòng lẫn cải lương thì sự việc ấy vẫn được xem là một cuộc cách tân. Anh nói màu âm của dàn nhạc giao hưởng và màu âm của dàn nhạc cổ rất khác nhau nên việc kết hợp là một điều rất khó, mặc dù trên thực tế việc sáng tác vẫn theo nguyên tắc “hồn ai nấy giữ”. Vì vậy, nếu Trần Vương Thạch lấn qua Thanh Hải (dàn nhạc cổ) chút xíu nữa thôi thì vở cải lương sẽ biến thành vở “opera Việt”.

Nhiều lúc chính anh cũng tự hỏi liệu đường hướng đó có thật sự cần thiết không? Anh chỉ mới tâm đắc nhất với việc cách tân âm nhạc trong vở cải lương Rồng phượng khi đưa những sáng tác mới vào dàn nhạc cổ, làm cho dàn nhạc cổ được nâng tầm, mang một sức sống mới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận