Một "Đêm Phương Đông" mê hoặc

THÁI LỘC 13/04/2014 05:04 GMT+7

TTCT - Một nhà thiết kế tham gia chương trình Đêm phương Đông - một trong những chương trình thu hút nhiều khán giả nhất Festival Huế - nhận xét những bộ quốc phục Nhật Bản tham gia “rất quý và cực kỳ đắt tiền, mỗi bộ giá có thể lên đến hàng chục nghìn USD”.



Các bộ quốc phục Á Đông tham gia sự kiện

Đêm phương Đông không đơn thuần là chương trình biểu diễn thời trang mà còn là một cuộc trình diễn văn hóa Á Đông với những sắc màu độc đáo và âm nhạc huyền ảo.

Trang phục của NTK Minh Hạnh - Ảnh do NTK Minh Hạnh cung cấp


Trang phục của NTK Hải Long - Thế Huy - Ảnh: Hải Đông


Trang phục của NTK Công Khanh - Ảnh: ZUKI NGUYEN

Đêm phương Đông (lần thứ ba diễn ra tại Festival Huế) sẽ có những thay đổi mới mẻ. 11 nước gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ, Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam sẽ mang đến đây những bộ quốc phục, triều phục hoặc trang phục độc đáo để trình diễn vào các đêm 13, 15, 16 và 18-4.

Bất ngờ với kimono

“Đây là lần đầu tiên hội đưa những trang phục kimono của Nhật Bản trình diễn cùng các trang phục truyền thống châu Á trong chương trình Đêm phương Đông. Chúng tôi sẽ trưng bày các bộ kimono tại Bảo tàng Văn hóa Huế với mong muốn lưu lại ấn tượng tốt đẹp về đất nước Nhật Bản đến du khách tham dự Festival Huế 2014” - Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản viết trong bức thư gửi ban tổ chức Festival Huế 2014.

Không chỉ là sự quý giá của bộ sưu tập kimono, cách thức bài bản của người Nhật để đưa kimono sang Việt Nam cũng đủ tạo nên một câu chuyện. Những năm trước, phía đoàn Nhật Bản chỉ gửi sang những bộ yukata - một loại kimono mùa hè với phần tay thụng ngắn, khá ít lớp, gọn gàng và tương đối đơn giản, kể cả cách mặc - để ban tổ chức Đêm phương Đông cho người mẫu mặc diễn.

Năm nay, Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản quyết định phối hợp với Hội Kimono Nhật Bản đưa những bộ kimono “thượng thặng” sang trình diễn. Đó là những bộ kimono truyền thống cần người có chuyên môn giúp diễn viên bởi mỗi bộ cần không dưới 90 phút để mặc.

Do đó thay vì chỉ gửi trang phục sang để mặc cho người mẫu VN như các lần trước (gồm hai lần tại Hà Nội và một lần tại TP.HCM), lần này phía Nhật Bản cử hẳn một đoàn có chuyên môn gồm 21 giáo viên của hiệp hội “tháp tùng” bộ sưu tập kimono (gồm 13 bộ). Vào các buổi diễn, mỗi người đảm trách mặc áo cho một người mẫu.

“Lần này chúng tôi mang tới Huế ba loại kimono, trong đó furisode là loại dành cho nữ giới chưa kết hôn, kimono dùng trong nghi lễ kết hôn và một loại kimono giản lược được gọi là yukata. Trên áo kimono được thêu cảnh vật bốn mùa hay những họa tiết mang lại may mắn”.

Một trong hai bộ kimono dùng cho nghi lễ kết hôn sẽ do một người mẫu Nhật Bản trình diễn. Tại nơi triển lãm các bộ kimono này, người dân và du khách có thể được những người chuyên môn từ phía Nhật Bản trực tiếp giúp mặc thử những bộ kimono đơn giản ngay tại đây...

Một nhà thiết kế tham gia chương trình Đêm phương Đông nhận xét đây là những bộ quốc phục Nhật Bản “rất quý và cực kỳ đắt tiền, mỗi bộ giá có thể lên đến hàng chục nghìn USD”.

Bộ kimono quý giá của cô dâu trong ngày cưới - Ảnh do ban tổ chức Festival Huế cung cấp

Nhiều sưu tập quý giá

Hai quốc gia lần đầu tiên có sưu tập trang phục trình diễn ở Đêm phương Đông năm nay là Malaysia và Myanmar. Theo đó, 15 bộ baju kurum cổ truyền của phụ nữ Malaysia gồm chiếc áo dài ngang hông hoặc đầu gối phủ lên chiếc váy hoặc xà rông dài từ hông đến gót chân, kèm theo chiếc khăn hoặc vắt ngang vai hoặc trùm đầu.

Từ phía Myanmar, 15 bộ váy thummy truyền thống rất nền nã sẽ do các người mẫu nước này trực tiếp biểu diễn. Đoàn Mông Cổ mang tới 20 bộ deel - loại trang phục khá gọn, mang chất phóng khoáng, mạnh mẽ quý phái của những phụ nữ quý tộc vùng thảo nguyên xanh. Đoàn Trung Quốc cũng mang tới một bộ sưu tập trang phục cổ rất quý hiếm đang được trưng bày trong nhiều bảo tàng.

Đoàn Hàn Quốc đưa sang trình diễn những chiếc hanbok nhiều màu sắc bằng vải oganza truyền thống với những nét thêu tay tinh xảo, rất quý giá. Riêng đoàn Thái Lan đã tạo bất ngờ cho ban tổ chức khi quyết định chọn “hàng độc” phasing: tổ chức dệt và may mới 15 bộ trang phục truyền thống bằng một loại lụa tơ tằm chỉ có hoàng hậu Thái mới được phép dùng...

Ba đại diện của phía Việt Nam là Minh Hạnh, Công Khanh và Hải Long - Thế Huy. Sưu tập áo dài Minh Hạnh tận dụng pháp lam của Huế làm trang sức trên nền lụa tơ tằm được thêu tay tinh tế. Công Khanh với tà áo dài cách điệu, biến hóa từ hình ảnh rồng phượng. Hải Long - Thế Huy đưa vào bộ sưu tập một hình ảnh thời trang đương đại khác lạ...

Trang phục truyền thống của Malaysia tham gia ngày hội - Ảnh do ban tổ chức Festival Huế cung cấp


Trang phục truyền thống của Lào tham gia ngày hội - Ảnh do ban tổ chức Festival Huế cung cấp


 

1.600 nghệ sĩ đến từ khắp năm châu

Festival Huế 2014 với chủ đề Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, diễn ra từ ngày 12 đến 20-4. Ban tổ chức cho biết hơn 1.600 nghệ sĩ thuộc 67 đoàn nghệ thuật đến từ 37 quốc gia sẽ tham dự.

Sau lễ khai mạc tại quảng trường Ngọ Môn từ 20g đêm 12-4, một Lễ hội áo dài từ 20g30 các ngày 14 và 17-4 cũng sẽ diễn ra ngay tại đây. Chương trình Đêm hoàng cung tại Hoàng thành Huế từ 19g30 các ngày 15 và 19-4. Chương trình Ngày hội âm sắc Hương Bình tôn vinh ca Huế tại Nghinh Lương Đình từ 20g ngày 16-4. Chương trình của đoàn nghệ thuật sắp đặt lửa Carabosse (Pháp) trên cầu Trường Tiền từ 19g30 các ngày 18 và 20-4.

Lễ hội đường phố chủ đề Di sản và sắc màu văn hóa của các nước Đông Á - Mỹ Latin trên đường phố Huế vào các ngày 13, 15, 17 và 19-4. Nghệ thuật đường phố của đoàn nghệ thuật cà kheo vùng Merchtem - Bỉ, dàn nhạc OSP Nadarzyn - Ba Lan trên các tuyến phố trung tâm của Huế từ 16g các ngày từ 13 đến 19-4.

Hàng chục chương trình nghệ thuật, giao lưu của các đoàn trong nước và quốc tế sẽ diễn ra tại sân khấu Quốc Học, công viên Tứ Tượng, công viên 3-2 và các thị xã, thị trấn trên toàn tỉnh.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận