Lưu luyến điệu bài chòi

HẢI PHƯỢNG 31/08/2009 05:08 GMT+7

TTCT - Ở Hội An, thông thường bài chòi chỉ được tổ chức vào tối thứ bảy hằng tuần và vào những ngày rằm, khi đó phố cổ sẽ được thắp đèn lồng, bài chòi vang lên trong một khung cảnh thơ mộng, yên bình. Nhưng những ngày diễn ra lễ hội Việt - Nhật (từ 14 đến 16-8) vừa qua, bài chòi được tổ chức hăng đêm.

Một người bạn nghe chúng tôi sắp đi xem bài chòi thì cười và nói: “Muốn chơi bài chòi hả? Ít nhất phải có bằng A tiếng Quảng đó nha!”. Chúng tôi cũng bật cười vì câu nói đùa ngộ nghĩnh. Không ngờ đúng là như vậy, ván đầu tiên của bài chòi, hầu như chúng tôi chỉ có thể nghe được tên của những quân bài đã ra mà không nghe rõ những câu hát của người hiệu. Phải mất mấy ván chơi và suốt ba ngày chơi chúng tôi mới tạm hiểu những câu hát thú vị của bài chòi.

Làn điệu của quê hương

Đã có nhiều hội thảo về đề tài làm thế nào để âm nhạc dân tộc không bị mai một, làm cách nào để giáo dục âm nhạc dân tộc cho trẻ em... Chúng tôi nghĩ bài chòi trên phố cổ Hội An chính là một trong những cách bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc. Hãy mang âm nhạc, mang những giá trị văn hóa phi vật thể ấy đến nơi mà nó được sinh ra, đến gần hơn nữa với cộng đồng, nhất là với trẻ em. Làn điệu dân ca quê hương sẽ nuôi dưỡng và lớn lên theo tâm hồn, tình cảm của các em, tạo nơi các em một tình yêu đối với quê hương, đất nước.

Bài chòi có 30 quân bài, trên mỗi quân có ghi tên như: nhất trò, nhì bí, tam quăng, tứ móc, nhất nọc, nhì nghèo, ba gà, tứ xách... Chòi ở đây cũng có đủ chín cái, mô phỏng những chiếc chòi canh nương rẫy xưa kia nhưng làm đơn giản hơn, lợp lá và quây quần trong một không gian vừa phải nên có cảm giác rất gần gũi giữa người chơi và ban quản trò.

Ban hô bài chòi ở Hội An gồm hai người quản trò được gọi là anh hiệu và cô hiệu, một người đàn nhị, một người đánh trống và hai người chạy cờ. Khi anh hiệu, cô hiệu hát và xướng lên quân bài nào thì người chạy cờ có nhiệm vụ mang quân bài đó đi vòng quanh cho mọi người thấy và phát những lá cờ vàng, xanh... cho những ai đang cầm thẻ bài có ghi quân bài đó ở trên. Khi nào người chơi có đủ ba quân đã được ra thì thắng cuộc.

Điều mà chúng tôi cảm thấy rất thú vị là làn điệu đặc trưng của bài chòi. “Hơi xuân nữ, hơi ai” ở đây không mang nét buồn sâu thẳm mà được pha trộn với tiết tấu nhanh tạo nên nét độc đáo. Không chỉ những câu hát cổ (như Không ngon cũng bánh lá gai/Dù anh có dại cũng trai học trò...), người hiệu còn thêm vào những câu hát mới pha lẫn những điệu lý, những bài nhạc mới sáng tác mà không làm mất đi cái cốt lõi của bài chòi, tạo nên sự tò mò, quyến rũ của một trò chơi mang đầy tính nghệ thuật.

Có lẽ nhờ kết hợp với những ngày lễ hội nên số lượng người chơi khá đông, cả người Hội An, người nơi khác đến và du khách nước ngoài. Do vậy bài chòi ở đây còn có nét khác biệt là sau các câu hát và gọi ra quân bài, người chơi sẽ được nghe thêm tiếng Anh, đánh vần tên của quân bài.

Có thật sự sống với không gian bài chòi mới thấy được sức hấp dẫn và lôi cuốn của một trò chơi không mang nặng tính chất ăn thua như thế này. Những người lớn tuổi say mê theo dõi từng câu hát, cười thoải mái với những câu pha trò dí dỏm của anh hiệu, cô hiệu; những em bé tròn xoe mắt nhìn lá cờ... Có thể các em chưa hiểu gì về những câu hát nhưng làn điệu bài chòi thì chắc rằng đã bắt đầu thấm đượm vào tâm hồn các em.

Ra về mà chúng tôi vẫn còn như lưu luyến theo điệu bài chòi:

Hoa nhớ bướm hoa chờ hoa đợi
Người thương ai lưu luyến từng giờ
Người đi vạn dặm sương mờ
Năm canh có kẻ đợi chờ năm canh...

Phóng to
Quang cảnh chơi bài chòi - Ảnh: H.P.

Theo các nhà nghiên cứu thì bài chòi - một trong những loại hình diễn xướng dân gian thịnh hành ở miền Trung VN, nhất là ở Bình Định và Quảng Nam - xuất phát từ lối hát của những người gác trên những chòi canh nương rẫy. Khi đó để đỡ buồn người ở chòi này hát đối đáp với chòi bạn, lâu dần trở thành điệu hát phổ biến và người ta đã đặt ra những quy định để bài chòi trở thành một lối chơi dân gian. Hiện nay loại hình này cũng như một số trò chơi dân gian khác dường như chỉ còn tồn tại trong các lễ hội mà thôi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận