16/05/2024 17:25 GMT+7

Xem những chàng trai, cô gái Cơ Tu ‘có tâm hồn thánh thiện’ tái hiện lễ tạ thần linh

Sáng 16-5, đông đảo bà con người đồng bào Cơ Tu đã tái hiện lễ tạ ơn các vị thần linh ban cho họ cuộc sống ấm no, hạnh phúc tại quảng trường Trung tâm văn hóa huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế).

Ngưởi Cơ Tu thực hiện nghi lễ dựng nêu để tạ ơn thần linh - Ảnh: VY THẢO

Ngưởi Cơ Tu thực hiện nghi lễ dựng nêu để tạ ơn thần linh - Ảnh: VY THẢO

Theo thông lệ hằng năm, bà con người Cơ Tu ở vùng rẻo cao huyện A Lưới đều chọn những ngày đầu hạ, sau khi gặt cây lúa trên nương thì làm lễ tạ thần núi, thần sông, thần suối…

Lễ hội này có tên "Tậc Ka Coong" và được xem là một trong những nghi lễ quan trọng bậc nhất đối với đời sống tinh thần của bà con Cơ Tu sống dưới những cánh rừng già Trường Sơn.

Già làng Hồ Văn Xáp (83 tuổi, trú xã Lâm Đớt) cho hay mỗi năm, lễ hội Tậc Ka Coong được tổ chức khoảng 2-3 ngày vào mùa hè.

Người Cơ Tu cho rằng mùa mưa thường ướt át, bà con sẽ gặp khó trong việc đi lại và thần linh cũng không muốn vậy.

Mở đầu buổi lễ là nghi thức chôn cây nêu. Cây nêu của người Cơ Tu được chọn từ cây tre cao lớn, dẻo dai, chắc khỏe trong rừng. Khi trồng nêu, người Cơ Tu cầu mong cây luôn vững chãi, không nghiêng ngả, gãy đổ.

Già Hồ Văn Xáp (giữa) đọc các câu khấn để báo cáo và mời các vị thần linh về thưởng thức các món ăn, lễ vật - Ảnh: BẢO PHÚ

Già Hồ Văn Xáp (giữa) đọc các câu khấn để báo cáo và mời các vị thần linh về thưởng thức các món ăn, lễ vật - Ảnh: BẢO PHÚ

Theo truyền thống, sau khi trồng cây nêu là nghi thức buộc trâu và đâm trâu. Tuy nhiên việc đâm trâu đã không còn phù hợp với đời sống hiện đại, nên nghi lễ này đã được lượt bỏ. Thay vào đó, bên dưới cây nêu người Cơ Tu đặt những gùi gồm thịt lợn, dê, chuối, zèng, gạo nếp…

Già làng sau khi khấn vái thần linh để cảm tạ cho một mùa màng bội thu sẽ yêu cầu dân làng dâng lên những lễ vật là món ăn truyền thống được nấu trước đó.

Và các món ăn được chế biến từ những phần ngon nhất của các vật tế, trâu, bò, dê, heo, gà... các món bánh a koat, a zưh, âng co được làm từ những hạt nếp nương dẻo thơm.

Người dâng mâm cỗ được già làng tuyển chọn từ những cô gái, chàng trai đẹp người, có tâm hồn thánh thiện - Ảnh: BẢO PHÚ

Người dâng mâm cỗ được già làng tuyển chọn từ những cô gái, chàng trai đẹp người, có tâm hồn thánh thiện - Ảnh: BẢO PHÚ

Người dâng lễ vật lên thần linh phải là những chàng trai, cô gái Cơ Tu khỏe mạnh, đẹp người và có tâm hồn thánh thiện, trong sáng được chính già làng chọn ra từ cộng đồng.

Sau khi mời thần, dân làng thực hiện nghi thức tạ ơn các vị thần đã ban cho làng bản người Cơ Tu cuộc sống bình yên, no đủ và cho con cháu trưởng thành nên người. Họ cũng cầu xin các vị thần tiếp tục bảo vệ che chở và ban cho con cháu, làng bản sức khỏe, may mắn, thịnh vượng, an lành, hạnh phúc.

Xuyên suốt lễ hội từ đầu đến cuối là tiếng chiêng, nhịp trống rộn ràng, nhịp nhàng và uyển chuyển tạo nên không khí lễ hội sôi động.

Lễ hội này là một phần trong Ngày hội "Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi" tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 15, diễn ra từ ngày 14 đến 16-5 này.

Đây là hoạt động truyền thống của người Cơ Tu, được UBND huyện A Lưới tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa, nhằm giới thiệu đến bạn bè, khách du lịch một nét văn hóa độc đáo của bà con người Cơ Tu còn lưu giữ đến ngày nay.

Rau trái bà con Cơ Tu làm nguyên liệu nem công chả phượngRau trái bà con Cơ Tu làm nguyên liệu nem công chả phượng

Trong không gian trang trọng của khu lưu trú 5 sao ở Đà Nẵng, những lọn rau, trái cây mọc quanh vườn nhà của đồng bào Cơ Tu được đặt lên chiếc thuyền gỗ trình diễn trong sự trầm trồ của thực khách.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên