18/05/2024 06:02 GMT+7

Ngồi cà phê một mình, sao phải chiếm hai bàn?

Rất nhiều lần chứng kiến tận mắt chuyện tưởng đùa nhưng thật ấy, đến giờ tôi vẫn không thể tìm ra được một lý do thuyết phục, bởi ngồi cà phê một mình sao cứ phải choán đến hai bàn thênh thang để làm gì?

Chuyện một người chiếm trọn hai bàn không hiếm - Ảnh minh họa: TRIỆU VÂN

Chuyện một người chiếm trọn hai bàn không hiếm - Ảnh minh họa: TRIỆU VÂN

Chuyện này hầu như chỉ xảy ra ở những quán cà phê theo phong cách tự phục vụ, nghĩa là khách tự mua nước ở quầy, tự lấy nước và tự tìm bàn.

Ậm ừ cho qua chuyện

Cà phê máy lạnh có lẽ là điểm đến lý tưởng cho một cuộc hẹn, nhất là chuỗi ngày nắng nóng kéo dài vừa qua của TP.HCM. Tuy nhiên rất nhiều lần đến đây, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh rất trớ trêu.

Một thanh niên trẻ trung, tự tin bước vào một quán cà phê trên đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận, TP.HCM) rồi chiếm trọn hai bàn, bốn ghế. Một bàn anh để laptop, bàn cạnh anh để ly nước, cùng chiếc tai nghe.

Nếu quán vắng khách, làm thế xem ra cũng tạm chấp nhận được. Nhưng không, khách vào ra liên tục, gần như không còn chỗ trống. Rõ ràng anh ấy có thể và nên sử dụng một bàn thôi.

Nhiều khách đi vào thấy anh chỉ ngồi một mình và còn bàn dư nên tiến đến hỏi. Tuy nhiên, anh thanh niên chỉ ậm ừ, lí nhí trong cổ một vài lý do gì đó. Liên tiếp nhiều khách vào và đều hỏi về chiếc bàn cạnh bên.

Có một khách nam đã nhất quyết ngồi xuống bàn cạnh trống cạnh bên, tuy nhiên cũng chẳng thể "ngồi yên" bởi liên tục đối diện với thái độ khó chịu, hậm hực của anh thanh niên. Chắc anh nghĩ mình đang bị quấy rầy.

Rất nhiều người đến rồi lại rời đi, dĩ nhiên với một tâm trạng rất khó chịu bởi quán đã chật kín bàn, trong khi một mình anh đang chiếm hai bàn. Từ đầu đến khi anh rời đi khoảng 4 tiếng, chỉ ngồi một mình.

Anh Khanh, ngụ quận Bình Thạnh, là một trong nhiều vị khách tiến đến hỏi và muốn được dùng chiếc bàn trống cạnh bên. Sau hai lần hỏi thăm, không được chia sẻ, anh rất khó chịu. "Thà anh ta choán ghế đợi bạn thì không nói, đằng này chỉ ngồi một mình, ích kỷ. Muốn rộng rãi thì về nhà đi", anh Khanh hậm hực chia sẻ.

Chuyện hai người xa lạ ngồi chung một bàn cà phê cũng thường mà - Ảnh minh họa: TRIỆU VÂN

Chuyện hai người xa lạ ngồi chung một bàn cà phê cũng thường mà - Ảnh minh họa: TRIỆU VÂN

Chờ quán ra tay mới chịu

Chuyện như trên không hiếm bởi chính tôi cũng từng rơi vào hoàn cảnh đó. Trong một lần có hẹn tại một tiệm cà phê lớn ở quận 1, khi vừa gọi xong nước mới ngớ người vì toàn bộ bàn đã có người ngồi.

Nhìn quanh mới thấy có hai người khách ngồi một mình, mỗi người đều đang dùng cùng lúc hai bàn. Tôi đến hỏi, ngỏ ý muốn dùng chiếc bàn trống cạnh bên nhưng cũng kết quả sượng người: "Em đang dùng mà".

Thấy khách loay hoay chưa có bàn ngồi, nhân viên quán cũng đã tiến đến. Chỉ đến khi nhân viên "ra tay", vị khách đó mới chịu nhường lại một bàn, với thái độ rất khó chịu.

Dĩ nhiên sẽ chẳng ngồi xuống khi người cạnh bên cứ "đá thúng đụng nia". Ngồi được 5 phút, tôi rời đi cùng nụ cười, không quên gửi lời cảm ơn đến bạn nhân viên.

Hân - 24 tuổi, nhân viên phục vụ - chia sẻ, việc khách đi một mình nhưng chiếm trọn hai bàn là không hiếm, thậm chí rất thường xuyên ở quán. Từ đó, số lần Hân cùng các đồng nghiệp ra tay giải quyết những việc như trên cũng diễn ra hằng ngày. Chủ quán cũng đã thống nhất không thỏa hiệp đối với những khách có hành vi trên.

Theo Hân, việc một số khách thích độc chiếm hai bàn là để thỏa mãn nhu cầu rộng rãi của mình. Đặc biệt, khi bàn cạnh bên không có người ngồi thì gần như một khoảng không gian rộng sẽ thuộc về họ, từ đó cũng riêng tư hơn.

"Có nhiều trường hợp là đang đợi bạn đến thật, nhưng nếu thế thì họ sẽ rất vui vẻ thông báo", Hân nói.

Con ồn ào chạy nhảy, sao mẹ vẫn thản nhiên bàn công chuyệnCon ồn ào chạy nhảy, sao mẹ vẫn thản nhiên bàn công chuyện

Bạn bè, đồng nghiệp ngồi tâm sự, bàn chuyện mà lòng cảm thấy bất an cho 2 đứa trẻ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên