​Những ngòi bút... ăn tiền!

LÊ QUANG 28/11/2014 14:11 GMT+7

TTCT - Tiến sĩ chính trị học Udo Ulfkotte là cây bút nặng ký với những ai quan tâm đến đề tài Hồi giáo vốn ngự trị làng báo quốc tế, ít nhất là từ Bin Laden.

Tiến sĩ Udo Ulfkotte - Ảnh: zukunftskinder.org
Tiến sĩ Udo Ulfkotte - Ảnh: zukunftskinder.org

Để thâm nhập lãnh địa huyền bí này, ông bắt tay với nhiều tổ chức tình báo và chợt nhận ra quá nhiều đồng nghiệp của mình trong giới truyền thông viết theo đơn đặt hàng của những thế lực giật dây!

Trong quyển sách mới xuất bản gây chấn động của mình - Nhà báo ăn tiền (*), Udo Ulfkotte vạch ra mối nguy hiểm lớn nhất cho những cơ quan truyền thông: sự mất dần lòng tin của người đọc, bởi dường như cũng ở đây nhiều chuyện mang ám khí kim tiền.

300 trang thuốc nổ

Sẽ không có sự thật tuyệt đối, sẽ có những vụ việc đến vài chục năm sau mới được giải mật, vậy người tiêu dùng thông minh trong thời đại bùng nổ thông tin cần có bộ lọc thông tin của mình để bớt hoang mang giữa các dòng chảy khác nhau.

Trước hết phải nhìn lại cả một quá trình dài để biết Udo Ulfkotte không chỉ là một nhà báo điều tra theo nghĩa thông thường. Chủ đề Hồi giáo hay thế giới Ả Rập xuyên suốt thời gian học đại học và viết luận án của ông cũng như sau này, hơn nữa ông lăn lộn trong môi trường này hơn 10 năm ở các quốc gia như Iran, Iraq, Afghanistan, Ai Cập, Oman...

Sau khi hoàn tất công trình nghiên cứu về chính sách của Mỹ và Nga ở Trung Cận Đông, ở tuổi 26 ông được chiêu mộ vào ban biên tập chính trị tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ), là nhật báo Đức danh tiếng được phát hành mạnh nhất ở nước ngoài với 305.000 ấn bản. 

Ít nhất là trong làng sách báo, Udo Ulfkotte gây sóng gió ngay từ các tác phẩm đầu tiên như “Tài liệu mật của tình báo Đức BND” (1997), “Phiên chợ của bọn móc túi” (1999, về gián điệp kinh tế thâm nhập và lũng đoạn thị trường Đức), “Chiến tranh ở các đô thị Đức” (2003, về hoạt động Hồi giáo cực đoan ở nước ngoài)...

Những tác phẩm ấy không chỉ đem lại tên tuổi cho một nhà báo trẻ, mà còn vô số phiền toái bởi sự công kích của các tổ chức Hồi giáo cực đoan hay bị cơ quan công tố khám nhà để tìm cách buộc tội làm lộ bí mật quốc gia. 

Đỉnh điểm thời sự là “quả bom” phát nổ hôm 11-9 năm nay, cuốn Nhà báo ăn tiền. Tờ Express Zeitung 27-9-2014 (Thụy Sĩ) ngả mũ khâm phục: “Chúng tôi đã đọc ngay và tin chắc rằng ngay hôm nay người ta có quyền quả quyết đây là tác phẩm mới sáng giá nhất của năm 2014”. Bởi vì, cho dù đây là chủ đề được cày xới nát bét từ khi có truyền thông, ai đọc cuốn này sẽ nhìn thế giới truyền thông bằng cặp mắt khác.

“Đó là thế giới mà cuộc sống thường nhật của nó đầy rẫy tham nhũng, móc ngoặc và câu kết nguy hiểm với thượng tầng kinh tế, chính trị và mật vụ”. Đừng quên rằng một chi tiết kiến tạo lòng tin trong sách này: Udo Ulfkotte biết rõ mình viết gì, vì ông có chân tích cực nhiều năm trong chính thế giới ấy, ngót 17 năm ở FAZ ông tận mắt chứng kiến BND cung cấp tài liệu cho ban biên tập ra sao. 

Khi CIA đưa đường chỉ lối

Trước khi lật tấm chăn phủ trên các mạng lưới âm u ấy, nhà báo Udo Ulfkotte tự sám hối trước tiên và nêu rõ trên giấy trắng mực đen là mình đã được công khai và bán công khai “tài trợ” ra sao để viết bài theo đơn đặt hàng. Như một chuyện hiển nhiên, Udo Ulfkotte cũng như nhiều đồng nghiệp khác trượt dần vào vòng kiềm tỏa của thế lực tài chính.

Hệ quả của sự bán mình đó, ngoài những món nhuận bút hậu hĩnh hay lời mời đi tác nghiệp qua 60 quốc gia (!) là một tấm giấy mà ông muốn giấu đi chẳng được: người Mỹ tặng ông danh hiệu Công dân danh dự cho việc quảng bá bộ mặt tích cực (không phải không có thật) của Hoa Kỳ.

Vấn đề ở đây không đơn giản chỉ là một công ty nào đó dúi tiền vào túi nhà báo để mua một bài viết có lợi, ví dụ ca ngợi một loại thuốc trị trầm cảm hay tung tin sóng điện thoại di động hoàn toàn không hại đến sức khỏe.

Nhờ Udo Ulfkotte mà ta biết đích danh các “công ty” đó, vốn mang những cái tên sáng láng như Atlantik-Bruecke (Hội phát triển quan hệ Đức - Mỹ), Trilateral Commission (Hội tư vấn kinh tế Mỹ - Âu - Nhật, gồm 400 nhân vật đình đám chuyên làm cầu nối giữa chính khách và kinh tế tư nhân, do con trai tỉ phú John D. Rockefeller “gợi ý” thành lập), Quỹ German Marshall Fund (thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế và xã hội Đức - Mỹ), American Council on Germany (Hội đồng Mỹ, chủ tịch: Henry Kissinger), Viện trao đổi văn hóa American Academy, The Aspen Institute (theo đuổi tôn chỉ “phi đảng phái, phi lợi nhuận, nghiên cứu các vấn đề thời sự phức tạp nhất trong chính trị”)...

Trong Nhà báo ăn tiền, Udo Ulfkotte không chỉ nói khơi khơi mà nêu đích danh hàng trăm cây bút chuyên viết một chiều cho “nhà tài trợ” và, bất kể có chủ ý hay không, biến thành “cánh tay nối dài cho Cục Báo chí của NATO (...) góp phần chuẩn bị chiến tranh bằng phương tiện truyền thông” (Phi lộ của Nhà xuất bản KOPP).

Ăn cây nào rào cây ấy, nhiều tờ báo danh tiếng ở Đức vô hình trung đưa ra thông tin phiến diện. Tác giả không ngần ngại phân tích quan hệ hậu trường giữa các hội đoàn lobby với giới tình báo, tiết lộ cho người ngoại đạo các mánh lới trong kỹ thuật tuyên truyền, thậm chí còn tỉ mẩn chụp lại các mẫu đơn xin hỗ trợ tài chính của tòa đại sứ Hoa Kỳ cho các dự án tác động đến dư luận ở Đức.  

“Whistleblower” như Edward Snowden?

Trung tuần tháng 10 vừa qua, kênh truyền hình quốc gia RT của Nga đã cho Ulfkotte 13 phút để lên tiếng, cũng là một phần trong mối liên quan đến cuộc chiến bút mực chống lại nước Nga sau sự kiện Crimea.

13 phút trên màn ảnh nhỏ là một thời lượng đáng nể, thường chỉ dành cho sự kiện hay nhân vật nào thật sự có ảnh hưởng. Lập tức Ulfkotte được tôn vinh là một “người thổi còi” - Whisterblower, người dũng cảm tiết lộ bí mật hậu trường như một Snowden. Tính đến tuần đầu tháng 11-2014, video đó đã được hơn 300.000 người vào xem.

Trong 13 phút bộc bạch, thông điệp của Ulfkotte muốn vạch ra khía cạnh tai hại của truyền thông, khi nó không chỉ phục vụ sứ mệnh cung cấp thông tin mà còn tạo dư luận theo chiều hướng nhất định.

Ulfkotte dẫn chiếu một trải nghiệm bản thân từ năm 1988 khi được cử qua Iraq làm phóng sự về quân đội của Saddam Hussein tấn công Iran bằng chất độc hóa học trên bình diện rộng. Ông phát hiện Iraq chỉ có thể sản xuất được loại hơi ngạt đó với sự hỗ trợ của một vài doanh nghiệp Đức!

Vì những lý do dễ hiểu trong quá khứ của chế độ quốc xã thời Hitler, báo chí Đức hồi ấy tương đối dè sẻn thông tin về vụ này, đơn giản là 40 năm sau Thế chiến II không ai muốn động chạm đến khái niệm “hơi ngạt” mà con số nạn nhân lên tới vài vạn.

Hơn thế nữa, Saddam Hussein còn sát hại lực lượng chống đối của người Kurd bằng vũ khí hóa học cùng loại. 

Sẽ không có sự thật tuyệt đối, sẽ có những vụ việc đến vài chục năm sau mới được giải mật, vậy người tiêu dùng thông minh trong thời đại bùng nổ thông tin cần có bộ lọc thông tin của mình để bớt hoang mang giữa các dòng chảy khác nhau.

Với xuất phát điểm ấy, Ulfkotte muốn nhấn mạnh rằng dưới áp lực hay nhờ sự cám dỗ vật chất đến từ bộ máy tuyên truyền của Mỹ, nhiều nhà báo đã bẻ cong ngòi bút của mình. Ông còn liên tưởng đến một nghi vấn lờ mờ khi mới vào nghề, còn đang ngây ngất vì được tuyển vào báo FAZ từ xưa đến nay vẫn được coi là một trong những báo nghiêm túc nhất khu vực Đức ngữ.

Ngày ấy ông tiếp xúc với Willy Wimmer của Đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo, ngoài công tác nghị sĩ còn là quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng kiêm người phát ngôn về chính sách quốc phòng của liên đảng CDU/CSU.

Thổ lộ của ông với Wissenmanufaktur, trang mạng của Viện nghiên cứu kinh tế xã hội, Wimmer kể: “Tôi quen một lãnh đạo báo FAZ từ mấy chục năm và được biết có những hôm State Department (Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ) gọi điện trong đêm trước khi báo lên khuôn, và sáng hôm sau xuất hiện một bài báo như mong muốn”.

Thật thế? Thẩm quyền đánh giá nằm ở bạn đọc, liệu Hoa Kỳ có quyền ấn định nội dung của một tờ báo Đức danh tiếng, luôn thượng tôn vị thế độc lập khách quan? Những câu hỏi tương tự hiện gây chấn động không chỉ trong làng báo. 

Tìm hiểu phản ứng của người đọc 

Trước khi Nhà báo ăn tiền ra quầy sách, tạp chí Spiegel có tiến hành một thăm dò dư luận, thiết tưởng cũng ít nhiều nằm trong tiếng ồn chung về các quyền lực ở Đức. Điều tra này là một tiểu mục trong Phong vũ biểu toàn cầu về tham nhũng (Global Corruption Barometer) xuất bản thường niên.

Người Đức chấm điểm theo thang từ 1 (không có tham nhũng) đến 5 (cực tệ hại), và truyền thông nhận được lời khen khá trân trọng với 3,6 điểm, trong khi các chính đảng chỉ được trao 3,8 điểm.

Lý do: ngày càng nhiều người Đức cứ nhắc đến báo chí là liên tưởng tới lá cải, như giáo sư Christian Schicha ở Đại học Mediadesign (Duesseldorf) cho biết ông không ngạc nhiên khi đón nhận kết quả đó.

Ở đây, theo Schicha, khái niệm “tham nhũng” không hẳn chính xác, vì người tiêu dùng chỉ ám chỉ cách làm báo theo kiểu giật gân chứ ít quan tâm đến chủ đề nghiêm túc.

Nói cách khác, nhiều nhà báo không chịu bỏ công nghiên cứu và phân tích bối cảnh hậu trường, mà tung tin trần trụi để “câu view”, quên rằng chính cách làm báo hời hợt ấy đọng lại rất lâu trong trí nhớ của người bỏ tiền mua thông tin. 

Global Corruption Barometer 2013 được tiến hành tại 107 quốc gia do Tổ chức Minh bạch quốc tế ủy quyền, họ phỏng vấn 114.270 người dân trực tiếp hay gián tiếp trong vòng ba tháng cuối năm. Với quy mô ấy, kết quả ít nhiều mang tính đại diện, và trong trường hợp này không khác một lời cảnh báo cho nhiều đối tượng.

Nguyên văn trong sách đã dẫn: “Chính tôi cũng ăn tiền”. Hôm nay Udo Ulfkotte xấu hổ trước người đọc và trước chính mình. Và lợm giọng trước hào quang giả tạo mà nhiều đại diện của quyền lực thứ tư tự tạo cho chính bản thân họ, đồng thời không hề ngần ngại bán mình cho cỗ máy lèo lái dư luận trong bóng tối.

(*): Nhà báo ăn tiền - Chính khách, tình báo và tài phiệt Đức lèo lái truyền thông đại chúng như thế nào, Udo Ulfkotte, Nhà xuất bản KOPP 2014.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận