​Kỷ lục

ĐỖ PHẤN 16/04/2015 19:04 GMT+7

Hà Nội từng là một thành phố xanh được thế giới công nhận. Nay có lẽ sắp được công nhận là thành phố hoa. Không phải thành phố như Đà Lạt trồng hoa mà là hoa giả chăng đầy trên những con phố lớn...

Tranh Lê Thiết Cương

Đã có rất nhiều kỷ lục được công bố thời gian vừa qua: bát mì quảng khổng lồ cho 150 người ăn. Cặp bánh chưng 7 tạ. Mũ tai bèo chu vi 28m làm bằng 200m2 vải và 2 tạ sắt. Rồi còn giò chả dài như toa tàu hỏa. Bánh xèo đường kính 2m. Bánh khoái đường kính 3m. Bánh tét dài 33m. Người lớn lập kỷ lục, trẻ con cũng lập theo, các học sinh Trường THPT Việt Đức làm chiếc bánh gatô 110kg tặng các thầy cô giáo nhân ngày 20-11.

Nhìn vào những kỷ lục phần lớn có xu hướng giải quyết khao khát chuyện ăn mặc ấy, người có chút nghĩ ngợi không khỏi phiền lòng. Không những nó lãng phí, vô bổ và vô duyên mà còn như ngầm thông báo một kiểu thắng lợi tinh thần. Đại khái trước đây cả nhà chia nhau mỗi người một góc bánh chưng nhọn hoắt thì nay đã có thể thưởng thức chiếc bánh khổng lồ to hơn căn hộ tập thể ngày ấy. Đấy là còn chưa nói đến chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm khi chiếc bánh gatô được làm giữa sân trường không mái che, có hàng nghìn học sinh đang nô đùa chạy nhảy đảm bảo không có hạt bụi nào kịp rơi xuống đất.

Và các kỷ lục gần đây hướng đến kích thước khổng lồ như một niềm tự hào hơn là công dụng của nó. Chùa chiền miếu mạo khổng lồ. Tượng Phật khổng lồ nhưng những lý thuyết kinh bổn thờ tự vẫn thế. Sân bay nhà ga khổng lồ nhưng chậm chuyến, hoãn chuyến vẫn y nguyên. Lạ lùng nhất là bức tranh ghép gốm khổng lồ với chiều dài 6km trên đoạn đê sông Hồng chảy qua Hà Nội. Nó đã lập kỷ lục không liên quan gì đến nghệ thuật mà đơn giản chỉ là chiều dài đoạn đê ấy đã lập kỷ lục từ rất nhiều năm trước.

Vài trăm trường đại học cả nhà nước và tư nhân mở ra vẫn chưa đủ chỗ cho tinh thần hiếu học của cả phụ huynh và học sinh. Họ vẫn tìm đường đi học nước ngoài. Hàng nghìn bệnh viện cả tư nhân và nhà nước trông rất bao la, hoành tráng nhưng người Việt vẫn vác tiền ra nước ngoài chữa bệnh. Đó là còn chưa kể vài bác nông dân vui tính mày mò chế tạo cả máy bay, tàu ngầm. Dĩ nhiên phải nhập ngoại từ con ốc vít. Điều này đã được chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài VAFIE cho biết. Con ốc vít bé tẹo đã khẳng định vị trí của mình không bao giờ lọt vào tầm ngắm lập kỷ lục Việt.

Thật ngạc nhiên, những thứ cần có kỷ lục đem lại vinh quang cho đất nước lại vô cùng hiếm hoi. Cứ nhìn vào thể thao nước nhà là thấy ngay. Bóng đá năm nào cũng bán độ và về sau. Các môn khác cũng chật vật với huy chương không phải màu vàng.

Nhìn sang văn hóa cũng vậy thôi. Những thành tích văn chương, nghệ thuật tự phong nhiều vô kể. Và chỉ có một thành tích gần với sự thật: Việt Nam là một “cường quốc thơ”. Căn cứ vào số người làm thơ? Có thể điều này lại làm phật lòng không ít nhà thơ khi phải đứng trong hàng ngũ đông đảo của cả một “cường quốc”. Đã gọi là sáng tác thơ ca thì làm gì có ai hạng nhì cơ chứ. Chúng ta ai chẳng đã được học ngay từ phổ thông những vần thơ hạng nhất là gì?

Thế nhưng kỷ lục không hẳn toàn những chuyện được công bố với nghĩa ngợi ca. Vừa rồi cảnh sát giao thông Hà Nội đã bắt được ba “kỷ lục gia” đi xe máy “siêu trường” trên cầu Chương Dương. Họ kéo theo những tấm tôn lợp nhà dài hơn cả chiếc xe buýt làm cầu tắc nghẽn hàng giờ.

Lại có kỷ lục do ông chủ tịch Nghị viện Thụy Điển sang họp IPU vừa phát hiện. Đó là chỉ trong vòng 30km ông ấy đi từ Hà Nội sang Bắc Ninh đã chứng kiến ba tai nạn giao thông. Điều mà suốt hơn 50 năm ở Thụy Điển ông chưa từng thấy.

Hà Nội từng là một thành phố xanh được thế giới công nhận. Nay có lẽ sắp được công nhận là thành phố hoa. Không phải thành phố như Đà Lạt trồng hoa mà là hoa giả chăng đầy trên những con phố lớn Bà Triệu, Tràng Thi, Hàng Bài, Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên Phủ… Kèm theo những bông hoa giả bằng vải màu sặc sỡ đỏ là đèn nhấp nháy suốt đêm. Thứ thẩm mỹ này đã có mặt mấy năm nay ở thành phố. Đủ thời gian thử thách để công nhận là kỷ lục rồi thì phải!                  

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận