​Con đường tự chủ của Myanmar

HỮU NGHỊ 02/11/2014 08:11 GMT+7

TTCT - Trên con đường thay đổi, từ bám vào “láng giềng lớn” sang tự quyết, như mọi chính phủ khác, chính quyền Myanmar nay phải chọn lợi ích quốc gia trên hết.

Một góc cảng nước sâu Kyaukpyu, địa điểm kết nối với Côn Minh bằng tuyến đường sắt thông qua dự án ký bản ghi nhớ vào tháng 4-2011 và đã được Myanmar bãi bỏ hồi tháng 7-2014
Một góc cảng nước sâu Kyaukpyu, địa điểm kết nối với Côn Minh bằng tuyến đường sắt thông qua dự án ký bản ghi nhớ vào tháng 4-2011 và đã được Myanmar bãi bỏ hồi tháng 7-2014

Việc Myanmar lại đang “lình xình” với Trung Quốc về quyết định bỏ dự án đường sắt nối Côn Minh với cảng nước sâu Kyaukpyu của Myanmar cho thấy chính quyền Myanmar hiện đang giải quyết câu chuyện hợp tác láng giềng với mọi quyết tâm cần thiết vì sự tồn vong của quốc gia, dân tộc.

Đã có giai đoạn dài mấy mươi năm, hầu như Myanmar chỉ quan hệ với Trung Quốc do bị cấm vận vì vi phạm nhân quyền. Trong giai đoạn đó, giới quân nhân lãnh đạo luôn hăng hái các hiệp định hữu nghị với Trung Quốc.

Thậm chí cho đến những ngày cuối cùng trước khi rời chính trường, họ ủy quyền cho tướng vừa giải ngũ Thein Sein gánh vác việc nước, ký cả lô hiệp định vô cùng hữu hảo với Trung Quốc. Từ ba năm nay, quan hệ “răng liền răng” đã giảm nhiều, tuy quân đội vẫn giữ thói quen chỉ mua vũ khí từ Trung Quốc.

Ngày 30-9-2011, Tổng thống Thein Sein đã “chào sân” bằng quyết định đối ngoại chưa từng thấy ở Myanmar: đơn phương ngưng dự án đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỉ USD mà Trung Quốc định xây ở đầu nguồn sông Irrawaday, với giải thích duy nhất là “đập này đi ngược với ý nguyện của dân chúng”.

Bắc Kinh không giấu giếm bực tức, nhất là khi “không hề được tham khảo trước đó”. 

Kinh tế hữu hảo được gì? 

Điều gì đã khiến ông Thein Sein đi đến quyết định đó? Những ai mê “gió Đông” có thể cho rằng đó là để đón... “gió Tây”. Song có một thực tế là ông Thein Sein hay bất cứ tướng lĩnh của Hội đồng hòa bình và phát triển (SLORC) trước khi rủ nhau rời chính quyền, chấp nhận “buông rèm”, để đổi lấy bỏ cấm vận làm nghèo đất nước này, cũng không thể không nhìn lại xem mấy mươi năm hữu hảo với Trung Quốc thật ra được gì.

Đó là chưa kể vào những năm cuối cùng của chế độ quân nhân, “hàng xóm lớn” của mình không ngớt động thủ với các hàng xóm khác trên biển Đông và vẽ ra một biên cương mới lấy “đường 9 đoạn” làm cơ sở: trên biển đã lấn chiếm như thế thì trên đất liền sẽ ra sao, nếu như sẵn đó những đường cao tốc, đường xe lửa nhanh?

Như mọi chính phủ khác, chính quyền Myanmar nay phải chọn lợi ích quốc gia trên hết.

Tất nhiên, để thay đổi từ bám vào “láng giềng lớn” sang tự quyết, êkip lãnh đạo Myanmar không thể không đánh giá lợi ích của việc hợp tác đã đem lại.

Trong biên khảo “Chinese Foreign Direct Investment in Myanmar: Remarkable Trends and Multilayered Motivation”, Travis Mitchell của Đại học Lund (Thụy Điển) nghiên cứu các xu hướng đáng kể cùng các động cơ nhiều tầng lớp trong việc đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Myanmar.

Căn cứ trên số liệu thống kê của Trung Quốc, tác giả đã chỉ ra rằng từ năm 2004-2010, Trung Quốc đã tăng đầu tư từ chỉ 20,18 triệu USD năm 2004 lên đến 1.946,75 triệu USD năm 2010. Tròn số là từ 20 triệu lên 2 tỉ USD chỉ trong vòng sáu năm (tr.23). 

Rõ ràng, trong hầu hết khoảng thời gian Myanmar bị phương Tây cấm vận, Trung Quốc chẳng làm gì cả gọi là giúp Myanmar phát triển kinh tế, mãi đến khi tình hình cấm vận sắp sáng sủa mới ồ ạt đổ vào.

Bất cứ ai đã đến Myanmar cuối năm 2010 khi Vietnam Airlines mở đường bay đi Yangoon đều có thể cảm nhận cái “nghèo rớt mồng tơi” do bị cấm vận của Myanmar cùng những ngôi chợ chỉ rặt hàng hóa rẻ tiền Trung Quốc. 

Thế tại sao trong giai đoạn một mình một chợ từ năm 2004-2010, Trung Quốc lại ồ ạt đầu tư? Tác giả Travis Mitchell nhận xét: “Rõ ràng Trung Quốc đã không quyết định đầu tư bạc tỉ USD vào Myanmar chẳng vì lý do gì hay vì lý do nhân đạo.

Trái lại, không một chút hồ nghi, đó là một tính toán nhằm đáp ứng những thay đổi trong môi trường kinh tế cùng các nhu cầu của chính các công dân của mình. Và Myanmar lúc đó hiện ra như một lời giải, cả trong tạm thời lẫn trong lâu dài.

Trong thực tế, lợi ích kinh tế của Trung Quốc có thể gói gọn trong vấn đề hiện đang rất nóng bỏng là tài nguyên thiên nhiên. Gần đây, Trung Quốc đã triển khai nhiều dự án ồ ạt nhằm tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên của Myanmar, chủ yếu là dầu, khí tự nhiên, thủy điện, nickel.

Qua đảm bảo được nguồn năng lượng và nguyên liệu thô này, Trung Quốc có thể thỏa mãn các nhu cầu của mình trong lúc này và xa hơn nữa”. 

Đầu tư chủ yếu vào khai thác tài nguyên, thế Trung Quốc đầu tư vào gì ít nhất ở Myanmar?

Theo tác giả, “trong khi trên khắp thế giới công nghiệp dịch vụ chính là lĩnh vực đáng kể nhất mà Trung Quốc đầu tư ra bên ngoài, thì nhất định đó không phải là ngành được Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ vào Myanmar: 58% cho khai khoáng (tức 10,2 tỉ USD) và 41% cho năng lượng (tức 8,2 tỉ USD), chỉ 1% cho công nghiệp chế biến và nông nghiệp...” (tr.40).

Nguồn: Cơ quan thống kê trung ương (Ấn Độ)
Nguồn: Cơ quan thống kê trung ương (Ấn Độ)

Mượn sức dân mà đứng thẳng

Biên khảo của Travis Mitchell chỉ là một trong vô vàn nghiên cứu về Myanmar. Và may mắn thay, giới học thuật cũng như các tướng lĩnh Myanmar nhờ di sản chế độ thực dân Anh chưa bị đứt quãng nên thừa khả năng nắm bắt các vấn đề và kịp thời tự mình đọc các tài liệu này cùng báo chí nước ngoài.

Chính điều này đã giúp họ thức thời, chịu rút ra khỏi sân khấu chính trị để đổi lấy sự bãi bỏ cấm vận và đã nhanh chóng chọn lựa điều chỉnh chính sách với Trung Quốc.

Luận cứ mà chính quyền Myanmar, từ tổng thống đến bộ trưởng đường sắt, khi loan báo hủy dự án xây đập hoặc dự án đường sắt Côn Minh đều dựa sức dân, từ phát biểu “đập này đi ngược với ý nguyện của dân chúng” của Tổng thống Thein Sein tháng 9-2011, đến “dân chúng chưa được tham khảo” của bộ trưởng đường sắt tháng 7 năm nay. 

Chính vì vậy khi nhắc rằng hai nước từng thỏa thuận đẩy tới dự án này sau khi đã có đánh giá tác động đầy đủ, người phát ngôn Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Yangoon phải tham vấn lại Bắc Kinh về việc này. Thay vì đôi co, Chính phủ Myanmar đã để mặc cho dân chúng trả lời.

Tổ chức chuyên bảo vệ các con sông của Myanmar Burma Rivers Network, đứng ra đại diện các cộng đồng dân cư bị tác động bởi dự án thủy điện, trả lời rằng “Bắc Kinh đã chỉ thương thuyết đầu tư với chính phủ quân nhân mà không xem xét đến ý nguyện của dân chúng”.

Thậm chí thông cáo của tổ chức này còn đưa phía nhà đầu tư Trung Quốc, Tập đoàn China Power Investment (CPI), vào thế việt vị: “Dân làng ở địa điểm xây đập, nhiều tổ chức chính trị và cộng đồng dân cư, các tổ chức nhân quyền quốc tế đã tìm cách tiếp xúc và thảo luận các mối quan tâm đến tác động và tiến trình dự án.

Cho dù CPI chưa bao giờ đáp ứng các cố gắng tiếp xúc đối thoại này thì CPI cũng không thể giả điếc cho rằng không biết gì về cảm tưởng của dân Myanmar về dự án này. Có thể thấy CPI đã quên rằng từ khi ở Myanmar dân chúng bắt đầu đi bỏ phiếu cũng là từ đó mọi việc chung sẽ phải bàn với dân, từ Nhà nước Myanmar đến CPI.

CPI có thể “mũ ni che tai” trước dân chúng ở đại lục, chứ không thể ra nước ngoài mà bất cần không biết dân chúng là gì. 

Chuyện phải xem trọng ý dân nước sở tại là điều mà Trung Quốc chưa hay biết. Ngay cả quân đội Mỹ cũng bị dân Philippines biểu tình đòi “cút đi” sau khi một binh sĩ Mỹ giết chết một người dân nước này vì phát giác ra “cô đào” mình ôm ấp là trai cải giống! Cho dù Philippines có cần quân đội Mỹ giúp trước làn sóng Trung Quốc, song chọc tới dân chúng là có chuyện ngay!

Tổ chức Burma Rivers Network cũng long trọng lưu ý ông Hồng Lỗi rằng: “Các kỹ sư Trung Quốc vận hành con đập sẽ quyết định xả nước hạ lưu bao nhiêu là tùy lệnh từ Bắc Kinh. Và như đã từng thấy với dòng Mekong, điều này có thể gây ra những cơn lũ dâng hoặc cạn kiệt dòng sông không lường trước được”. 

Không thích những hành lang này

Đến ngày 20-7 năm nay, Bộ Đường sắt Myanmar loan báo ngưng dự án xây dựng tuyến đường sắt nối liền Côn Minh của Trung Quốc với cảng Kyaukpyu của Myanmar, với lý do bản ghi nhớ hai bên từng ký vào tháng 4-2011 đã hết hiệu lực ba năm.

Ngay khi mới bắt đầu đàm phán, phía Myanmar cũng đã tỏ rõ rằng việc các bang và tỉnh thành Myanmar có hưởng lợi gì đó nhờ tuyến đường sắt này cũng là rất khiêm tốn so với mối lợi khổng lồ mà phía Trung Quốc thu được, lớn hơn nhiều so với 20 tỉ USD mà Trung Quốc định bỏ ra.

Đường sắt chạy suốt lãnh thổ Myanmar này sẽ không chỉ mở đường ra biển cho các tỉnh tây nam Trung Quốc, mà còn giúp dầu hỏa nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu trên biển của Trung Quốc khỏi phải đi qua eo biển Malacca đầy nguy hiểm và cả biển Đông. Và nay Bộ Đường sắt Myanmar thẳng thắn thông báo: “Dư luận nước chúng tôi không đồng ý”. 

Đây là một dấu hiệu cho thấy nhà cầm quyền Myanmar nay vừa nghe ý dân, vừa đặt lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng. Trước sự kiên quyết đồng lòng của dân chúng và chính quyền Myanmar, một tờ báo hung hãn có tiếng của Trung Quốc đã chỉ có thể viết rằng “Bắc Kinh sẽ tôn trọng trọn vẹn công luận Myanmar về vấn đề xây dựng tuyến đường sắt này”!

Nay Myanmar đã “ớn” đến mức Trung Quốc bỏ tiền ra xây cũng không ưng. Coi như tạm bế tắc một nhánh trong mớ hành lang đầy tham vọng của Trung Quốc chạy khắp tiểu vùng Mekong bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc, trong đó có hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, mà Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra từ năm 1998.

Năm đó, Trung Quốc chưa xưng hùng xưng bá nên các nước ASEAN còn hoan hỉ nối đường sá với Trung Quốc để cho Côn Minh và Vân Nam thôi bị “nhốt” trong đại lục, có đường ra biển.

Con đường tự chủ của Myanmar không trên cơ sở những “chỗ dựa” đó đây, mà trên cơ sở điều gì lợi hơn, ít hại hơn cho đất nước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận