​Cá tra Việt và cuộc khủng hoảng chưa lối thoát

ANH NGUYỄN THỰC HIỆN 13/04/2015 23:04 GMT+7

“Vấn đề từ bên trong của VN chủ yếu là nâng cao chất lượng sản phẩm và tránh cạnh tranh hủy hoại nhau” - cô Laura Chirot, Học viện MIT (Mỹ), người đang làm đề tài tiến sĩ về sự phát triển của ngành hải sản Việt Nam với sự hợp tác của Chương trình giảng dạy Fulbright (FETP), trao đổi với TTCT về những vấn đề của ngành cá tra Việt Nam.

Cô Laura Chirot - Ảnh: T.T.

Quan sát của chị từ chuyến đi mới đây tới ĐBSCL về tình hình kinh doanh cá tra?

- Chuyến đi gần đây nhất chúng tôi nói chuyện với quan chức các tỉnh Đồng Tháp và An Giang, các doanh nghiệp, một số nông dân và các hiệp hội.

Ngành nuôi cá tra bắt đầu khủng hoảng kể từ năm 2008. Khi giá giảm thì nông dân phá sản, rồi rất nhiều mâu thuẫn giữa nông dân với các công ty chế biến. Các công ty trong năm năm vừa rồi đã nhân cơ hội mua rất nhiều vùng nguyên liệu. Số liệu gần nhất tôi có được cho thấy khoảng 70% sản lượng cá tra được các nhà máy tổ chức nuôi theo chuỗi, hoặc công ty nuôi hoặc liên kết các hộ.

Trong khi đó, thời kỳ trước 2007-2008 thì đến 80% việc nuôi cá là của nông dân cá thể. Như vậy có sự thay đổi rất lớn trong giai đoạn ngắn với sự hợp nhất của chuỗi cung ứng này.

Sau năm năm bàn luận về tăng chất lượng cá và giảm tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, VN có nghị định 36/2014/NĐ-CP về tái cơ cấu ngành cá tra và sự ra đời của Hiệp hội Cá tra. Nhưng cho đến giờ việc triển khai nghị định 36 rất chậm, có rất nhiều phản đối của các doanh nghiệp ở góc độ xuất khẩu, chế biến và cả góc độ nuôi cá.

Khi tiếp xúc, các doanh nghiệp phản đối nghị định 36 là quá chặt. Chị nghĩ sao?

- Nghị định 36 quy định hai yêu cầu kỹ thuật chính gây tranh cãi: một là về độ ẩm và hai là về tỉ lệ mạ băng. Về cơ bản thì mọi người đều đồng ý nguyên tắc là phải nâng cao chất lượng và hình ảnh của cá tra VN. Vấn đề lúc này là thực hiện thế nào.

Nghị định 36 có lấy ý kiến rất nhiều doanh nghiệp nhưng khi nghị định ra thì rất nhiều doanh nghiệp thấy không khả thi mà chỉ khiến họ mất thị trường mà thôi. Có doanh nghiệp nói nếu triển khai ngay từ tháng 1-2015, họ sẽ phải đóng cửa ngay tức khắc.

Nghiên cứu của tôi là về câu chuyện thành công của VN trong ngành công nghiệp hải sản, đặc biệt là trong 10 năm đầu tiên. Đây là bài học có thể áp dụng ra các ngành như xuất khẩu nông sản.

Hải sản là ngành đầu tiên áp dụng quy chuẩn quốc tế HACCP về chế biến, chuyển từ xuất khẩu thô với hàng tôm đông lạnh sang rất nhiều loại tôm chế biến khác nhau, cạnh tranh được với Thái Lan trong nhiều mặt hàng chế biến. Chất lượng và các nhà máy chế biến đều ở đẳng cấp rất cao.

Tôi nghĩ một trong những nguyên nhân khiến điều đó diễn ra nhanh với hải sản là vì ngành đó hướng về xuất khẩu hoàn toàn và yêu cầu chất lượng đối với hải sản là tương đối cao.

Có rất nhiều bài học từ ngành thủy sản mà các ngành như cà phê, cao su, rau củ quả... chưa thử áp dụng trong quá trình tăng giá trị của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nâng cao chất lượng sản phẩm cá là cần thiết. Nhưng những kinh nghiệm như cà phê Colombia, cá hồi Scotland hay nông sản Brazil - những nông sản với chất lượng rất tốt - thì doanh nghiệp rất cần được tham gia ngay từ đầu trong quá trình đưa ra các tiêu chuẩn. Các tiêu chuẩn hiện tại chính phủ đưa ra thì rất khó.

Như vậy chị nghĩ là các quy định hiện tại quá chặt và không khả thi? Chúng ta có thể so sánh với các nước khác có cùng ngành này.

- Hơi khó để so sánh cá tra với các sản phẩm cá khác vì đặc trưng của loài này. Khi tôi trao đổi với những khách hàng mua cá tra (từ các nước), họ nói loại cá này có thể hấp thụ lượng ẩm rất lớn, khác nhiều các loại cá khác như cá rô phi chẳng hạn. Nên đây là cái kẽ để doanh nghiệp VN tăng thêm độ ẩm với cá.

Và hầu hết thị trường nhập khẩu cá không có quy định về độ mạ băng hay độ ẩm, họ thường chỉ muốn độ mạ băng hay độ ẩm này được ghi rõ ràng trên bao bì.

Nói cách khác, nghị định này đang gây khó dễ cho các công ty và nông dân?

- Định hướng nghị định phù hợp với yêu cầu chặt hơn về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm... Khó khăn nhất chính là các công ty. Rất nhiều công ty nói họ sẽ mất khách hàng nếu buộc phải áp nghị định 36 (giá thành tăng). Điều này sẽ tác động gián tiếp lên nông dân.

Có vài lý do mà công ty xử lý cá như vậy: một số là vì mùi vị, một số là để giữ đông và một số là để giảm chi phí. Nếu có quy định ngặt nghèo vậy với hàng xuất khẩu thì giá chắc chắn phải tăng và sẽ khiến các công ty rất khó khăn.

Thật ra trên một số khía cạnh thì ngành hải sản VN thật sự là một thành công. Ngành công nghiệp hải sản này từ giữa những năm 1990 chỉ xuất khẩu chừng 800 triệu USD/năm tới Đông Á. Đến đầu những năm 2000, VN xuất khẩu sang những thị trường có đòi hỏi khắt khe nhất về chất lượng là EU và Mỹ.

Đó là nỗ lực chung rất lớn giữa Bộ Thủy sản (trước kia) và VASEP, hỗ trợ kỹ thuật từ Đan Mạch để nâng cấp các nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn HACCP. Các cơ sở chế biến thủy sản ở VN hiện nay, không chỉ là cá tra, thực tế thường là các cơ sở tốt bậc nhất trên thế giới, cả về vệ sinh và an toàn thực phẩm.

Từ nghiên cứu của chị thì những khủng hoảng cá tra hiện nay là vì nuôi cá quá nhiều hay từ rào cản của các nước nhập khẩu hay từ đâu?

- Tôi nghĩ là có cả các vấn đề bên trong và bên ngoài. Bên trong chúng ta đã nói nhiều về mâu thuẫn giữa người nuôi cá với các công ty. Khi chuỗi cung cấp hợp nhất lại, vấn đề này có vẻ bớt đi vì hoặc là công ty tự làm hoặc là công ty - nông dân có thỏa thuận. Như vậy trong nước, vấn đề chủ yếu là nâng cao chất lượng sản phẩm và tránh cạnh tranh hủy hoại nhau - các công ty đua nhau hạ giá xuống đáy.

Với bên ngoài, ngành cá tra VN đã có hơn 15 năm kinh nghiệm đối với các hàng rào thuế quan và phi thuế quan cả ở Mỹ và EU: Quốc hội Mỹ nói cá tra, cá ba sa VN không thể lấy nhãn cá da trơn, rồi bán phá giá..., với EU là hàng loạt các bài tấn công, các chiến dịch PR chỉ trích chất lượng vệ sinh sản phẩm của cá. Nay với Mỹ lại là quy định mới về giám định cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ, dù chưa được áp dụng nhưng có vẻ sẽ được áp bất cứ lúc nào.

Nếu chương trình giám định mới này được áp dụng thì sẽ chặn hoàn toàn cá tra xuất khẩu từ VN vào Mỹ. Các quy định mà họ muốn áp dụng về cơ bản là không thể đáp ứng được, họ đòi hỏi các điều kiện sản xuất của cá tra nhập khẩu là phải tương đương với cơ sở sản xuất ở Mỹ.

Tôi nghĩ VASEP và Chính phủ VN đã rất nỗ lực việc này. Họ có sự ủng hộ từ các nhà nhập khẩu Mỹ vận động chống quy định này. Đó sẽ là rào cản nghiêm trọng.

Xin chị giải thích rõ vì sao mà nó có thể cắt hoàn toàn nhập khẩu cá tra vào Mỹ?

- Trước kia, cơ quan thực phẩm liên bang FDA kiểm soát hải sản, Bộ Nông nghiệp kiểm soát các thực phẩm khác. Giám sát mới chuyển sang Bộ Nông nghiệp và bộ này thường làm chặt hơn.

Thứ hai, quy định “tương đương” với tiêu chuẩn của Mỹ từng được áp dụng với mặt hàng thịt gà của Thái Lan từ năm 2001 và cho đến giờ Thái Lan vẫn chưa thể xuất khẩu được gà trở lại Mỹ. Các chuyên gia về thương mại nói điều này sẽ cắt hoàn toàn cá tra VN vào Mỹ, nhanh thì là 3-4 năm, còn chậm có thể đến cả thập kỷ.

Đâu là các vấn đề khác mà chị thấy đối với ngành cá tra?

- Có một số vấn đề lớn, vấn đề nội tại và cùng với đó là chuyện các công ty ngày càng cạnh tranh không lành mạnh. Tôi không có con số cụ thể nhưng rõ ràng là có tỉ lệ nợ xấu rất cao trong ngành cá tra và ba sa. Vào lúc cao điểm có khoảng 100 cơ sở chế biến cá tra ở ĐBSCL - thế là rất lớn. Phần lớn số đó giờ “hoạt động cầm chừng” hoặc đã đóng cửa nhưng lại không thể tuyên bố phá sản vì những lý do khác nhau.

Khi tôi nói chuyện với các doanh nghiệp Mỹ về các doanh nghiệp VN ở ĐBSCL, họ đều nói đó là các cơ sở tốt nhất thế giới - kể cả với các nước phát triển hay đang phát triển. Các nhà chế biến VN hoàn toàn có thể đáp ứng tiêu chuẩn thế giới. Các công ty này giờ đều là các công ty lớn có hệ thống cung cấp riêng ngày càng tích hợp với họ.

Thách thức giờ thật sự là ở các trang trại nuôi cá. Làm thế nào để đảm bảo được chuyện truy tìm xuất xứ. Ví dụ người mua Walmart bên Mỹ chọn một sản phẩm từ VN thì làm sao khi scan mã hàng họ có thể không chỉ biết cá đến từ công ty nào, đến từ tỉnh nào, huyện nào mà thậm chí là từ cái ao cá nào ở đó. Trên khía cạnh nào đó, thực hiện việc đấy còn khó hơn việc nâng cấp chất lượng ở các nhà máy chế biến.

Khủng hoảng đã xảy ra với ngành cá tra - ba sa kể từ năm 2008 và đến nay chúng ta vẫn nói về những chuyện y hệt vậy: nuôi cá quá nhiều, cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng suy giảm...

Thực tế là cơ cấu xuất khẩu của VN cũng thay đổi. Trước năm 2007, 60% thị trường xuất khẩu là Mỹ và EU, giờ hai thị trường này chỉ còn 40%. Một mặt, việc VN đa dạng hóa thị trường là điều tốt, nhưng các thị trường như Nga, Mỹ Latin, Trung Đông, Trung Quốc cũng là các thị trường dễ hơn về chất lượng, giá thấp hơn.

Với ngành cá tra, đây là những quyết định mang tính chiến lược cả về chính sách cũng như với các hiệp hội. VN muốn xuất khẩu nhiều cá chất lượng thấp tới các thị trường đang phát triển hay muốn nâng cấp ngành cá để tạo ra thương hiệu quốc gia như kiểu cá hồi Na Uy hay Scotland để đến các thị trường khó tính hơn?

Chị có thấy lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng này?

- Nghị định 36 vẫn là chuyện đang gây tranh cãi. Tôi nghĩ về dài hạn, lối thoát vẫn là hợp nhất các công ty lại, hợp nhất hệ thống cung cấp để có vài công ty lớn kiểm soát hoàn toàn chuyện cung cấp. Khi có ít công ty thì sẽ dễ hành động thống nhất hơn vì lợi ích chung của toàn ngành.

Ví dụ như cá hồi Scotland chỉ có chín công ty chiếm tới 95% sản lượng xuất khẩu và đó là kết quả của nhiều thập kỷ của tăng trưởng, biến động, rồi hợp nhất hệ thống cung cấp. Điểm cuối của việc đó là nâng cấp chất lượng, là thương hiệu quốc gia.

Có vẻ như việc cạnh tranh giữa nhiều hiệp hội không tốt cho ngành cá tra?

- Kinh nghiệm thế giới cho thấy các hiệp hội doanh nghiệp sẽ mạnh hơn khi đoàn kết hoặc chỉ có một hiệp hội cho phần lớn các công ty. Điều đó sẽ giúp họ có thêm tiếng nói, thêm trọng lượng khi đàm phán với chính phủ.

Giờ chúng ta đang có vài hiệp hội cho ngành hải sản nhưng cuối cùng vẫn cần làm sao để các công ty, hiệp hội và chính quyền cùng thống nhất về con đường đi tiếp của ngành.

Xin cảm ơn chị.

 

 

 

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận