​150 năm báo chí quốc ngữ Việt Nam

LAM ĐIỀN 24/04/2015 21:04 GMT+7

Từ khi Gia Định Báo ra đời tại Nam kỳ năm 1865 đến nay vừa tròn 150 năm. Trong khoảng thời gian một thế kỷ rưỡi ấy, báo chí quốc ngữ thực hiện vai trò “thư ký lịch sử” và tham gia quá trình “làm nên lịch sử” thế nào?

Gia Định Báo: ra đời ngày 15-4-1865 tại Sài Gòn, do Trương Vĩnh Ký xin phép thành lập và làm chủ bút. Gia Định Báo chủ yếu đăng thông tin các chính sách của chính quyền Pháp và tin tức đời sống xã hội các địa phương Nam kỳ.

Tính từ khi Gia Định Báo ra đời tại Nam kỳ năm 1865 đánh dấu mốc mở đầu thời kỳ xuất hiện báo chí viết bằng chữ quốc ngữ Việt Nam (mẫu tự Latin), đến nay vừa tròn 150 năm.

Trong khoảng thời gian một thế kỷ rưỡi ấy, báo chí quốc ngữ vừa thực hiện vai trò “thư ký lịch sử” với những ghi chép lưu trữ các sự kiện của nhiều giai đoạn thăng trầm trong đời sống chính trị - văn hóa - xã hội nước nhà, vừa tham gia quá trình “làm nên lịch sử” dẫu trong vai trò là tiếng nói, cơ quan ngôn luận, công cụ hay là một thành phần không thể thiếu của các thể chế chính trị từng tồn tại trên đất nước này.

Ngày 15-4 này là dịp kỷ niệm 150 năm ngày tờ Gia Định Báo ra số đầu tiên, cũng là ngày ra đời báo chí quốc ngữ Việt Nam. Ngày 18-4 giới sưu tập và nghiên cứu báo chí cùng thực hiện một vài cuộc triển lãm báo chí các thời kỳ, giới thiệu cả trong Nam ngoài Bắc cho những ai quan tâm thưởng lãm. TTCT giới thiệu một phần trong số ấy: các tờ báo quốc ngữ xuyên suốt 150 năm từ bộ sưu tập của nhà sưu tập Vũ Hà Tuệ. 

Lục Tỉnh Tân Văn: ra đời năm 1907, do François-Henri Schneider đứng tên trên giấy phép làm chủ nhiệm. Nội dung đăng cả thời sự chính trị và văn học, bài học giáo khoa…

 

Sự Thật: Cơ quan tuyên truyền cổ động của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác ở Đông Dương, số 1 ra ngày 5-12-1945. Số xuân 1950 in bìa màu.

 

Nhân Dân: Số đầu tiên ra ngày 11-3-1951 tại chiến khu Việt Bắc, hiện nay là “cơ quan trung ương, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam”. Hình: Báo Nhân Dân của Đảng bộ Liên khu V, số xuân 1954 với thư của Hồ Chủ tịch in trên trang 1.

 

Sài Gòn Giải Phóng: Là tiếng nói của nhân dân Sài Gòn - Gia Định ngay từ những ngày đầu tiên sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Số đầu tiên ra ngày 5-5-1975.

 

Tuổi Trẻ: Cơ quan của Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP.HCM, ra đời ngày 2-9-1975. Hình: Bộ báo đóng tập kỷ niệm 10 năm (1975-1985) tuyển từ báo Tuổi Trẻ thường kỳ và Tuổi Trẻ chủ nhật

 

Nam Phong tạp chí: Nguyệt san do Phạm Quỳnh làm chủ nhiệm, địa chỉ tại số 1 phố Hàng Trống - Hà Nội, số đầu tiên ra ngày 1-7-1917, in chữ quốc ngữ (Phạm Quỳnh phụ trách) và chữ Hán (Nguyễn Bá Trác phụ trách). Nam Phong Tạp Chí đăng các thể loại văn thơ, truyện ngắn, các bài khảo cứu lịch sử, văn hóa, phong tục. Nam Phong đình bản năm 1934.

 

Tiếng Dân: Tờ báo do nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng chủ trương, in tại Huế từ năm 1927. Tiếng Dân đăng tiếng nói của các nhà chính trị, có cả vụ án, văn thơ, theo tôn chỉ yêu nước nhưng giữ tiếng nói độc lập với nhà cầm quyền.

 

Độc Lập: Nhật báo của Việt Nam Dân chủ đảng, ra từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, Việt Nam Dân chủ đảng và báo Độc Lập cùng gia nhập Việt Minh.

 

Phong Hóa - Ngày Nay: Tuần báo Phong Hóa do Tự Lực văn đoàn chủ trương từ tháng 9-1932. Ngoài nội dung trào phúng “bàn một cách vui về các vấn đề cần thiết”, Phong Hóa còn đăng các bài thuộc nhiều thể loại: thơ mới, văn học, âm nhạc, mỹ thuật, kịch nghệ... và tinh thần “lấy trào phúng làm phương pháp, tiếng cười làm vũ khí để chỉ ra và thúc đẩy người dân trút bỏ những tập tục cũ, đi vào con đường Âu hóa từ vật chất cho đến tinh thần”. Đến năm 1936, Phong Hóa bị đình bản vĩnh viễn, Tự Lực văn đoàn cho tục bản tờ Ngày Nay (vốn xuất bản song song với Phong Hóa trước đó dưới dạng báo ảnh) đảm nhiệm nội dung tương tự Phong Hóa.

 

 

 

Mác Xít: Cơ quan của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác Nam bộ, ra đời khoảng năm 1947, do giáo sư Nguyễn Văn Kỉnh làm tổng biên tập, đồng chí Lê Duẩn làm chủ nhiệm. Tờ Mác Xít hoạt động được một thời gian và sau đó được đổi tên thành tờ Thống Nhất.

 

 

Bách Khoa: Tạp chí có uy tín trong công chúng xuất bản tại Sài Gòn, ra được 426 số từ năm 1957-1975, do Huỳnh Văn Lang sáng lập, Lê Ngộ Châu quản nhiệm. Bách Khoa đăng nhiều thể loại: khảo cứu lịch sử văn  hóa, tin tức khoa học trong và ngoài nước, văn thơ, tin sách, phỏng vấn văn nghệ sĩ…

 

 

Tiểu thuyết thứ bảy: Nhà xuất bản Tân Dân thành lập, đây là tuần báo văn chương quan trọng và đồ sộ của Việt Nam trước năm 1945. Nhiều nhà văn Việt Nam hiện đại đã dựng nghiệp từ Tiểu Thuyết Thứ Bảy: Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Ngọc Giao, Thanh Châu, Vũ Bằng, Nam Cao, Nguyên Hồng... Tồn tại từ tháng 6-1934 đến tháng 12-1949, Tiểu Thuyết Thứ Bảy ra khoảng 700 số, chuyên đăng tiểu thuyết và truyện ngắn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận