15/10/2019 09:20 GMT+7

Yêu cầu 'tiêu hủy tang vật' với phim Ròm là sao?

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Trong quyết định xử phạt hành chính phim Ròm của Thanh tra Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch có một yêu cầu khó hiểu: Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm (bản phim gửi tham gia liên hoan phim).

Yêu cầu tiêu hủy tang vật với phim Ròm là sao? - Ảnh 1.

Ròm và Haifa Street của đạo diễn Mohanad Hayal (phim hợp tác Iraq - Qatar) cùng đoạt giải New Currents tại Liên hoan phim quốc tế Busan (Hàn Quốc) năm nay - Ảnh: ĐPCC

Thông tin này đã khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu, thậm chí còn đặt câu hỏi về số phận của phim Ròm. Tuổi Trẻ Online đã liên lạc với thanh tra bộ để làm rõ về vấn đề này.

Với câu hỏi: Điện ảnh đã chuyển sang thời kỹ thuật số, lưu trữ phim đều bằng hình thức số, vậy yêu cầu ‘buộc tiêu hủy tang vật vi phạm’ của thanh tra bộ đối với phim Ròm có thể hiểu cụ thể là thế nào?".

Chánh thanh tra Phạm Cao Thái đã trả lời: "Bản nào họ gửi đi thì họ phải hủy bản đó. Kỹ thuật số kiểu gì thì phim cũng phải có chất liệu để lưu trữ chứ. Họ sử dụng chất liệu lưu trữ nào thì phải hủy cái đó. Người ta khẳng định người ta có gửi một bản, bản nào gửi đi liên hoan phim thì cần phải hủy, đó là thuộc về nguyên tắc".

Nếu hiểu theo quyết định xử phạt hành chính của thanh tra bộ với Ròm, vật dụng lưu trữ bộ phim Ròm (có thể là ổ cứng) mà nhà sản xuất phim gửi tới liên hoan phim Busan sẽ phải bị tiêu hủy.

Tuổi Trẻ Online đã trao đổi với một nhà làm phim, người này cho biết: "Theo tôi hiểu, thanh tra bộ muốn khẳng định bản phim Ròm chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Busan là bản phim chưa được Cục Điện ảnh duyệt, là bản phim bất hợp pháp, không được chiếu rộng rãi.

Tuy nhiên xét trên thực tế về lưu trữ phim số hiện nay, yêu cầu ‘buộc tiêu hủy tang vật vi phạm’ của thanh tra bộ là thừa. Vì dù nhà sản xuất Ròm có hủy thiết bị chứa bản chiếu họ gửi tới Busan thì họ vẫn còn lưu trữ phim tại các thiết bị khác cơ mà.

Ngoài ra phim chiếu tại các liên hoan phim cũng chỉ chiếu một số lần giới hạn rồi thôi. Nhà sản xuất phải giữ bản quyền phim chứ, họ sẽ chỉ cung cấp mã DCP chiếu đủ số lần theo yêu cầu của liên hoan phim".

Sau khi Ròm trở về từ Liên hoan phim Busan, chưa ai biết số phận của bộ phim này sẽ ra sao.

Đạo diễn Trần Thanh Huy cho biết trước khi đi liên hoan phim, nhà sản xuất và anh mới được Cục Điện ảnh yêu cầu tới gặp và giải trình vì lý do vì sao đoàn phim có người nước ngoài nhưng lại không giám định kịch bản theo đúng quy định, và vì sao gửi phim đi dự liên hoan phim quốc tế khi phim chưa được cấp phép.

Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện, cho biết với tư cách một người làm chuyên môn, ông đánh giá đạo diễn Trần Thanh Huy là một đạo diễn tài năng, tâm huyết, chịu khó tìm tòi. "Ròm nếu được sửa chữa thì rất tốt", ông nói.

Khi phóng viên hỏi cụ thể: "Vậy là Ròm thuộc diện cần chỉnh sửa mới cho ra rạp? Cụ thể phim có những yếu tố gì cần phải chỉnh sửa?", ông Hiệp cho biết ông chưa thể trả lời cụ thể vì quyết định cuối cùng thuộc về Cục Điện ảnh.

Trao đổi với đạo diễn Trần Thanh Huy, anh cho biết: "Cho đến giờ chúng tôi chưa nhận được yêu cầu nào từ phía Hội đồng thẩm định phim quốc gia về việc chỉnh sửa phim. Chúng tôi rất mong mỏi có được hướng dẫn từ cơ quan chức năng cũng như các giải pháp, để phim được ra rạp", đạo diễn Huy nói.

Hiện nay số phận Ròm tại Việt Nam chưa được ngã ngũ. Tuổi Trẻ Online sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên