"Y học trình diễn không giải quyết được nhiều"

KIM SƠN 13/06/2010 02:06 GMT+7

TTCT - 18 năm trước, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng giáo sư Alain Carpentier - một chuyên gia tim mạch lừng danh của Pháp - khi ông sang Viện Tim TP.HCM để cùng các bác sĩ trẻ hội chẩn cho 15 bệnh nhân, chuẩn bị ca mổ tim hở đầu tiên tại Việt Nam.

Gặp lại ông tháng 5 vừa qua, ông hẹn: “Hai năm nữa, chúng tôi sẽ đưa dự án mổ tim cho trẻ sơ sinh vào hoạt động”.

Giáo sư Alain Carpentier (cầm kéo, bên phải) cùng êkip phẫu thuật của Viện Tim trong một ca mổ những ngày đầu viện đi vào hoạt động - Ảnh: Kim Sơn

Ngay ở châu Âu cũng cân nhắc việc ghép tim

* Vì sao lại tập trung mổ tim cho trẻ sơ sinh mà không đầu tư cho kỹ thuật khác như ghép tim, thưa giáo sư? Tôi được biết một bệnh viện tại Hà Nội chuẩn bị tiến hành ghép tim trong năm nay.

- Tôi muốn nói đến các bệnh lý tim chính ở VN: trước đây, khi sang VN tôi thấy rất nhiều người mắc bệnh van tim do hậu thấp, gần đây bệnh này đã bớt nhưng bệnh tim bẩm sinh vẫn nhiều. Trong hai năm qua, 70% các ca mổ tại viện là mổ tim bị dị tật bẩm sinh. Các bệnh tim do lối sống không đúng như hút thuốc lá dẫn tới tăng huyết áp, tăng mỡ trong máu, tiểu đường, bệnh động mạch vành... ngày càng nhiều. Tôi không tưởng tượng nổi vì sao số người VN mắc bệnh động mạch vành ngày càng nhiều đến vậy.

Giáo sư Alain Carpentier từng là người đứng đầu nghiên cứu ghép tim ở Bệnh viện Georges Pompidou, Paris (Pháp). Ông nổi tiếng trên thế giới với kỹ thuật sửa van Carpentier, chế tạo van tim sinh học.

Năm 2009 tại Pháp, ông công bố chế tạo thành công tim nhân tạo có thể bơm máu và co bóp đều đặn như tim thật, thành quả nghiên cứu trong 15 năm. Quả tim nhân tạo chạy bằng pin, nặng khoảng 1kg, to cỡ tim thật, dùng điều trị cho bệnh nhân suy tim.

Thay vì ghép, tim nhân tạo được đặt ở bụng, gắn các hệ thống ống dẫn với các buồng tim để hỗ trợ chức năng bơm máu của tim. Mô bao tim được xử lý đặc biệt để tránh hình thành những cục máu đông hay bị hệ miễn dịch loại thải, hi vọng có thể giúp bệnh nhân không cần sử dụng các loại thuốc chống đào thải và chống đông máu.

Chính phủ Pháp đang hỗ trợ để sản xuất tim nhân tạo này và hi vọng năm 2011 có thể đưa vào thử nghiệm trên người. Chi phí chế tạo mỗi quả tim ước tính 180.000 USD.

Tập trung cho mổ tim bẩm sinh vì - như các bạn thấy - có rất nhiều trẻ bị bệnh tim bẩm sinh đang cần được phẫu thuật. Chỉ sau một cuộc mổ, từ một đứa trẻ rất yếu ớt, cả môi và mặt có màu tím (do các dị dạng bẩm sinh trong tim) đã hồng hào, vui vẻ, có thể trở lại cuộc sống, học tập bình thường. Mục tiêu của viện là mổ được nhiều ca bị bệnh tim bẩm sinh, đặc biệt sắp tới sẽ mổ tim cho trẻ sơ sinh (trong vòng 28 ngày tuổi) nhằm cứu sống những trẻ bị bệnh nặng mà hiện chưa mổ được.

Để mổ tim cho trẻ sơ sinh cần những kỹ thuật chuyên biệt hơn. Sắp tới, Viện Tim sẽ triển khai dự án xây dựng và cải tạo khu vực kỹ thuật (gồm bốn phòng mổ, trong đó dành riêng một phòng để phẫu thuật cho trẻ sơ sinh và 25 giường hồi sức, hiện tại có hai phòng mổ và 15 giường hồi sức).

Tôi rất cảm ơn UBND TP.HCM đã hỗ trợ toàn bộ 75 tỉ đồng kinh phí xây dựng. Hiệp hội Alain Carpentier sẽ giúp đỡ một phần trang thiết bị và đào tạo chuyên môn cho các bác sĩ VN tại Pháp. Hiện nhiều trang thiết bị còn hoạt động rất tốt, chúng tôi sẽ bàn bạc để bổ sung.

Về ghép tim, với VN thì không nên. Vì một ca ghép tim rất tốn kém, chi phí gấp 15 lần ca phẫu thuật, trong khi phẫu thuật cần cho rất nhiều người. Ghép tim không đơn giản là thay một quả tim mà phải tiếp tục dùng thuốc rất đắt tiền, nên ngay tại khoa tôi là nơi có ca ghép tim đầu tiên thành công ở châu Âu, chúng tôi cũng cân nhắc. Trong y học có “y học trình diễn” như mổ ghép tim, thật ra không giải quyết được gì nhiều. Còn tôi, tôi muốn sửa chữa và điều trị bệnh tim để cứu được nhiều người.

* Ông đã nổi tiếng trên thế giới với kỹ thuật sửa van tim, thành công ấy có phải xuất phát từ mục tiêu cứu được nhiều người?

- Bệnh nhân hẹp hoặc hở van tim đều phải sửa để điều trị. Tôi bắt đầu nghiên cứu van tim nhân tạo bằng chất liệu sinh học (van sinh học) cách đây 25 năm và đã thành công. Tôi nghiên cứu kỹ thuật ấy nhằm giúp người bệnh, nhất là bệnh nhân trẻ, không phải dùng van kim loại, tránh được việc phải dùng thuốc kháng đông suốt đời vừa tốn kém lại vừa nguy hiểm do có thể có những biến chứng gây xuất huyết ở bất cứ vị trí nào, đáng sợ nhất là gây xuất huyết ở não.

Ban đầu, chỉ hi vọng bệnh nhân sống 12-15 năm, nhưng tôi đã gặp những bệnh nhân thay van cách đây 20 năm vẫn sống bình thường. Tôi đã bỏ cả cuộc đời mình để nghiên cứu kỹ thuật sửa van tim (được thế giới công nhận là kỹ thuật hàng đầu - PV) và mở lớp dạy kỹ thuật này ở Pháp, châu Âu, Mỹ và hai lần ở Viện Tim. Sách Kỹ thuật sửa van tim viết bằng tiếng Anh vừa được phát hành để phổ biến nhiều nơi trên thế giới.

Việt Nam là một trường hợp thành công

* Giáo sư nhận xét như thế nào về sự phát triển của Viện Tim TP.HCM?

- Viện Tim TP.HCM đã trưởng thành, phẫu thuật thành công nhiều trường hợp bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh, sửa van tim, quản lý rất ổn định, chuyên môn phát triển rất tốt so với các nước. Hiệp hội Alain Carpentier cũng đã giúp Algeria, Morocco, Libăng, nhưng VN thành công nhất so với các chương trình khác. Không phải nhờ tôi, mà nhờ những người VN. Các kỹ thuật chuyên môn đào tạo cho VN cũng được triển khai tốt hơn nhiều so với các nước khác, vì ban đầu chúng ta đã đưa cả một êkip sang đào tạo tại Pháp và hiện tại vẫn tiếp tục đào tạo. Một vài bệnh lý được điều trị ở VN hiện tại còn tốt hơn ở các nước khác. Về mặt xã hội, trẻ em VN cũng đã được giúp rất nhiều để mổ tim nên tôi hi vọng sự giúp đỡ này sẽ tiếp tục.

* Ngay từ đầu, Viện Tim đã cam kết miễn giảm chi phí phẫu thuật cho 30-40% bệnh nhân nghèo. Sau 18 năm, tỉ lệ này là bao nhiêu?

- Có hai vấn đề: số lượng bệnh nhân được mổ ngày càng tăng. Giai đoạn đầu chỉ mổ 2 ca/ngày thì cứ ba bệnh nhân có một người được trợ giúp chi phí mổ. Về sau, Viện Tim mổ 5-6 ca/ngày nên con số bệnh nhân nghèo cần được trợ giúp cũng tăng theo. Lúc mới thành lập, chưa được sự hỗ trợ của Nhà nước, viện phải vận động rất nhiều nguồn cùng Hiệp hội Alain Carpentier đảm bảo tỉ lệ giúp chi phí mổ cho trên 30% bệnh nhân nghèo. Nay nhờ quy định của Nhà nước VN (trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí) nên tỉ lệ miễn giảm tăng nhiều: năm 2009 là 61% (trong đó có 30% trẻ em dưới 6 tuổi) được trợ giúp với nhiều mức độ, trung bình 87%. Tổng cộng năm 2009 có 300 trường hợp được giúp đỡ với tổng số tiền hơn 750.000 USD.

Hiện trẻ em dưới 6 tuổi mổ tim được Nhà nước, BHYT chi trả 50% (chi phí mổ tim hở 55 triệu đồng/ca, bằng 1/7 so với ở Pháp), số tiền còn lại thì Viện Tim và Hiệp hội Alain Carpentier hỗ trợ, Viện Tim không từ chối một trường hợp nào.

* Thưa giáo sư, 18 năm trước, Viện Tim như cậu bé chập chững, nay đã đủ sức bước đi vững chãi. Điều gì khiến ông tuy tuổi đã cao vẫn trải lòng chăm chút đến nó?

- Tôi đến với Viện Tim vì sự đam mê và yêu thương. Tất cả chỉ có vậy.

Giáo sư Alain Carpentier - Ảnh: Kim Sơn

Giáo sư Alain Carpentier đã hỗ trợ 2/3 kinh phí thành lập Viện Tim TP.HCM, giúp đỡ trang thiết bị chuyên môn và đào tạo êkip phẫu thuật tim... Ông đã được trao tặng Huân chương Hữu nghị do những đóng góp giúp VN phát triển ngành tim mạch. 

Đến nay, Viện Tim đã phẫu thuật trên 20.000 ca, trong đó 5.036 trường hợp được giúp đỡ chi phí phẫu thuật với tổng số tiền 7,4 triệu USD. Có tám đơn vị trên cả nước đã được Viện Tim chuyển giao kỹ thuật, tính đến nay đã mổ tổng cộng trên 15.000 ca. Nhờ vậy số ca chờ mổ tại đây hiện còn 2.800-3.000 người (trước đây 7.000-8.000 người).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận