Xung đột nguồn nước từ vận hành thủy điện: Do đâu và cần gì?

TTCT - Mới đầu mùa khô mà hơn 1,7 triệu người dân Quảng Nam và cả thành phố Đà Nẵng đã chịu cảm giác nóng cháy vì tình cảnh thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.

Phóng to
Khu vực đặt đập ngăn công trình thủy điện Thượng Kon Tum tại xã Đắk Tăng (Kon Plông, Kon Tum) - Ảnh: Thái Bá Dũng

Từ thượng nguồn, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 thay vì xả đủ lượng nước để chống hạn cho hàng ngàn người dân phía hạ du sông Vu Gia thì lại cố giữ nước trong hồ chứa, dành xả về sông Thu Bồn để thu lợi từ nhà máy điện. Vậy đâu là sự hợp lý về kinh tế và sự công bằng xã hội trong quyền sử dụng tài nguyên nước?

Ở cấp điều hành vĩ mô, ai là người kiểm soát sự cân bằng này và họ phải làm gì trong cuộc xung đột lợi ích và đối mặt với rủi ro này?

Giờ này, nếu bất kỳ một lãnh đạo hay một người dân nào giở lại các tờ trình nghiên cứu tiền khả thi hay nghiên cứu khả thi, luận chứng kinh tế - kỹ thuật hay báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động xã hội của các dự án thủy điện, họ sẽ dễ dàng thấy những gì đã viết ra trong các luận chứng kia và thực tế vận hành thủy điện hiện nay có những khác biệt rõ ràng.

Vận hành thủy điện: có như sự hứa hẹn ban đầu?

Báo cáo dự án thủy điện nào cũng vẽ ra một viễn cảnh tốt đẹp: công trình sẽ chuyển hóa dòng chảy sông ngòi thành nguồn điện năng, biến các vùng đất nghèo nàn thành trù phú, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, công trình sẽ tích nước để cắt lũ cho hạ du vào mùa mưa bão, đồng thời xả về hạ du nguồn nước trong lành khi mùa khô đến, công trình thủy điện sẽ bảo vệ môi trường, điều hòa khí hậu và giúp hệ sinh thái tốt hơn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đóng góp đáng kể vào nguồn ngân sách địa phương...

Tiếc là trong thực tế nhiều sự kiện chứng tỏ những lời hứa hẹn này chỉ là hão huyền trên khía cạnh xã hội và môi trường. Công trình thủy điện đã làm diện tích rừng mất nhiều lần hơn dự kiến trong báo cáo, câu chuyện lũ chồng lũ trong mùa mưa bão và hạn hán khắc nghiệt hơn trong mùa khô nóng vẫn thường xuyên xảy ra. Nguồn tiền đóng góp vào ngân sách địa phương từ thuế bán điện không lớn hơn tổng chi phí mất mát của người dân, cả về giá trị hữu hình lẫn giá trị vô hình.

Di dân do thủy điện không có được một nơi mới tốt hơn nơi cũ. Còn nếu có sự cố, rủi ro thủy điện như rò rỉ, động đất, vỡ đập thì người dân và chính quyền địa phương là đối tượng chịu thảm họa chính. Có cơ quan chính quyền nào đã làm công tác hậu kiểm, phân tích lại bài toán chi phí - lợi ích thực tế và đánh giá hiệu quả thực các dự án thủy điện này chưa?

Nhóm lợi ích từ thủy điện, dù là có sự đại diện của Nhà nước, cũng khó lý giải tận tình cho các nhóm bất lợi khác chiếm đa số trong cộng đồng xã hội khi họ bị hạn chế trong quyền tiếp cận nguồn nước.

Tài nguyên nước trong một quốc gia là của ai?

Theo quy định hiện hành của Luật đất đai, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý như một đại diện chủ sở hữu duy nhất. Trong khi đó, trong Luật tài nguyên nước lại không có khái niệm này một cách rõ ràng.

Khi một chủ đầu tư có được giấy phép khai thác thủy điện trên một dòng sông nào thì họ được quyền chặn dòng chảy con sông đó. Và gần như mặc nhiên họ được quyền sở hữu, định đoạt và thu lợi từ khối lượng nước lưu giữ trên đập nước của công trình thủy điện đó như quyền vận hành phát điện, nuôi trồng thủy sản, cấp nước đến quyền khai thác du lịch vùng hồ.

Chắc chắn là không hề có sự can thiệp nào của người dân trong quyết định vận hành nhà máy và hồ chứa. Cho dù mọi người dân đều cho rằng nước mưa trên trời rơi xuống đất, tích tụ qua đất đai, rừng núi và chảy về sông là của chung nhưng chẳng ai được độc quyền phân phối nguồn nước chung này.

Đất và nước trong một lãnh thổ là hai nguồn tài nguyên quý giá không thể tách rời. Đã có nhiều cảnh báo tình trạng chiếm đoạt quyền sở hữu đất và nước (land and water grabbing) đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Khi đó giới chủ lần lượt thâu tóm và kiểm soát tài nguyên đất đai, núi rừng, sông suối khiến dân nghèo trở nên cùng mạt và thất thế khi không được sử dụng tài sản thiên nhiên như là một trong những nguồn sinh kế chủ yếu của họ.

Nhận thức đây là một trong những nguyên nhân gây bất công và tạo bất ổn trong xã hội, nhiều quốc gia đã hình thành các quy định pháp lý, bắt buộc trách nhiệm của nhà đầu tư thủy điện phải xả một lượng nước để duy trì dòng chảy tối thiểu nào đó cho hạ du, gọi là dòng chảy môi trường.

Dòng chảy môi trường được hiểu một cách khái quát là chế độ nước cần thiết phải có để cung cấp cho một dòng sông nhằm duy trì hệ sinh thái và lợi ích cộng đồng vì sức khỏe của một dòng sông, vì sự phát triển của nền kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, điều ràng buộc và quy định này còn rất hiếm khi được áp dụng ở nước ta hiện nay.

Giải pháp vĩ mô nào cho vấn đề xung đột nguồn nước?

Quốc gia nào cũng cần năng lượng và thủy điện đã góp một phần ý nghĩa vào tỉ lệ điện năng quốc gia. Tuy nhiên, thủy năng của một dòng sông không chỉ dùng đơn thuần cho thủy điện mà còn có nhiều chức năng khác như cung cấp nước cho tưới tiêu, cung cấp phù sa trong nông nghiệp, nguồn cá cho thủy sản, cấp nước sinh hoạt cho nhu cầu cư dân, tạo lớp dòng chảy cho giao thông thủy, duy trì khả năng làm sạch nước cho môi trường, ổn định các hệ sinh thái đất ngập nước, tạo cảnh quan và hạn chế sự xâm nhập mặn. Do vậy, sông và hệ thống trao đổi nước của dòng sông phải được xem xét trong một bối cảnh tổng thể.

Việc đánh giá thấp giá trị xã hội và môi trường từ nguồn nước về lâu dài sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng khó lường mà lợi nhuận trước mắt về kinh tế của thủy điện mang lại chưa hẳn bù đắp nổi. Xung đột nguồn nước hiện nay và tương lai sẽ ngày càng lớn trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Các mâu thuẫn liên quan đến tranh giành nguồn nước không chỉ xảy ra trong một quốc gia mà còn ở quy mô xuyên biên giới, khiến nguy cơ một cuộc “chiến tranh nước” trở nên hiện thực.

Trên quan điểm vĩ mô cho cả lưu vực hoặc chính sách quốc gia về quản lý nước, việc ngăn chặn xung đột nguồn nước hoàn toàn có thể dàn xếp được nếu chúng ta có một chiến lược và chính sách rõ ràng về việc tạo lập cơ sở pháp lý cho việc lựa chọn xã hội đối với sự phân bổ nguồn nước như là xác định hạn định dòng chảy với sự tham gia của nhiều phía liên quan đến các ngành dùng nước. Tài nguyên nước phải được xác định mục tiêu chức năng theo các kịch bản khai thác sử dụng để có thể tối thiểu hóa các xung đột.

Một cách tiếp cận nguồn nước tiến bộ hiện nay là phân bổ nguồn nước theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích và chia sẻ rủi ro. Nếu đặt tất cả các nhóm dùng nước trong một bàn cờ “thắng - thua” tách biệt thì trên tổng thể toàn xã hội sẽ luôn tồn tại sự mâu thuẫn và nguy cơ xung đột. Thủy điện có thể đem lại nhiều lợi nhuận cho người đầu tư nhưng có thể gây ra những tổn thất khác cho người làm nông, người nuôi cá, thương buôn, người dùng nước trong đô thị.

Lợi nhuận thủy điện, nếu cần, phải hi sinh bớt cho những mất mát cho các ngành dùng nước khác. Nếu thời tiết và các yếu tố thủy văn không thuận lợi cho nguồn nước thì cần xem đó là rủi ro chung và mọi người ở các bên cùng đồng chấp nhận sự thiếu hụt một cách hợp lý qua nhiều biện pháp như tiết kiệm nước, tiết kiệm điện. Tiết kiệm nước không nên hiểu đơn thuần là cắt giảm bớt lượng nước dùng, mà là sử dụng nước hợp lý trên cơ sở cân bằng tài nguyên.

Phía cơ quan quản lý tài nguyên nước quốc gia, như một đại diện thay mặt chính phủ, cần xây dựng một cơ chế chính sách để các nhóm sử dụng nước chia sẻ nguồn tài nguyên quý giá này trên tinh thần hợp tác và làm cho họ thấy rằng chỉ có việc chia sẻ lợi ích và chi phí từ nước là cách lựa chọn tốt nhất và hợp lý nhất như một ý nghĩa đích thực của giải pháp win-win (các bên cùng thắng).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận