Xuân này, học giả Giản Chi tròn trăm tuổi

TRẦN HỮU TÁ 01/02/2004 06:01 GMT+7

TTCN - Học giả Giản Chi - đã cảm tác bên bến Nhà Rồng (TP.HCM) năm 1993, năm cụ tròn 90 tuổi, theo cách tính truyền thống của dân tộc. Vị cao niên đáng kính ấy đã bình tĩnh, thanh thản suy ngẫm chuyện đời, chuyện được - thua, đi - ở, phú quí vinh hoa. Suy ra, phải cảm nhiễm đến tận cùng lẽ nhân sinh của các bậc hiền triết phương Đông cụ mới có thể có được cái tâm thế ung dung thích thảng, vượt lên mọi sự ngầy ngà phiên toái của đời thường, nhất là trong hoàn cảnh con cái đi xa, thân già cô độc.

Phóng to
Cụ Giản Chi ở tuổi 99 (ảnh chụp năm 2003)
TTCN - Học giả Giản Chi - đã cảm tác bên bến Nhà Rồng (TP.HCM) năm 1993, năm cụ tròn 90 tuổi, theo cách tính truyền thống của dân tộc. Vị cao niên đáng kính ấy đã bình tĩnh, thanh thản suy ngẫm chuyện đời, chuyện được - thua, đi - ở, phú quí vinh hoa. Suy ra, phải cảm nhiễm đến tận cùng lẽ nhân sinh của các bậc hiền triết phương Đông cụ mới có thể có được cái tâm thế ung dung thích thảng, vượt lên mọi sự ngầy ngà phiên toái của đời thường, nhất là trong hoàn cảnh con cái đi xa, thân già cô độc.

Ô hay, cuộc sống như vầy hả?
Ngó trước trông sau bóng hỏi hình
Một kiếp phù du, vờ ấy xác
Trăm khoanh huyễn hoặc, giả là danh
Được thua, đi ở, âu phần mệnh
Phú quí, vinh hoa, lọ giật giành
May có duyên thơ khuây tóc bạc
Sông quen gió dịu nguyệt long lanh.

Bài thơ đường luật thất ngôn bát cú rất chuẩn về niêm luật và sâu sắc về ý tứ, tâm trạng trên đây có lẽ còn ít người biết đến. Tác giả của nó - học giả Giản Chi - đã cảm tác bên bến Nhà Rồng (TP.HCM) năm 1993, năm cụ tròn 90 tuổi, theo cách tính truyền thống của dân tộc. Vị cao niên đáng kính ấy đã bình tĩnh, thanh thản suy ngẫm chuyện đời, chuyện được - thua, đi - ở, phú quí vinh hoa. Suy ra, phải cảm nhiễm đến tận cùng lẽ nhân sinh của các bậc hiền triết phương Đông cụ mới có thể có được cái tâm thế ung dung thích thảng, vượt lên mọi sự ngầy ngà phiên toái của đời thường, nhất là trong hoàn cảnh con cái đi xa, thân già cô độc.

Mười năm thấm thoát qua đi, chắc không ít các vị trong giới văn chương học thuật cũng hồi hộp mong chờ như chúng tôi. Bởi lẽ vượt qua ngưỡng cửa 90 xuân đã rất quí hiếm, và đạt tròn bách niên thì văn nghệ sĩ trí thức nước ta xưa nay quả chưa có ai. Tuyết Giang phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm tạ thế năm 95 tuổi (1491 - 1585).

Những năm gần đây cụ Từ Ngọc Nguyễn Lân, cụ Hoàng Đạo Thúy cũng ra đi ở độ tuổi tương tự. Vì vậy, học giả Giản Chi Nguyễn Hữu Văn là người đến đích đầu tiên. Nghĩ về cụ, chúng tôi nghĩ đến ba con người: nhà giáo Giản Chi, nhà nghiên cứu Giản Chi và nhà thơ Giản Chi.

Từ 1965, nhiều thế hệ sinh viên Sài Gòn, Huế ở các trường đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm đã may mắn được học giáo sư Giản Chi. Không ít người nay là những trí thức có uy tín, đã nhắc về người thầy cũ của mình với tất cả sự kính trọng và cảm phục, về đức độ cũng như tài năng.

Sự thành công trên giảng đường đại học của nhà giáo Giản Chi là tất yếu, vì bằng công phu một đời học hỏi - chủ yếu là tự học - nghiền ngẫm và trước tác, cụ có sự hiểu biết vừa rộng lớn và chuyên sâu cả về văn học và triết học, cả của VN và của Trung Quốc.

Sau giáo sư Đặng Thai Mai, cụ là người VN thứ hai giới thiệu Lỗ Tấn trên báo chí Hà Nội những năm 50 của thế kỷ trước. Khác với tác giả Văn học khái luận, Giản Chi theo đuổi việc này liên tục trong 40 năm. Trong vùng thành thị miền Nam từ 1954 - 1975 cụ là người dịch và nghiên cứu về Lỗ Tấn một cách công phu và đầy đủ hơn cả. Hơn thế nữa, cụ làm việc này thật say mê, tâm huyết, tri âm tri kỷ. Có lẽ vì con người luôn nung nấu, tiềm ẩn Việt-Nam-hồn-Giản-Chi đã đồng điệu, hòa cảm với con người cả đời sôi sục Trung-Quốc-hồn-Lỗ-Tấn chăng?

Phóng to
Học giả Giản Chi và nhà giáo Trần Hữu Tá
Nghiên cứu và hiểu biết triết học cổ Trung Hoa thật sự uyên thâm và thấu triệt, có lẽ thế kỷ 20 này ở VN ta chỉ có hai người: cố giáo sư Cao Xuân Huy và giáo sư Giản Chi. Ngoài một số công trình đã hoàn tất bản thảo nhưng chưa công bố, Giản Chi đã cho xuất bản Tuân Tử (1994), Hàn Phi Tử (1994). Đáng kể hơn cả, cụ đã hợp tác với người bạn tâm giao - nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê - hoàn thành công trình Đại cương triết học Trung Quốc (1966, in lại 1992).

Theo giáo sư Nguyễn Huệ Chi (Từ điển văn học, bộ mới), cụ Giản Chi có cách triển khai vấn đề tỉ mỉ, thấu đáo. Cụ đã bám sát lịch sử của mỗi trường phái, nhưng không dừng lại ở lược thuật lịch sử mà hướng tới một cái nhìn khái quát và tổng hợp, trong đó ít nhiều điều có chủ kiến của mình khi tiếp thu luận điểm của các học giả hiện đại Trung Hoa.

Cụ cũng đã có ý thức bước đầu đối sánh sự khác biệt trong tư duy triết học Đông và Tây. Vì vậy người đọc đã nắm được tổng quan lịch sử triết học Trung Quốc trong 2.500 năm, từ Khổng Tử đến cuối đời Thanh trên bốn bình diện: vũ trụ luận, tri thức luận, nhân sinh luận, chính trị luận. Ở mỗi bình diện nói trên, cụ và cụ Nguyễn Hiến Lê đã cố gắng tập trung giải quyết một số nội dung cốt yếu, tóm thâu được mọi quan niệm tiêu biểu khác nhau của các học phái trong suốt hai thiên niên kỷ rưỡi.

Cũng cần nói thêm không mấy người trong giới nghiên cứu triết học đã vận dụng nhuần nhuyễn song song phương pháp lịch sử và phương pháp logic như tác giả Đại cương triết học Trung Quốc, vì vậy bộ sách vượt trên sự lược thuật hay mô phỏng mà thật sự là một công trình khảo cứu công phu, có bề dày và chiều sâu khoa học đáng kể.

Thế nhưng, mỗi dịp hầu chuyện Giản Chi tiên sinh, chúng tôi cảm nhận một điều là lạ: dù mắt đã mờ, tai đã kém nhưng cụ vẫn rất tỉnh táo, sáng suốt và có sức nhớ tuyệt vời. Cụ có nhu cầu trò chuyện với lứa đàn em, con cháu và có thể say sưa trao đôi hàng giờ về những vấn đề học thuật, nhận xét thận trọng và xác đáng về hạn chế cũng như đóng góp lớn của Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nhất Linh, Trần Trọng Kim...

Nếu ai đó biết tâm lý, thị hiếu của nhà học giả, lái câu chuyện sang lĩnh vực thơ, cụ như trẻ trung sôi nổi hẳn lên. Hóa ra, ẩn giấu trong vẻ ngoài khô khan của nhà nghiên cứu, đạo mạo của nhà giáo dục, luôn có một hôn thơ tươi xanh.

Cụ không thích nói chuyện gì hơn nói chuyện thơ. Nghe cụ bình về thơ Đường, thơ cổ điển VN, người khó tính đến đâu cũng phải chịu cụ về sự tinh tế, sâu sắc và độc đáo bất ngờ. Thật tiếc, giá như lúc còn khỏe mạnh cụ dành một phần thời gian làm công việc giảng bình những tinh hoa của vườn thơ xưa thì sẽ có ích cho kẻ hậu sinh chúng ta biết mấy.

Không chỉ thẩm bình, cụ còn sáng tác khi cao hứng. Tập Tấc lòng (1994) chỉ là một phần những sáng tác của nhà thơ Giản Chi. Tiếp tục việc làm của anh Quách Tấn, cụ gửi vào nền thơ VN hiện đại một “mùa cổ điển”, góp phần tạo nên sự đa thanh đa điệu của thơ hôm nay.

Giản Chi rất mạnh về thơ Đường luật. Trong khuôn khổ ràng buộc nghiệt ngã của thể loại xưa cũ này, cụ vẫn thoải mái và phóng túng giãi bày những biến thái sâu kín của cái tôi trữ tình. Đã có dịp chúng tôi hỏi cụ tâm đắc với bài nào hơn cả, nhà thơ cười thích thú và hào hứng đọc lại bài Bè say sông Vàng - một bài thơ tình, sáng tác hơn 60 năm trước (1946) lúc đi chơi thuyền trên sông Hoàng Long (Ninh Bình):

Sông Hoàng khôn đổi làm sông rượu
Bừng giấc quan hà lại muốn say
Trôi nổi đây thừa duyên sóng gió
Dọc ngang ai vẽ chuyện râu mày
Vành xuân trăng vẫn ưa bờ lạ
Giọt bấc sầu không rỏ tối nay
Lái sẵn duyên em, buồm sẵn mộng
Bè ta chả đỗ bến đêm ngày!

Nghe và ngắm ông già trăm xuân chẵn gieo từng chữ vào thinh không vắng lặng của một căn lâu hẹp ở chung cư Hoàng Diệu (quận 4), tôi ngộ ra một điều: chính “duyên thơ” - nói rộng, cái duyên văn chương chữ nghĩa - đã khiến Giản Chi của chúng ta “khuây tóc bạc”, vượt được sự tàn phá của thời gian.

Tài năng này, như trên đã đề cập, là kết quả của cả một đời không ngừng học hỏi. Ngay từ thuở ấu thơ, cậu bé Nguyễn Hữu Văn (sinh 23-9-1904) đã được học những ông thầy giỏi. Một trong những vị để lại dấu ấn sâu sắc trên con đường học vấn của cậu là nhà nho nổi tiếng - cụ cử nhân Cúc Hương Hoàng Thúc Hội (thân sinh của học giả Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm) - Do đó Nguyễn Hữu Văn sớm có căn bản Hán học vững vàng; nhưng cũng vì thế chàng thiếu niên làng Yên Quyết này phải làm lại giấy khai sinh, khai rút tuổi để có thể theo học Trường trung học Bảo hộ (Trường Bưởi).

Thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20, phủ Hoài Đức là một địa phương văn vật. Mỗ, La, Canh, Cót là bốn làng nổi trội của Hoài Đức. Làng Cót (An Quyết) - quê Giản Chi - là một trong “tứ quí” đó. Tôi đã từng nghe cụ Hoa Bằng (1902 - 1977) kể lại cứ sớm tinh mơ, bất kể mưa gió, giá rét, hai cậu học sinh Hoàng Thúc Trâm - Nguyễn Hữu Văn từ làng Cót hiền hòa ven sông Tô Lịch qua cầu Giấy sang đê Bưởi đến Cống Vị để tới trường. Sáu, bảy cây số. Cuốc bộ. Vậy mà họ như thi đua ngầm với nhau, không bỏ buổi học nào. Cái chí cũng như nghị lực của hai học giả tương lai này bộc lộ ngay từ thuở thiếu thời. Tốt nghiệp Cao đẳng Công chánh Hà Nội, vì nợ áo cơm ông đã sống đời công chức nhiều năm ở Sơn La, Lai Châu, Hải Dương... Dù ở đâu làm việc gì nhưng ông vẫn tranh thủ tự học. Vốn tri thức uyên bác của Giản Chi được hình thành như thế.

Người ta đã nói nhiều về việc cụ và cụ Nguyễn Hiến Lê đã bình thản từ chối không nhận giải thưởng “văn chương toàn quốc” do chính quyền Sài Gòn trao tặng hồi trước 1975, để ca ngợi nhân cách trong sạch, cao thượng của hai nhà trí thức này.

Tôi nghĩ thêm một chuyện khác: sau 1975, con cái cụ lần lượt xuất cảnh. Họ đều có nghề nghiệp ổn định, thậm chí có thu nhập cao ở trời Tây và tha thiết đón người cha cao tuổi sang đoàn tụ để họ được phụng dưỡng. Giản Chi đã cảm ơn những tấm chân tình ấy nhưng vẫn gắn bó với tổ quốc, với TP.HCM - quê hương thứ hai của cụ, với căn hộ nhỏ trong một chung cư bình dân ở một quận nghèo. Giản Chi sống lặng lẽ, thanh đạm với một người cháu gái tuổi cũng đã cao, tìm niềm vui qua những trang thơ, những buổi gặp gỡ học trò và những người bạn vong niên, qua một số buổi tản bộ ngắm nhìn sông nước ở bến Nhà Rồng lúc sức khỏe còn cho phép.

Giờ đây cụ không còn có được những đêm chong đèn trước trang bản thảo, nhưng những trước tác của cụ vẫn giúp các thế hệ hậu sinh đến với chân trời tri thức; nhân cách của cụ - cũng như nhân cách của các học giả cao niên khác như Trần Văn Giàu, Vũ Đình Hòe... vẫn là những tấm gương sáng để giới trí thức học hỏi, noi theo.

Chân thành mừng cụ - giáo sư Giản Chi, nhà nghiên cứu Giản Chi, nhà thơ Giản Chi đại thọ.

Đầu xuân Giáp Thân

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận