Xu hướng M&A và những nỗ lực của doanh nghiệp quốc nội

TTCT - Thị trường dược phẩm VN đang thu hút sự chú ý của các công ty nước ngoài và cả một số tập đoàn kinh tế lớn trong nước. Hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) là thường tình trong một nền kinh tế thị trường tự do, nhưng vấn đề là làm sao để qua đó xây dựng một ngành công nghiệp dược bản địa đủ sức đứng vững trên đôi chân của mình.

Có nhiều lý do khiến thị trường dược VN được chú ý đặc biệt. Kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, sự già hóa dân số khá nhanh (dự báo đến 2030 có 17% dân số là người cao tuổi), nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và mức tiêu thụ dược phẩm tăng theo tương ứng. 

Mô hình bệnh tật chuyển từ bệnh cấp tính sang mãn tính, cùng chính sách bảo hiểm y tế ngày càng phổ cập (năm 2020 tỉ lệ bao phủ đạt 90,85%) cũng thúc đẩy ngành dược phát triển.

 
 Công nghiệp dược là ngành có hàm lượng khoa học - công nghệ rất lớn. Ảnh: cbo.gov

Những vụ sáp nhập ồ ạt

Thông qua M&A, các tập đoàn và công ty dược phẩm nước ngoài sẽ tiếp cận được nguồn lực sản xuất với chi phí thấp, sử dụng được nguồn nhân lực và mạng lưới phân phối đã được thiết lập qua hàng chục năm hoạt động của các công ty dược trong nước, đặc biệt là các công ty dược hàng đầu có bề dày lịch sử, có thương hiệu đã được định vị tốt trên thị trường, trong giới y khoa và người tiêu dùng…

Trên thực tế đã có nhiều thương vụ M&A thành công như Pymepharco và Stada Arzneimittel AG (Đức, 2008), Domesco và Abott Laboratories (Hoa Kỳ, 2011), Dược Hậu Giang và Taisho (Nhật Bản, 2016), Glomed và Abott Laboratories (2016), Traphaco và Deawong Pharma (Hàn Quốc, 2018), Mekophar và Nipro Pharma (Nhật Bản, 2019), Imexpharm và SK Group (Hàn Quốc, 2020), Hataphar và ASKA Pharmaceutical (Nhật Bản, 2020)… 

Đầu tư của các đối tác nước ngoài vào đổi mới, chuyển giao công nghệ và quản trị doanh nghiệp, đổi mới danh mục sản phẩm và nâng cao chất lượng thuốc, đẩy mạnh xuất khẩu… thực sự góp phần củng cố và phát triển vị thế của các doanh nghiệp dược nội địa.

Cũng cần phải nhắc đến xu hướng các tập đoàn kinh tế đa ngành ở VN mua lại một số doanh nghiệp dược, đặc biệt là các doanh nghiệp dược địa phương như Hapharco (Hà Nội), DNA Pharma (Nghệ An), Thephaco (Thanh Hóa), Ladophar (Lâm Đồng), Công ty cổ phần Dược phẩm 3 tháng 2…

Trong bối cảnh kinh tế VN hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới, việc các nhà đầu tư bỏ tiền vào công nghiệp dược là dễ hiểu. 

Vấn đề là quá trình này cần hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất dược phẩm trong nước với công nghệ cao hơn, chất lượng tốt hơn, sản phẩm đa dạng hơn, phù hợp với mô hình bệnh tật trong nước, tăng cường năng lực của công nghiệp dược quốc nội trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn do cắt giảm hàng rào bảo hộ thương mại trong các hiệp định kinh tế đa phương và song phương.

Chất lượng doanh nghiệp dược quốc nội

Theo Viện nghiên cứu thị trường IQVIA, mặc dù phải đối phó với đại dịch SARS-CoV2, công nghiệp dược VN vẫn đạt được tỉ lệ tăng trưởng kép (CAGR) 6% trong giai đoạn 2018-2020. Còn Công ty IBM dự đoán thị trường dược phẩm VN sẽ đạt giá trị 16,1 tỉ USD vào năm 2026.

Đến đầu những năm 2020, hệ thống sản xuất kinh doanh dược phẩm VN có khoảng 250 nhà máy, 200 công ty xuất nhập khẩu, 4.300 công ty bán buôn và 62.000 cơ sở bán lẻ. 

Các nhà máy dược phẩm đều đạt chuẩn “Thực hành sản xuất tốt” (GMP) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO-GMP), một số nhà máy đạt chuẩn cao hơn như: GMP châu Âu, Nhật Bản hoặc GMP của Hệ thống thanh tra dược (GMP-PIC/S). 

Đó là các nhà máy của Imexpharm, Pymepharco, Medochemia, Nipro Pharma, Stellapharm, Savipharm, Sanofi, Tenamyd, Rhoto-Mentholatum, Dược Hậu Giang… Các nhà máy trong nước đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc quốc nội.

Hệ thống nhà thuốc đạt chuẩn “Thực hành nhà thuốc tốt” (GPP) cũng tăng đều đặn. Giai đoạn 2010-2020 bắt đầu xuất hiện mô hình “chuỗi nhà thuốc” hiện đại, như của Pharmacity, Long Châu (FPT), Phano, An Khang, Mỹ Châu, Eco… trải rộng trên nhiều tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, theo Tập đoàn kiểm toán quốc tế KPMG, tính đến năm 2018, ngành dược VN đã có 50 dự án FDI đăng ký thành lập với tổng số vốn khoảng 500 triệu USD. Khoảng 60% trong số này là dự án sản xuất thuốc, bao gồm những tên tuổi lớn như Sanofi (Pháp), Nipro Pharma (Nhật Bản)…

Những số liệu đó cho thấy sự tăng trưởng, nhưng những vấn đề còn tồn tại không hề ít.

Các doanh nghiệp dược trong nước có quy mô nhỏ, phân tán, nguồn lực tài chính hạn chế, không có lợi thế kinh tế nhờ quy mô, khó thể đầu tư mạnh cho nghiên cứu - phát triển và đổi mới công nghệ, trong khi dược phẩm là một ngành có hàm lượng khoa học - công nghệ cao.

Công nghiệp dược trong nước chủ yếu là sản xuất thuốc sao chép (generic), tức các phiên bản của thuốc phát minh (patented medicines), chưa có khả năng sản xuất dược phẩm công nghệ cao và các dạng bào chế mới. Về công nghệ, chỉ khoảng 14% doanh nghiệp được trang bị dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, tỉ lệ bằng sáng chế được cấp của các công ty dược trong nước chỉ dưới 1%. Vì vậy danh mục sản phẩm của công nghiệp dược trong nước trùng lặp, số sản phẩm lưu hành trên thị trường quá nhiều. 

Trong 10 năm 2009-2019, đã có 45.801 thuốc được cấp số đăng ký lưu hành, gồm 28.388 thuốc trong nước, chiếm tỉ lệ 65%. Nhưng số sản phẩm lưu hành dựa trên cùng một hoạt chất quá nhiều (ví dụ riêng paracetamol có đến 2.262 sản phẩm lưu hành và trong 10 năm 2009-2019 là hoạt chất có nhiều số đăng ký lưu hành nhất).

Năm 2019, 5 hoạt chất có số đăng ký lưu hành cao nhất lần lượt là paracetamol (giảm đau, hạ sốt), amoxicilin (kháng sinh), cefodoxim (kháng sinh), hydrochlorothiazid (lợi tiểu) và esomeprazol (trào ngược dạ dày, thực quản). 

Trong số đó, không dược chất nào là các thuốc kê đơn cho nhu cầu điều trị các bệnh mãn tính, phù hợp với mô hình bệnh tật ở VN hiện nay và trong những thập niên tới.

Ngay cả việc khai thác thuốc sao chép, doanh nghiệp dược trong nước cũng chưa có chiến lược phù hợp với những loại thuốc phát minh hết quyền sở hữu trí tuệ. 

Hằng năm có hàng chục thuốc phát minh với doanh số hàng chục tỉ USD hết quyền sở hữu trí tuệ, vốn là cơ hội cho các nhà sản xuất thuốc sao chép trên toàn cầu. Nhưng VN còn rất chậm chân trong lĩnh vực này. 

Các phiên bản thuốc của doanh nghiệp VN, nếu có, thường đi sau Ấn Độ, Hàn Quốc, Pakistan… Thuốc sao chép từ những nhà sản xuất đó, vì vậy, có cơ hội thâm nhập thị trường VN trước.■

“Nỗ lực để có sản phẩm chất lượng cao, đầu tư cho nghiên cứu phát triển nhiều hơn”

Là công ty có tiếng ở mảng thuốc đông dược, nhưng thời gian gần đây Traphaco đã đầu tư thêm mảng tân dược và hóa dược, với những bước đi rất chắc chắn: muốn sản phẩm chất lượng cao thì phải đầu tư mạnh cho nghiên cứu phát triển.

Bà Đào Thúy Hà, phó tổng giám đốc Traphaco, tỏ ra rất tự hào khi kể về nhà máy hiện đại ở Hưng Yên mà Traphaco đã đầu tư vài năm trước. Thời điểm đó, nhà máy đã đạt tiêu chuẩn GMP-WHO.

“Chúng tôi cũng nhận hỗ trợ kỹ thuật từ Hàn Quốc, nhận kết quả nghiên cứu các sản phẩm điều trị huyết áp, tiểu đường, mỡ máu và thử tương đương sinh học để đánh giá kết quả điều trị xem có tương đương biệt dược gốc, trước một năm chỉ làm tương đương sinh học 1-2 sản phẩm, nay làm 3-4 sản phẩm/năm, nâng cao năng lực phát triển sản phẩm bào chế, vì thế chi phí nghiên cứu, phát triển cũng tăng gấp 3-4 lần so với trước” - bà Hà cho biết.

Đến nay đã có trên 10 doanh nghiệp nội địa hoặc có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư nhà máy đạt GMP-EU, loại hình đầu tư đòi hỏi vốn lớn, nguồn nhân lực và thời gian hoàn thành kéo dài, đổi lại sản phẩm của nhà máy đạt chuẩn này sẽ được xếp cùng nhóm với các thuốc sao chép nhập ngoại, cạnh tranh sòng phẳng với thuốc ngoại trên thị trường.

Nhờ đầu tư bài bản này, một số doanh nghiệp nội địa đang đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại. Một ví dụ là thuốc chứa hoạt chất molnupiravir điều trị cho bệnh nhân COVID-19 với chất lượng tốt và giá thành, theo đánh giá của Cục Quản lý dược, là “thấp nhất thế giới”. 

Doanh nghiệp nội cũng đang sản xuất nhiều mặt hàng thuốc kháng virus điều trị HIV, thuốc tiêm dạng đông khô cho bệnh nhân ung thư, thuốc điều trị ung thư dạng hướng đích bằng kháng thể đơn dòng...

L.ANH - H.THẢO

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận