Xe đưa rước học sinh giảm, vì sao?

THU DUNG 13/10/2016 02:10 GMT+7

TTCT - Không chỉ xe buýt thường, năm học 2015-2016 số lượng học sinh (HS), sinh viên (SV) đi xe buýt đưa rước trên địa bàn TP.HCM đã giảm mạnh so với những năm học trước đó.

 

Có xe buýt đưa rước học sinh se an toàn hơn cho các em, phụ huynh cũng an tâm hơn. Ảnh Hữu Khoa


Giảm 70% học sinh đi xe đưa rước

Hiện nay, toàn bộ HS-SV đi xe buýt được ngân sách bù lỗ, nhưng theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP, số lượng trường tham gia loại hình đưa rước chỉ còn 133, giảm 141 trường so với năm học 2012-2013.

Tương tự, số HS đi xe đưa rước còn 32.159 HS, giảm hơn 71.000 HS. Đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TNXP, một trong 9 doanh nghiệp vận tải tham gia đưa rước HS, cho biết nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn trong quá trình mở rộng mạng lưới trường sử dụng xe đưa rước HS.

Thời gian qua, đơn vị đã gửi thư cho nhiều trường đề nghị hợp tác nhưng không hiệu quả. Bởi dù nhận được trợ giá nhưng chi phí đưa rước HS vẫn còn quá cao đối với nhiều hộ gia đình, công tác quản lý HS cũng tốn kém kinh phí, thời gian cho các trường học.

Theo Phòng GD-ĐT Q.12, 100% các trường trên địa bàn quận đều có nhu cầu tham gia đưa rước HS bằng xe buýt. Vị trí các trường nằm gần quốc lộ 1, quốc lộ 22 khá nguy hiểm cho HS khi đi lại thường xuyên, một số vụ tai nạn đáng tiếc cũng đã xảy ra.

Vì vậy, nhà trường luôn muốn tạo điều kiện cho các em được di chuyển hoàn toàn bằng xe buýt để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, phụ huynh HS chưa hài lòng do xe buýt cũ kỹ, chất lượng phục vụ của các doanh nghiệp vận tải nên vẫn chưa yên tâm để đăng ký cho con đi lại bằng loại phương tiện này.

Đại diện phòng công tác SV Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết nhu cầu đi xe đưa rước của SV trường là rất lớn. Cuối năm 2015, khi dịch vụ đưa rước SV vừa ra đời, số lượng SV đăng ký rất đông nhưng đến nay SV không đăng ký tham gia nữa nên trường đã ngưng mở tuyến này.


Nâng cao chất lượng xe

Anh Phan Văn Giang, một phụ huynh HS, nói: “Trước đây tôi từng đăng ký cho con đi học bằng xe buýt đưa rước do xe đưa đón tận nhà, đảm bảo an toàn, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, còn phụ huynh có thời gian làm những việc khác.

Thế nhưng xe đưa rước các em khá cũ và trường học lại không quản lý được hoạt động này nên tôi không an tâm cho con đi nữa”. Theo Sở GTVT TP.HCM, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giảm số lượng HS-SV đi xe đưa rước do nhiều xe đã trên 10 năm sử dụng, chất lượng kém.

Bên cạnh đó, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng không đủ nhân lực để tập trung phát triển đưa rước HS-SV, công tác quản lý HS-SV chưa chặt chẽ.

Về phía các trường vẫn còn tâm lý e ngại do phải xác nhận số lượng HS-SV đưa rước hằng ngày, phần lớn các trường cũng không đủ nhân lực và kinh phí dành cho nhân viên đi kiểm soát, quản lý HS-SV đi xe đưa rước.

Theo ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở GTVT, để giải quyết vấn đề trên, sở sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT cùng các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát 600.000 HS cấp II-III trên địa bàn TP để đưa ra giải pháp, đáp ứng nhu cầu sử dụng xe đưa rước HS-SV.

Đồng thời đề nghị Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng đổi mới xe buýt, đầu tư trang thiết bị trên xe hiện đại... để thu hút HS-SV. Xem xét rút gọn thủ tục mở tuyến xe buýt đưa rước HS-SV, triển khai thí điểm sử dụng thẻ định danh RFID tăng hiệu quả quản lý những HS-SV đi học bằng xe đưa rước...

Thực tế gần đây cũng đã có mô hình xe đưa rước HS khá hiệu quả. Ông Phạm Ngọc Đào, phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3), cho biết năm học 2015-2016 nhà trường cùng với Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TNXP tổ chức đưa rước 60 em HS của trường bằng xe được đầu tư mới, phục vụ chu đáo, tận tình khiến nhiều phụ huynh, HS tin tưởng. Sắp tới, trường sẽ mở rộng mô hình này để đảm bảo an toàn cho HS đến trường. ■

Giảm 1 triệu xe máy đưa rước

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, việc phát triển xe buýt đưa rước HS-SV góp phần giảm 1 triệu xe cá nhân của phụ huynh đưa rước con em hằng ngày, giảm thiệt hại kinh tế do ùn tắc giao thông (200.000-300.000 tỉ đồng/năm), giảm ô nhiễm môi trường. Còn phụ huynh HS sẽ có thêm 2-3 giờ/ngày cho công việc, tiết kiệm xăng xe đưa đón (gần 30 triệu đồng/năm)…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận