Xây sân vận động, xây thương hiệu

HUY ĐĂNG 05/08/2022 17:14 GMT+7

TTCT - Trong hoàn cảnh cả làng bóng đá thế giới phải "chạy ăn từng bữa" sau đại dịch, Real Madrid cùng Barcelona lặng lẽ triển khai những kế hoạch xây mới sân vận động trị giá tỉ USD.

Dự kiến vào đầu năm 2023, đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha sẽ ra mắt phiên bản nâng cấp của Bernabeu trị giá 1 tỉ̉ USD, còn Barca vừa chính thức khởi công dự án cải tạo sân nhà Camp Nou với chi phí lên đến 1,7 tỉ̉ USD.

Thắt lưng buộc bụng từng đồng

Với Madrid, họ đã giữ được tình hình tài chính ổn định cũng như phong độ thi đấu ấn tượng suốt 2 năm qua. Kế hoạch xây mới sân Bernabeu của chủ tịch Florentino Perez vì thế hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Xây sân vận động, xây thương hiệu - Ảnh 1.

Một Camp Nou mới mẻ hứa hẹn sẽ đồng hành cùng sự hồi sinh của Barca. Ảnh: AP

Nhưng Barca lại khác, đội bóng xứ Catalunya trải qua cuộc khủng hoảng tài chính có lẽ là tồi tệ nhất lịch sử CLB. Hơn một năm trước, Joan Laporta đắc cử ghế chủ tịch Barca lần thứ hai, và kế thừa của người tiền nhiệm Josep Bartomeu… khoản nợ 1,5 tỉ̉ USD. 

Tình hình tài chính của Barca tệ đến mức họ không thể đăng ký cho Lionel Messi ra sân và phải để siêu sao người Argentina ra đi vào mùa hè năm ngoái. Sau đó, Laporta cùng cộng sự bước vào cuộc chiến thương thảo với các cầu thủ, mục tiêu là thuyết phục họ giảm lương để cứu đội bóng.

Bất chấp những khoản nợ bủa vây, chủ tịch Laporta lại tỏ ra rất tỉnh táo trong những kế hoạch dài hạn. Hè năm ngoái, Laporta cùng Perez đồng lòng phản đối kế hoạch bán bản quyền thương mại của chủ tịch La Liga. 

Theo đó đối tác CVC sẽ được quyền khai thác 10% bản quyền truyền hình của toàn bộ các đội bóng ở La Liga trong vòng 50 năm tới. Phía La Liga nhận được 2,7 tỉ̉ euro, trong đó Barca cùng Real nhận 260 triệu euro mỗi đội.

Vì áp lực giữ chân Messi, Laporta ban đầu định xuôi theo dự án này nhưng rồi ông được Perez nhắc nhở, rằng thương vụ này thực chất chỉ là một khoản vay dài hạn với lãi suất quá cao. Kết quả là Barca chấp nhận từ bỏ để không phải nhận "khoản vay trả góp" từ CVC.

Một năm sau, Barca tự mình bán 25% bản quyền truyền hình ở La Liga trong 25 năm cho quỹ đầu tư Sixth Street với giá hơn 500 triệu euro. Bản chất không khác nhiều nhưng hợp đồng này lời hơn nhiều so với thương vụ của La Liga (vì chỉ kéo dài 25 năm thay vì 50 năm). 

Sự tỉnh táo của Laporta đã giúp Barca thu lợi lớn. Không chỉ vậy, họ còn tính bán cả 50% quyền kinh doanh bán lẻ với giá 300 triệu euro.

Vì tài chính, Barca phải làm những việc không giống ai suốt một năm qua. Họ đẩy siêu sao số một ra đường, bán quyền thương mại trong tương lai và thậm chí đem sân bóng làm địa điểm… tổ chức tiệc cưới, cho thuê đá phủi. 

Nhưng bất chấp mọi khó khăn, ban lãnh đạo CLB vẫn triển khai kế hoạch xây mới Camp Nou, và đến tận năm 2026 mới hoàn tất. Liệu Laporta cùng đội ngũ có trụ được đến thời điểm đó, khi sức ép tài chính vẫn đang đè nặng?

Tất nhiên Laporta không điên rồ. Xây mới sân bóng là một chiến lược phát triển quan trọng mang tính trung và dài hạn. Tạp chí Forbes ca ngợi quyết định của ông là "nước đi chính xác", và đưa ra những phân tích về lý do tại sao một CLB như Barca lại cần xây mới sân vận động. 

Cần biết rằng trong 40 năm qua CLB đã hai lần đại trùng tu Camp Nou, và đây là lần thứ ba. Trong khi đó, Chelsea dù đổi đời đã 20 năm kể từ khi Roman Abramovich xuất hiện, vẫn chưa một lần làm mới Stamford Bridge. Tương tự là Manchester City hay Paris Saint German, những đại gia mới giàu khác.

Không sợ lỗ

Đó chính là sự khác biệt giữa những CLB như Barca và Real so với nhóm "giàu xổi" của bóng đá châu Âu. Chelsea và Man City có thể nhanh chóng vươn lên trở thành những thế lực hàng đầu trong làng túc cầu châu Âu với ngân sách chuyển nhượng dồi dào và lượng fan (mới) đông đảo trên toàn thế giới. 

Nhưng nếu tính những "CĐV chính thức", những người lâu đời thứ thiệt, chịu và dám bỏ tiền cho đội bóng, họ lại chẳng đáng kể so với Barca hay Madrid. Hội CĐV chính thức của Man City tại Anh chỉ có khoảng 14.000 người (trong khoảng 40 triệu fan toàn cầu, như CLB này tự nhận).

Trong khi đó, Barca có hơn 200.000 thành viên chính thức và cộng đồng fan hơn 100 triệu. Madrid cũng tương tự. Hình thái tổ chức của Barca và Madrid cũng khác so với phần lớn các CLB Anh, khi chủ sở hữu CLB không phải cá nhân một tỉ phú, mà là các CĐV (được gọi là socis, tức chính thức khoảng 200.000 thành viên nói trên).

"Đây là một dự án phi thường dành cho thành phố chứ không chỉ đội bóng", chủ tịch Barca nói. Việc xây sân vận động mới rõ ràng mang đến nhiều lợi ích to lớn về kinh tế, thương mại cho cả thành phố Barcelona. 

Không giống những sân vận động được xây dựng bừa phứa ở các kỳ Olympic, World Cup, sân của một CLB giàu truyền thống chắc chắn sẽ tận dụng được công suất tối đa, ngay cả vào những ngày không diễn ra trận đấu.

Các đội bóng giàu xổi thường không quan tâm nhiều đến việc xây sân vận động, nhưng những CLB có truyền thống lâu đời thì khác. Trong 12 năm qua, sân Anfield của Liverpool đã trải qua hai phen đại trùng tu. 

Đội bóng cùng thành phố của họ là Everton cũng chính thức khởi công dự án làm mới Goodison Park trị giá đến hơn 600 triệu euro vào giữa năm nay. Cả hai dự án được ước tính sẽ đóng góp cho nền kinh tế thành phố Liverpool hàng tỉ euro.

Bản thân các CLB cũng có thể tăng mạnh nguồn thu nhờ việc xây sân mới. Năm 2011, Juventus đi vào lịch sử bóng đá Ý khi chính thức sở hữu một sân vận động của riêng mình, ở một nền bóng đá mà hầu hết các sân vận động do chính quyền quản lý. 

Sân Allianz Stadium của họ tuy chỉ có hơn 40.000 chỗ ngồi, tốn khoảng 160 triệu euro, nhưng ngay lập tức tạo ra hiệu ứng tích cực về mặt doanh thu. Ngay mùa giải đầu tiên sử dụng sân mới, nguồn thu từ trận đấu (bao gồm bán vé và các dịch vụ khác) đã tăng từ 11 triệu euro lên hơn 30 triệu euro, tức chỉ cần 5 mùa giải, "Bà đầm già" đã thu hồi vốn.

Arsenal có thể nói là đội tiên phong trong việc kiếm tiền từ sân bóng hiện đại. Trong mùa giải cuối cùng sử dụng sân cũ Highbury, doanh thu từ trận đấu của Arsenal chỉ vào khoảng 50 triệu euro. 

Ngay sau khi chuyển sang sân mới Emirates vào năm 2006, con số này đã tăng lên hơn 100 triệu euro, và ổn định suốt từ đó đến khi đại dịch bùng nổ. Khoản chi phí 500 triệu euro (700 triệu USD thời điểm đó) họ bỏ ra để xây sân mới đã là một khoản đầu tư hết sức khôn ngoan.

Những tỉ̉ phú dầu mỏ có thể sẽ rời bỏ đội bóng và người hâm mộ, nhưng sân bóng thì không. ■

Những sân bóng đắt đỏ nhất thế giới

Được xây cách đây 16 năm với phí tổn 700 triệu USD, Emirates xếp vị trí thứ 15, còn kém sân của đội bóng cùng thành phố là Tottenham Stadium (1,33 tỉ USD). 4 sân vận động đắt giá nhất thế giới hiện đều nằm ở Mỹ, phục vụ chủ yếu cho môn bóng bầu dục. Sân SoFi của 2 CLB Los Angeles Rams và Los Angeles Chargers có sức chứa 70.000 chỗ ngồi hiện là mắc nhất thế giới, với tổng mức đầu tư lên tới 5,5 tỉ USD.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận