Xây dựng hệ giá trị cho nền đại học

TTCT - Bước vào thời đại mà một dân tộc không có khả năng kiến thiết nền giáo dục chất lượng cao cho riêng mình thì coi như số phận dân tộc đó đã bị định đoạt, nền đại học của Việt Nam lại đang đối diện nguy cơ khủng hoảng mà cốt lõi chính là khủng hoảng hệ giá trị.

Phóng to

Hệ giá trị là hệ thống tiêu chí giúp con người phán đoán các giá trị, nhìn bản thân mình và người khác rồi từ đó thực hiện sự lựa chọn. Bất kỳ tổ chức nào, dù là doanh nghiệp, đảng phái chính trị, bộ máy công quyền hay trường đại học, cũng cần phải được vận hành dựa trên những hệ giá trị mà mỗi thành viên lĩnh hội và chia sẻ. Xây dựng hệ giá trị cho một tổ chức vì thế trở thành đối tượng nghiên cứu quan trọng của khoa học về quản trị.

Hệ giá trị là yếu tố tinh thần kết nối các cá nhân trong tổ chức. Ở phương diện này, một trường đại học không khác một doanh nghiệp. Bước vào một doanh nghiệp có những hệ giá trị vững vàng như Toyota, một kẻ dẫu lười biếng và ỷ lại cũng phải trở thành người siêng năng và tự chủ.

Nền đại học Việt Nam cần tự chủ. Nhưng, tự chủ cần được nhận thức như là một giá trị trước khi được hiểu là một cơ chế. “Một con mèo đang cười” thì phải gồm hai phần là “con mèo” và “nụ cười”. Không thể có một nụ cười không thuộc về một gương mặt nào đó. Những tập thể hiện còn chưa có những hệ giá trị chung để vận hành mà bị/được bắt phải vận hành cơ chế tự chủ thì sẽ trở thành một “nụ cười không mèo” trong “Alice ở xứ thần tiên”.

Khủng hoảng Hệ giá trị

Ngày nay, các nước phát triển nhìn những ngôi trường đại học tiêu biểu của mình như là hiện thân của danh dự quốc gia. Những ngôi trường này có những hệ giá trị được xây dựng vững chắc và vận hành hệ thống của mình bằng những hệ giá trị ấy.

Năm 1858, Fukuyawa Yukichi lập Trường đại học Keio Gijutsu bằng tinh thần “xây dựng ý thức tự do và tự lập ở mỗi cá nhân”. Tự do, đó không phải là một tư tưởng mà là một giá trị. Cuộc canh tân của Nhật Bản “đã đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, cũng như sự phát triển của Đại học Keio Gijutsu - dù là tư thục nhưng ngày nay thuộc nhóm dẫn đầu nền đại học Nhật Bản - chính là bằng “kim chỉ nam” của một hệ giá trị: tự do!

Vấn đề lớn nhất của nền đại học Việt Nam hiện nay là khủng hoảng hệ giá trị. Không cần rơi vào cảnh “bán điểm buôn bằng” thì mới khủng hoảng hệ giá trị. Hệ giá trị của một tổ chức được vật chất hóa ở cách làm việc của mỗi thành viên.

Từ khi Việt Nam có đại học, đây là lần đầu tiên xuất hiện kiểu “người thầy đại học” như thế này: “Có người buổi sáng học cao học môn học này của một phó giáo sư, buổi chiều dạy ngay chuyên đề ấy cho đại học!”. Kiểu dạy học cẩu thả ấy là cực điểm của khủng hoảng hệ giá trị. Người thầy chỉ được định hình trong mối quan hệ với học trò. Đứng ra bên ngoài mối quan hệ này, anh ta khủng hoảng hệ giá trị rồi!

Liệu có ích gì khi nói với những trường đại học “loạn giấy báo nhập học”, “ồ ạt tuyển sinh, bỏ lơ đào tạo”, giảng viên phải “đòi nợ hiệu trưởng”, lãnh đạo “đấu đá” để học trò “lãnh đủ”, nhập khẩu bằng cấp của trường không được công nhận... rằng sứ mệnh nhỏ bé của một trường đại học gắn liền với một thế giới rộng lớn, đem lại sự tiến bộ cho quốc gia, nhân loại, thông qua nâng đỡ sự tiến bộ của từng người thầy và từng học trò của nó? Sẽ chỉ là trò cười vô nghĩa.

Khủng hoảng hệ giá trị sẽ khiến mọi tổ chức rơi vào trạng thái của một hoang mạc. Chẳng gì có thể sinh thành ở đó. Toàn bộ nền đại học Việt Nam sản xuất công trình công bố quốc tế không bằng một trường Chulalongkorm của Thái Lan. Nền giáo dục đại học chỉ có thể vượt lên trên cuộc khủng hoảng chất lượng đào tạo và nghiên cứu trước tiên bằng cách khắc phục khủng hoảng cốt lõi nhất - khủng hoảng hệ giá trị.

Xây dựng Hệ giá trị

Một ngôi trường đại học muốn hội nhập thế giới trước tiên phải hội nhập ở hệ giá trị. Duy lý và dân chủ, tự do và sáng tạo, hành động địa phương trong tinh thần toàn cầu... là những giá trị cần được xây dựng trước tiên. Trong đó, dân chủ cần được hiểu trước hết là yếu tố cơ sở của một hệ giá trị, là nền tảng của tự do và sáng tạo. Đại học cần được tái cấu trúc để những giá trị ấy có một cơ sở xã hội mà sinh thành, lưu chuyển và định hình một vận mệnh.

Đẳng cấp của đại học là đẳng cấp của người thầy đại học. Do đó, đại học không chỉ là nơi đào tạo sinh viên mà còn phải là nơi phát triển trí tuệ của người thầy. Nó không cần một quyền lực mạnh. Nó cần một xã hội mạnh, mà nòng cốt là hội đồng trường, nơi tập hợp những con người trí tuệ nhất và do đó cũng “quyền lực” nhất, và các phòng nghiên cứu, nơi sắp đặt nấc thang trưởng thành về mặt trí tuệ cho từng thành viên.

Trong trường đại học, phòng nghiên cứu và những nhà nghiên cứu phải là trung tâm của bộ máy. Và người “quyền lực” nhất trong một không gian có sứ mệnh giáo dục và nghiên cứu cần phải là các giáo sư dẫn đầu.

Nhưng ở đại học Việt Nam, những thiết chế này và hệ giá trị đi kèm với nó rất yếu hoặc không có. Các khoa bị biến thành nơi tập hợp những “công nhân dạy học” với đồng lương bèo bọt, phải bươn chải để kiếm sống, bên trên là các thành phần “quản lý”. Những chỗ “bên trên” này giống như các cơ quan công quyền, có cái gì đó rất hấp dẫn, ai lên được tới đấy thì thấy mình may mắn hơn là chỉ đi dạy học.

Cấu trúc này đã hình thành những “giá trị ngược” tương thích với nó để vận hành. Giả sử một nhà khoa học đoạt giải Nobel bị thả vào môi trường đó, ông ta cũng sẽ thành kẻ bất lực! Nếu không thay đổi cấu trúc này, mọi tuyên truyền về hệ giá trị chỉ tạo ra những “nụ cười không mèo”.

Không có những mô hình thích hợp và sự đãi ngộ khả dĩ giúp người thầy đại học có thể tự đào tạo để tự chủ thì trường đại học cũng không thể tự chủ. Nhưng mô hình nào cũng phải có những hệ giá trị tương thích đi kèm. Với những “giá trị ngược”, người ta không thể vận hành được bất kỳ mô hình nào. Đại học cần kỷ luật, dân chủ và minh bạch để khắc phục sự bát nháo, tái lập kỷ cương và kiến thiết tính sáng tạo của tổ chức.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận