"Xã hội cần người thích làm việc kỳ quặc"

BẠCH NGA THỰC HIỆN 03/06/2012 13:06 GMT+7

TTCT - Những người yêu mến văn học Nga có thể chờ đợi gì từ việc ra đời của Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt - Nga tuần qua? TTCT trò chuyện với dịch giả Đoàn Tử Huyến - thành viên hội đồng chuyên môn của quỹ và phó giám đốc quỹ Nguyễn Thụy Anh.

Dịch giả Đoàn Tử Huyến - Ảnh nhân vật cung cấp

Cần chọn lựa trên tiêu chí nghệ thuật

* Thưa hai dịch giả, những người yêu thích văn học Nga có nên hi vọng không khi sau buổi ra mắt vào ngày 11-5 vừa rồi, ngày 25-5 Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt - Nga đã có buổi gặp mặt đầu tiên với các dịch giả nhiều thế hệ tại Hà Nội?

- Đoàn Tử Huyến (Đ.T.H.): Tôi rất hoan nghênh việc thành lập quỹ. Thực tế rất nhiều quỹ về văn hóa đã được thành lập và hoạt động rất tốt, đơn cử như Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh. Vấn đề băn khoăn ở đây của tôi chỉ là làm sao cho quỹ mình vất vả lập được ra, do những người rất tâm huyết, có ý tưởng làm việc thật sự, có thể tồn tại lâu dài mà không chết yểu như rất nhiều quỹ khác đã từng.

- Thụy Anh (T.A.): Khi thông tin về Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt - Nga được đưa lên các phương tiện truyền thông, quỹ đã nhận được rất nhiều thư của các dịch giả từ nhiều thành phố. Họ rất hào hứng và sẵn sàng chia sẻ với quỹ về những dự định ấp ủ của họ đối với văn học Nga. Chẳng hạn, dịch giả Triệu Lam Châu (Phú Yên), dịch giả Nguyễn Đình Long (Vũng Tàu), dịch giả Ngọc Châu (Hải Phòng)... Có những dịch giả tương đối trẻ hơn về tuổi đời như anh Ngô Tự Lập (Hà Nội), anh Vũ Tuấn Hoàng (Ukraine) với những đề xuất rất thú vị và khả thi khiến tôi rất hào hứng.

* Có người đã nói đây cũng là một việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng"?

- Đ.T.H.: Tất nhiên rồi. Thật ra mà nói trong một xã hội hiện đại, dân chủ, chúng ta luôn phải có hai lực lượng tham gia các mặt trận, trong đó có văn hóa văn nghệ. Trước hết là Nhà nước. Đây là lực lượng mang tính chất "trọng tài", ra chủ trương để những tổ chức khác thực hiện các hoạt động có ích cho xã hội. Thứ hai là lực lượng xã hội nói chung - những tổ chức cá nhân tự động lập thành những cộng đồng như các câu lạc bộ, các hội dịch thuật... Nhìn bên ngoài thấy họ đang làm những việc kỳ quặc, nhưng một xã hội càng có nhiều người... thích làm những việc kỳ quặc như thế thì càng phát triển.

* Tại cuộc gặp, giám đốc quỹ Thúy Toàn đã giới thiệu một số đầu sách được chọn để dịch ra tiếng Nga như tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng), Mưa mùa hạ (Ma Văn Kháng), Mẫu thượng ngàn (Nguyễn Xuân Khánh) cùng tuyển tập truyện ngắn, thơ Việt Nam thời kỳ 20 năm trở lại đây. Việc lựa chọn các tác phẩm này đã dựa trên những tiêu chí nào?

- T.A.: Một điều mà tôi cũng băn khoăn là việc thẩm định để đưa vào các dự án dịch thuật, kể cả văn học Nga hay giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, cần phải tiến hành thế nào cho thật chuyên nghiệp chứ không thể cảm tính hoặc dựa vào sự nhiệt tình của các cá nhân được. Cần lập ra một danh mục các tiêu chí rất rõ ràng, làm sao để các tác phẩm dịch ra tiếng Nga hay tiếng Việt đều phải ngay lập tức có tiếng vang hoặc chí ít đáp ứng được thị hiếu tìm hiểu văn học văn hóa của người đọc hiện đại chứ không chỉ dừng ở tư liệu văn học.

- Đ.T.H.: Hiện nay chúng ta đề xuất các tác phẩm chuyển ngữ hầu như dựa vào các gợi ý từ phía Nhà nước, sau đó là từ các quan hệ riêng tư của các tác giả và dịch giả, bạn bè tác giả giới thiệu, một kênh nữa là do phía nước ngoài tự đứng ra chọn dịch. Với những đề xuất vừa nêu cũng đã là quý vì trong một thời gian quá gấp rút cần phải trả lời phía bạn. Nhưng trong tương lai, việc này chắc chắn cần được quỹ tiến hành một cách hệ thống và khoa học.

Hội đồng cố vấn phải tập trung cao nhất vào chuyên môn và đặt lợi ích vì sự phát triển của đời sống văn học và giao lưu văn học lên trên hết.

* Vậy theo hai dịch giả, tiêu chí nào sẽ là quan trọng nhất trong cả một danh sách các tiêu chí cần được lập ra?

- Đ.T.H.: Đã là dịch văn học thì tiêu chí nghệ thuật là trên hết. Đó chính là tiêu chí khiến cho Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) được hoan nghênh đến thế ở nước ngoài.

- T.A.: Tôi băn khoăn với việc làm sao khiến được người đọc trẻ Việt Nam quan tâm đến văn học Nga chứ không chỉ là những thế hệ độc giả cũ có chút "hoài cổ" về vẻ đẹp một nền văn hóa họ từng được tiếp cận trong quá khứ. Văn học Nga kinh điển chúng ta cũng chưa khai thác hết, nhưng đồng thời làm sao để người đọc bây giờ để ý đến văn học Nga trong cả một biển mênh mông của văn học dịch các nước đang thâm nhập thị trường sách hiện nay. Chất lượng dịch đã đành, lựa chọn tác giả tác phẩm cũng cần rất tinh tế và am hiểu thị hiếu người đọc.

Dịch giả Thụy Anh - Ảnh nhân vật cung cấp

Chọn lựa sai sẽ làm tụt hậu tri thức độc giả

* Và điều được chờ đợi nhiều nhất từ phía người đọc Việt: những tác phẩm nào của Nga sẽ được chọn dịch?

- T.A.: Các tác phẩm văn học Nga lần này được lựa chọn để đề xuất với quỹ của tổng thống Nga là: Tuyển tập Dostoevsky 10 tập, tập truyện Những truyện ngắn biển của Konstantin Stanhiukovich, hai tiểu thuyết đương đại, một tập thơ và một tập truyện ngắn đương đại. Theo mong muốn của tôi, các tác phẩm kinh điển và đương đại phải được giới thiệu song song, đồng bộ nhưng phải kèm với sự quảng bá, truyền thông hợp lý để lôi kéo được chú ý của người đọc trong thời đại ngập chìm trong thông tin thế này.

* Liên quan tới chất lượng dịch và lựa chọn những gương mặt mới của thế hệ kế cận để bồi dưỡng ở nước ngoài như dịch giả Thúy Toàn cho biết, liệu việc đào tạo đội ngũ dịch thuật kế cận có thực hiện được không, khi nhiều người cho rằng không thể đào tạo được dịch giả mà chỉ có thể tự đào tạo?

- T.A.: Tôi không nghĩ thế. Đào tạo người dịch văn học chuyên nghiệp là việc có thể làm được và nên làm. Việc được học tập và tu nghiệp về các môn chuyên ngành liên quan đến văn hóa, văn học, đến ngoại ngữ và tiếng Việt rất quan trọng để dịch giả xây dựng cho mình một phông văn hóa vững vàng. Ngoài ra, chính quá trình dịch cũng là một quá trình tự học quý giá mà thông qua đó dịch giả có thể giỏi lên, vượt lên chính mình rất nhiều.

- Đ.T.H.: Đào tạo được và phải được đào tạo. Quá trình được đào tạo, ngược lại, cũng chính là quá trình người dịch tự đào tạo mình. Nếu có thầy, có người hướng dẫn có hệ thống, quá trình tiến tới thành công sẽ gần hơn một chút.

Trên thực tế, những tác phẩm dịch có được tiếng vang ở nước ta vừa qua hầu như đều do nỗ lực cá nhân, một cách tự phát. Còn để hướng đến một nền văn học dịch chuyên nghiệp thì khâu tổ chức rất quan trọng, như tôi đã nhắc ở trên, vai trò của Nhà nước. Nhiều khi do cơ chế, có thể vô hình trung lại cản trở quá trình một tác phẩm xứng đáng có thể đến được với độc giả Việt Nam. Những tác phẩm được chọn dịch không dựa trên tiêu chí cao nhất là văn chương hoặc được/bị chọn lựa đại khái lấy được đôi khi sẽ làm tụt hậu tri thức độc giả.

* Một điều chúng tôi rất muốn hỏi dịch giả Ðoàn Tử Huyến: từng là một người dịch "trẻ" cách đây gần 20 năm, ông thấy tiêu chí, quan điểm dịch thuật của mỗi thế hệ có gì khác nhau? Vì người ta hay so sánh thế hệ dịch thuật đi trước với thế hệ mới bây giờ và lo ngại một sự kế tiếp bị đứt gãy?

- Đ.T.H.: Quan điểm dịch thuật ở thời đại nào cũng khác nhau. Trước kia thì ít thông tin, báo chí cũng chưa nhiều như bây giờ nên chúng ta ít được nghe nhiều quan điểm đa chiều như hiện nay. Giờ đây, một vấn đề nhỏ của dịch thuật cũng được khơi dậy bằng rất nhiều cuộc thảo luận qua lại, bất tận và không phải là không có ích cho những người dịch. Chỉ cần họ phải có được quan điểm riêng của mình để có thể nhìn thấy bài học từ những cuộc thảo luận và những quan điểm khác nhau ấy.

Cá nhân tôi không nghĩ người đi trước dịch tốt hơn những người dịch bây giờ. So sánh như vậy rất khập khiễng. Đơn giản là những gì trụ lại được với thời gian, với bạn đọc đã là những tác phẩm được chọn lọc, có thể nói là đạt đến một đỉnh cao nhất định. Và người ta lấy tấm gương đó để "răn" lớp trẻ. Lớp trẻ hiện nay cứ mạnh dạn làm việc, bền bỉ, kiên trì thì trong những cái họ đang làm đây, sai sót còn nhiều, vẫn sẽ có những tác phẩm đạt được đỉnh cao mà người đi trước có được.

* Xin cảm ơn các dịch giả.

Tháng 11-2010, sau khi nhận được đề nghị từ phía một số dịch giả văn học Nga trong cuộc giao lưu với lưu học sinh Việt Nam tại Nga ở Hà Nội, tổng thống Liên bang Nga lúc ấy là ông Medvedev đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng trung ương Liên bang Nga thành lập quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Nga vào Việt Nam, với sự tham gia của Quỹ Văn hóa Nga. Quyết định này được thông báo cho phía Việt Nam thông qua Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch Việt Nam và đã bắt đầu tiến hành những bước đầu tiên trong việc hỗ trợ dịch thuật và xuất bản.

Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam - Nga sau khi thành lập sẽ có những đề xuất để những động thái hỗ trợ nói trên về phía Nga được xử lý nhanh chóng, hợp lý và hiệu quả.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận