Vua cờ mong trở thành... vua bài

HUY ĐĂNG 31/07/2022 05:53 GMT+7

TTCT - "Poker là loại hình đánh bài duy nhất có thể xem là một môn thể thao", các trang web về poker dẫn chứng từ định nghĩa của Oxford để khẳng định poker là thể thao.

Cũng như eSports (thể thao điện tử), nhiều phụ huynh hẳn sẽ bực bội khi nghe chuyện bài bạc lại được xem là thể thao. Nhưng Magnus Carlsen có thể thay đổi suy nghĩ của họ.

Vua cờ mong trở thành... vua bài - Ảnh 1.

Carlsen bắt đầu chơi poker trong 2 năm trở lại đây. Ảnh: Twitter

Mới là tay mơ

Sự kiện chấn động làng thể thao đỉnh cao thế giới tuần rồi có lẽ là việc vua cờ Carlsen từ chối tham gia trận tranh ngôi vô địch dự kiến diễn ra vào năm tới. Điều đó đồng nghĩa Carlsen chính thức mất ngôi vua cờ sau tròn một thập niên thống trị. 

Năm 2013, kỳ thủ người Na Uy đánh bại đối thủ người Ấn Độ hơn mình 21 tuổi Viswanathan Anand để lần đầu đăng quang vô địch thế giới khi chưa đầy 23 tuổi. Kể từ đó, anh giành chiến thắng cả 4 trận bảo vệ ngôi vô địch (tổ chức khoảng 2 năm/lần).

"Tôi không còn khát khao để tham gia trận đấu này. Đó vẫn sẽ là một trận đấu đầy hấp dẫn, nhưng đơn giản là tôi hết động lực thi đấu", Carlsen phát biểu trước truyền thông.

Anh không nói cụ thể lý do, cũng không tuyên bố từ bỏ cờ vua hoàn toàn. Nhưng nhiều năm qua, làng cờ đã tranh luận về việc Carlsen đang "chán chơi cờ", khi những đối thủ của anh ngày càng lệ thuộc vào các siêu máy tính. 

Những trận cờ vô địch thế giới vài năm trở lại đây thường trôi qua theo cục diện hòa ở 12 ván tiêu chuẩn, trước khi Carlsen đánh bại đối thủ ở các ván tie-break cờ nhanh - vốn ít chịu sự chi phối của siêu máy tính hơn.

Từ chối ngôi vô địch cờ vua và có thể xa rời làng cờ một thời gian, Carlsen sẽ làm gì tiếp theo? Anh chưa thông báo chính thức, nhưng câu trả lời có vẻ sẽ là poker. 

Khoảng 2 năm trở lại đây, Carlsen nhiều lần bày tỏ sự hứng thú với môn bài này. Đầu năm nay, anh tham gia Giải vô địch quốc gia poker của Na Uy và xếp hạng 25 trên khoảng 1.500 người tham dự.

Tháng 7 này, Carlsen lại tiếp tục tham gia Giải vô địch poker thế giới (WSOP) - sự kiện giàu truyền thống nhất trong làng poker và có mức phí tham dự lên đến 10.000 USD. Vua cờ tỏ ra chỉ là tay mơ ở WSOP và sớm chia tay giải ngay ngày thi đấu đầu tiên.

Môn thể thao trí tuệ

Rất có thể thất bại ở WSOP đã thôi thúc Carlsen quyết định từ bỏ ngôi vua làng cờ - vị thế anh đã giữ chặt đến nhàm chán nhằm đeo đuổi cuộc phiêu lưu cùng poker. 

Trong một trò chơi tồn tại sự may rủi như bài bạc, liệu bộ óc xuất chúng của Carlsen có giúp anh đạt đến đẳng cấp cao nhất? Chúng ta trở lại câu hỏi đầu tiên về việc liệu poker có thực sự là một môn thể thao.

"Cờ vua là phúc âm, còn poker là rock and roll", Dan O’Callagan - tay poker hàng đầu thế giới nói. Đã có rất nhiều quan điểm so sánh poker và cờ. Cả hai đều đòi hỏi trí óc, rèn luyện kỹ năng và thể lực bền bỉ. Cũng như cờ, những ván poker có thể kéo dài nhiều giờ. Nếu cờ vua là thể thao, poker cũng vậy.

Điểm khác biệt cơ bản nhất của poker so với cờ vua là yếu tố may rủi, khiến mọi tay bài dù trình độ kém đến đâu vẫn có hy vọng chiến thắng trong một ván cụ thể. 

"Đó là điều khiến poker phổ biến hơn cờ vua. Nhưng về dài hạn cả hai đều tạo ra thử thách cho kỹ năng. Những người chơi giỏi nhất đều phải lên chiến lược để tiếp cận đối thủ của họ", O’Callagan nói.

Trong khi đó, Carlsen so sánh poker với trò quản lý bóng đá nổi tiếng, thậm chí là công việc giám đốc điều hành một đội bóng. Vua cờ khẳng định anh hoàn toàn không phải người đam mê bài bạc, cũng không hứng thú với yếu tố may rủi. Nhưng Carlsen lý giải rằng ở poker, yếu tố dữ liệu vẫn có vai trò quyết định.

"Quản lý bóng đá có rất nhiều điểm tương đồng với poker, ở chỗ bạn đưa ra quyết định dựa trên những số liệu thống kê. Khía cạnh "đánh cược" của poker không phải là điều khiến tôi thú vị. 

Thay vào đó, nỗ lực đưa ra quyết định đúng đắn hơn người khác dựa trên dữ liệu mới là điều đáng kể. Tất nhiên, cờ vua hoàn toàn không có may mắn, còn poker có yếu tố này trong khoảng thời gian ngắn hạn. 

Nhưng nói nôm na, nếu bạn có đủ kỹ năng, bạn sẽ gặp may thường xuyên hơn, đó là nguyên tắc cơ bản", Carlsen nói.

Carlsen không hề quá lời, xác suất thống kê từ lâu đã được xem là một phần thiết yếu của poker. Một ví dụ đơn giản, "thùng" (5 lá bài đồng chất, ví dụ cả 5 lá đều là bích) xếp trên "sảnh" (5 lá bài liên tiếp, ví dụ: 6, 7, 8, 9, 10) là vì xác suất để ra "thùng" trong poker là 0,37%, trong khi "sảnh" là 0,76%. Sự chênh lệch này là rất lớn với các sân chơi đỉnh cao.

Với những kỳ thủ có bộ óc siêu việt như Carlsen, tất cả những dữ liệu này đều có thể nằm trong sự tính toán của anh. Tất nhiên, vua cờ chỉ vừa "khởi nghiệp" poker, anh cần thêm nhiều thời gian và kinh nghiệm thi đấu để làm quen với thử thách mới.

Bên cạnh cuộc phiêu lưu hứa hẹn đầy thú vị, tiền bạc có thể cũng là động cơ quan trọng thôi thúc Carlsen từ bỏ vị thế vua cờ để gia nhập làng poker. Cứ 2 năm một lần, chiến thắng ở trận cờ vô địch thế giới mang về cho anh khoản tiền thưởng hơn 1 triệu USD. 

Trong khi đó, Giải vô địch poker thế giới thường niên mang về số tiền thưởng khoảng 10 triệu USD cho người thắng cuộc, và người đứng cuối trong top 10 cũng bỏ túi gần 1 triệu USD.■

Những đại kiện tướng bỏ cờ theo poker

Trước Carlsen, chuyện các kỳ thủ bỏ cờ theo poker không hiếm. Nổi tiếng nhất là 2 siêu đại kiện tướng Alexander Grischuk (Nga) và Loek Van Wely (Hà Lan). Cả hai từng lọt vào top 10 cờ vua thế giới, trước khi thử sức với poker, nhưng lại không mấy thành công. Điểm chung của họ là chuyển hướng khá muộn, khi gần 40 tuổi.

Thống kê của trang Chess24.com cho thấy những kỳ thủ chuyển sang poker ở độ tuổi đôi mươi thành công hơn nhiều. Nổi bật nhất là Dan Smith (Mỹ) - người từng từ chối học bổng đại học từ thành tích cờ vua để theo đuổi poker - đã kiếm được số tiền thưởng lên đến 37 triệu USD và hiện vẫn còn thi đấu.

Dan Harrington (Mỹ) - kiện tướng cờ vua từng vô địch tiểu bang ở Mỹ - cũng chuyển sang poker ở tuổi 30 và sau đó giành được số tiền thưởng hơn 6 triệu USD xuyên suốt sự nghiệp.

Làng cờ nói về quyết định của Carlsen

Kỳ thủ Ấn Độ Viswanathan Anand (4 lần vô địch thế giới): "Tôi hiểu quyết định của Carlsen, thật sự mệt mỏi khi cứ liên tiếp phải chơi trận cờ vô địch thế giới. Vì tôi đã từng thua nên tôi không đối diện với nó, nhưng Magnus thì khác".

Kỳ thủ người Nga Vladimir Kramnik (2 lần vô địch thế giới): "Đây là một quyết định được mọi người mong đợi, dù lúc này chúng ta chưa thể biết nó tốt hay xấu đối với làng cờ. Hãy chờ xem".

Kỳ thủ người Croatia - Nga Garry Kasparov (6 lần vô địch thế giới): "Duy trì động lực sau khi đã vô địch thế giới cũng tương tự như phải leo lên đỉnh Everest 2 lần, hay thậm chí 6 lần. Điều đó rất khó khăn vì bạn đã đạt được mục tiêu của cuộc đời. 30 năm trước tôi cũng quyết định rời bỏ FIDE (Liên đoàn Cờ vua thế giới)".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận