Vòng loại World Cup 2022: Trung Quốc vẫn loay hoay

HUY ĐĂNG 29/09/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Ngày 7-10, tuyển Việt Nam sẽ gặp Trung Quốc trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 khu vực châu Á, World Cup 2022. Ngay từ bây giờ, dư luận và người hâm mộ cả hai nước đã nóng...

Tháng 9-2019, HLV Marcelo Lippi tham gia buổi lễ tuyên thệ trong ngày tuyển Trung Quốc xuất quân tham dự vòng loại World Cup 2022. 

Đó hẳn là kỷ niệm độc nhất vô nhị trong sự nghiệp đầy ắp vinh quang của chiến lược gia lão làng người Ý. Hai năm sau, tuyển Trung Quốc đã đi đến giai đoạn cuối cùng vòng loại World Cup 2022, nhưng cái tên Lippi chỉ còn là dĩ vãng. 

Wu Lei (trái) là cầu thủ Trung Quốc hiếm hoi sánh ngang được với các đồng nghiệp ở Hàn Quốc, Nhật Bản về trình độ. Ảnh: SCMP

 

Đại nhảy vọt bất thành

Lippi chính thức rời ghế HLV trưởng Trung Quốc vào tháng 11-2019, kết thúc hành trình “truyền giáo” 7 năm của ông ở đất nước có nền thể thao thành tích cao cực mạnh, trừ bóng đá. 

Khi cựu HLV từng giúp tuyển Ý vô địch World Cup 2006 này đồng ý đến CLB Guangzhou Evergrande làm việc vào năm 2012 (và 4 năm sau đó ngồi ghế tuyển quốc gia), đó được xem là thành công của bóng đá Trung Quốc.

Sau khi chia tay, ông vẫn nói tốt về bóng đá Trung Quốc và thẳng thắn thừa nhận chính mức lương quá cao của ông (28 triệu USD/năm) là một vấn đề. “Tôi được trả lương quá cao và cần phải nhận trách nhiệm khi thành tích không làm thỏa mãn người hâm mộ” - Lippi tỏ ra sòng phẳng.

Sau 7 năm làm việc, ông để lại gì cho bóng đá Trung Quốc? 

Lời khuyên tất nhiên là có, nhưng độ hữu ích thì chưa chắc. Chiến lược gia người Ý luôn ủng hộ chính sách nhập tịch cầu thủ ngoại cho đội tuyển quốc gia Trung Quốc, và đến giờ vẫn tin đó là cách tốt nhất để Trung Quốc hiện thực hóa giấc mơ World Cup.

Lịch sử phát triển bóng đá Trung Quốc khoảng 10 năm qua có nhiều cột mốc quan trọng. Một trong số đó là chuyến thăm CLB Manchester City năm 2015 của Chủ tịch Tập Cận Bình. 

Sau chuyến đi đó, “kế hoạch 2050” ra đời. Bóng đá Trung Quốc đặt ra chiến lược phát triển 3 giai đoạn. Từ năm 2016 - 2022, Giải vô địch quốc gia (Chinese Super League, CSL) sẽ trở thành một giải đấu hấp dẫn như Premier League. 

Năm 2022 - 2038, các đội tuyển quốc gia trẻ của Trung Quốc phải nằm trong top 3 châu Á, để rồi đến 12 năm tiếp đó, họ đủ sức cạnh tranh chức vô địch World Cup.

Một chiến lược đầy tham vọng, được tiếp sức bởi nguồn lực tưởng chừng không đáy. Chính phủ Trung Quốc tạo điều kiện cho các tập đoàn lớn nhất nước ồ ạt đầu tư vào bóng đá. 

Họ nhanh chóng biến CSL thành giải đấu đắt giá nhất châu Á với hàng trăm triệu USD mỗi năm chi ra trên thị trường chuyển nhượng. 

Hàng loạt lò đào tạo trẻ cũng mọc lên, với mục tiêu sở hữu 20.000 trung tâm huấn luyện chất lượng cao và 70.000 sân bóng đạt chuẩn thế giới. Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) cũng mời về những HLV ngoại chất lượng để làm kiến trúc sư cho cuộc “đại nhảy vọt” đấy.

Từ nay đến hạn chót của kế hoạch còn gần 30 năm, nhưng “mục tiêu 2050” tới giờ coi như thất bại. Năm 2020 thay vì trở thành năm tổng kết cho giai đoạn một, lại đánh dấu sự chấm dứt của thời kỳ tiền muôn bạc vạn đổ tiền vào CSL. 

Giới quản lý bóng đá Trung Quốc giờ nhận ra cách làm này không đúng nếu họ muốn hướng đến sự phát triển bền vững. Những ngôi sao ngoại quốc, thay vì giúp nâng trình độ cầu thủ bản địa, lại gây ra những tác động tiêu cực ngoài mong đợi.

Thất bại của bóng đá chính sách

Nhưng “đâm lao buộc phải theo lao”. Sau cuộc cải tổ của CFA, CSL vẫn còn hàng chục ngôi sao ngoại và mục tiêu tham dự World Cup 2022. 

Thực hiện lời khuyên của Lippi, Trung Quốc bắt đầu nhập tịch cầu thủ, một vấn đề gây nhiều tranh cãi ở đất nước có tinh thần dân tộc rất cao này.

Hậu vệ người Anh Tyias Browning cùng bộ 3 tiền đạo Brazil Elkeson, Alan và Aloisio là 4 cầu thủ nhập tịch được Trung Quốc triệu tập cho đợt vòng loại World Cup hồi đầu tháng 9. HLV Li Tie còn có thêm nhiều lựa chọn khác như tiền vệ gốc Anh Nico Yennaris hay tiền đạo gốc Brazil Fernandinho.

Khi gặp Úc, Elkeson và Browning được cho đá chính. Đến trận gặp Nhật Bản, cả 4 cầu thủ nhập tịch đều lần lượt vào sân. 

Nhưng kết quả vẫn đáng thất vọng: 2 trận thua cùng hiệu số âm 4 khiến Trung Quốc cay đắng chấp nhận vị trí chót bảng B và cơ hội đi tiếp bị đánh giá còn không đầy 1%. Màn trình diễn của các ngoại binh cũng rất nhạt nhòa.

Tương lai của các cầu thủ nhập tịch giờ không còn chắc chắn. Truyền thông Trung Quốc công bố khoản nợ của Tập đoàn China Evergrande, nhà tài trợ bóng đá số 1 trong nước, đã lên đến 300 tỉ USD, và đội bóng của họ GuangZhou Evergrande có thể phải sớm chia tay các ngoại binh để tiết kiệm tiền. 

Dù đã đẩy đi 2 ngôi sao hàng đầu là Paulinho và Talisca, đội ngũ ngoại binh và cầu thủ nhập tịch vẫn ngốn của GuangZhou Evergrande gần 50 triệu USD tiền lương mỗi năm.

Thất bại của ngoại binh nhập tịch có thể sẽ trở thành chung cuộc cho “Kế hoạch 2050”, dù tiến trình xây dựng các học viện và sân bóng tối tân vẫn đang diễn ra. 

Sự đầu tư mà Chính phủ Trung Quốc dành cho nền bóng đá nước nhà không sai, vấn đề là họ “thiếu một nền văn hóa bóng đá”, như ông Simon Chadwick, giáo sư chuyên ngành thể thao Á - Âu, nhận định. 

Theo Chadwick, nền thể thao phong trào của phương Tây là điều mà chính sách bóng đá của Trung Quốc không thể tạo ra được. 

Ở Anh, Mỹ, Pháp hay Nhật Bản, Úc, các gia đình đến kín những sân bóng nghiệp dư vào cuối tuần và hào hứng đưa con họ tham gia. Mô hình kim tự tháp đó giúp hệ thống đào tạo trẻ các nền bóng đá tiên tiến luôn có cầu thủ chất lượng mà không cần một chính sách ưu tiên cho thể thao theo chỉ đạo từ trên xuống.

Chỉ sau 2 trận, tấm vé dự World Cup đã xa tầm với của tuyển Trung Quốc. Nhưng điều đáng buồn hơn với nền bóng đá nước này là cho đến giờ họ vẫn chưa biết phải bắt đầu cuộc cải cách như thế nào.

Bóng đá Trung Quốc đang đi ngược chiều?

Sau 2 trận thua trước Úc và Nhật Bản, HLV Li Tie đã hứng chịu nhiều chỉ trích, nhưng cũng có nhiều người lên tiếng bảo vệ ông. 

Cựu HLV tuyển Trung Quốc Zhu Guanghu cho rằng bóng đá Trung Quốc hiện có quá ít cầu thủ giỏi, và các nhà quản lý nên tập trung vào việc đưa cầu thủ ra nước ngoài “du học” thay vì thu hút những ngoại binh đắt giá. 

“Nếu Trung Quốc có 20 - 30 cầu thủ đang chơi ở các giải bóng đá châu Âu, dù là hạng nhì hay hạng ba, chắc chắn màn trình diễn của họ sẽ tốt hơn”, ông Zhu nói. 

Trong đội hình Trung Quốc hiện chỉ có duy nhất một cầu thủ đang chơi bóng ở châu Âu là Wu Lei (Espanyol, Tây Ban Nha). Tuy nhiên, nếu Li Tie thua nốt Việt Nam vào ngày 7-10 tới đây, chắc chả còn ai dám bảo vệ cho cựu ngôi sao này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận