Vốn gián tiếp ngày càng chọn lọc

NHƯ BÌNH 20/10/2016 21:10 GMT+7

TTC T- Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) gần đây vẫn tiếp tục đổ vào VN nhưng không dàn trải như trước, các nhà đầu tư nước ngoài thận trọng và chọn lọc nơi bỏ vốn.

Vốn đầu tư gián tiếp đổ vào các dự án bất động sản gần đây tăng lên -Thuận Thắng
Vốn đầu tư gián tiếp đổ vào các dự án bất động sản gần đây tăng lên -Thuận Thắng


Lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, thực phẩm, đồ uống vẫn là danh mục ưu tiên của các quỹ đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp tư nhân vẫn là lựa chọn

Giám đốc một quỹ đầu tư trong nước ví von: nếu như trước đây các quỹ có thể giữ “thế trên” khi đàm phán với các doanh nghiệp tư nhân thì giờ tình hình đã khác. Số doanh nghiệp VN có mức tăng trưởng tốt, đầy tiềm năng không còn dồi dào như trước. Thời điểm những tháng cuối năm thường sôi động những công bố đầu tư vào doanh nghiệp của các quỹ đầu tư, nay chỉ rải rác, khác với những năm trước.

VinaCapital được xem là tập đoàn quản lý quỹ đầu tư có nhiều khoản đầu tư năng động. Gần đây là thương vụ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Ltd (VOF) cùng quỹ đầu tư DEG - thành viên của Tập đoàn KfW (Đức) đầu tư 30 triệu USD vào Công ty CP gỗ An Cường.

Trước đó, VOF cũng đã bổ sung vào danh mục đầu tư của mình bằng khoản đầu tư 9 triệu USD vào Bệnh viện quốc tế Thái Hòa (tỉnh Đồng Tháp). Theo cập nhật mới nhất của VinaCapital, danh mục đầu tư cổ phần tư nhân hoạt động hiệu quả nhất trong các danh mục của VOF, đạt tỉ lệ lợi nhuận bình quân gần 26%/năm từ năm 2013-2015.

Trong lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng, các sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ tiêu dùng tại VN, các thương vụ diễn ra có quy mô nhỏ hơn, nhưng đó thật sự là nguồn vốn quan trọng trong bối cảnh doanh nghiệp khát vốn như quỹ đầu tư Nhật Bản là Mizuho Asia Partners Pte. Ltd. rót 9,3 triệu USD vào Công ty TNHH chế biến thực phẩm và bánh kẹo Phạm Nguyên, Mekong Capital rót 6,9 triệu USD vào chuỗi nhà hàng Wrap & Roll, quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM) cũng công bố đầu tư một khoản vốn lớn vào lĩnh vực sản xuất nước mắm khi mua lại hệ thống sản xuất nước mắm Red Boat (Kiên Giang)...

Ông Andy Ho, giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận đầu tư của VinaCapital, cho rằng dù có hiện tượng bán ròng trên thị trường, bức tranh về đầu tư gián tiếp của VN hiện vẫn tích cực, chỉ tính riêng các thương vụ đầu tư hơn 50% cổ phần trong bảy tháng đầu năm thì tổng giá trị đã hơn 1,5 tỉ USD.

Tính đường dài

Nhận định về dòng chảy vốn FII, ông Phạm Hồng Hải, tổng giám đốc HSBC, cho rằng vốn FII sẽ không dàn trải như trước, các nhà đầu tư đã có sự chọn lọc kỹ hơn, dù chắc chắn khoản đầu tư ấy dành cho thị trường VN nhưng bước đi của họ thận trọng hơn.

Cơ hội hút vốn FII của VN hiện nay còn đến từ các đợt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) bán thêm cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và sắp tới Sabeco, Vinamilk... cũng bán thêm cổ phần.

Theo ông Vũ Bằng - chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), sáu tháng đầu năm 2016, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thuần thị trường chứng khoán tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 772 triệu USD.

Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đến tháng 6 đạt trên 16 tỉ USD - mức cao nhất từ trước đến nay. Huy động vốn bảy tháng đầu năm nay ước tăng tới 81%, đạt gần 254,5 nghìn tỉ đồng.

“Chính sách nới room, cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 100% vốn tại một số doanh nghiệp cũng như quyết định đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại những doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa đang thúc đẩy vốn FII vào VN tăng mạnh” - ông Vũ Bằng nhận xét.

Ông Andy Ho cũng cho rằng nhà đầu tư nước ngoài luôn mong muốn tham gia vào nền kinh tế có nền tảng vĩ mô ổn định, thị trường nội địa giàu tiềm năng, khối doanh nghiệp tư nhân phát triển ngày càng chuyên nghiệp và tự tin hơn trong cạnh tranh quốc tế.

VN có đủ các điều kiện thuận lợi này, thêm vào đó là mức định giá vẫn đang hấp dẫn so với thị trường khu vực, quy mô của thị trường vốn còn khiêm tốn và do đó tạo nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài. “Tôi không thể cam đoan tình hình vốn đầu tư tài chính sẽ ra sao trong phần còn lại của năm, nhưng tôi tin tưởng rằng triển vọng cho 3-5 năm tới là rất tích cực” - ông Andy Ho nói. ■

Vốn nước ngoài vào bất động sản sôi động

Nhà đầu tư Nhật Bản, Singapore tiếp tục rót thêm tiền vào lĩnh vực bất động sản VN là nét chấm phá trong dòng chảy vốn đầu tư ba quý đầu năm 2016.

Trung tuần tháng 9, quỹ đầu tư Indochina Capital và Tập đoàn Nhật Bản Kajima tuyên bố ra mắt liên doanh Indochina Kajima Development (ICC-Kajima). Với tỉ lệ góp vốn 50:50, theo công bố, dự kiến trong một thập kỷ tới ICC-Kajima sẽ đầu tư khoảng 1 tỉ USD phát triển nhiều dự án văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp trải dài khắp nhiều thành phố lớn ở VN.

Ông Peter Ryder, tổng giám đốc Indochina Capital, cho biết trong 12-15 tháng tới liên doanh sẽ triển khai 3-4 dự án tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, tổng số vốn ước tính trên 100 triệu USD.

Kajima là nhà thầu xây dựng từng tham gia xây dựng sân bay Tân Sơn Nhất và một số dự án văn phòng, khách sạn tại VN. Nhưng đây là lần rót vốn đầu tiên vào bất động sản VN của một trong các tập đoàn xây lắp bất động sản lớn nhất Nhật Bản.

Ông Keisuke Koshijima - giám đốc phát triển các thị trường nước ngoài của tập đoàn có giá trị vốn hóa thị trường 7,5 tỉ USD - cho biết trong nửa năm qua công ty này đã xem xét khoảng 50 dự án trước khi quyết định chốt lại cùng Indochina triển khai 3-4 dự án.

Một quỹ đầu tư Nhật Bản khác là Creed Group thậm chí nhiều lần rót vốn vào nhiều dự án bất động sản VN. Tháng 3-2016, Creed Group công bố hợp tác ba bên với An Gia và Phát Đạt để hồi sinh một dự án đóng băng nhiều năm là Everich 2 tại quận 7, TP.HCM.

Với tên gọi mới River City, dự án có vốn đầu tư 500 triệu USD, dự kiến đưa ra thị trường 8.000 căn hộ. Đây là dự án thứ hai mà Creed đã hợp tác cùng với An Gia sau dự án chung cư An Gia Skyline.

Năm 2014, quỹ đầu tư Nhật này cũng đã mua 600 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp của Công ty CP đầu tư Năm Bảy Bảy, đầu tư gián tiếp vào dự án 1.000 căn hộ City Gate Towers của công ty này tại quận 8, TP.HCM.

Hai đồng hương khác của Creed là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad vào quý 2 năm nay tiếp tục hợp tác với Công ty CP đầu tư Nam Long phát triển dự án Fuji Residence tại quận 9, TP.HCM. Đây là lần thứ hai Nam Long hợp tác với hai quỹ Nhật sau dự án Flora Anh Đào cung cấp 500 đơn vị nhà ở.

Ông Toshihiko Muneyoshi, chủ tịch Creed Group, cho biết tập đoàn đầu tư vào bất động sản VN không nằm ngoài xu thế dòng chảy vốn đầu tư gián tiếp đến từ Nhật Bản. Quỹ xem xét và quyết định đầu tư vào VN khi đánh giá thị trường bất động sản còn nhiều tiềm năng phát triển.

Hai lực kéo chính cho thị trường đi lên là nền kinh tế tiếp tục phát triển và quy mô dân số bùng nổ khiến nhu cầu nhà ở luôn ở tình trạng căng thẳng.

Chủ tịch An Gia Nguyễn Bá Sáng cho biết Creed đầu tư vào VN theo hình thức hợp tác qua từng dự án. Ông cho biết kỳ vọng của đối tác lợi nhuận khoảng 20% vốn đầu tư trên vòng đời mỗi dự án kéo dài từ 2,5-3 năm.

Bình luận về điều này, ông Vũ Quang Thịnh, giám đốc của Công ty quản lý quỹ Vietnam Holding, nhận xét với tỉ suất lợi nhuận đạt khoảng 7-8%/năm trong kịch bản đồng tiền trượt giá 2% mỗi năm thì mức sinh lời 5-6%/năm theo USD vẫn khá hấp dẫn với các nhà đầu tư Nhật Bản, quốc gia mà ngân hàng trung ương đang duy trì mức lãi suất tiền gửi âm để kích thích nhu cầu tiêu dùng, đầu tư.

Song song với Nhật Bản, Singapore nổi lên là quốc gia năng động trong việc tìm kiếm các cơ hội ở thị trường bất động sản VN. Sau khi khai trương trung tâm thương mại Vivocity tại quận 7, giữa năm 2016 Tập đoàn Mapletree vừa nhận chuyển nhượng lại tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại Kumho Asiana Plaza Saigon từ các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Giá trị chuyển nhượng được bảo mật nhưng theo Công ty tư vấn JLL, đó là một trong mười thương vụ M&A quy mô nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong nửa đầu năm 2016.

Trong khi các tay chơi mới gia nhập như Mapletree không muốn chậm chân thì một nhà đầu tư Singapore khác với hơn 20 năm hiện diện tại VN muốn tiếp tục gây ảnh hưởng. Dù đã triển khai khoảng 20 dự án nhưng năm qua Tập đoàn Kepple Land tiếp tục bành trướng hoạt động khi mua 500 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi của Nam Long sau khi nắm gần 5% cổ phần của công ty này từ năm 2015.

Kepple Land là tập đoàn bất động sản Singapore đặt chân sớm nhất vào thị trường bất động sản VN vào giữa những năm 1990 với dự án đầu tay Saigon Center (giai đoạn 1). Mới nhất Kepple Land cũng vừa công bố đạt được thỏa thuận góp 40% vốn trong dự án Empire City có quy mô vốn đầu tư 1,2 tỉ USD tại Thủ Thiêm do một công ty bất động sản nội địa làm chủ đầu tư.

Dù đang giao dịch sôi động nhưng giới phân tích đánh giá thị trường bất động sản VN có một điểm yếu cố hữu khi giá bán được xem có khoảng cách khá xa với khả năng chi trả thực tế của đa số người dân. Những năm qua thị trường có giai đoạn đột ngột chuyển sang trạng thái nóng, lạnh. Bởi vậy đã có những quan ngại vốn ngoại theo đó cũng không bền vững, có thể đảo chiều.

Tuy nhiên, theo ông Phước Võ Mrics - giám đốc nghiên cứu và định giá của Cushman & Wakefield, thời gian qua vốn nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản sôi động vì thị trường ấm lên, nhiều dự án ngưng trệ nhiều năm qua được tái khởi động.

Theo chuyên gia của Cushman & Wakefield, một lý do khác là các tập đoàn lớn, có tiềm lực tài chính có áp lực phải giải ngân mở rộng danh mục đầu tư và thị trường VN là một điểm đến, trong đó các tài sản, dự án hứa hẹn tỉ suất lợi nhuận từ 7% trở lên đang được săn lùng.

Phú Kiệt

Hơn 150 chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư đến từ khắp nơi trên thế giới tham dự hội nghị các nhà đầu tư VinaCapital năm 2016 trong hai ngày 13 và 14-10 tại TP.HCM. Trong danh sách khách mời năm nay có đại diện của các tập đoàn đầu tư nổi tiếng của Mỹ và châu Âu như The Carlyle Group, Lazard, UBS, DEG...; các nhà đầu tư lớn từ châu Á như Nomura (Nhật), Kasikorn Asset Management (Thái Lan), Vertex Venture Holdings (Singapore)... Các nhà đầu tư sẽ được cung cấp thông tin về kinh tế vĩ mô và xu hướng phát triển của các thị trường Đông Nam Á, thảo luận về cơ hội đầu tư mạo hiểm tại VN... Các nhà đầu tư có buổi gặp gỡ và trao đổi cơ hội đầu tư với đại diện một số doanh nghiệp triển vọng nhất của Việt Nam. Đây là hội nghị quan trọng giúp các quỹ đầu tư nước ngoài định hướng và quyết định danh mục đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận